Tạng Luật - Đại Phẩm - Chương 1. Trọng Yếu - Tụng Phẩm 6

Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu

Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tạng Luật (Vinayapiṭaka)

Đại Phẩm (Mahāvagga)

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Chương 1. Trọng Yếu (Mahākhandhaka)

6. Tụng phẩm thứ sáu


Mục Lục

[88] Quy định về thời điểm giải thích bốn vật nương nhờ

[89] Quy định về việc tu lên bậc trên với nhóm mười tỳ khưu hoặc hơn

[90] Câu chuyện về vị tỳ khưu Upasena con trai của Vaganta

[91] Quy định về thầy tế độ

[92] Cho phép về thầy dạy học. Thỉnh cầu thầy dạy học

[93] Phận sự đối với thầy dạy học

[94] Phận sự đối với học trò

Nội Dung

[88] Quy định về thời điểm giải thích bốn vật nương nhờ

 [88] Vào lúc bấy giờ, có chàng thanh niên nọ đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã giải thích cho chàng trai về các vật nương nhờ trước. Chàng trai đã nói như vầy:

- Thưa các ngài, nếu khi tôi đã được xuất gia các ngài mới giải thích về các vật nương nhờ thì tôi còn có thể thỏa thích. Thưa các ngài, giờ đây tôi sẽ không xuất gia, đối với tôi các vật nương nhờ là ghê tởm và đáng ghét.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên giải thích về các vật nương nhờ trước; vị nào giải thích thì phạm tội dukkaa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép giải thích về các vật nương nhờ ngay sau khi đã được tu lên bậc trên.

[89] Quy định về việc tu lên bậc trên với nhóm mười tỳ khưu hoặc hơn

 [89] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đã ban phép tu lên bậc trên với tập thể là nhóm hai vị, nhóm ba vị, nhóm bốn vị. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên ban phép tu lên bậc trên với tập thể là nhóm ít hơn mười vị; vị nào ban phép tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép ban phép tu lên bậc trên với tập thể là nhóm mười vị hoặc nhóm trên mười vị.

[90] Câu chuyện về vị tỳ khưu Upasena con trai của Vaganta

 [90] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu chỉ được một năm, hai năm đã cho đệ tử tu lên bậc trên. Ngay cả đại đức Upasena con trai của Vaganta được một năm đã cho người đệ tử tu lên bậc trên. Khi đã sống qua mùa (an cư) mưa là được hai năm, vị ấy đã đưa người đệ tử được một năm đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ của chư Phật Thế Tôn là niềm nở với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Upasena con trai của Vaganta điều này:

- Này các tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ có khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, chúng con đi đường xa ít có mệt nhọc.

Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các tỳ khưu với hai lý do: “Chúng ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Upasena con trai của Vaganta điều này:

- Này tỳ khưu, ngươi được bao nhiêu năm?

- Bạch Thế Tôn, con được hai năm.

- Còn vị tỳ khưu này được bao nhiêu năm?

- Bạch Thế Tôn, được một năm.

- Vị tỳ khưu này là gì của ngươi?

- Bạch Thế Tôn, là đệ tử của con

Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, vì sao (trong khi) ngươi còn cần được giáo huấn cần được chỉ dạy lại nghĩ đến giáo huấn và chỉ dạy những người khác? Này kẻ rồ dại, ngươi trở thành đa đoan quá nhanh chóng tức là việc kết nạp đồ chúng. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị dưới mười năm không nên ban phép tu lên bậc trên; vị nào ban phép tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị mười năm hoặc trên mười năm được ban phép tu lên bậc trên.

