Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tạng Luật (Vinayapiṭaka)
Phân Tích Giới Tỳ Khưu (Bhikkhuvibhanga)
Tập 1
Chương 5. Chương Mười ba pháp (Terasakaṇḍaṃ)
10. Điều Tăng tàng (Saṅghādisesa) thứ mười: Chia rẽ hội chúng
Mục Lục
[592] Câu chuyện về tỳ-khưu Devadatta yêu cầu năm sự việc
[595] Sự quy định điều học
[596] Giải nghĩa từ ngữ của điều học
[598] Tuyên ngôn nhắc nhở
[600] Các yếu tố xác định tội
[601] Các trường hợp không phạm tội
Nội Dung
[592] Câu chuyện về tỳ-khưu
Devadatta yêu cầu năm sự việc
[592] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Vel,uvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, Devadatta đã đi đến gặp Kokālika, Kaṭamorakatissaka con trai của Khaṇḍadevī, và Samuddadatto; đến rồi đã nói với Kokālika, Kaṭamorakatissaka con trai của Khaṇḍadevī, và Samuddadatto điều này:
- Này các đại đức, hãy đi. Chúng ta sẽ tiến hành việc chia rẽ hội
chúng của Sa-môn Gotama, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo.
Khi được nói như thế, Kokālika đã nói với Devadatta điều này:
- Này đại đức, Sa-môn Gotama thật sự có đại thần lực, có đại oai
lực. Làm thế nào chúng ta sẽ tiến hành việc chia rẽ hội chúng của Sa-môn
Gotama, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo được?
- Này các đại đức, hãy đi. Chúng ta sẽ đi đến gặp Sa-môn Gotama
và yêu cầu năm sự việc: “Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn,
sự tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực
bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, sự
tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực
bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, lành thay các tỳ khưu nên là các vị sống ở rừng
cho đến trọn đời; vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời
là các vị khất thực; vị nào hoan hỷ sự thỉnh mời thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn
đời là các vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, vị nào hoan hỷ y của gia chủ
thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời là các vị sống ở gốc cây; vị nào đi đến
mái che thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời không ăn cá thịt; vị nào ăn cá thịt
thì vị ấy phạm tội.” Sa-môn Gotama sẽ không cho phép năm sự việc này. Và chúng
ta đây sẽ công bố cho dân chúng biết về năm sự việc này.
- Này đại đức, với năm sự việc này thì có thể tiến hành việc chia
rẽ hội chúng của Sa-môn Gotama, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo. Này đại đức,
bởi vì dân chúng có niềm tin với khổ hạnh.
[593] Sau đó, Devadatta cùng phe cánh đã đi đến gặp đức Thế Tôn,
sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống
một bên, Devadatta đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, sự tự
biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng
nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, sự tự
biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng
nhiều phương thức. Bạch ngài, lành thay các tỳ khưu nên là các vị sống ở rừng
cho đến trọn đời; vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời
là các vị khất thực; vị nào hoan hỷ sự thỉnh mời thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn
đời là các vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, vị nào hoan hỷ y của gia chủ thì
vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời là các vị sống ở gốc cây; vị nào đi đến mái
che thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời không ăn cá thịt; vị nào ăn cá thịt
thì vị ấy phạm tội.
- Này Devadatta, thôi đi. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị sống ở
rừng; vị nào muốn thì cứ cư ngụ ở trong làng. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị
khất thực; vị nào muốn thì cứ hoan hỷ việc thỉnh mời. Vị nào muốn thì hãy là vị
mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ; vị nào muốn thì cứ hoan hỷ y của gia chủ. Này
Devadatta, ta cho phép chỗ trú ngụ là gốc cây trong tám tháng. Cá thịt là thanh
tịnh với ba điều kiện là: “Không thấy, không nghe, và không nghi ngờ.”
