Tạng Luật - Đại Phẩm - Chương 8. Y Phục - Tụng Phẩm 3

Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu

Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tạng Luật (Vinayapiṭaka)

Đại Phẩm (Mahāvagga)

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Chương 8. Y Phục (Cīvarakkhandhaka)

3. Tụng phẩm thứ ba

Mục Lục

[156] Sự cho phép tọa cụ (nisīdana), ngọa cụ (paccattharana)

[157] Sự cho phép y đắp ghẻ (kaṇḍupaicchādī)

[158] Sự cho phép khăn lau mặt (mukhapuñchanacolaka)

[159] Sự cho phép lấy do sự thân thiết

[160] Giảng giải về sự chú nguyện các loại y. Giảng giải về sự cắt y

[163] Đi vào làng với ba y

[164] Giảng giải về y phát sanh thuộc về hội chúng

[165] Câu chuyện về trưởng lão Upananda con trai dòng Sākya

[166] Giảng giải về việc phục vụ người bệnh. Giảng giải về sự thừa kế

[168] Giảng giải về xu hướng sai trái trong vấn đề phục sức

[170] Giảng giải về việc chia phần y phát sanh sau mùa (an cư) mưa

[171] Giảng giải về việc lấy y đúng đắn, về việc lấy y sai trái

[172] Tám tiêu đề về việc phát sanh y

[173] Bài kệ tóm lược

Nội Dung

[156] Sự cho phép tọa cụ (nisīdana), ngọa cụ (paccattharana)

[156] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn thượng hạng, có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ rồi tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao khiến chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ. Khi ấy, đức Thế Tôn trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với đại đức Ānanda là sa-môn hầu cận đã nhìn thấy chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, tại sao chỗ nằm ngồi này bị lấm lem?

- Bạch ngài, hiện nay các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn thượng hạng, có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ rồi tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao. Bạch đức Thế Tôn, do đó chỗ nằm ngồi này bị lấm lem vì chất dơ.

- Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao vì các vị ấy có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Này Ānanda, các vị tỳ khưu nào có niệm được thiết lập, được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, các vị nào dầu là phàm nhân đã xa lìa sự tham đắm trong các dục, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, tinh dịch của vị A-la-hán có thể bị xuất ra là điều không có thực tế, không có cơ sở.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ở đây trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với Ānanda là sa-môn hầu cận ta đã nhìn thấy chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ, sau khi nhìn thấy đã hỏi Ānanda rằng: “Này Ānanda, tại sao chỗ nằm ngồi này bị lấm lem?” “Bạch ngài, hiện nay các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn thượng hạng, có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ, rồi tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao. Bạch đức Thế Tôn, do đó chỗ nằm ngồi này đã bị lấm lem vì chất dơ.” “Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao vì các vị ấy có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Này Ānanda, các vị tỳ khưu nào có niệm được thiết lập, được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, các vị nào dầu là phàm nhân đã xa lìa sự tham đắm trong các dục, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, tinh dịch của vị A-la-hán có thể bị xuất ra là điều không có thực tế, không có cơ sở.” Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi của vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ: (Vị ấy) ngủ khổ sở, thức dậy khổ sở, thấy mộng điều ác xấu, chư thiên không hộ trì, tinh dịch bị xuất ra. Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi của vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, đây là năm điều thuận lợi của vị có niệm được thiết lập, được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ: (Vị ấy) ngủ an lạc, thức dậy an lạc, không thấy mộng điều ác xấu, chư thiên hộ trì, tinh dịch không bị xuất ra. Này các tỳ khưu, đây là năm điều thuận lợi của vị có niệm được thiết lập, được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) y lót ngồi (nisīdana) để bảo vệ cơ thể, để bảo vệ y, để bảo vệ chỗ ngồi.

Vào lúc bấy giờ, y lót ngồi quá nhỏ nên không bảo vệ được toàn bộ chỗ ngồi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm tấm trải nằm (paccattharana)[4] lớn theo như (kích thước) mong muốn.

[157] Sự cho phép y đắp ghẻ (kaṇḍupaicchādī)

[157] Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của đại đức Ānanda là đại đức Velaṭṭhasīsa có bệnh ghẻ sần sùi (thullakacchābādho). Các y của vị ấy bị dính vào thân vì chất máu mủ, các vị tỳ khưu phải liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này bị bệnh gì vậy?

- Bạch ngài, đại đức này bị bệnh ghẻ sần sùi, các y bị dính vào thân vì chất máu mủ, chúng con phải liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) y đắp ghẻ (kaṇḍupaicchādī) đến vị nào bị ghẻ ngứa, hoặc bị nhọt, hoặc có vết thương chảy mủ, hoặc bị ghẻ sần sùi.