[91] Quy định về thầy tế độ

 [91] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban phép tu lên bậc trên. (Các trường hợp) những thầy tế độ ngu dốt và các đệ tử thông thái được phát hiện, những thầy tế độ thiếu kinh nghiệm và các đệ tử có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy tế độ nghe ít và các đệ tử nghe nhiều được phát hiện, những thầy tế độ trí kém và các đệ tử trí tuệ được phát hiện. Có vị nọ trước đây theo ngoại đạo trong khi được thầy tế độ nói về vấn đề thuộc Giáo Pháp đã bắt bẻ lời dạy của thầy tế độ rồi chuyển sang khu vực của chính ngoại đạo ấy. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban phép tu lên bậc trên khiến (các trường hợp) những thầy tế độ ngu dốt và các đệ tử thông thái được phát hiện, những thầy tế độ thiếu kinh nghiệm và các đệ tử có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy tế độ nghe ít và các đệ tử nghe nhiều được phát hiện, những thầy tế độ trí kém và các đệ tử trí tuệ được phát hiện?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban phép tu lên bậc trên khiến (các trường hợp) những thầy tế độ ngu dốt và các đệ tử thông thái được phát hiện, những thầy tế độ thiếu kinh nghiệm và các đệ tử có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy tế độ nghe ít và các đệ tử nghe nhiều được phát hiện, những thầy tế độ trí kém và các đệ tử trí tuệ được phát hiện, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy là ngu dốt thiếu kinh nghiệm lại (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban phép tu lên bậc trên khiến (các trường hợp) những thầy tế độ ngu dốt và các đệ tử thông thái được phát hiện, những thầy tế độ thiếu kinh nghiệm và các đệ tử có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy tế độ nghe ít và các đệ tử nghe nhiều được phát hiện, những thầy tế độ trí kém và các đệ tử trí tuệ được phát hiện? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên ban phép tu lên bậc trên; vị nào ban phép tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu kinh nghiệm có năng lực với mười năm hoặc trên mười năm được ban phép tu lên bậc trên.

[92] Cho phép về thầy dạy học. Thỉnh cầu thầy dạy học

 [92] Vào lúc bấy giờ, trong khi các vị thầy tế độ bỏ đi, hoàn tục, từ trần, qua bên nhóm khác, các tỳ khưu trở thành không có thầy dạy học, và trong khi không được giáo huấn, không được chỉ dạy (nên đã) mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực. Khi dân chúng đang ăn, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), ... ở phía trên thức ăn loại cứng, ... ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, và các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực, và khi dân chúng đang ăn, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), ... ở phía trên thức ăn loại cứng, ... ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn giống như các bà-la-môn trong bữa ăn của các bà-la-môn vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các vị tỳ khưu lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách ...(như trên)... sự ồn ào ở trong nhà ăn nữa?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách ...(như trên)...  sự ồn ào ở trong nhà ăn nữa, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị thầy dạy học. Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học sẽ gợi lên ở người học trò tâm của người con và người học trò sẽ gợi lên ở vị thầy dạy học tâm của người cha. Như thế, trong khi sống cùng nhau có nhiều kính trọng, có sự vâng lời, có sự tiếp xúc với nhau, họ sẽ đạt đến sự lớn mạnh, sự tăng trưởng, sự phát triển trong Pháp và Luật này. Này các tỳ khưu, ta cho phép sống nương nhờ mười năm và vị mười năm được ban cho sự nương nhờ. Và này các tỳ khưu, vị thầy dạy học nên được xác định như vầy:

(Người học trò) nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy dạy học của con. Con sẽ sống nương nhờ vào đại đức. Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy dạy học của con. Con sẽ sống nương nhờ vào đại đức. Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy dạy học của con. Con sẽ sống nương nhờ vào đại đức.”

(Vị thầy dạy học nên nói rằng): “Tốt rồi!” hay là “Được nhẹ nhàng rồi!” hay là “Đúng rồi!” hay là “Được phù hợp rồi!” hay là “Hãy tiếp tục với sự hoan h!”

