Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tạng Luật (Vinayapiṭaka)
Đại Phẩm (Mahāvagga)
Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên
dịch
Chương 1. Trọng Yếu (MahākhandhakaṂ)
4. Tụng phẩm thứ tư
Mục Lục
[56] Đi đến thành Rājagaha. Đức vua Seniya Bimbisāra đi đến yết
kiến
[58] Tế độ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha và mười ngàn cư sĩ
[59] Năm điều ước nguyện của đức vua được thành tựu
[61] Bài kệ của chúa chư thiên Sakka
[63] Sự cúng dường Veḷuvana
(Trúc Lâm)
[64] Câu chuyện về Sārīputta và Moggallāna. Câu chuyện về trưởng
lão Assaji
[70] Sārīputta và Moggallāna đi đến với đức Thế Tôn
[73] Lời đồn đãi về đức Thế Tôn
Nội Dung
[56] Đi đến thành Rājagaha. Đức
vua Seniya Bimbisāra đi đến yết kiến
[56] Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha (Vương Xá) cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn vị tỳ khưu, hết thảy tất cả đều là đạo sĩ bện tóc trước đây. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó ở thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự ở khu rừng Laṭṭhi, nơi điện thờ Suppatiṭṭha.
[57] Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) đã nghe được
rằng: “Chắc chắn là ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sākya (Thích Ca), từ dòng
dõi Sākya đã xuất gia, đã ngự đến thành Rājagaha và trú ở khu rừng Laṭṭhi, nơi điện thờ Suppatiṭṭha. Tiếng tăm tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã
được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác,
Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên
Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy sau khi tự mình chứng ngộ thắng trí đã công bố về
thế gian này tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến
dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, và loài người. Vị ấy thuyết giảng Giáo
Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu
về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn
vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy!”
Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha được tháp tùng bởi một
trăm hai mươi ngàn[1] bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha đã đi đến gặp đức
Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Còn một
trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy, một số đã đảnh lễ
đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, một số đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn
sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi ngồi xuống ở một bên, một số đã chắp
tay cúi chào đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên, một số đã xưng tên họ trước
đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên, một số có thái độ im lặng rồi ngồi xuống ở
một bên. Khi ấy, một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy
đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn thực hành Phạm hạnh theo Uruvelakassapa hay
là Uruvelakassapa thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn?” Khi ấy, đức Thế Tôn
dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia
chủ người xứ Magadha ấy nên đã nói với đại đức Uruvelakassapa bằng bài kệ này:
- Sau khi đã thấy gì
dân Uruvelā
nổi danh người chuộc tội
đã từ bỏ lửa thần?
Hỡi này Kassapa
ta hỏi ngươi điều này:
“Tại sao ngươi từ bỏ
việc thờ lửa của ngươi?”
- Việc cúng tế nói về
các hình sắc, âm thanh,
rồi đến các mùi vị,
dục lạc, và đàn bà.
Nhận thức các trói buộc
“Việc ấy là ghê tởm;”
vì thế, con chẳng thích
việc hy sinh cúng tế.
Đức Thế Tôn nói rằng:
- Ở đây Kassapa,
tâm ngươi không thích thú
các sắc, tiếng, mùi vị,
như thế có điều gì
ở thế giới nhân thiên
tâm ngươi được thỏa thích
nói ta nghe điều ấy.
- Đã thấy được lối đi
thanh tịnh, không tái sanh
không tội, không trói buộc
trong dục lạc, hiện hữu,
không còn sanh cõi khác,
chẳng gì lôi kéo được;
vì thế, con chẳng thích
việc hy sinh cúng tế.
[58] Tế độ đức vua Seniya
Bimbisāra xứ Magadha và mười ngàn cư sĩ
[58] Sau đó, đại đức Uruvelakassapa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư của con, con là người đệ tử.
Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư của con, con là người đệ tử.
Khi ấy, một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ
Magadha ấy đã khởi ý điều này: “Uruvelakassapa thực hành Phạm hạnh theo vị đại
sa-môn.”