[158] Sự cho phép khăn lau mặt (mukhapuñchanacolaka)

[158] Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra cầm cái khăn lau mặt đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin hãy thọ lãnh cái khăn lau mặt của con vì điều ấy đem lại sự lợi ích và sự an vui lâu dài cho con.

Đức Thế Tôn đã thọ nhận cái khăn lau mặt. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Visākhā mẹ của Migāra đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) khăn lau mặt (mukhapuñchanacola).

[159] Sự cho phép lấy do sự thân thiết

[159] Vào lúc bấy giờ, Roja người Malla là bạn của đại đức Ānanda. Tấm vải dệt bằng sợi lanh của Roja người Malla đã bị đánh rơi nơi khuôn viên của đại đức Ānanda. Và đại đức Ānanda có nhu cầu về vải dệt bằng sợi lanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép lấy do sự thân thiết (đồ vật) của người hội đủ năm điều: là vị quen biết, thân thiết, (vị ấy) đã nói trước, (vị ấy) còn sống, và vị lấy biết được rằng: “Khi được ta lấy thì vị ấy sẽ hoan h.” Này các tỳ khưu, ta cho phép lấy do sự thân thiết (đồ vật) của người hội đủ năm điều này.

[160] Giảng giải về sự chú nguyện các loại y. Giảng giải về sự cắt y

[160] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu có được đầy đủ ba y nhưng có nhu cầu về các đồ lọc nước và túi mang. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép miếng vải phụ tùng (parikkhāracola).

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Các vật nào đã được đức Thế Tôn cho phép như là ‘Ba y,’ hoặc là ‘Vải choàng (tắm) mưa,’ hoặc là ‘Y lót ngồi,’ hoặc là ‘Tấm trải nằm,’ hoặc là ‘Y đắp ghẻ,’ hoặc là ‘Khăn lau mặt,’ hoặc là ‘Miếng vải phụ tùng,’ tất cả các thứ ấy cần được chú nguyện để dùng riêng (adhiṭṭhātu) hay là chú nguyện để dùng chung (vikappetu)?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng riêng ba y không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng vải choàng (tắm) mưa trong bốn tháng của mùa mưa sau đó chú nguyện để dùng chung vào các tháng khác, chú nguyện để dùng riêng y lót ngồi không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng tấm trải nằm không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng y đắp ghẻ lúc còn bị bệnh sau đó chú nguyện để dùng chung vào lúc khác, chú nguyện để dùng riêng khăn lau mặt không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng miếng vải phụ tùng không được chú nguyện để dùng chung.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Y nên được chú nguyện để dùng chung (có kích thước) tối thiểu là bao nhiêu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng chung y (có kích thước) tối thiểu với chiều dài là tám ngón tay với chiều rộng là bốn ngón tay theo ngón tay tiêu chuẩn (sugatagulena).

Vào lúc bấy giờ, y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ của đại đức Mahākassapa là nặng nề. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) việc mạng bằng chỉ.

(Y) có góc bị thừa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cắt góc bị thừa.

Các mối chỉ bị xổ ra (ở chỗ bị cắt). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép gắn vào miếng vải viền hoặc miếng vải bọc lại.

Vào lúc bấy giờ, các mảnh vải của y hai lớp (saghāi) bị tưa ra (lujjanti). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm (đường chỉ may) ở tám chỗ (aṭṭhapadakam kātu).

[161] Vào lúc bấy giờ, trong lúc y của vị tỳ khưu nọ đang được làm, toàn bộ các mảnh cắt không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hai (y) đã được cắt, một (y) không cắt.

Hai (y) đã được cắt một (y) không cắt không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hai (y) không cắt, một (y) đã được cắt.

Hai (y) không cắt một (y) đã được cắt không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đặt vào miếng vải khác loại (anvādhika). Và này các tỳ khưu, không nên sử dụng toàn bộ (ba y) không cắt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaa (tác ác).

[162] Vào lúc bấy giờ, có nhiều y được phát sanh đến vị tỳ khưu nọ. Và vị ấy có ý muốn cho đến cha mẹ y ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, điều gì ta có thể nói trong khi vị ấy cho đến cha mẹ? Này các tỳ khưu, ta cho phép cho đến cha mẹ. Và này các tỳ khưu, không nên lãng phí vật bố thí vì đức tin; vị nào lãng phí thì phạm tội dukkaa (tác ác).

[163] Đi vào làng với ba y

[163] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã để y hai lớp (saghāi) trong khu rừng Andhavana rồi đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Những kẻ trộm đã lấy trộm y ấy. Vị tỳ khưu ấy trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm. Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, vì sao ngài lại trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm?

