Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tạng Luật (Vinayapiṭaka)
Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunivibhanga)
Chương 4. Ưng Đối Trị (Pācittiyakaṇḍaṃ)
Phần 9. Dù Dép
Mục Lục
84. Điều học thứ nhất (Sử dụng
dù dép)
[444] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần
thứ nhất
[445] Sự quy định thêm
85. Điều học thứ nhì (Đi xe)
[449] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần
thứ nhất
[450] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni bị bệnh. Sự quy định thêm
86. Điều học thứ ba (Mang váy)
[454] Câu chuyện về tỳ-khưu nọ. Sự quy định
87. Điều học thứ tư (Mang đồ
trang sức của phụ nữ)
[457] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định
88. Điều học thứ năm (Tắm bằng
vật thơm và có màu sắc)
[460] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định
89. Điều học thứ sáu (Tắm bằng
bã dầu mè có tẩm hương)
[463] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định
90. Điều học thứ bảy (Bảo tỳ-khưu
ni xoa bóp và chà xát cơ thể)
[466] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định
91, 92, 93. Điều học thứ tám,
chín, mười (Bảo cô ni tu tập sự, sa-di ni, người nữ tại gia xoa bóp và chà xát
(cơ thể)
[469] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định
94. Điều học thứ mười một (Ngồi
xuống ở phía trước tỳ-khưu không hỏi ý)
[472] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định
95. Điều học thứ mười hai (Hỏi
câu hỏi ở vị tỳ-khưu chưa được thỉnh ý trước)
[476] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu ni. Sự quy định
96. Điều học thứ mười ba
(Không mặc áo lót đi vào làng)
[480] Câu chuyện về vị tỳ-khưu ni nọ. Sự quy định
[483] Tổng kết chương Ưng Đối Trị. Bài kệ tóm lược
Nội Dung
84. Điều học thứ nhất (Sử dụng
dù dép)
[444] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục
Sư sử dụng dù dép. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại sử dụng dù dép, giống như các cô gái
tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại sử dụng dù dép?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư sử dụng dù
dép, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại sử dụng
dù dép vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ
chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến
điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào sử dụng dù dép thì phạm tội pācittiya
(ưng đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu ni
như thế.
[445] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị bệnh. Không có dù
dép vị ni ấy không được thoải mái. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, ta cho phép dù dép đối với vị tỳ khưu ni bị bệnh.
Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ
khưu ni nào không bị bệnh sử dụng dù dép thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[446] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Không bị bệnh nghĩa là không có dù dép vị ni ấy vẫn thoải mái.
Bị bệnh nghĩa là không có dù dép vị ni ấy không được thoải mái.
Dù nghĩa là có ba loại dù: dù trắng, dù bằng sậy, dù bằng lá được
buộc theo vòng tròn.
Sử dụng: Vị ni sử dụng dầu chỉ một lần (cũng) phạm tội pācittiya
(ưng đối trị).
[447] Không bị bệnh, nhận biết là không bị bệnh, vị ni sử dụng dù
dép thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Không bị bệnh, có sự hoài nghi, vị ni sử dụng dù dép thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).
Không bị bệnh, (lầm) tưởng là bị bệnh, vị ni sử dụng dù dép thì
phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Vị ni sử dụng dù không (sử dụng) dép thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vị ni sử dụng dép không (sử dụng) dù thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, (lầm) tưởng là không bị bệnh, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, nhận biết là bị bệnh thì vô tội.
[448] Vị ni bị bệnh, vị ni mang trong tu viện, (mang) trong vùng
phụ cận tu viện, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu
tiên thì vô tội.
85. Điều học thứ nhì (Đi xe)
[449] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục
Sư di chuyển bằng xe. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại di chuyển bằng xe, giống như các cô
gái tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại di chuyển bằng xe?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư di chuyển
bằng xe, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại di chuyển
bằng xe vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ
chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến
điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào di chuyển bằng xe thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các
tỳ khưu ni như thế.
[450] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ bị bệnh không thể đi bằng
chân. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, ta cho phép xe đối với tỳ khưu ni bị bệnh. Và
này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu
ni nào không bị bệnh di chuyển bằng xe thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[451] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Không bị bệnh nghĩa là vị ni ấy có thể đi bằng chân.
Bị bệnh nghĩa là vị ni ấy không thể đi bằng chân.
