Tạng Luật - Đại Phẩm - Chương 1. Trọng Yếu - Tụng Phẩm 1

Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu

Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tạng Luật (Vinayapiṭaka)

Đại Phẩm (Mahāvagga)

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Chương 1. Trọng Yếu (Mahākhandhaka)

Tụng phẩm thứ nhất


Mục Lục

[1] Phần nói về sự Giác Ngộ

[4] Phần nói về cội cây si của những người chăn dê

[5] Phần nói về cội cây Mucalinda. Câu chuyện về rắn chúa Mucalinda

[6] Phần nói về cội cây Rājayatana. Câu chuyện về các thương buôn Tapussa và Bhallika. Bốn bình bát của bốn vị Đại Thiên Vương

[7] Đức Thế Tôn không có ý định thuyết giảng Giáo Pháp

[8] Sự thỉnh cầu của Phạm Thiên. Ví dụ về hoa sen

[11] Câu chuyện về đạo sĩ lõa thể Upaka

[12] Câu chuyện về các tỳ khưu nhóm năm vị

[13] Kinh Chuyển Pháp Luân: Hai điều cực đoan, bốn Chân Lý Cao Thượng, v.v...

[16] Koṇḍañña chứng Pháp nhãn

[18] Sự xuất gia của các tỳ khưu nhóm năm vị

[20] Kinh Vô Ngã Tướng

[24] Sự chứng đắc A-la-hán của các tỳ khưu nhóm năm vị

Nội Dung

[1] Phần nói về sự Giác Ngộ

 [1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā (Ni Liên Thiền) nơi cội cây bồ đề và vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã ngồi với thế kiết già ở cội cây bồ đề trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Khi ấy vào canh một của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện (paiccasamuppāda) thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm

các pháp hiện rõ ràng

đến vị bà-la-môn

tinh cần tu thiền định,

và vị ấy rũ sạch

tất cả điều nghi hoặc

từ đó thấu hiểu được

(mọi) việc có nguyên nhân.

[2] Sau đó vào canh giữa của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm

các pháp hiện rõ ràng

đến vị bà-la-môn

tinh cần tu thiền định,

rồi vị ấy rũ sạch

tất cả điều nghi hoặc

từ đó đã hiểu được

sự tiêu hoại các duyên.

[3] Sau đó vào canh cuối của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm

các pháp hiện rõ ràng

đến vị bà-la-môn

tinh cần tu thiền định,

tồn tại, tiêu diệt sạch

binh đội của Ma Vương

giống như ánh mặt trời

đang rọi sáng không gian.

Hết phần nói về sự Giác Ngộ

[4] Phần nói về cội cây si của những người chăn dê

 [4] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ cội cây Bồ Đề đã đi đến bên cội cây si của những người chăn dê, [1] sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây si của những người chăn dê trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Khi ấy, có vị bà-la-môn nọ thuộc nhóm chuyên luyện về âm “hum, hum” đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, vị bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này ngài Gotama, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là bà-la-môn? Việc trở thành bà-la-môn có bao nhiêu điều kiện?

Sau khi hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Vị bà-la-môn nào

ác pháp đã ngăn trừ

vị thoát điều ô nhiễm

không làm tiếng “hum hum,”

bản thân đã thu thúc

thông thạo bộ Vệ Đà

sống theo đời Phạm hạnh,

đúng pháp, vị ấy thuyết

lời nói của Phạm Thiên,

không gì trong thế giới

vượt qua được vị ấy.

Hết phần nói về cội cây si của những người chăn dê

[5] Phần nói về cội cây Mucalinda. Câu chuyện về rắn chúa Mucalinda

 [5] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây si của những người chăn dê đã đi đến cội cây Mucalinda, sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Mucalinda trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện. Trong bảy ngày, trời mưa có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng đuôi quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang (che) phía trên đầu của đức Thế Tôn rồi giữ nguyên tư thế (nghĩ rằng): “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.” Sau đó khi bảy ngày trôi qua, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước đức Thế Tôn, chắp tay, bày tỏ thái độ cung kính đến đức Thế Tôn.

