Tạng Luật - Đại Phẩm - Chương 4. Lễ PAVĀRAṆĀ - Tụng Phẩm 1

Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu

Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tạng Luật (Vinayapiṭaka)

Đại Phẩm (Mahāvagga)

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Chương 4. Lễ Pavāraā (Pavāraākkhandhaka)

1. Tụng phẩm thứ nhất


Mục Lục

[224] Câu chuyện về nhiều vị tỳ khưu ở xứ Kosala

[226] Cho phép tiến hành lễ Pavāraā. Cách thức tiến hành lễ Pavāraā

[227] Giảng giải về cách thức tiến hành lễ Pavāraā

[228] Hai lễ Pavāraā. Bốn loại hành sự Pavāraā

[229] Giảng giải về việc chuyển đạt lời thỉnh cầu của vị bệnh

[230] Gìn giữ sự hợp nhất của hội chúng khi hành lễ Pavāraā

[231] Sự thực hiện lễ Pavāraā bởi năm, bốn, ba, hai, một vị

[232] Giảng giải về sự sám hối vào ngày lễ Pavāraā

Nội Dung

[224] Câu chuyện về nhiều vị tỳ khưu ở xứ Kosala

 [224] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Chúng ta có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, vậy bằng phương thức nào có thể sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực?” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Nếu chúng ta có thể không nói với nhau và cũng không chuyện trò: Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, cung ứng nước uống nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn có thể ăn; nếu không muốn có thể đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy có thể đem (nước) lại. Nếu vị ấy không làm nổi, có thể ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai và có thể đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay, nhưng không vì lý do đó lại có thể phát ra lời nói. Như thế, chúng ta có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau có thể sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực.” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã không nói với nhau và cũng không chuyện trò. Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, cung ứng nước uống nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn thì vị ấy ăn; nếu không muốn thì đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy đem (nước) lại. Nếu không làm nổi, vị ấy ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai và đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay, nhưng không vì lý do đó mà phát ra lời nói.

[225] Điều này đã trở thành thông lệ của các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa là đi đến để diện kiến đức Thế Tôn. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy khi đã sống qua mùa (an cư) mưa với thời gian ba tháng đã thu xếp chỗ trú ngụ, cầm y bát, ra đi về phía thành Sāvatthi. Tuần tự, các vị đã đi đến Jetavana tu viện của ông Anāthapiṇḍika gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ của chư Phật Thế Tôn là niềm nở với các vị tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau có phải đã sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực không?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, chúng con có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau đã sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực.

Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu với hai lý do: “Chúng ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, các ngươi có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau đã sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực là như thế nào?

- Bạch ngài, trường hợp chúng con gồm nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala. Bạch ngài, chúng con đây đã khởi ý điều này: “Chúng ta có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, vậy bằng phương thức nào có thể sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực?” Bạch ngài, chúng con đây đã khởi ý điều này: “Nếu chúng ta có thể không nói với nhau và cũng không chuyện trò: Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, cung ứng nước uống nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn có thể ăn; nếu không muốn có thể đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy có thể đem (nước) lại. Nếu vị ấy không làm nổi, có thể ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai và có thể đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay, nhưng không vì lý do đó lại có thể phát ra lời nói. Như thế, chúng ta có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau có thể sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực.” Bạch ngài, sau đó chúng con đã không nói với nhau và cũng không chuyện trò. Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, cung ứng nước uống nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn thì vị ấy ăn; nếu không muốn có thể đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy đem (nước) lại. Nếu không làm nổi, vị ấy ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai và đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay, nhưng không vì lý do đó mà phát ra lời nói. Bạch ngài, chúng con có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau đã sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực là như thế.

[226] Cho phép tiến hành lễ Pavāraā. Cách thức tiến hành lễ Pavāraā

 [226] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, thật ra những kẻ rồ dại này trong khi đã sống một cách không thoải mái lại bảo rằng: “Chúng con đã sống một cách thoải mái.” Này các tỳ khưu, thật ra những kẻ rồ dại này trong khi đã sống với lối sống chung của loài thú lại bảo rằng: “Chúng con đã sống một cách thoải mái.” Này các tỳ khưu, thật ra những kẻ rồ dại này trong khi đã sống với lối sống chung của loài cừu lại bảo rằng: “Chúng con đã sống một cách thoải mái.” Này các tỳ khưu, thật ra những kẻ rồ dại này trong khi đã sống với lối cộng trú của những kẻ lười biếng lại bảo rằng: “Chúng con đã sống một cách thoải mái.” Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại này lại thọ trì lối thực hành của ngoại đạo là bắt chước kẻ câm. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thọ trì lối thực hành của ngoại đạo là bắt chước kẻ câm; vị nào thọ trì thì phạm tội dukkaa (tác ác). Này các tỳ khưu, đối với các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ. Bằng cách ấy, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận lẫn nhau, có được sự thoát ra khỏi tội, và có được sự hiểu rõ thêm về Luật. Và này các tỳ khưu, nên thỉnh cầu như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hôm nay là ngày lễ Pavāraā. [1] Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraā.”