Xe nghĩa là xe bò, xe kéo, xe hàng, xe ngựa, kiệu khiêng, ghế
khiêng.
Di chuyển: Vị ni di chuyển (bằng xe) dầu chỉ một lần (cũng) phạm
tội pācittiya (ưng đối trị).
[452] Không bị bệnh, nhận biết là không bị bệnh, vị ni di chuyển
bằng xe thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Không bị bệnh, có sự hoài nghi, vị ni di chuyển bằng xe thì phạm
tội pācittiya (ưng đối trị).
Không bị bệnh, (lầm) tưởng là bị bệnh, vị ni di chuyển bằng xe
thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Bị bệnh, (lầm) tưởng là không bị bệnh, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, nhận biết là bị bệnh thì vô tội.
[453] Vị ni bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, vị
ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
86. Điều học thứ ba (Mang váy)
[454] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ
thường lui tới với gia đình của người đàn bà nọ. Khi ấy, người đàn bà ấy đã nói
với vị tỳ khưu ni ấy điều này:
- Thưa ni sư, xin hãy trao cái váy này cho người đàn bà tên này.
Khi ấy, vị tỳ khưu ni ấy (nghĩ rằng): “Nếu ta dùng bình bát đựng
rồi đi thì ta sẽ bị mất thể diện” nên đã buộc vào rồi đi. Khi cô ni ấy ở trên
đường lộ, sợi chỉ bị đứt khiến (các vật kết vào) bị văng tung toé. Dân chúng
phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại mang váy, giống như các cô gái tại
gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao tỳ khưu ni lại mang váy?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni mang váy, có đúng không
vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni lại mang váy vậy? Này các tỳ
khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như
trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị
tỳ khưu ni nào mang váy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[455] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Váy nghĩa là bất cứ loại gì choàng ở hông.
Mang: Vị ni mang vào dầu chỉ một lần (cũng) phạm tội pācittiya
(ưng đối trị).
[456] Do nguyên nhân bị bệnh, vị ni mang băng vải buộc ở hông,
[1] vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
87. Điều học thứ tư (Mang đồ
trang sức của phụ nữ)
[457] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu ni nhóm
Lục Sư đeo đồ trang sức của phụ nữ. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại đeo đồ trang sức của phụ nữ, giống
như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại đeo đồ trang sức của phụ
nữ?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư đeo đồ
trang sức của phụ nữ, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại đeo đồ
trang sức của phụ nữ vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin
cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni
hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào đeo đồ trang sức của phụ
nữ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[458] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Đồ trang sức của phụ nữ nghĩa là vật đeo ở đầu, vật đeo ở cổ, vật
đeo ở cánh tay, vật đeo ở bàn chân, vật đeo ở hông.
Đeo: Vị ni đeo vào dầu chỉ một lần (cũng) phạm tội pācittiya (ưng
đối trị).
[459] Do nguyên nhân bị bệnh, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu
tiên thì vô tội.
88. Điều học thứ năm (Tắm bằng
vật thơm và có màu sắc)
[460] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục
Sư tắm bằng vật thơm có màu sắc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại tắm bằng vật thơm có màu sắc, giống
như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại tắm bằng vật thơm có màu
sắc?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư tắm bằng vật
thơm có màu sắc, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại tắm bằng
vật thơm có màu sắc vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin
cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni
hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào tắm bằng vật thơm có màu
sắc thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[461] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Vật thơm nghĩa là bất cứ vật gì có mùi thơm.
(Vật) có màu sắc nghĩa là bất cứ vật gì có màu sắc.
Tắm: Vị ni tắm, trong lúc thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Khi hoàn tất việc tắm phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).
[462] Do nguyên nhân bị bệnh, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu
tiên thì vô tội.
89. Điều học thứ sáu (Tắm bằng
bã dầu mè có tẩm hương)
[463] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục
Sư tắm bằng bã dầu mè có tẩm hương. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại tắm bằng bã dầu mè có tẩm hương, giống
như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại tắm bằng bã dầu mè có tẩm
hương?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư tắm bằng
bã dầu mè có tẩm hương, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại tắm bằng
bã dầu mè có tẩm hương vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin
cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni
hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào tắm bằng bã dầu mè có tẩm
hương thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[464] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Có tẩm hương nghĩa là bất cứ vật gì có tẩm hương thơm.
Bã dầu mè nghĩa là xác hạt mè được đề cập đến.