Sau khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Vị có được an lạc,

(sống) cách ly, hoan h,

vị ấy đã thấy được

Pháp đã được lắng nghe,

vị ấy đã thu thúc

việc hại mạng chúng sanh

và lạc thú cuộc đời.

Việc dứt được ái tình

là an lạc trên đời,

vượt lên trên các dục,

và bỏ rơi tự ngã

ấy an lạc tối thượng.

Hết phần nói về cội cây Mucalinda

[6] Phần nói về cội cây Rājayatana. Câu chuyện về các thương buôn Tapussa và Bhallika. Bốn bình bát của bốn vị Đại Thiên Vương

 [6] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây Mucalinda đã đi đến cội cây Rājāyatana, sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Rājāyatana trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Vào lúc bấy giờ, có các thương buôn Tapussa và Bhallika đang đi đường xa đến khu vực ấy. Khi ấy, vị thiên thần là thân quyến cùng huyết thống của các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với các thương buôn Tapussa và Bhallika điều này:

- Này các bác, đức Thế Tôn này đang ngự ở gốc cây Rājāyatana là vị vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Hãy đi và bày tỏ lòng thành kính đến đức Thế Tôn ấy với bánh bột gạo và mật viên, điều ấy sẽ đem lại cho các bác sự lợi ích và sự an vui lâu dài.

Khi ấy, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã mang theo bánh bột gạo và mật viên đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên của chúng tôi, điều ấy sẽ đem lại cho chúng tôi sự lợi ích và sự an vui lâu dài.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Các đức Như Lai không thọ nhận ở trong (hai) tay, vậy ta nên thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên bằng vật gì?” Khi ấy, bốn vị Đại Thiên Vương dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dâng lên đức Thế Tôn bốn cái bình bát làm bằng đá từ ở bốn phương (nói rằng):

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên ở đây.

Đức Thế Tôn đã thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên trong bình bát mới[2] làm bằng đá, và sau khi thọ lãnh đã thọ dụng.

Sau đó, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn và Giáo Pháp. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Và họ đã trở thành những nam cư sĩ chỉ đọc hai câu (dvevācikā)[3] đầu tiên ở thế gian.

Hết phần nói về cội cây Rājāyatana

[7] Đức Thế Tôn không có ý định thuyết giảng Giáo Pháp

 [7] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây Rājāyatana đã đi đến bên cội cây si của những người chăn dê. Ở nơi ấy, đức Thế Tôn ngụ tại gốc cây si của những người chăn dê.

Sau đó, trong khi đức Thế Tôn đang thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Pháp này đã được ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, khó lĩnh hội, khó nhận thức, thanh tịnh, cao quý, vượt trên lý luận, tinh tế, nên được hiểu biết bởi các bậc trí. Hơn nữa, chúng sanh đời này có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục, đối với chúng sanh có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục thì vấn đề này khó lĩnh hội tức là quy luật nhân quả và sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện (idappaccayatāpaiccasamuppāda); có vấn đề này còn khó lĩnh hội hơn nữa tức là sự yên lặng của tất cả các Hành (sabbasakhāra), sự dứt bỏ tất cả gốc rễ của sự tái sanh (sabbūpadhi), sự diệt tận ái (tahā), sự không còn dục tình (virāgo), sự tịch diệt, Niết Bàn. Nếu ta thuyết giảng Pháp và những người khác không hiểu được ta, điều ấy sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến đức Thế Tôn:

Khó khăn ta chứng ngộ

nay thuyết giảng, thôi đi!

Bởi những kẻ chìm đắm

trong ái dục, sân hận

không ngộ được Pháp này

Pháp đi ngược giòng (đời),

tinh tế, và thâm sâu,

khó lĩnh hội, vi diệu,

những kẻ mê ái dục

lắm si mê bao phủ

không thể nào lĩnh hội.

Trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy, tâm của đức Thế Tôn thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.

