Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tạng Luật (Vinayapiṭaka)
Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunivibhanga)
Chương 5. Ưng Phát Lộ (Pāṭidesanīyakaṇḍaṃ)
Mục Lục
1. Điều học thứ nhất (Yêu cầu
bơ lỏng rồi thọ dụng)
[484] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần
thứ nhất
[485] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni bị bệnh. Sự quy định thêm
2-8. Điều học thứ nhì... Điều
học thứ tám (Yêu cầu mật ong... đường mía... cá... thịt... sữa tươi... sữa đông
rồi thọ dụng)
[489] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần
thứ nhất
[490] Câu chuyện về các tỳ-khưu ni bị bệnh. Sự quy định thêm
[494] Tổng kết chương Ưng Phát Lộ
Nội Dung
1. Điều học thứ nhất (Yêu cầu
bơ lỏng rồi thọ dụng)
[484] Câu chuyện về các tỳ-khưu
ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần thứ nhất
[484] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục
Sư yêu cầu bơ lỏng rồi thọ dụng. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni lại yêu cầu bơ lỏng rồi thọ dụng? Khi được
đầy đủ ai mà không vừa ý? Đồ ngon ngọt ai lại không thích thú?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ni ấy phàn nàn, phê
phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại yêu cầu bơ lỏng rồi thọ dụng?
…(như trên)…
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni yêu cầu bơ lỏng rồi thọ
dụng, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại yêu cầu
bơ lỏng rồi thọ dụng vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin
cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni
hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào yêu cầu bơ lỏng rồi thọ dụng,
vị tỳ khưu ni ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức ni, tôi đã vi phạm tội
đáng chê trách, không có ích lợi, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu ni như thế.
[485] Câu chuyện về các tỳ-khưu
ni bị bệnh. Sự quy định thêm
[485] Vào lúc bấy giờ, có các tỳ khưu ni bị bệnh. Các tỳ khưu ni
thăm hỏi bệnh tình đã nói với các tỳ khưu ni bị bệnh điều này:
- Này các ni sư, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được thuận tiện
không?
- Này các ni sư, trước đây chúng tôi yêu cầu bơ lỏng rồi thọ dụng,
nhờ thế chúng tôi được thoải mái. Giờ đây, (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm
đoán,” trong lúc ngần ngại nên không yêu cầu, vì thế chúng tôi không được thoải
mái.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ni bị bệnh được yêu cầu
bơ lỏng rồi thọ dụng. Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học
này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào không bị bệnh yêu cầu bơ lỏng rồi thọ dụng, vị
tỳ khưu ni ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức ni, tôi đã vi phạm tội đáng
chê trách, không có ích lợi, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”
[486] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Không bị bệnh nghĩa là vị có được sự thoải mái khi không có bơ lỏng.
Bị bệnh nghĩa là vị không có sự thoải mái khi không có bơ lỏng.
Bơ lỏng (sappi) nghĩa là bơ lỏng từ loài bò, hoặc là bơ lỏng từ
loài dê, hoặc là bơ lỏng từ loài trâu, hoặc bơ lỏng từ các loài thú nào có thịt
được phép (thọ dụng).[4]
Vị ni không bị bệnh yêu cầu cho nhu cầu của bản thân, trong lúc
thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). (Nghĩ rằng): “Với sự đạt được, ta sẽ thọ dụng” rồi thọ
lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).
[487] Không bị bệnh, nhận biết là không bị bệnh, vị ni yêu cầu bơ
lỏng rồi thọ dụng thì phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).
Không bị bệnh, có sự hoài nghi, vị ni yêu cầu bơ lỏng rồi thọ dụng
thì phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).
Không bị bệnh, (lầm) tưởng là bị bệnh, vị ni yêu cầu bơ lỏng rồi
thọ dụng thì phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).
Bị bệnh, (lầm) tưởng là không bị bệnh, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, nhận biết là bị bệnh thì vô tội.
[488] Vị ni bị bệnh, sau khi bị bệnh rồi yêu cầu thì hết bệnh và
thọ dụng, vị ni thọ dụng phần còn lại của vị ni bị bệnh, của các thân quyến, của
những người nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản
thân, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
2-8. Điều học thứ nhì... Điều
học thứ tám (Yêu cầu mật ong... đường mía... cá... thịt... sữa tươi... sữa đông
rồi thọ dụng)
[489] Câu chuyện về các tỳ-khưu
ni nhóm Lục Sư. Sự quy định lần thứ nhất
[489] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi,
Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ni nhóm Lục
Sư yêu cầu dầu ăn rồi thọ dụng.
(Có sự thu gọn) yêu cầu mật ong rồi thọ dụng. ...(như trên)...
yêu cầu đường mía rồi thọ dụng. ...(như trên)... yêu cầu cá rồi thọ dụng.