Tắm: Vị ni tắm, trong lúc thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Khi hoàn tất việc tắm thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).
[465] Do nguyên nhân bị bệnh, vị ni tắm bằng bã dầu mè loại bình
thường, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
90. Điều học thứ bảy (Bảo tỳ-khưu
ni xoa bóp và chà xát cơ thể)
[466] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni bảo tỳ
khưu ni xoa bóp và chà xát (cơ thể). Dân chúng trong khi đi dạo quanh các trú
xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại bảo tỳ khưu ni xoa bóp và chà xát
(cơ thể), giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni lại bảo tỳ khưu ni xoa bóp và chà xát (cơ
thể)?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni bảo tỳ khưu ni xoa bóp
và chà xát (cơ thể), có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại bảo tỳ khưu ni xoa
bóp và chà xát (cơ thể), vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm
tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu
ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào bảo tỳ khưu ni xoa bóp
và chà xát (cơ thể) thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[467] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
(Bởi) vị tỳ khưu ni: (bởi) vị tỳ khưu ni khác.
Bảo xoa bóp: Vị ni bảo xoa bóp thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Bảo chà xát: Vị ni bảo thoa dầu (toàn thân) thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).
[468] Vị ni bị bệnh, trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, vị
ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
91, 92, 93. Điều học thứ tám,
chín, mười (Bảo cô ni tu tập sự, sa-di ni, người nữ tại gia xoa bóp và chà xát
(cơ thể)
[469] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni bảo cô
ni tu tập sự xoa bóp và chà xát (cơ thể). ...(như trên)... bảo sa di ni xoa bóp
và chà xát (cơ thể). ...(như trên)... bảo người nữ tại gia xoa bóp và chà xát
(cơ thể). Dân chúng trong khi đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại bảo người nữ tại gia xoa bóp và chà
xát (cơ thể), giống như các cô gái tại gia hưởng dục vậy?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni lại bảo người nữ tại gia xoa bóp và chà
xát (cơ thể)?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni bảo người nữ tại gia
xoa bóp và chà xát (cơ thể), có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại bảo người nữ tại gia
xoa bóp và chà xát (cơ thể) vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm
tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu
ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào bảo người nữ tại gia
xoa bóp và chà xát (cơ thể) thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[470] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Cô ni tu tập sự nghĩa là người nữ thực hành việc học tập về sáu
pháp trong hai năm.
Sa di ni nghĩa là người nữ có liên quan đến mười điều học.
Người nữ tại gia nghĩa là đề cập đến người nữ ở gia đình.
Bảo xoa bóp: Vị ni bảo xoa bóp thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Bảo chà xát: Vị ni bảo thoa dầu (toàn thân) thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).
[471] Vì nguyên nhân bệnh, trong những lúc có sự cố, vị ni bị
điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
94. Điều học thứ mười một (Ngồi
xuống ở phía trước tỳ-khưu không hỏi ý)
[472] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni ngồi xuống
trên chỗ ngồi ở phía trước vị tỳ khưu khi chưa có sự hỏi ý. Các tỳ khưu phàn
nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni lại ngồi xuống trên chỗ ngồi ở phía trước
vị tỳ khưu khi chưa có sự hỏi ý?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni ngồi xuống trên chỗ ngồi
ở phía trước vị tỳ khưu khi chưa có sự hỏi ý, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại ngồi xuống trên chỗ
ngồi ở phía trước vị tỳ khưu khi chưa có sự hỏi ý vậy? Này các tỳ khưu, sự việc
này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này
các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni
nào ngồi xuống trên chỗ ngồi ở phía trước vị tỳ khưu khi chưa có sự hỏi ý thì
phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[473] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Phía trước vị tỳ khưu: Phía trước người nam đã tu lên bậc trên.
Khi chưa có sự hỏi ý: sau khi không xin phép.
Ngồi xuống trên chỗ ngồi: vị ni ngồi xuống cho dầu ở trên mặt đất
cũng phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[474] Khi chưa được hỏi ý, nhận biết là chưa được hỏi ý, vị ni ngồi
xuống trên chỗ ngồi thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi chưa được hỏi ý, có sự hoài nghi, vị ni ngồi xuống trên chỗ
ngồi thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi chưa được hỏi ý, (lầm) tưởng là đã được hỏi ý, vị ni ngồi xuống
trên chỗ ngồi thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi đã được hỏi ý, (lầm) tưởng là chưa được hỏi ý, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Khi đã được hỏi ý, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Khi đã được hỏi ý, nhận biết là đã được hỏi ý thì vô tội.