[594] Khi ấy, Devadatta (biết rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép
năm sự việc này,” nên mừng rỡ, phấn chấn cùng phe cánh từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh
lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, Devadatta cùng phe cánh đã đi vào thành Rājagaha công bố
cho dân chúng biết về năm sự việc:
- Này các đạo hữu, chúng tôi đã đi đến gặp Sa-môn Gotama và đã
yêu cầu năm sự việc: “Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn,
sự tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực
bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, sự
tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực
bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, lành thay các tỳ khưu nên là các vị sống ở rừng
cho đến trọn đời; vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời
là các vị khất thực; vị nào hoan hỷ sự thỉnh mời thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn
đời là các vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, vị nào hoan hỷ y của gia chủ
thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời là các vị sống ở gốc cây; vị nào đi đến
mái che thì vị ấy phạm tội. Cho đến trọn đời không ăn cá thịt; vị nào ăn cá thịt
thì vị ấy phạm tội.” Sa-môn Gotama không cho phép năm sự việc này. Còn chúng
tôi sẽ thọ trì và thực hành năm sự việc này.
[595] Sự quy định điều học
[595] Ở nơi ấy, những người nào không có đức tin, không mộ đạo, kém sáng suốt, những người ấy đã nói như vầy:
- Các sa-môn Thích tử này đúng là có sự từ bỏ, có sở hành đoạn trừ;
còn Sa-môn Gotama là kẻ xa hoa nên nghĩ đến việc xa hoa.
Còn những người nào có đức tin, mộ đạo, sáng suốt, những người ấy
phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao Devadatta lại ra sức việc chia rẽ hội chúng của đức Thế
Tôn, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo?
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê
bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê
bai rằng:
- Vì sao Devadatta lại ra sức chia rẽ hội chúng của đức Thế Tôn,
tức là việc phân chia quyền lãnh đạo?
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ
khưu lại và đã hỏi Devadatta rằng:
- Này Devadatta, nghe nói ngươi ra sức chia rẽ hội chúng, tức là
việc phân chia quyền lãnh đạo, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, . .(như trên)... Này kẻ rồ
dại, vì sao ngươi lại ra sức chia rẽ hội chúng, tức là việc phân chia quyền
lãnh đạo vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ
chưa có đức tin, ...(như trên)... Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều
học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào ra sức chia rẽ hội chúng hợp nhất hoặc nắm lấy
cuộc tranh tụng đưa đến chia rẽ, rồi loan truyền, chấp giữ. Vị tỳ khưu ấy nên
được nói bởi các tỳ khưu như vầy: ‘Đại đức chớ có ra sức chia rẽ hội chúng hợp
nhất, hoặc nắm lấy cuộc tranh tụng đưa đến chia rẽ, rồi loan truyền, chấp giữ.
Đại đức hãy hòa nhập cùng hội chúng vì hội chúng hợp nhất, thân thiện, không
cãi cọ, chung một nguyên tắc [1] thì sống được an lạc.’ Và khi được các tỳ khưu
nói như vậy mà vị tỳ khưu ấy vẫn chấp giữ y như thế, thì vị tỳ khưu ấy nên được
các tỳ khưu nhắc nhở đến lần thứ ba để dứt bỏ việc ấy. Nếu được nhắc nhở đến lần
thứ ba mà dứt bỏ việc ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ thì phạm
tội saṅghādisesa (tăng tàng).”
[596] Giải nghĩa từ ngữ của điều
học
[596] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...
Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập
trong ý nghĩa này.
Hội chúng hợp nhất nghĩa là có sự đồng cộng trú được thiết lập
trong cùng ranh giới (sīmā).
Ra sức chia rẽ: vị (nghĩ rằng): “Làm thế nào để những người này
trở thành khác biệt, trở thành tách biệt, trở thành phe nhóm?” rồi tầm cầu phe
cánh, kết hợp nhóm bọn.
Hoặc là cuộc tranh tụng đưa đến chia rẽ: là mười tám sự việc làm
chia rẽ.[2]
Nắm lấy: là chọn lấy.
Loan truyền: là khơi lên.
Chấp giữ: là không chịu từ bỏ.
[597] Vị tỳ khưu ấy: là vị tỳ khưu chia rẽ hội chúng.