- Này các đại đức, ở đây tôi đã để y ở trong khu rừng Andhavana rồi đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Những kẻ trộm đã lấy trộm y ấy, vì thế tôi trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đi vào làng với y nội và thượng y; vị nào đi vào thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, đại đức Ānanda vì thiếu sự ghi nhớ nên đã đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Này đại đức Ānanda, không phải đức Thế Tôn đã quy định rằng: “Không nên đi vào làng với y nội và thượng y” hay sao? Này đại đức, vì sao ngài đã đi vào làng với y nội và thượng y?

- Này các đại đức, điều đã được đức Thế Tôn quy định rằng: “Không nên đi vào làng với y nội và thượng y” là sự thật. Này các đại đức, tuy nhiên vì thiếu sự ghi nhớ nên tôi đã đi vào (làng như thế).

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, có năm điều kiện cho việc để lại y hai lớp (saghāi): vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa (vassikasaketa),[5] hoặc là phải đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kahina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại y hai lớp.

Này các tỳ khưu, có năm điều kiện cho việc để lại thượng y (uttarāsaga): vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa, hoặc là phải đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kahina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại thượng y.

Này các tỳ khưu, có năm điều kiện cho việc để lại y nội (antaravāsaka): vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa, hoặc là phải đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kahina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại y nội.

Này các tỳ khưu, có năm điều kiện cho việc để lại vải choàng (tắm) mưa (vassikasāikā): vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa, hoặc là phải đi ra khỏi ranh giới, hoặc là phải đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vải choàng (tắm) mưa không được làm hoặc được làm chưa hoàn tất. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại vải choàng (tắm) mưa.

[164] Giảng giải về y phát sanh thuộc về hội chúng

[164] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sống mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng đã dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy khởi đã ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng tối thiểu là nhóm bốn vị’ và ta chỉ có mỗi một mình. Và các người này đã dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ hay là ta nên đem các y thuộc về hội chúng này đến Sāvatthi?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã cầm lấy các y ấy đi đến Sāvatthi và trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này tỳ khưu, các y ấy là của chính ngươi cho đến khi hết hiệu lực của Kahina. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Này các tỳ khưu, ta cho phép các y ấy là của chính vị ấy cho đến khi hết hiệu lực của Kahina.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sống ngoài mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng đã dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng ít nhất là nhóm bốn vị’ và ta chỉ có mỗi một mình. Và các người này đã dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ hay là ta nên đem các y thuộc về hội chúng này đến Sāvatthi?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã cầm lấy các y ấy đi đến Sāvatthi và trình sự việc ấy đến các vị tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chia ra cho hội chúng đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sống ngoài mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ấy chú nguyện các y ấy rằng: “Những y này là của tôi.” Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy chưa được chú nguyện thành của vị tỳ khưu ấy thì có vị tỳ khưu khác đi đến, nên chia thành phần đồng đều nhau. Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy đang được chia bởi các vị tỳ khưu ấy nhưng chưa được bốc thăm thì có vị tỳ khưu khác đi đến, nên chia thành phần đồng đều nhau. Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy đang được chia bởi các vị tỳ khưu ấy và đã được bốc thăm thì có tỳ khưu khác đi đến, không cần phải chia phần nếu không thích.

Vào lúc bấy giờ, có hai vị trưởng lão là anh em: đại đức Isidāsa và đại đức Isibhatta đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi rồi đã đi đến chỗ trú ngụ là ngôi làng nọ. Dân chúng (nghĩ rằng): “Đã lâu lắm các trưởng lão mới ghé đến” rồi đã dâng các thức ăn cùng với các y. Các tỳ khưu thường trú đã hỏi hai vị trưởng lão rằng:

- Thưa các ngài, những y thuộc hội chúng này đã được phát sanh nhờ vào (niềm tin nơi) các trưởng lão, các trưởng lão sẽ hoan h phần chia hay không?

Hai vị trưởng lão đã nói như vầy:

- Này các đại đức, theo như chúng tôi biết về Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn thì các y ấy là thuộc về của chính các vị cho đến khi Kahina hết hiệu lực.

Vào lúc bấy giờ, có ba vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa ở trong thành Rājagaha. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng ít nhất là nhóm bốn vị” và chúng ta chỉ có ba người. Và các người này dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ vậy chúng ta nên thực hành thế nào?” Vào lúc bấy giờ, có nhiều trưởng lão là đại đức Nīlavāsī, đại đức Sāavāsī, đại đức Gopaka, đại đức Bhagu, và đại đức Phalikasandāna cư ngụ tại Pāaliputta ở tu viện Kukkua. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã đi đến Pāaliputta và hỏi các vị trưởng lão. Các vị trưởng lão đã nói như vầy:

- Này các đại đức, theo như chúng tôi biết về Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn thì các y ấy là thuộc về của chính các vị cho đến khi Kahina hết hiệu lực.