Sau đó, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của một
trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy nên đã thuyết Pháp
theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố
thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại
của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những
người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng,
ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt,
Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn
vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần,
không vết nhơ đã sanh khởi đến một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người
xứ Magadha ấy có đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đứng đầu: “Điều gì có bản
tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Mười ngàn (ekanahutaṃ) người đã tuyên bố bản thân là cư sĩ.
[59] Năm điều ước nguyện của đức
vua được thành tựu
[59] Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, trước đây khi còn là hoàng tử trẫm đã có năm điều ước
nguyện, giờ đây trẫm đã được toại nguyện các điều ấy. Bạch ngài, trước đây khi
còn là hoàng tử trẫm đã khởi ý điều này: “Ước gì người ta tấn phong ta làm
vua!” Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ nhất của trẫm, giờ đây trẫm đã được
toại nguyện điều ấy. “Ước gì bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đi vào vương quốc của
ta!” Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ nhì của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại
nguyện điều ấy. “Ước gì ta được tỏ lòng tôn kính đến đức Thế Tôn ấy!” Bạch
ngài, đó là điều ước nguyện thứ ba của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại nguyện
điều ấy. “Ước gì đức Thế Tôn ấy thuyết giảng Giáo Pháp cho ta!” Bạch ngài, đó
là điều ước nguyện thứ tư của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại nguyện điều ấy.
“Ước gì ta có thể hiểu được Giáo Pháp của đức Thế Tôn ấy!” Bạch ngài, đó là điều
ước nguyện thứ năm của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại nguyện điều ấy. Bạch
ngài, trước đây khi còn là hoàng tử, trẫm đã có năm điều ước nguyện này; giờ
đây trẫm đã được toại nguyện các điều ấy. Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch
ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được
úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu
nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;”
tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch
ngài, trẫm đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức
Thế Tôn chấp nhận trẫm là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời trẫm về bữa thọ trai vào ngày mai cùng với
hội chúng tỳ khưu.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, đức vua
Seniya Bimbisāra xứ Magadha hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ
ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
[60] Sau đó, khi trải qua đêm ấy đức vua Seniya Bimbisāra xứ
Magadha đã cho người chuẩn bị thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi sai
người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi vào
thành Rājagaha cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn vị tỳ khưu, hết thảy
tất cả đều là đạo sĩ bện tóc trước đây.
[61] Bài kệ của chúa chư thiên
Sakka
[61] Vào lúc bấy giờ, chúa của chư thiên Sakka đã biến thành hình dáng của người thanh niên đi phía trước hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu ngâm nga những lời kệ này:
Vị đã tự điều phục
đã hoàn toàn giải thoát
cùng những vị trước đây
là đạo sĩ bện tóc
giờ đã được điều phục,
được hoàn toàn giải thoát.
Với sắc màu vàng khối,
đức Thế Tôn đi vào
thành Rājagaha.
Vị đã được tự do
đã hoàn toàn giải thoát
cùng những vị trước đây
là đạo sĩ bện tóc
giờ đã được tự do,
được hoàn toàn giải thoát.
Với sắc màu vàng khối,
đức Thế Tôn đi vào
thành Rājagaha.
Vị đã tự vượt qua
đã hoàn toàn giải thoát
cùng những vị trước đây
là đạo sĩ bện tóc
giờ đã được vượt qua,
được hoàn toàn giải thoát.
Với sắc màu vàng khối,
đức Thế Tôn đi vào
thành Rājagaha.
Vị đã được thanh tịnh
đã hoàn toàn giải thoát
cùng những vị trước đây
là đạo sĩ bện tóc
giờ đã được thanh tịnh,
được hoàn toàn giải thoát.
Với sắc màu vàng khối,
đức Thế Tôn đi vào
thành Rājagaha.
Đấng Thập Trú,[2] Thập Lực,
vị thông hiểu mười pháp,[3]
và thành đạt mười điều.[4]
một ngàn vị tháp tùng
Thế Tôn ấy đi vào
thành Rājagaha.