[8] Sự thỉnh cầu của Phạm Thiên. Ví dụ về hoa sen

 [8] Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã khởi ý điều này: “Như thế này thì thế gian bị tiêu diệt! Như thế này thì thế gian bị hủy hoại! Bởi vì tâm của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.” Sau đó, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế vị Phạm thiên Sahampati đã biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra ở phía trước đức Thế Tôn. Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati đã đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, rồi chắp tay hướng về đức Thế Tôn và đã nói điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, xin đấng Thiện Thệ hãy thuyết giảng Giáo Pháp. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm[4] sẽ là những người hiểu được Giáo Pháp, (nhưng) do việc không nghe Giáo Pháp sẽ bị thoái hóa.

Phạm thiên Sahampati đã nói điều ấy, sau khi nói điều ấy còn nói thêm điều khác nữa:

Đã xuất hiện trước đây

trong xứ Ma Kiệt Đà

pháp không được thanh tịnh

đã được suy nghiệm ra

bởi những người ô nhiễm.

Cửa bất tử mở ra

hãy lắng nghe Giáo Pháp

bậc vô nhiễm chứng ngộ.

Như người đứng ở trên

đỉnh đầu hòn núi đá

nhìn quanh xem nhân loại,

cũng thế hỡi bậc trí,

hãy bước lên lầu đài

được xây bằng Giáo Pháp.

Hỡi bậc thông hiểu rộng,

vị thoát khỏi buồn đau

nhìn xuống xem nhân loại

đắm chìm trong sầu khổ,

bị sanh, già hành hạ.

Hỡi người thắng chiến trận,

người hùng, hãy đứng lên,

người hướng dẫn đoàn xe

không bị vướng nợ nần,

hãy đi khắp thế gian.

Xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, sẽ có nhiều người hiểu được.

(Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với Phạm thiên Sahampati điều này:

- Này Phạm thiên, ta đã khởi ý điều này: “Pháp này đã dược ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, ...(như trên)... sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Này Phạm thiên, rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến ta: “Khó khăn ta chứng ngộ ...(như trên)... không thể nào lĩnh hội.” Này Phạm thiên, trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy tâm ta thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.

Đến lần thứ nhì, Phạm thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, ...(như trên)... sẽ có nhiều người hiểu được.

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Phạm thiên Sahampati điều này:

- Này Phạm thiên, ta đã khởi ý điều này: “Pháp này đã dược ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, ...(như trên)... sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Này Phạm thiên, rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến ta: “Khó khăn ta chứng ngộ ...(như trên)... không thể nào lĩnh hội.” Này Phạm thiên, trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy tâm ta thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.

Đến lần thứ ba, Phạm thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, ...(như trên)... sẽ có nhiều người hiểu được.)

[9] Khi ấy, sau khi hiểu được yêu cầu của vị Phạm thiên, đức Thế Tôn thuận theo lòng thương tưởng chúng sanh đã dùng Phật nhãn quán xét thế gian. Trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian, đức Thế Tôn đã nhìn thấy những chúng sanh bị ít ô nhiễm và bị nhiều ô nhiễm, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, (và nhìn thấy được) một số ít chúng sanh trong khi sống thấy được sự tội lỗi và sợ hãi trong sự (tái sanh) vào những đời sống khác. Cũng giống như trong hồ sen xanh hoặc trong hồ sen hồng hoặc trong hồ sen trắng, có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, không vươn ra khỏi nước, và được nuôi dưỡng chìm bên dưới (mặt nước); có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, sống ngang bằng mặt nước; và có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, vươn lên ra khỏi nước, và tồn tại không bị thấm nước; tương tợ như thế, đức Thế Tôn trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian đã nhìn thấy những chúng sanh bị ít ô nhiễm và bị nhiều ô nhiễm, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, (và nhìn thấy được) một số ít chúng sanh trong khi sống thấy được sự tội lỗi và sợ hãi trong sự (tái sanh) vào những đời sống khác; sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã nói với vị Phạm thiên Sahampati bằng bài kệ này:

Nghĩ về việc tổn hại,

này Phạm thiên, ta đã

không thuyết cho nhân loại

Pháp chứng ngộ cao thượng.

Các cánh cửa bất tử

(nay) đã được mở ra,

cho những người có tai

hãy bỏ đi tà tín.

Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati (nghĩ rằng): “Yêu cầu của ta về việc thuyết giảng Giáo Pháp đã được đức Thế Tôn chấp thuận” nên đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và đã biến mất ngay tại chỗ ấy.

Hết phần nói về việc thỉnh cầu của vị Phạm thiên

[10] Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Āāra Kālāma này là vị thông thái, kinh nghiệm, sáng suốt, đã lâu nay bản thể bị ít ô nhiễm, hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến Āāra Kālāma trước tiên? Vị ấy sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng.” Khi ấy, có vị thiên thần không hiện hình đã thông báo đến đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, vị Āāra Kālāma đã từ trần được bảy ngày rồi.

Và trí tuệ của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Vị Āāra Kālāma đã từ trần được bảy ngày rồi.” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Āāra Kālāma thuộc hạng người cao cả, bởi vì nếu nghe được Giáo Pháp này vị ấy có thể hiểu được một cách thật nhanh chóng.”

Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Uddaka Rāmaputta này là vị thông thái, kinh nghiệm, sáng suốt, đã lâu nay bản thể bị ít ô nhiễm, hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến Uddaka Rāmaputta trước tiên? Vị ấy sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng.” Khi ấy, có vị thiên thần không hiện hình đã thông báo đến đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, vị Uddaka Rāmaputta đã từ trần vào đêm qua.

Và trí tuệ của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Vị Uddaka Rāmaputta đã từ trần vào đêm qua.” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Uddaka Rāmaputta thuộc hạng người cao cả, bởi vì nếu nghe được Giáo Pháp này vị ấy có thể hiểu được một cách thật nhanh chóng.”

Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Các tỳ khưu nhóm năm vị có nhiều công đức đối với ta, các vị này đã phục vụ ta trong khi bản thân ta nỗ lực tinh tấn,[6] hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến các tỳ khưu nhóm năm vị trước tiên?” Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Giờ đây, các tỳ khưu nhóm năm vị này trú ngụ ở nơi nào?” Với thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, đức Thế Tôn đã nhìn thấy các tỳ khưu nhóm năm vị đang trú ngụ tại thành Bārāasī (Ba La Nại), ở Isipatana, nơi vườn nai. Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāasī.

[11] Câu chuyện về đạo sĩ lõa thể Upaka

 [11] Đạo sĩ lõa thể Upaka đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang đi bộ đường xa ở khoảng giữa Gayā và cội bồ đề, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này đạo hữu (āvuso), các giác quan của đạo hữu được trầm tĩnh, màu da được thanh tịnh và trong sáng. Này đạo hữu, nhờ ai mà đạo hữu đã xuất gia? Ai là thầy của đạo hữu? Đạo hữu hoan h với pháp của vị nào?

Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ lõa thể Upaka bằng những lời kệ này:

Ta vượt trên tất cả

hiểu biết được toàn bộ,

không còn bị vướng mắc

trong tất cả các Pháp,

đã đoạn tận tất cả,

ái diệt, đã giải thoát,

do tự mình chứng đắc

còn ai dạy được ta?

Không có ai thầy ta,

bằng ta, tìm chẳng thấy,

trong thế giới người trời

bằng được ta, không ai.

Vì ta bậc Ứng Cúng

Vô Thượng Sư đời này

là bậc Chánh Đẳng Giác

ta tịch lặng Niết Bàn.

Ta đi thành Kāsī

vận hành bánh xe Pháp

đánh tiếng trống bất tử

trong thế gian người mù.

- Này đạo hữu, theo như đạo hữu cho biết thì đạo hữu xứng đáng là vị Jina (Chiến Thắng) vô biên.

(Đức Phật đáp lại rằng):

- Này Upaka,

các Jina giống ta,

các vị đạt lậu tận,

chiến thắng các ác pháp,

vậy ta là Jina.

Khi được nói như thế, đạo sĩ lõa thể Upaka đã nói rằng:

- Này đạo hữu, có thể là như vậy. Rồi đã gục gặc cái đầu, rẽ sang con đường khác, và bỏ đi.