(Nếu) vị (thầy dạy học) bày tỏ bằng thân, bày tỏ bằng lời nói, bày tỏ bằng thân và lời nói, thì vị thầy dạy học đã được xác định. (Nếu) vị ấy không bày tỏ bằng thân, không bày tỏ bằng lời nói, không bày tỏ bằng thân và lời nói, vị thầy dạy học đã không được xác định.

[93] Phận sự đối với thầy dạy học

 [93] Này các tỳ khưu, người học trò nên thực hành phận sự đúng đắn đối với vị thầy dạy học. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Nên thức dậy vào lúc sáng sớm, cởi dép ra, đắp thượng y một bên vai, rồi nên dâng lên gỗ chà răng, nên dâng nước súc miệng, nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa sạch tô rồi dâng cháo. Khi thầy đã uống cháo xong, nên dâng nước, nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, rồi đem cất. Khi thầy dạy học đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu thầy dạy học có ý muốn đi vào làng, nên trao y lót trong, và nhận lại y lót trong (khác từ vị thầy), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp gọn gàng rồi dâng lên. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. Nếu thầy dạy học muốn có thị giả đi theo, vị ấy nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn, buộc dây thắt lưng, sửa sang cho tề chỉnh rồi trùm y hai lớp lên, thắt lại dây buộc, rửa ráy, cầm lấy bình bát, rồi nên đi theo làm thị giả cho thầy dạy học. Không nên đi quá xa, không nên đi quá gần. Nên nhận lấy bình bát (của vị thầy) và vật được chứa đựng (trong đó). Khi thầy dạy học đang nói, không nên cắt ngang lời nói nửa chừng. Khi thầy dạy học có khả năng phạm tội lúc đang nói thì nên nhắc nhở.

Khi quay trở về, nên đi về trước tiên. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đi ra rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây) và nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên phơi y ở chỗ nắng quá lâu. Nên gấp y lại. Khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): “Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.” Nên đặt dây thắt lưng ở phía trong rồi gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và thầy dạy học có ý muốn ăn thì nên dâng nước (rửa) và nên đem đồ ăn khất thực để gần bên. Nên dâng lên thầy dạy học nước uống. Khi thầy ăn xong nên dâng nước (rửa). Nên nhận lại bình bát rồi đem để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, nên làm ráo nước, rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Không nên phơi bình bát ở chỗ nắng quá lâu. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra. Khi thầy dạy học đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu thầy dạy học có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu (thầy dạy học) thích nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu thích nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu thầy dạy học có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi rồi đi đến từ phía sau lưng, nên trao ghế ngồi của nhà tắm hơi cho thầy dạy học, nhận lấy y, và để ở một bên. Nên trao bột tắm, nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên đắp lên cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho thầy dạy học. Khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Nên kỳ cọ cho thầy dạy học lúc ở trong nước. Khi tắm xong nên đi ra trước, lau khô nước ở thân thể của mình. Sau khi quấn y, nên lau khô nước ở thân thể của thầy dạy học. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên dâng nước uống đến thầy dạy học. Nếu có ý muốn thỉnh (thầy) đọc tụng, nên thỉnh (thầy) đọc tụng. Nếu có ý muốn vấn đạo, nên thỉnh (thầy) vấn đạo.

Ở trú xá nào thầy dạy học cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác rến, nên làm sạch sẽ nếu có nỗ lực. Khi làm sạch sẽ, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tọa cụ và ngọa cụ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tấm ván gối đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc. Nếu có mạng nhện ở trú xá, khi phát hiện trước tiên nên dời (chúng) khỏi lỗ hổng, nên lau chùi các cửa sổ và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền không được thực hiện, nên rải nước rồi quét (nghĩ rằng): “Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.” Sau khi gom rác lại rồi nên đem đổ bỏ ở một góc.