[62] Dân chúng khi nhìn thấy chúa của chư Thiên Sakka đã nói như
vầy:
- Chàng thanh niên trẻ này thật đẹp trai! Chàng thanh niên trẻ
này thật duyên dáng! Chàng thanh niên trẻ này thật dễ mến! Chàng thanh niên trẻ
này là (thị giả) của ai vậy?
Khi được nói như thế, chúa của chư thiên Sakka đã nói với đám người
ấy bằng bài kệ này:
Vị nào bậc trí tuệ
đã điều phục vẹn toàn,
thanh tịnh, chẳng ai bằng,
là vị A-la-hán,
đấng Thiện Thệ ở đời,
ta thị giả vị ấy.
[63] Sự cúng dường Veḷuvana (Trúc Lâm)
[63] Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến tư dinh của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn nên ngụ ở nơi nào đây? Đối với ngài, chỗ ấy không nên xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh.” Rồi đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã khởi ý điều này: “Khu vườn Veḷuvana (Trúc Lâm) này của chúng ta là không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh, hay là ta nên dâng khu vườn Veḷuvana đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu?”
Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã cầm lấy bình nước
làm bằng vàng rưới nước lên tay đức Thế Tôn (nói rằng):
- Bạch ngài, trẫm dâng khu vườn Veḷuvana này đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật
đứng đầu. Xin đức Thế Tôn thọ lãnh khu vườn.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo
niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại rồi
đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp
thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép khu vườn (ārāma).
[64] Câu chuyện về Sārīputta
và Moggallāna. Câu chuyện về trưởng lão Assaji
[64] Vào lúc bấy giờ, vị du sĩ Sañjaya cư trú tại thành Rājagaha cùng với tập thể du sĩ đông đảo gồm có hai trăm năm chục vị du sĩ. Vào lúc bấy giờ, Sārīputta và Moggallāna thực hành Phạm hạnh theo du sĩ Sañjaya. Họ đã giao ước với nhau rằng: “Người nào chứng đạt sự bất tử trước phải thông báo cho vị kia hay.”
Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Assaji đã mặc y cầm y bát đi vào
thành Rājagaha để khất thực. Vị ấy có phong cách chững chạc, mắt nhìn xuống, với
vẻ chăm chú khi đi tới bước lui, lúc nhìn ngắm, khi cử động co duỗi. Du sĩ
Sārīputta đã nhìn thấy đại đức Assaji có phong cách chững chạc, mắt nhìn xuống,
với vẻ chăm chú khi đi tới bước lui, lúc nhìn ngắm, khi cử động co duỗi đang đi
khất thực trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Đây
chính là vị tỳ khưu trong số các vị thật sự là A-la-hán trên thế gian hoặc là
đã đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán. Hay là ta nên đến gần vị tỳ khưu
này và hỏi rằng: ‘Thưa đại đức, đại đức đã được xuất gia có liên quan đến vị
nào?’ hoặc là ‘Ai là thầy của đại đức?’ hoặc là ‘Đại đức giảng giải pháp của vị
nào?’” Khi ấy, du sĩ Sārīputta đã khởi ý điều này: “Không phải lúc để hỏi vị tỳ
khưu này, vị ấy đã đi vào xóm nhà và đang đi khất thực, hay là ta nên đi sát
theo sau vị tỳ khưu này là vị có đạo lộ đang được tầm cầu bởi những kẻ mong mỏi
sự lợi ích?”
Sau đó, khi đã đi khất thực ở trong thành Rājagaha xong đại đức
Assaji đã cầm lấy đồ ăn khất thực đi trở về. Khi ấy, du sĩ Sārīputta đã đi đến
gần đại đức Assaji, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đại đức Assaji, sau khi
trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên,
du sĩ Sārīputta đã nói với đại đức Assaji điều này:
- Thưa đại đức, các giác quan của ngài thật thanh tịnh, màu sắc
cơ thể thật trong sáng và thuần khiết. Thưa đại đức, đại đức đã được xuất gia
có liên quan đến vị nào? Ai là thầy của đại đức? Đại đức giảng giải pháp của vị
nào?