[12] Câu chuyện về các tỳ khưu nhóm năm vị

 [12] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Bārāasī, Isipatana, nơi vườn nai và đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm năm vị. Các tỳ khưu nhóm năm vị đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy các vị đã bàn bạc với nhau rằng:

- Này các vị, Sa-môn Gotama ấy đang đi đến. Ông ta là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực và quay trở lại cuộc sống sung túc. Ông ta không đáng để đảnh lễ, không đáng để đứng dậy chào, y bát của ông ta không đáng để đón nhận, và chỗ ngồi cũng không cần đặt thêm, nếu ông ta muốn thì ông ta cứ việc ngồi.

Nhưng khi đức Thế Tôn càng đi đến gần thì các tỳ khưu nhóm năm vị ấy không còn tuân theo điều bàn bạc của họ nữa và đã đi ra tiếp đón đức Thế Tôn, một vị đã nhận lấy y bát của đức Thế Tôn, một vị đã sắp đặt chỗ ngồi, một vị đã đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã rửa hai chân. Tuy nhiên, các vị vẫn xưng hô với đức Thế Tôn bằng tên và bằng tiếng gọi “Đạo hữu” (āvuso). Khi được xưng hô như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này:

- Này các tỳ khưu, chớ có xưng hô với đức Như Lai bằng tên và bằng tiếng gọi “Đạo hữu.” Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.

Khi được nói như thế, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này đạo hữu Gotama, bằng hạnh kiểm ấy, bằng sự thực hành ấy, bằng việc theo đuổi khổ hạnh ấy còn không đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh, còn giờ đây là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực, và quay trở lại cuộc sống sung túc, làm thế nào đạo hữư lại đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh?

Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này:

- Này các tỳ khưu, đức Như Lai không phải là kẻ lợi dưỡng, không bỏ dở dang việc nỗ lực, và không quay trở lại cuộc sống sung túc. Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.

Đến lần thứ nhì, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này:

...(như trên)...

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này:

...(như trên)...

Đến lần thứ ba, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này đạo hữu Gotama, bằng hạnh kiểm ấy, bằng sự thực hành ấy, bằng việc theo đuổi khổ hạnh ấy còn không đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh, còn giờ đây là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực, và quay trở lại cuộc sống sung túc, làm thế nào đạo hữư lại đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh?

Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị rằng:

- Này các tỳ khưu, các vị có nhận ra rằng điều này đã không được ta nói ra trước đây hay không?

- Bạch ngài, điều này không có (được nói).

- Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.

Đức Thế Tôn đã có thể thuyết phục các tỳ khưu nhóm năm vị. Sau đó, các tỳ khưu nhóm năm vị đã lắng nghe, đã lắng tai, đã phục vụ bằng tâm ý khác.

[13] Kinh Chuyển Pháp Luân: Hai điều cực đoan, bốn Chân Lý Cao Thượng, v.v...

 [13] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu nhóm năm vị rằng:

- Này các tỳ khưu, đây là hai cực đoan mà bậc xuất gia không nên thực hành: Đây là sự say đắm về dục lạc trong các dục, kém cỏi, thô thiển, tầm thường, không cao thượng, không đem lại lợi ích, và đây là sự gắn bó với việc hành hạ bản thân, đau khổ, không cao thượng, không đem lại lợi ích. Này các tỳ khưu, sau khi không tiếp cận cả hai cực đoan ấy, lối thực hành trung hòa đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn. Này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa ấy đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn là thế nào? Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần tức là sự hiểu biết chân chánh, suy nghĩ chân chánh, nói lời chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nuôi mạng chân chánh, tinh tấn chân chánh, ghi nhớ chân chánh, định tâm chân chánh.[7] Này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa ấy đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn.

[14] Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sự gắn bó với những gì không ưa thích là khổ, sự chia lìa với những gì ưa thích là khổ, không đạt được điều ước muốn là khổ, một cách tóm tắt năm thủ uẩn là khổ.

Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ. Điều ấy chính là Ái đưa đến tái sanh, liên kết với khoái lạc và say đắm, có sự thỏa thích ở nơi này nơi khác tức là: Dục Ái, Hữu Ái, Phi Hữu Ái.

Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ. Điều ấy là sự dứt bỏ, sự dứt ra khỏi, sự giải thoát, sự không còn chỗ nương tựa, sự diệt tận và dứt bỏ lòng say đắm không còn dư sót của chính Ái ấy.

Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ. Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần tức là sự hiểu biết chân chánh, ...(như trên)..., định tâm chân chánh.

[15] Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ cần được hiểu rõ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ đã được hiểu rõ.”

Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ cần được dứt bỏ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ đã được dứt bỏ.”

Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ cần được chứng ngộ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ đã được chứng ngộ.”

Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ cần được tu tập.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ đã được tu tập.”

[16] Koṇḍañña chứng Pháp nhãn

 [16] Này các tỳ khưu, và cho đến khi nào tri kiến thấy đúng thực chất của ta về ba Luân (ba vòng xoay tròn) và mười hai Thể (tính chất) trong Bốn Chân Lý Cao Thượng này chưa được thực sự thanh tịnh; này các tỳ khưu, cho đến khi ấy ta chưa công bố về sự tối thượng Chánh Đẳng Giác: “Ta đã hoàn toàn giác ngộ” ở trong thế gian tính luôn cõi của chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Và này các tỳ khưu, bởi vì tri kiến thấy đúng thực chất của ta về ba Luân và mười hai Thể trong Bốn Chân Lý Cao Thượng này đã được thực sự thanh tịnh; này các tỳ khưu, khi ấy ta đã công bố về sự tối thượng Chánh Đẳng Giác: “Ta đã hoàn toàn giác ngộ” ở trong thế gian tính luôn cõi của chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Hơn nữa, trí tuệ và sự thấy biết của ta đã sanh khởi: “Sự giải thoát của ta không thể thay đổi, đây là lần sanh cuối cùng, từ nay không có việc tái sanh nữa.”

Trong khi bài kinh này được thuyết giảng, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Koṇḍañña: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

[17] Khi bánh xe Pháp được chuyển vận bởi đức Thế Tôn, chư thiên ở địa cầu đã đồn đãi lời rằng: “Bánh xe Pháp tối thượng ấy đã được đức Thế Tôn chuyển vận ở Bārāasī, tại Isipatana, nơi vườn nai không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi sa-môn, bà-la-môn, Thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời.” Sau khi nghe được tiếng đồn của chư thiên ở địa cầu, chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương đã đồn đãi lời rằng: ...(như trên)... Sau khi nghe được tiếng đồn của chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương, chư thiên ở cõi Đạo Lợi đã đồn đãi lời rằng: ...(như trên)... chư thiên ở cõi Dạ Ma ...(như trên)... chư thiên ở cõi Đẩu Suất ...(như trên)... chư thiên ở cõi Hóa Lạc Thiên ...(như trên)... chư thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại ...(như trên)... chư thiên thuộc hàng Phạm thiên đã đồn đãi lời rằng: “Bánh xe Pháp tối thượng ấy đã được đức Thế Tôn chuyển vận ở Bārāasī, tại Isipatana, nơi vườn nai không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi sa-môn, bà-la-môn, thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời.” Vào thời khắc ấy, vào giây phút ấy, lời đồn đãi ấy đã đi đến các cõi trời Phạm thiên. Và mười ngàn thế giới này đã bị lay chuyển, rung động, chấn động. Và ánh sáng tuyệt vời không thể đo lường đã hiện ra ở thế gian, vượt quá hào quang siêu phàm của chư thiên.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng rằng: “Koṇḍañña đã hiểu được! Koṇḍañña đã hiểu được!” Do đó, đại đức Koṇḍañña đã có tên là “Aññākoṇḍañña.”[8]

[18] Sự xuất gia của các tỳ khưu nhóm năm vị

 [18] Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, đại đức Aññākoṇḍañña đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của đại đức ấy.