Sau khi phơi nắng tấm trải nền, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng tọa cụ và đồ trải nằm, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván gối đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác rến, nên quét phòng. Nếu cổng có rác rến, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác rến, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác rến, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác rến, nên quét nhà vệ sinh. Nếu nước uống không có, nên đem nước uống lại. Nếu nước rửa không có, nên đem nước rửa lại. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

Nếu sự không hoan h sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên làm cho dịu đi hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu mối nghi ngờ sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên làm cho tan biến hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu tà kiến sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên phân giải hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu thầy dạy học bị phạm tội nặng xứng đáng hành phạt parivāsa, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt parivāsa cho thầy dạy học?” Nếu thầy dạy học xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể cho thầy dạy học (thực hành) trở lại từ đầu?” Nếu thầy dạy học xứng đáng hành phạt mānatta, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt mānatta cho thầy dạy học?” Nếu thầy dạy học xứng đáng sự giải tội, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho thầy dạy học?” Nếu hội chúng có ý định thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với thầy dạy học, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể không thực thi hành sự đối với thầy dạy học, hoặc đổi thành nhẹ hơn?” Khi hội chúng đã thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với vị thầy dạy học, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để thầy dạy học có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?”

Nếu y của thầy dạy học cần phải giặt, người học trò nên giặt hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy dạy học được giặt?” Nếu y của thầy dạy học cần phải may, người học trò nên may hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy dạy học được may?” Nếu thuốc nhuộm của thầy dạy học cần phải nấu, người học trò nên nấu hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để thuốc nhuộm của thầy dạy học được nấu?” Nếu y của thầy dạy học cần phải nhuộm, người học trò nên nhuộm hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy dạy học được nhuộm?” Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng.

Không có phép của thầy dạy học, không nên cho bình bát đến người khác. Không nên thọ lãnh bình bát của người khác. Không nên cho y đến người khác. Không nên thọ lãnh y của người khác. Không nên cho vật dụng đến người khác. Không nên thọ lãnh vật dụng của người khác. Không nên cạo tóc cho người khác. Không nên bảo người khác cạo tóc. Không nên kỳ cọ người khác. Không nên bảo người khác kỳ cọ. Không nên hầu hạ người khác. Không nên bảo người khác hầu hạ. Không nên làm thị giả người khác. Không nên nhận người khác làm thị giả. Không nên mang đồ ăn khất thực lại dùm người khác. Không nên nhờ người khác mang dùm đồ ăn khất thực lại. Chưa xin phép thầy dạy học không nên đi vào làng, không nên đi đến mộ địa, không nên bỏ đi hướng khác. Nếu thầy dạy học bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời hoặc chờ đến khi vị thầy khỏe lại.

Hết phận sự đối với thầy dạy học

[94] Phận sự đối với học trò

[94] Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học nên thực hành phận sự đúng đắn đối với người học trò. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Này các tỳ khưu, thầy dạy học nên quan tâm đến người học trò, nên giúp đỡ bằng sự đọc tụng, bằng sự vấn hỏi, bằng sự giáo huấn, bằng sự chỉ dạy. Nếu thầy dạy học có bình bát và người học trò không có bình bát, thầy dạy học nên cho bình bát đến người học trò, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để bình bát có thể phát sanh đến học trò?” Nếu thầy dạy học có y và người học trò không có y, thầy dạy học nên cho y đến người học trò, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y có thể phát sanh đến học trò?” Nếu thầy dạy học có vật dụng và người học trò không có vật dụng, thầy dạy học nên cho vật dụng đến người học trò, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để vật dụng có thể phát sanh đến học trò?”