- Này đạo hữu, có vị đại sa-môn con trai dòng Sākya, từ dòng họ
Sākya đã xuất gia. Ta đã được xuất gia có liên quan đến đức Thế Tôn ấy. Đức Thế
Tôn ấy là đạo sư của ta và ta giảng giải Pháp của đức Thế Tôn ấy.
- Vị đạo sư của đại đức thuyết về điều gì? Giảng về điều gì?
- Này đạo hữu, ta là vị mới tu, được xuất gia chưa bao lâu, vừa mới
đến với Pháp và Luật này, ta không thể thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết;
tuy nhiên ta sẽ nói cho đạo hữu ý nghĩa một cách tóm tắt.
Khi ấy, du sĩ Sārīputta đã nói với đại đức Assaji điều này:
- Thưa đại đức, hãy là vậy đi.
Xin nói ít hoặc nhiều,
giảng ý nghĩa cho tôi.
Tôi chỉ cần ý nghĩa
nói nhiều từ làm chi?
[65] Khi ấy, đại đức Assaji đã nói với du sĩ Sārīputta lời dạy
này thuộc về Giáo Pháp:
Pháp sanh lên do nhân
Như Lai giảng nhân ấy,
nhân diệt thời Pháp diệt
đại sa-môn nói vậy.
[66] Sau đó, khi đã nghe được lời dạy này thuộc về Giáo Pháp thì
Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến du sĩ Sārīputta:
“Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Chính đây là Giáo Pháp
nếu chỉ bấy nhiêu thôi
ngài cũng đã chỉ ra
con đường không sầu muộn
đã không được nhìn thấy,
đã không được nói ra
bởi muôn ngàn kiếp sống
(số lượng) nhiều vô số.
[67] Sau đó, du sĩ Sārīputta đã đi đến gặp du sĩ Moggallāna. Du
sĩ Moggallāna đã nhìn thấy du sĩ Sārīputta từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn
thấy đã nói với du sĩ Sārīputta điều này:
- Này bạn, các giác quan của bạn thật thanh tịnh, màu sắc cơ thể
thật trong sáng và thuần khiết. Này bạn, chắn hẳn là bạn đã chứng đạt sự bất tử?
- Này bạn, đúng vậy. Tôi đã chứng đạt sự bất tử.
- Này bạn, bạn đã chứng đạt sự bất tử bằng cách như thế nào?
- Này bạn, ở đây tôi đã nhìn thấy vị tỳ khưu Assaji có phong cách
chững chạc, mắt nhìn xuống, với vẻ chăm chú khi đi tới bước lui, lúc nhìn ngắm,
khi cử động co duỗi đang đi khất thực trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy
đã khởi ý điều này: “Đây chính là vị tỳ khưu trong số các vị thật sự là
A-la-hán trên thế gian hoặc là đã đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán.
Hay là ta nên đến gần vị tỳ khưu này và hỏi rằng: ‘Thưa đại đức, đại đức đã được
xuất gia có liên quan đến vị nào?’ hoặc là ‘Ai là thầy của đại đức?’ hoặc là ‘Đại
đức giảng giải pháp của vị nào?’” Này bạn, khi ấy tôi đây đã khởi ý điều này:
“Không phải lúc để hỏi vị tỳ khưu này, vị ấy đã đi vào xóm nhà và đang đi khất
thực, hay là ta nên đi sát theo sau vị tỳ khưu này là vị có đạo lộ đang được tầm
cầu bởi những kẻ mong mỏi sự lợi ích?” Này bạn, sau khi đi khất thực ở trong
thành Rājagaha xong, vị tỳ khưu Assaji đã cầm lấy đồ ăn khất thực đi trở về.