[475] Vị ni có sự hỏi ý rồi ngồi xuống trên chỗ ngồi, vị ni bị bệnh,
trong những lúc có sự cố, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
95. Điều học thứ mười hai (Hỏi
câu hỏi ở vị tỳ-khưu chưa được thỉnh ý trước)
[476] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni hỏi câu
hỏi đến vị tỳ khưu chưa được thỉnh ý trước (anokāsakataṃ). Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các tỳ khưu ni lại hỏi câu hỏi ở vị tỳ khưu chưa được
thỉnh ý trước?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni hỏi câu hỏi ở vị tỳ
khưu chưa được thỉnh ý trước, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni lại hỏi câu hỏi ở vị tỳ
khưu chưa được thỉnh ý trước vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm
tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu
ni hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào hỏi câu hỏi ở vị tỳ
khưu chưa được thỉnh ý trước thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”
[477] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Chưa được thỉnh ý: không có sự hỏi ý.
Vị tỳ khưu: người nam đã tu lên bậc trên.
Hỏi câu hỏi: Sau khi đã thỉnh ý trước về Kinh, vị ni hỏi Luật hoặc
Vi Diệu Pháp thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Sau khi đã thỉnh ý trước về
Luật, vị ni hỏi Kinh hoặc Vi Diệu Pháp thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Sau khi đã thỉnh ý trước về Vi Diệu Pháp, vị ni hỏi Luật hoặc Kinh thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).
[478] Khi chưa hỏi ý, nhận biết là chưa hỏi ý, vị ni hỏi câu hỏi
thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi chưa hỏi ý, có sự hoài nghi, vị ni hỏi câu hỏi thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).
Khi chưa hỏi ý, (lầm) tưởng là đã hỏi ý, vị ni hỏi câu hỏi thì phạm
tội pācittiya (ưng đối trị).
Khi đã hỏi ý, (lầm) tưởng là chưa hỏi ý, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Khi đã hỏi ý, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Khi đã hỏi ý, nhận biết là đã hỏi ý thì vô tội.
[479] Vị ni hỏi sau khi đã thỉnh ý, vị ni hỏi bất cứ phạm vi nào
sau khi đã thỉnh ý không giới hạn (phạm vi câu hỏi), vị ni bị điên, vị ni vi phạm
đầu tiên thì vô tội.
96. Điều học thứ mười ba
(Không mặc áo lót đi vào làng)
[480] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu ni nọ
không mặc áo lót[2] đã đi vào làng khất thực. Khi vị ni ấy đang ở trên đường lộ,
các cơn gió xoáy đã hất tung y hai lớp lên. Dân chúng đã la lớn lên rằng:
- Ngực và bụng của ni sư đẹp!
Vị tỳ khưu ni ấy trong khi bị dân chúng chế giễu đã xấu hổ. Sau
đó, vị tỳ khưu ni ấy đã đi về ni viện và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni.
Các tỳ khưu ni ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ni ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai rằng:
- Vì sao tỳ khưu ni không mặc áo lót lại đi vào làng?
...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, nghe nói vị tỳ khưu ni không mặc áo lót đi vào
làng, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao tỳ khưu ni không mặc áo lót lại đi vào
làng vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa
có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học
này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào không mặc áo lót đi vào làng thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị).”
[481] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Không mặc áo lót: thiếu đi áo lót.
Áo lót nghĩa là nhằm mục đích che kín phần dưới xương đòn (ở cổ)
và phần trên lỗ rún.
Đi vào làng: Vị ni trong lúc vượt qua hàng rào của làng được rào
lại thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Vị ni trong lúc đi vào vùng phụ cận của
làng không được rào lại thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[482] Vị ni có y bị cướp đoạt, vị ni có y bị hư hỏng, vị ni bị bệnh,
khi bị thất niệm, trong lúc không biết, trong những lúc có sự cố, vị ni bị
điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
Hết Phần 9. Dù Dép
[483] Bạch chư đại đức ni, một trăm sáu mươi sáu điều pācittiya
(ưng đối trị)[3] đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức
ni rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?
Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh
trong vấn đề này?
Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh
trong vấn đề này?
Các đại đức ni được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự
việc này là như vậy.
Hết Chương 4. Pācittiya (Ưng Đối
Trị)
0 Comments