[165] Câu chuyện về trưởng lão Upananda con trai dòng Sākya

[165] Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai giòng Sākya đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi rồi đã đi đến chỗ trú ngụ là ngôi làng nọ. Ở đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy đã nói như vầy:

- Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?

- Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.

 Sau khi nhận phần y ở nơi đó, vị ấy đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói như vầy:

- Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?

- Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.

 Sau khi nhận phần y ở nơi đó nữa, vị ấy đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói như vầy:

- Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?

- Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.

 Sau khi nhận phần y ở nơi đó nữa, vị ấy đã cầm lấy gói y lớn rồi quay trở về lại Sāvatthi. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức Upananda, ngài có được nhiều phước báu. Nhiều y đã được phát sanh đến ngài.

- Này các đại đức, tôi có phước báu là do đâu? Ở đây, tôi đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi rồi đã đi đến chỗ trú ngụ là ngôi làng nọ. Ở đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy đã nói với tôi như vầy: “Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” “Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.” Sau khi nhận phần y ở nơi đó, tôi đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói với tôi như vầy: “Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” “Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.” Sau khi nhận phần y ở nơi đó nữa, tôi đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói với tôi như vầy: “Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” “Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.” Tôi đã nhận phần chia y ở nơi đó nữa, như thế mà nhiều y đã được phát sanh đến tôi.

- Này đại đức Upananda, có phải ngài đã sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác và chấp nhận phần chia y ở nơi khác?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda đã sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác lại chấp nhận phần chia y ở nơi khác?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi đã sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác và chấp nhận phần chia y ở nơi khác, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác lại chấp nhận phần chia y ở nơi khác? Này kẻ rồ dại, việc sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác không nên chấp nhận phần chia y ở nơi khác; vị nào chấp nhận thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda một mình đã sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ (nghĩ rằng): “Như vầy nhiều y sẽ được phát sanh đến ta.” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Phần san sẻ về y nên được cho đến đại đức Upananda như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, hãy cho đến kẻ rồ dại phần của một người. Này các tỳ khưu, trường hợp một vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ[6] (nghĩ rằng): “Như vầy nhiều y sẽ được phát sanh đến ta.” Nếu vị ấy sống chỗ này một nửa (thời gian) chỗ kia một nửa (thời gian) thì nên cho phần san sẻ về y (cīvarapaiviso) gồm một nửa của nơi này một nửa của nơi kia, hoặc ở chỗ nào vị ấy sống nhiều hơn thì phần san sẻ về y nên được cho từ chỗ đó.

[166] Giảng giải về việc phục vụ người bệnh. Giảng giải về sự thừa kế

[166] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh kiết lỵ. Vị ấy đã bị té vào đống phân và nước tiểu của chính mình. Khi ấy, trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với đại đức Ānanda là sa-môn hầu cận, đức Thế Tôn đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu ấy. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy té và đang nằm trên đống phân và nước tiểu của chính mình, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này tỳ khưu, ngươi bị bệnh gì?

- Bạch Thế Tôn, con bị bệnh kiết lỵ.

- Này tỳ khưu, ngươi không có người phục vụ?

- Bạch Thế Tôn, không có.

- Vì sao các vị tỳ khưu lại không phục vụ ngươi?

- Bạch ngài, con là người không có làm gì cho các vị tỳ khưu, do đó các vị tỳ khưu không phục vụ con.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, hãy đi và mang nước lại. Chúng ta sẽ tắm cho vị tỳ khưu này.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã mang nước lại. Đức Thế Tôn đã xối nước và đại đức Ānanda đã rửa ráy toàn bộ. Rồi đức Thế Tôn đã đỡ phần đầu còn đại đức Ānanda nâng lên ở phần chân và đặt ở trên giường. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại rồi hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, có phải có vị t kheo trong trú xá ở đàng kia bị bệnh?

- Bạch Thế Tôn, thưa có.

- Này các tỳ khưu, vị ấy bị bệnh gì?

- Bạch ngài, đại đức ấy bị bệnh kiết lỵ.

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy có người phục vụ không?

- Bạch Thế Tôn, không có.

- Vì sao các tỳ khưu lại không phục vụ vị ấy?

- Bạch ngài, vị tỳ khưu ấy là người không có làm gì cho các tỳ khưu, do đó các tỳ khưu không phục vụ vị ấy.