Này bạn, khi ấy tôi đã đi đến gần vị tỳ khưu Assaji, sau khi đến đã tỏ vẻ thân
thiện với vị tỳ khưu Assaji, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng
ở một bên. Này bạn, khi đã đứng một bên tôi đã nói với vị tỳ khưu Assaji điều
này: “Thưa đại đức, các giác quan của ngài thật thanh tịnh, màu sắc cơ thể thật
trong sáng và thuần khiết. Thưa đại đức, đại đức đã được xuất gia có liên quan
đến vị nào? Ai là thầy của đại đức? Đại đức giảng giải pháp của vị nào?” “Này đạo
hữu, có vị đại sa-môn con trai dòng Sākya, từ dòng họ Sākya đã xuất gia. Ta đã
được xuất gia có liên quan đến đức Thế Tôn ấy. Đức Thế Tôn ấy là đạo sư của ta
và ta giảng giải Pháp của đức Thế Tôn ấy.” “Vị đạo sư của đại đức thuyết về điều
gì? Giảng về điều gì?” “Này đạo hữu, ta là vị mới tu, được xuất gia chưa bao
lâu, vừa mới đến với Pháp và Luật này, ta không thể thuyết giảng Giáo Pháp một
cách chi tiết; tuy nhiên ta sẽ nói cho đạo hữu ý nghĩa một cách tóm tắt.” Này bạn,
khi ấy tôi đã nói với đại đức Assaji điều này: “Thưa đại đức, hãy là vậy đi.
Xin nói ít hoặc nhiều,
giảng ý nghĩa cho tôi.
Tôi chỉ cần ý nghĩa
nói nhiều từ làm chi?”
[68] Này bạn, khi ấy vị tỳ khưu Assaji đã nói với tôi lời dạy này
thuộc về Giáo Pháp:
“Pháp sanh lên do nhân
Như Lai giảng nhân ấy,
nhân diệt thời Pháp diệt
đại sa-môn nói vậy.”
[69] Sau đó, khi đã nghe được lời dạy này thuộc về Giáo Pháp thì
Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến du sĩ
Moggallāna: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh
hoại diệt.”
Chính đây là Giáo Pháp
nếu chỉ bấy nhiêu thôi
bạn cũng đã chỉ ra
con đường không sầu muộn
đã không được nhìn thấy,
đã không được nói ra
bởi muôn ngàn kiếp sống
(số lượng) nhiều vô số.
[70] Sārīputta và Moggallāna đi
đến với đức Thế Tôn
[70] Sau đó, du sĩ Moggallāna đã nói với du sĩ Sārīputta điều này:
- Này bạn, chúng ta hãy đi đến với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ấy là
bậc Đạo Sư của chúng ta.
- Này bạn, hai trăm năm mươi du sĩ này sống ở đây đang nương tựa
vào chúng ta và biết rõ chúng ta, chúng ta hãy thông báo đến các vị ấy và các vị
ấy sẽ làm theo như điều các vị suy nghĩ.
Sau đó, Sārīputta và Moggallāna đã đi đến gặp các vị du sĩ ấy,
sau khi đến đã nói với các vị du sĩ ấy điều này:
- Này các đạo hữu, chúng tôi đi đến với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ấy
là bậc Đạo Sư của chúng tôi.
- Này các đại đức, chúng tôi sống ở đây nương tựa vào các đại đức
và biết rõ các đại đức, nếu các đại đức sẽ thực hành Phạm hạnh theo vị đại
sa-môn hết thảy tất cả chúng tôi sẽ thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn.
Sau đó, Sārīputta và Moggallāna đã đi đến gặp du sĩ Sañjaya, sau
khi đến đã nói với du sĩ Sañjaya điều này:
- Này đại đức, chúng tôi đi đến với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ấy
là bậc Đạo Sư của chúng tôi.
- Này các đại đức, thôi đủ rồi. Chớ có đi. Chính tất cả ba chúng
ta sẽ quản trị nhóm người này.
Đến lần thứ nhì, ...(như trên)...
Đến lần thứ ba, Sārīputta và Moggallāna đã nói với du sĩ Sañjaya
điều này:
- Này đại đức, chúng tôi đi đến với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ấy
là bậc Đạo Sư của chúng tôi.
- Này các đại đức, thôi đủ rồi. Chớ có đi. Chính tất cả ba chúng
ta sẽ quản trị nhóm người này.
Sau đó, Sārīputta và Moggallāna đã đưa hai trăm năm mươi du sĩ ấy
đi đến Veḷuvana.
Về phần du sĩ Sañjaya, ngay tại chỗ ấy máu nóng đã ứa ra từ miệng.