...(như trên)... yêu cầu thịt rồi thọ dụng. ...(như trên)... yêu cầu sữa tươi rồi
thọ dụng. ...(như trên)... yêu cầu sữa đông rồi thọ dụng. Dân chúng phàn nàn,
phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni lại yêu cầu sữa đông rồi thọ dụng? Khi được
đầy đủ ai mà không vừa ý? Đồ ngon ngọt ai lại không thích thú?
Các tỳ khưu ni đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán,
chê bai. Các tỳ khưu ni ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ni ấy phàn nàn, phê
phán, chê bai rằng:
- Vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại yêu cầu sữa đông rồi thọ
dụng?
…(như trên)…
- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ni yêu cầu sữa đông rồi
thọ dụng, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu ni nhóm Lục Sư lại yêu cầu
sữa đông rồi thọ dụng vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin
cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni
hãy phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào yêu cầu sữa đông rồi thọ
dụng, vị tỳ khưu ni ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức ni, tôi đã vi phạm
tội đáng chê trách, không có ích lợi, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”
Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu ni như thế.
[490] Câu chuyện về các tỳ-khưu
ni bị bệnh. Sự quy định thêm
[490] Vào lúc bấy giờ, có các tỳ khưu ni bị bệnh. Các tỳ khưu ni
thăm hỏi bệnh tình đã nói với các tỳ khưu ni bị bệnh điều này:
- Này các ni sư, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được thuận tiện
không?
- Này các ni sư, trước đây chúng tôi yêu cầu sữa đông rồi thọ dụng,
nhờ thế chúng tôi được thoải mái. Giờ đây, (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm
đoán,” trong lúc ngần ngại nên không yêu cầu, vì thế chúng tôi không được thoải
mái.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ni bị bệnh được yêu cầu
sữa đông rồi thọ dụng. Và này các tỳ khưu, các tỳ khưu ni hãy phổ biến điều học
này như vầy: “Vị tỳ khưu ni nào không bị bệnh yêu cầu sữa đông rồi thọ dụng, vị
tỳ khưu ni ấy nên thú nhận rằng: ‘Bạch chư đại đức ni, tôi đã vi phạm tội đáng
chê trách, không có ích lợi, cần phải thú nhận; tôi xin thú nhận tội ấy.’”
[491] Vị ni nào: là bất cứ vị ni nào ...(như trên)...
Tỳ khưu ni: ...(như trên)... vị ni này là “vị tỳ khưu ni” được đề
cập trong ý nghĩa này.
Không bị bệnh nghĩa là vị có được sự thoải mái khi không có sữa
đông.
Bị bệnh nghĩa là vị không có sự thoải mái khi không có sữa đông.
Dầu ăn (telaṃ) nghĩa là dầu mè, dầu hạt mù tạt, dầu có chứa mật ong, dầu cây
eraṇḍa, dầu từ mỡ thú.
Mật ong (madhu) nghĩa là mật của loài ong.
Đường mía (phāṇitaṃ) nghĩa là được sản xuất từ cây mía.
Cá (maccho) nghĩa là loài di chuyển trong nước được đề cập đến.
Thịt (maṃsaṃ) nghĩa là thịt của các loài thú nào có thịt được phép (thọ dụng).
Sữa tươi (khīraṃ) nghĩa là sữa tươi từ loài bò, hoặc là sữa tươi từ loài dê, hoặc
là sữa tươi từ loài trâu, hoặc là sữa tươi từ các loài thú nào có thịt được
phép (thọ dụng).
Sữa đông (dadhi) nghĩa là sữa đông của chính các loài thú ấy.
Vị ni không bị bệnh yêu cầu cho nhu cầu của bản thân, trong lúc
thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). (Nghĩ rằng): “Với sự đạt được, ta sẽ thọ dụng” rồi thọ
lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).
[492] Không bị bệnh, nhận biết là không bị bệnh, vị ni yêu cầu sữa
đông rồi thọ dụng thì phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).
Không bị bệnh, có sự hoài nghi, vị ni yêu cầu sữa đông rồi thọ dụng
thì phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).
Không bị bệnh, (lầm) tưởng là bị bệnh, vị ni yêu cầu sữa đông rồi
thọ dụng thì phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ).
Bị bệnh, (lầm) tưởng là không bị bệnh, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Bị bệnh, nhận biết là bị bệnh thì vô tội.
[493] Vị ni bị bệnh, sau khi bị bệnh rồi yêu cầu thì hết bệnh và
thọ dụng, vị ni thọ dụng phần còn lại của vị ni bị bệnh, của các thân quyến, của
những người nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản
thân, vị ni bị điên, vị ni vi phạm đầu tiên thì vô tội.
[494] Tổng kết chương Ưng Phát
Lộ
[494] Bạch chư đại đức ni, tám điều pāṭidesanīya (ưng phát lộ) đã được đọc tụng
xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức ni rằng: Chắc hẳn các vị được
thanh tịnh trong vấn đề này?
Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh
trong vấn đề này?
Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh
trong vấn đề này?
Các đại đức ni được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự
việc này là như vậy.
Hết Chương 5. Pāṭidesanīya (Ưng Phát Lộ)
0 Comments