Bởi các tỳ khưu: là bởi các vị tỳ khưu khác. Các vị nào thấy, các
vị nào nghe, các vị ấy nên nói rằng: “Đại đức chớ có ra sức chia rẽ hội chúng hợp
nhất, hoặc nắm lấy cuộc tranh tụng đưa đến chia rẽ, rồi loan truyền, chấp giữ.
Đại đức hãy hòa nhập cùng hội chúng vì hội chúng hợp nhất, thân thiện, không
cãi cọ, chung một nguyên tắc, thì sống được an lạc.” Nên được nói đến lần thứ
nhì. Nên được nói đến lần thứ ba. Nếu (vị ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp;
nếu không dứt bỏ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị sau khi nghe mà không
nói thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vị tỳ khưu ấy nên được kéo[3] đến giữa hội chúng rồi nên được nói
rằng: “Đại đức chớ có ra sức chia rẽ hội chúng hợp nhất, hoặc nắm lấy cuộc
tranh tụng đưa đến chia rẽ, rồi loan truyền, chấp giữ. Đại đức hãy hòa nhập
cùng hội chúng vì hội chúng hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, chung một
nguyên tắc, thì sống được an lạc.” Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến
lần thứ ba. Nếu (vị ấy) dứt bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không dứt bỏ
thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[598] Tuyên ngôn nhắc nhở
[598] Vị tỳ khưu ấy nên được nhắc nhở. Và này các tỳ khưu, nên được
nhắc nhở như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ
năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này
tên (như vầy) ra sức chia rẽ hội chúng hợp nhất. Vị ấy không dứt bỏ sự việc ấy.
Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên nhắc nhở vị tỳ khưu tên
(như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này
tên (như vầy) ra sức chia rẽ hội chúng hợp nhất. Vị ấy không dứt bỏ sự việc ấy.
Hội chúng nhắc nhở vị tỳ khưu tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đại đức nào đồng
ý việc nhắc nhở vị tỳ khưu tên (như vầy) để dứt bỏ sự việc ấy xin im lặng; vị
nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: ...(như trên)...
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch các ngài, xin hội
chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) ra sức chia rẽ hội chúng
hợp nhất. Vị ấy không dứt bỏ sự việc ấy. Hội chúng nhắc nhở vị tỳ khưu tên (như
vầy) để dứt bỏ sự việc ấy. Đại đức nào đồng ý việc nhắc nhở vị tỳ khưu tên (như
vầy) để dứt bỏ sự việc ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng nhắc nhở để dứt bỏ sự
việc ấy. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc
này là như vậy.”
[599] Tội dukkaṭa (tác ác) do lời đề nghị. Các tội thullaccaya
(trọng tội) do hai lời thông báo của hành sự (dvīhi kammavācāhi). Khi chấm dứt
tuyên ngôn hành sự thì phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng).[4] Đối với vị vi phạm
tội saṅghādisesa, thì tội dukkaṭa do lời đề nghị và các tội thullaccaya do hai
lời thông báo của hành sự hết hiệu lực.
Tội saṅghādisesa (tăng tàng): ...(như trên)... vì thế được gọi là “tội saṅghādisesa.”
[600] Các yếu tố xác định tội
[600] Hành sự đúng Pháp, nhận biết là hành sự đúng Pháp, vị không dứt bỏ thì phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng).
Hành sự đúng Pháp, có sự hoài nghi, vị không dứt bỏ thì phạm tội
saṅghādisesa (tăng tàng).
Hành sự đúng Pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai Pháp, vị không dứt
bỏ thì phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng).
Hành sự sai Pháp, (lầm) tưởng là hành sự đúng Pháp, phạm tội
dukkaṭa (tác ác).
Hành sự sai Pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Hành sự sai Pháp, nhận biết là hành sự sai Pháp, phạm tội dukkaṭa
(tác ác).
[601] Các trường hợp không phạm
tội
[601] Vị chưa được nhắc nhở, vị dứt bỏ, vị bị điên,[5] vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Hết điều saṅghādisesa (tăng tàng)
thứ mười
Xem tiếp Chương 6 - Quay Về Mục Lục Phân Tích Giới Tì Khưu 1
Quay về Mục Lục Tạng Luật
0 Comments