- Này các tỳ khưu, các ngươi không có mẹ, không có cha là những người có thể phục vụ các ngươi. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không phục vụ lẫn nhau thì khi ấy lấy ai sẽ phục vụ đây? Này các tỳ khưu, vị nào có thể phục vụ ta, vị ấy nên phục vụ những người bệnh. Nếu có thầy tế độ, thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có thầy dạy học, thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có đệ tử, người đệ tử nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có học trò, người học trò nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có vị đồng thầy tế độ, vị đồng thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có vị đồng thầy dạy học, vị đồng thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu không có thầy tế độ, hoặc thầy dạy học, hoặc người đệ tử, hoặc người học trò, hoặc vị đồng thầy tế độ, hoặc vị đồng thầy dạy học, hội chúng nên phục vụ; nếu không phục vụ thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Này các tỳ khưu, vị bị bệnh là khó phục vụ khi hội đủ năm điều: Là vị không làm việc cần làm; là vị không biết sự vừa phải trong việc cần làm; là vị không quen dùng dược phẩm; là vị không giải thích cho người phục vụ bệnh nhân luôn muốn điều tốt đẹp một cách rõ ràng, đúng theo thực trạng như (bệnh) đã tăng thêm là “(Bệnh) đã tăng thêm,” (bệnh) đã giảm là: “(Bệnh) đã giảm,” (bệnh) ổn định là: “(Bệnh) ổn định;” là loại người không chịu đựng được các cảm thọ khổ, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, người bệnh hội đủ năm điều này là khó phục vụ.

 Này các tỳ khưu, vị bị bệnh là dễ phục vụ khi hội đủ năm điều: Là vị làm việc cần làm; là vị biết sự vừa phải trong việc cần làm; là vị quen dùng dược phẩm; là vị giải thích cho người phục vụ bệnh nhân luôn muốn điều tốt đẹp một cách rõ ràng, đúng theo thực trạng như (bệnh) đã tăng thêm là “(Bệnh) đã tăng thêm,” (bệnh) đã giảm là: “(Bệnh) đã giảm,” (bệnh) ổn định là: “(Bệnh) ổn định;” là loại người chịu đựng được các cảm thọ khổ, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, người bệnh hội đủ năm điều này là dễ phục vụ.

Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân không thích hợp để phục vụ người bệnh là vị hội đủ năm điều: Là vị không có khả năng để phân phát thuốc men; không biết điều gì cần làm và điều gì không cần làm, làm điều không cần thiết và không làm điều cần thiết; phục vụ người bệnh vì mục đích tài vật và không có tâm từ; ghê tởm việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa; không có khả năng để chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng bài Pháp thoại lúc này lúc khác. Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân hội đủ năm điều này là không thích hợp để phục vụ người bệnh.

Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân thích hợp để phục vụ người bệnh là vị hội đủ năm điều: Là vị có khả năng để phân phát thuốc men; biết điều gì cần làm và điều gì không cần làm, không làm điều không cần thiết và làm điều cần thiết; có tâm từ và phục vụ người bệnh không vì mục đích tài vật; không ghê tởm việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa; có khả năng để chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng bài Pháp thoại lúc này lúc khác. Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân hội đủ năm điều này là thích hợp để phục vụ người bệnh.

[167] Vào lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu đang đi đường xa trong xứ Kosala. Hai vị ấy đã đi đến trú xứ nọ. Ở đó, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã bàn bạc điều này: “Này đại đức, việc phục vụ người bệnh đã được đức Thế Tôn khen ngợi. Này đại đức, vậy chúng ta hãy phục vụ vị tỳ khưu này.” Các vị ấy đã phục vụ vị kia. Trong khi được các vị ấy phục vụ, vị kia đã từ trần. Sau đó, các vị tỳ khưu đã cầm lấy y bát của vị tỳ khưu kia đi đến Sāvatthi và đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu khi từ trần, hội chúng là chủ của các y và bình bát, tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh ba y và bình bát thông qua hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên được ban cho như vầy:

Vị tỳ khưu phục vụ người bệnh ấy nên đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy. Hội chúng cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đại đức nào đồng ý việc cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Ba y và bình bát này đã được hội chúng cho đến các vị phục vụ người bệnh. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vào lúc bấy giờ, có vị sa di nọ từ trần. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đối với vị sa di khi từ trần, hội chúng là chủ của các y và bình bát, tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh y và bình bát thông qua hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên được ban cho như vầy:

Vị tỳ khưu phục vụ người bệnh ấy nên đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, vị sa di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị sa di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị sa di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy. Hội chúng cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đại đức nào đồng ý việc cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Y và bình bát này đã được hội chúng cho đến các vị phục vụ người bệnh. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ và vị sa di đã phục vụ vị bị bệnh. Trong khi được các vị ấy phục vụ, vị kia đã từ trần. Khi ấy, vị tỳ khưu phục vụ người bệnh đã khởi ý điều này: “Phần san sẻ về y của vị sa di là vị phục vụ người bệnh nên được cho như thế nào đây?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cho đến vị sa di là vị phục vụ người bệnh phần san sẻ đồng đều.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có nhiều đồ đạc và có nhiều vật dụng đã từ trần. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu khi từ trần, hội chúng là chủ của các y và bình bát, tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh ba y và bình bát thông qua hội chúng, (cho phép) hội chúng đang hiện diện phân chia đồ đạc loại nhẹ và vật dụng loại nhẹ ở nơi ấy, (cho phép) đồ đạc loại nặng và vật dụng cần thiết loại nặng ở nơi ấy là của hội chúng bốn phương đã đi đến hoặc sẽ đi đến, không được phân tán, không được phân chia.

[168] Giảng giải về xu hướng sai trái trong vấn đề phục sức

[168] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi làm cho trở thành trần truồng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người thường ngợi khen về sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, sự trần truồng này đưa đến sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn theo nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép sự trần truồng đến các tỳ khưu.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, ...(như trên)... Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại thực hành nghi thức của ngoại đạo là sự lõa thể? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thực hành nghi thức của ngoại đạo là sự lõa thể; vị nào thực hành thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ che thân bằng cỏ kusa ...(như trên)... che thân bằng vỏ cây ...(như trên)... che thân bằng tấm ván gỗ ...(như trên)... che thân bằng mền dệt bằng tóc ...(như trên)... che thân bằng mền dệt bằng lông ngựa ...(như trên)... che thân bằng cánh chim cú ...(như trên)... che thân bằng da linh dương rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người thường ngợi khen về sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, (việc che thân bằng) da linh dương này đưa đến sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn theo nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép (việc che thân bằng) da linh dương đến các tỳ khưu.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, ...(như trên)... Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại mặc biểu tượng của ngoại đạo là (che thân bằng) da linh dương? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên mặc biểu tượng của ngoại đạo là (che thân bằng) da linh dương; vị nào mặc thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ mặc (y làm bằng) sợi của cây akka, ...(như trên)... mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người thường ngợi khen về sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, (y làm bằng) sợi của cây makaci này đưa đến sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn theo nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép (y làm bằng) sợi của cây makaci đến các tỳ khưu.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, ...(như trên)... Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci; vị nào mặc thì phạm tội dukkaa (tác ác).

[169] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc các y toàn màu xanh đậm, mặc các y toàn màu vàng, mặc các y toàn màu đỏ, mặc các y toàn màu đỏ sậm, mặc các y toàn màu đen, mặc các y toàn màu nổi bật, mặc các y toàn màu sáng chói, mặc các y không cắt đường viền, mặc các y có đường viền rộng, mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, mặc các y có đường viền vẽ hình rắn hổ mang, mặc áo choàng ngắn, mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīaka, mang khăn xếp đội đầu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mặc các y toàn màu xanh đậm, không nên mặc các y toàn màu vàng, không nên mặc các y toàn màu đỏ, không nên mặc các y toàn màu đỏ sậm, không nên mặc các y toàn màu đen, không nên mặc các y toàn màu nổi bật, không nên mặc các y toàn màu sáng chói, không nên mặc các y không cắt đường viền, không nên mặc các y có đường viền rộng, không nên mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, không nên mặc các y có đường viền vẽ hình rắn hổ mang, không nên mặc áo choàng ngắn, không nên mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīaka, không nên mang khăn xếp đội đầu; vị nào mang thì phạm tội dukkaa (tác ác).

[170] Giảng giải về việc chia phần y phát sanh sau mùa (an cư) mưa

[170] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại ra đi, hoàn tục, từ trần, được biết là sa di, được biết là người xả bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là vị có tâm rối loạn, được biết là vị bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm đức Phật chảy máu, được biết là kẻ lưỡng căn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại ra đi, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) sa di, được biết là người xả bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, hội chúng là chủ quản. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh thì được biết là vị bị điên, được biết là vị có tâm rối loạn, được biết là vị bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh được biết là kẻ vô căn, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn, hội chúng là chủ quản.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia lại ra đi, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia lại hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) sa di, được biết là người xả bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, hội chúng là chủ quản. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia thì được biết là vị bị điên, được biết là vị có tâm rối loạn, được biết là vị bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia được biết là kẻ vô căn, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn, hội chúng là chủ quản.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước cho một nhóm và dâng y cho một nhóm (nói rằng): “Chúng tôi dâng y đến hội chúng.” (Y) ấy là của hội chúng. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước cho một nhóm và dâng y cho chính nhóm ấy (nói rằng): “Chúng tôi dâng y đến hội chúng.” (Y) ấy là của hội chúng.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước cho một nhóm và dâng y cho một nhóm (nói rằng): “Chúng tôi dâng y đến nhóm.” (Y) ấy là (riêng) của nhóm. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước cho một nhóm và dâng y cho chính nhóm ấy (nói rằng): “Chúng tôi dâng y đến nhóm.” (Y) ấy là (riêng) của nhóm.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y đã được phát sanh nhưng chưa chia phần thì hội chúng bị chia rẽ. Nên chia đồng đều cho tất cả.