Nếu người học trò bị bệnh, (vị thầy dạy học) nên thức dậy vào lúc sáng sớm. Nên trao gỗ chà răng. Nên trao nước súc miệng. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa sạch tô rồi đem cháo lại. Khi người học trò đã uống cháo xong, nên cho nước, nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, rồi đem cất. Khi người học trò đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người học trò có ý muốn đi vào làng, nên trao y lót trong, và nhận lại y lót trong (khác từ vị ấy), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp gọn gàng rồi trao cho. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. (Nghĩ rằng): “Đến lúc vị ấy sắp trở về,” nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đi ra rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây) và nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên phơi y ở chỗ nắng quá lâu. Nên gấp y lại. Khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): “Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.” Nên đặt dây thắt lưng ở phía trong rồi gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và người học trò có ý muốn ăn thì nên trao nước (rửa) và nên đem đồ ăn khất thực để gần bên. Nên đưa cho học trò nước uống. Khi người học trò ăn xong nên trao nước (rửa). Nên nhận lại bình bát, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, nên làm ráo nước rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Không nên phơi bình bát ở chỗ nắng quá lâu. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra. Khi người học trò đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người học trò có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu (người học trò) thích nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu thích nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu người học trò có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi đến, trao ghế ngồi của nhà tắm hơi, nhận lấy y, rồi để ở một bên. Nên trao bột tắm. Nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên đắp lên cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho người học trò. Khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, sau khi che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Nên kỳ cọ cho người học trò lúc ở trong nước. Khi tắm xong nên đi ra trước, nên lau khô nước ở thân thể của mình. Sau khi quấn y, nên lau khô nước ở thân thể của người học trò. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đem nước uống đến cho người học trò.

Ở trú xá nào người học trò cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác rến, nên làm sạch sẽ nếu có nỗ lực. Khi làm sạch sẽ, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tọa cụ và ngọa cụ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tấm ván gối đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc. Nếu có mạng nhện ở trú xá, khi phát hiện trước tiên nên dời (chúng) khỏi lỗ hổng, nên lau chùi các cửa sổ và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền không được thực hiện, nên rải nước rồi quét (nghĩ rằng): “Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.” Sau khi gom rác lại rồi nên đem đổ bỏ ở một góc.

Sau khi phơi nắng tấm trải nền, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng tọa cụ và ngọa cụ, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván gối đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác rến, nên quét phòng. Nếu cổng có rác rến, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác rến, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác rến, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác rến, nên quét nhà vệ sinh. Nếu nước uống không có, nên đem nước uống lại. Nếu nước rửa không có, nên đem nước rửa lại. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

Nếu có sự không hoan h sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên làm cho dịu đi hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu mối nghi ngờ sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên làm cho tan biến hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu tà kiến sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên phân giải hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu người học trò bị phạm tội nặng xứng đáng hành phạt parivāsa, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt parivāsa cho học trò?” Nếu người học trò xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể cho học trò (thực hành) trở lại từ đầu?” Nếu người học trò xứng đáng hành phạt mānatta, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt mānatta cho học trò?” Nếu người học trò xứng đáng sự giải tội, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho học trò?” Nếu hội chúng có ý định thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người học trò, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể không thực thi hành sự đối với học trò, hoặc đổi thành nhẹ hơn?” Khi hội chúng đã thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người học trò, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để học trò có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?”

Nếu y của người học trò cần phải giặt, vị thầy dạy học nên hướng dẫn: “Ngươi nên giặt như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của học trò được giặt?” Nếu y của học trò cần phải may, vị thầy dạy học nên hướng dẫn: “Ngươi nên may như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của học trò được may?” Nếu thuốc nhuộm của người học trò cần phải nấu, vị thầy dạy học nên hướng dẫn: “Ngươi nên nấu như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để thuốc nhuộm của học trò được nấu?” Nếu y của người học trò cần phải nhuộm, vị thầy dạy học nên hướng dẫn: “Ngươi nên nhuộm như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của học trò được nhuộm?” Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng. Nếu người học trò bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời hoặc chờ đến khi người học trò khỏe lại.

Hết phận sự đối với học trò

Hết tụng phẩm thứ sáu

Xem Tụng Phẩm 7 - Quay Về Mục Lục Chương 1 - Quay Về Mục Lục Đại Phẩm

Quay về Mục Lục Tạng Luật



0 Comments