[19] Sau đó, đức Thế Tôn đã giáo huấn, đã chỉ dạy các vị tỳ khưu còn lại bằng bài Pháp thoại. Khi ấy, trong khi đang được giáo huấn, chỉ dạy bởi đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Vappa và đại đức Bhaddiya: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

Sau đó, với bữa ăn đã được mang lại, đức Thế Tôn đã giáo huấn, đã chỉ dạy các vị tỳ khưu còn lại bằng bài Pháp thoại. Nhóm sáu vị sống bằng vật mà ba vị tỳ khưu đã đi khất thực và mang về. Khi ấy, trong khi đang được giáo huấn, chỉ dạy bởi đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Mahānāma và đại đức Assaji: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

[20] Kinh Vô Ngã Tướng

 [20] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu nhóm năm vị rằng:

- Này các tỳ khưu, Sắc là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Sắc này là Ngã thì Sắc này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Sắc (theo ý muốn) rằng: “Sắc của ta hãy là như vầy, Sắc của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Sắc là Vô Ngã do đó Sắc đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Sắc (theo ý muốn) rằng: “Sắc của ta hãy là như vầy, Sắc của ta đừng trở thành như vầy.”

Này các tỳ khưu, Thọ là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Thọ này là Ngã thì Thọ này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Thọ (theo ý muốn) rằng: “Thọ của ta hãy là như vầy, Thọ của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Thọ là Vô Ngã do đó Thọ đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Thọ (theo ý muốn) rằng: “Thọ của ta hãy là như vầy, Thọ của ta đừng trở thành như vầy.”

Này các tỳ khưu, Tưởng là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Tưởng này là Ngã thì Tưởng này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Tưởng (theo ý muốn) rằng: “Tưởng của ta hãy là như vầy, Tưởng của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Tưởng là Vô Ngã do đó Tưởng đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Tưởng (theo ý muốn) rằng: “Tưởng của ta hãy là như vầy, Tưởng của ta đừng trở thành như vầy.”

Này các tỳ khưu, các Hành là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu các Hành này là Ngã thì các Hành này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở các Hành (theo ý muốn) rằng: “Các Hành của ta hãy là như vầy, các Hành của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì các Hành là Vô Ngã do đó các Hành đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở các Hành (theo ý muốn) rằng: “Các Hành của ta hãy là như vầy, các Hành của ta đừng trở thành như vầy.”

Này các tỳ khưu, Thức là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Thức này là Ngã thì Thức này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Thức (theo ý muốn) rằng: “Thức của ta hãy là như vầy, Thức của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Thức là Vô Ngã do đó Thức đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Thức (theo ý muốn) rằng: “Thức của ta hãy là như vầy, Thức của ta đừng trở thành như vầy.”

[21] Này các tỳ khưu, các vị nghĩ gì về Sắc ấy, là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

Này các tỳ khưu, Thọ là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

Này các tỳ khưu, Tưởng là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

Này các tỳ khưu, các Hành là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

Này các tỳ khưu, Thức là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

[22] Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Sắc nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Sắc ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Thọ nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Thọ ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Tưởng nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Tưởng ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ các Hành nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ các Hành ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Thức nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Thức ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

[23] Này các tỳ khưu, khi đã thấy được như thế, vị Thinh Văn Thánh đệ tử không còn hứng thú trong Sắc, không còn hứng thú trong Thọ, không còn hứng thú trong Tưởng, không còn hứng thú trong các Hành, không còn hứng thú trong Thức; khi đã không còn hứng thú, vị ấy không còn say đắm; do không còn say đắm vị ấy được giải thoát; trong khi được giải thoát, trí khởi lên rằng: “Đã được giải thoát.” Vị ấy biết được rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.”

[24] Sự chứng đắc A-la-hán của các tỳ khưu nhóm năm vị

 [24] Đức Thế Tôn đã giảng về điều ấy. Các tỳ khưu nhóm năm vị đã hoan h thâu nhận lời dạy của đức Thế Tôn. Và trong khi bài kinh này được thuyết giảng, các tâm của các tỳ khưu nhóm năm vị đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có sáu vị A-la-hán.

Hết Tụng phẩm thứ nhất

Xem Tụng Phẩm 2 - Quay Về Mục Lục Chương 1 - Quay Về Mục Lục Đại Phẩm

Quay về Mục Lục Tạng Luật



0 Comments