[71] Khi ấy, đức Thế Tôn đã nhìn thấy Sārīputta và Moggallāna từ
đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, hai người bạn là Kolita và Upatissa này đang
đi đến. Hai người này sẽ trở thành một cặp đệ tử của ta và là một cặp (đệ tử)
xuất sắc, đứng đầu.
Họ đã được giải thoát,
đã cạn nguồn tái sanh,
là những vị hàng đầu
về trí tuệ thâm sâu,
dẫu chưa vào Trúc Lâm
bậc Đạo Sư đã nói:
“Đây hai người bạn hữu
(tên là) Kolita
và Upatissa,
đang đi đến (nơi đây),
đệ tử ta cặp này
sẽ trở thành một cặp
xuất sắc, đứng hàng đầu.
[72] Sau đó, Sārīputta và Moggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn,
sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu đảnh lễ ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã
nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức
Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?
Đức Thế Tôn đã nói rằng:
- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy
thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.
Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.
[73] Lời đồn đãi về đức Thế Tôn
[73] Vào lúc bấy giờ, những người con trai gia đình danh giá ở xứ Magadha là những người có nhiều tiếng tăm thực hành Phạm hạnh theo đức Thế Tôn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Sa-môn Gotama đã tạo ra khuynh hướng không con cái, Sa-môn
Gotama đã gây nên cảnh vợ không chồng, Sa-môn Gotama đã gây nên sự đổ vỡ của
các gia đình. Hiện nay, một ngàn vị đạo sĩ bện tóc đã xuất gia theo ông ta, hai
trăm năm mươi du sĩ này của Sañjaya đã xuất gia (theo ông ta), và những người
con trai gia đình danh giá này ở xứ Magadha là những người có nhiều tiếng tăm
thực hành Phạm hạnh theo Sa-môn Gotama.
Hơn nữa, khi gặp các vị tỳ khưu họ đã quở trách bằng bài kệ này:
Đại Sa-môn đã đến
thành Giribbaja
thuộc xứ Magadha,
sau khi đã dẫn đi
toàn bộ Sañjaya,
giờ sẽ dẫn ai đây?
[74] Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế tôn.
- Này các tỳ khưu, tiếng đồn đãi ấy sẽ không tồn tại lâu, chỉ tồn
tại được bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì sẽ biến mất. Này các tỳ khưu,
chính vì việc ấy những người nào quở trách các ngươi bằng bài kệ này:
“Đại Sa-môn đã đến
thành Giribbaja
thuộc xứ Magadha,
sau khi đã dẫn đi
toàn bộ Sañjaya,
giờ sẽ dẫn ai đây?”
[75] Các ngươi hãy quở trách lại họ bằng bài kệ này:
“Thật sự các Như Lai
là những bậc Đại Hùng
dẫn đi bằng Chánh Pháp,
trong khi được dẫn đi
bằng Pháp của bậc trí,
ganh tỵ với ai đây?”
Vào lúc bấy giờ, dân chúng khi gặp các vị tỳ khưu đã quở trách bằng
bài kệ này:
Đại Sa-môn đã đến
thành Giribbaja
thuộc xứ Magadha,
sau khi đã dẫn đi
toàn bộ Sañjaya,
giờ sẽ dẫn ai đây?
Các vị tỳ khưu đã quở trách lại những người ấy bằng bài kệ này:
Thật sự các Như Lai
là những bậc Đại Hùng
dẫn đi bằng Chánh Pháp,
trong khi được dẫn đi
bằng Pháp của bậc trí,
ganh tỵ với ai đây?
[76] Dân chúng đã nói như vầy:
- Nghe nói các sa-môn Thích tử dẫn dắt bằng Chánh Pháp không phải
bằng Phi Pháp.
Tiếng đồn ấy đã tồn tại chỉ có bảy ngày và đã biến mất sau khi trải
qua bảy ngày.
Hết sự xuất gia của Sārīputta và
Moggallāna
Hết tụng phẩm thứ tư
Xem Tụng Phẩm 5 - Quay Về Mục Lục Chương 1 - Quay Về Mục Lục Đại Phẩm
Quay về Mục Lục Tạng Luật
0 Comments