[171] Giảng giải về việc lấy y đúng đắn, về việc lấy y sai trái

[171] Vào lúc bấy giờ, đại đức Revata gởi y cho đại đức Sāriputta qua tay của vị tỳ khưu nọ (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị trưởng lão.” Sau đó ở khoảng giữa đường đi, vị tỳ khưu ấy đã lấy y ấy do sự thân thiết với đại đức Revata. Sau đó, đại đức Revata đã đích thân đi đến đại đức Sāriputta và hỏi rằng:

- Thưa ngài, tôi đã gởi y cho ngài trưởng lão. Y ấy đã đến chưa?

- Này sư đệ, ta không nhìn thấy y ấy.

Sau đó, đại đức Revata đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, tôi đã gởi y của ngài trưởng lão qua tay của đại đức. Y ấy đâu rồi?

- Thưa đại đức, tôi đã lấy y ấy do sự thân thiết với đại đức.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi đi; (y) đã được lấy đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi đi; (y) đã được lấy đúng đắn.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Vị gởi (y) đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Vị sẽ nhận (y) đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy đúng đắn.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Cả hai đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị gởi đi; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy xác định y của người đã chết là thuộc về vị sẽ nhận; (y) đã được xác định sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Vị gởi (y) đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Vị sẽ nhận (y) đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Cả hai đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị gởi đi; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy xác định y của người đã chết là thuộc về vị sẽ nhận; (y) đã được xác định đúng đắn.

[172] Tám tiêu đề về việc phát sanh y

[172] Này các tỳ khưu, có tám tiêu đề về việc phát sanh y: (thí chủ) dâng trong ranh giới (sīmā), (thí chủ) dâng theo sự thỏa thuận, (thí chủ) dâng theo sự thông báo về vật thực, (thí chủ) dâng đến hội chúng, (thí chủ) dâng đến cả hai hội chúng (tỳ khưu và tỳ khưu ni), (thí chủ) dâng đến hội chúng đã sống qua mùa (an cư) mưa, (thí chủ) dâng sau khi đã thông báo, (thí chủ) dâng đến cá nhân.

(Thí chủ) dâng trong ranh giới (sīmāya deti) thì nên chia phần cho hết thảy các vị tỳ khưu đang ở trong ranh giới. (Thí chủ) dâng theo sự thỏa thuận (katikāya deti) thì toàn bộ các trú xứ đều có phần nhận lãnh đồng đều, (nghĩa là) khi được dâng ở một trú xứ thì được dâng cho tất cả. (Thí chủ) dâng theo sự thông báo về vật thực (bhikkhāpaññattiyā deti) là nơi nào các sự hộ độ thường xuyên được thực hiện đến hội chúng thì dâng nơi ấy. (Thí chủ) dâng đến hội chúng thì nên chia phần đến hội chúng đang hiện diện. (Thí chủ) dâng đến cả hai hội chúng thì dù cho có nhiều tỳ khưu mà có một tỳ khưu ni cũng nên được chia một nửa. Dù cho có nhiều tỳ khưu ni mà có một tỳ khưu cũng nên được chia một nửa. (Thí chủ) dâng đến hội chúng đã sống qua mùa (an cư) mưa (vassa vutthassa saghassa deti) thì nên chia phần cho hết thảy các vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ở trú xứ ấy. (Thí chủ) dâng sau khi đã thông báo (ādissa deti) về cháo, hoặc về bữa ăn, hoặc về vật thực cứng, hoặc về y, hoặc về chỗ trú ngụ, hoặc về dược phẩm. (Thí chủ) dâng đến cá nhân (puggalassa deti) là (nói rằng): “Tôi đã dâng y này đến vị tên (như vầy).”

Hết Chương 8 Y Phục

Trong chương này có chín mươi sáu sự việc.

Tóm lược chương này:

[173] Bài kệ tóm lược

[173]

Thị trưởng Vương Xá nhìn

k nữ Vesālī

đến khi quay về lại

thành Rājagaha

báo điều ấy đến vua.

Người con trai k nữ

Sālavatikā

con (nuôi) Abhaya

bởi vì vương tử hỏi:

“Jīvati?” “Còn sống?”

gọi tên “Jīvaka.”

Rồi chàng trai đi đến

thành Takkasilā

học xong được thành tài

trị lành bệnh bảy năm

bằng việc làm ở mũi.

Bệnh rò rỉ của vua

trị dứt bằng thuốc thoa,

“Hãy phục vụ cho ta,

các cung phi hoàng tộc,

đức Phật và Tăng-già.

Và chuyện đại phú gia

thành Rājagaha,

điều trị chứng xoắn ruột,

trị dứt bệnh rất nặng

của vua Pajjota

bằng bơ lỏng uống vào.

Chức vụ, vải Sivi,

bôi dầu bệnh bốc mùi,

với ba nắm sen xanh,

là ba mươi lần xổ,

lành bệnh xin điều ước,

Ngài nhận vải Sivi,

đức Như Lai cho phép

y dâng của gia chủ,

choàng vải, choàng tơ lụa,

choàng lông, nửa Kāsī,

và nhiều loại, hoan h.

Các vị chờ, không chờ,

vào trước như vào sau,

cam kết, họ mang lại,

kho chứa, không bảo quản,

cũng thế làm xao lãng.

Có nhiều, cảnh náo động,

nên chia như thế nào?

Nên cho như thế nào?

Với phần chia nhiều hơn,

san sẻ cho làm sao?

Với phân và nước lạnh,

bị trào ra, không biết,

đổ ra, và chậu nhuộm,

trong đĩa, và nền đất,

mối, ở giữa, bị sờn,

một bên, và bị cứng,

thô, không cắt, kết lại.

Ngài thấy mang đống y,

sau khi đã suy xét,

đấng Thích Ca Mâu Ni

đã cho phép ba y,

với y phụ trội khác,

phát sanh, và y rách.

(Mây đen) bốn châu lục,

bà cầu xin điều ước

được dâng choàng tắm mưa,

vị vãng lai, xuất hành,

vị bệnh, người nuôi bệnh,

dược phẩm, cháo thường xuyên,

và choàng tắm (các ni).

Thượng hạng, y quá nhỏ,

ghẻ sần sùi, khăn mặt,

sợi lanh, được đầy đủ,

chú nguyện, việc cuối cùng,

điều quan trọng đã làm.

Không vuông, chỉ bị rời,

bị tưa, làm không đủ,

thêm vải khác, có nhiều,

rừng Andha, thiếu niệm,

sống an cư một mình,

và trong những mùa khác.

Hai vị là anh em,

chuyện Rājagaha,

vị Upananda

cũng ở hai (chỗ ngụ).

Vị bị bệnh kiết lỵ,

cả hai và vị bệnh,

lõa thể, cỏ kusa,

vỏ cây, tấm ván gỗ,

và mền dệt bằng tóc,

lông ngựa, cánh cú mèo,

sợi của cây akka,

của cây makaci,

màu xanh, và màu vàng,

màu đỏ, và đỏ sậm,

đen, nổi bật, sáng chói,

và đường viền không cắt,

rộng, vẽ hoa, rắn hổ,

áo choàng, sợi vỏ cây,

và khăn xếp đội đầu.

Chưa phát sanh, ra đi,

đến hội chúng chia rẽ,

dâng đến nhóm, hội chúng.

Ngài Revata gởi,

vị lấy do thân thiết,

và vị ấy chú nguyện.

Tiêu đề nói về y

thì có được tám điều.

[1] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng y được dâng bởi gia chủ.

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng 1 kāsī là một ngàn (?), có thể là loại tiền vàng kahāpaa.

[3] Liên quan đến tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) thứ nhất.

[4] Tấm trải nằm (paccattharana) tức là ngọa cụ, y lót ngồi (nisīdana) tức là tọa cụ.

[5] Ngài Buddhaghosa giải thích là trong bốn tháng mùa mưa.

[6] Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên về trường hợp một vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa ở hai nơi. Ngài Buddhaghosa giải thích vị ấy sống thay đổi chỗ ở trong thời hạn từ một ngày đến bảy ngày theo quy định về mùa (an cư) mưa. Quý vị nếu có thắc mắc nên kiểm tra lại ở bản chú giải Samantapāsādikā.

Hết Chương 8Quay Về Mục Lục Chương 8

Xem Chương 9 - Quay Về Mục Lục Đại Phẩm

Quay về Mục Lục Tạng Luật


0 Comments