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

“Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu hội chúng. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng trắc ẩn xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu hội chúng lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng trắc ẩn xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu hội chúng lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng trắc ẩn xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

“Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu hội chúng. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu hội chúng lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu hội chúng lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

[227] Giảng giải về cách thức tiến hành lễ Pavāraā

 [227] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ..(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu; vị nào ngồi yên thì phạm tội dukkaa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép toàn bộ tất cả ngồi chồm hổm để thỉnh cầu.

Vào lúc bấy giờ, có vị trưởng lão nọ già yếu ngồi chồm hổm (nghĩ rằng): “Đến khi tất cả thỉnh cầu xong,” trong lúc chờ đợi bị choáng váng rồi té xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi chồm hổm trong lúc chờ đến phiên thỉnh cầu, sau khi thỉnh cầu được ngồi xuống trên chỗ ngồi.

[228] Hai lễ Pavāraā. Bốn loại hành sự Pavāraā

 [228] Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu lễ Pavāraā?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là hai lễ Pavāraā: Lễ ngày mười bốn và lễ ngày mười lăm. Này các tỳ khưu, đây là hai lễ Pavāraā.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu hành sự Pavāraā?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là bốn hành sự Pavāraā: Hành sự Pavāraā sai Pháp theo phe nhóm, hành sự Pavāraā sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự Pavāraā đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự Pavāraā đúng Pháp có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Pavāraā sai Pháp theo phe nhóm, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Pavāraā có hình thức như thế và hành sự Pavāraā có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Pavāraā sai Pháp có sự hợp nhất, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Pavāraā có hình thức như thế và hành sự Pavāraā có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Pavāraā đúng Pháp theo phe nhóm, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Pavāraā có hình thức như thế và hành sự Pavāraā có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Pavāraā đúng Pháp có sự hợp nhất, này các tỳ khưu, nên thực hiện hành sự Pavāraā có hình thức như thế và hành sự Pavāraā có hình thức như thế được ta cho phép. Này các tỳ khưu, do đó ở đây chúng ta sẽ thực hiện hành sự Pavāraā có hình thức như thế tức là “Đúng Pháp có sự hợp nhất.” Này các tỳ khưu, các ngươi nên học tập theo đúng như thế.

[229] Giảng giải về việc chuyển đạt lời thỉnh cầu của vị bệnh

 [229] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy tụ hội lại, hội chúng sẽ thực hiện lễ Pavāraā.

Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có vị tỳ khưu bệnh. Vị ấy không đến.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bệnh được bày tỏ lời thỉnh cầu. Và này các tỳ khưu, nên bày tỏ như vầy:

Vị tỳ khưu bệnh nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

“Tôi xin bày tỏ lời thỉnh cầu. Hãy chuyển đạt lời thỉnh cầu của tôi. (Hãy thông báo lời thỉnh cầu của tôi.)[2] Hãy thỉnh cầu vì sự lợi ích của tôi.”

(Nếu) vị ấy thể hiện bằng thân, thể hiện bằng lời nói, thể hiện bằng thân và lời nói, thì lời thỉnh cầu đã được bày tỏ. (Nếu) vị ấy không thể hiện bằng thân, không thể hiện bằng lời nói, không thể hiện bằng thân và lời nói, thì lời thỉnh cầu đã không được bày tỏ. Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên dùng cái giường hoặc cái ghế khiêng vị tỳ khưu bệnh ấy đến giữa hội chúng rồi nên thực hiện lễ Pavāraā. Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu chăm sóc bệnh khởi ý như vầy: “Nếu chúng ta di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ, bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ gây tử vong,” này các tỳ khưu, không nên di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ. Hội chúng nên đi đến và thực hiện lễ Pavāraā ở nơi ấy. Nhưng không nên thực hiện lễ Pavāraā bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu từ chính chỗ ấy bỏ đi (nơi khác) thì lời thỉnh cầu nên được bày tỏ đến vị khác. Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu ngay tại chỗ ấy hoàn tục, ...(như trên)..., từ trần, được biết là vị (xuống lại) sa di, được biết là người đã từ bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã chuyển sang ngoại đạo, được biết là loài thú, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu đức Phật, được biết là kẻ lưỡng căn thì lời thỉnh cầu nên được bày tỏ đến vị khác.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu ở khoảng giữa đường lại bỏ đi (nơi khác) thì lời thỉnh cầu vẫn chưa được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu ở khoảng giữa đường lại hoàn tục, từ trần, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn thì lời thỉnh cầu vẫn chưa được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi bỏ đi (nơi khác) thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi hoàn tục, từ trần, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi ngủ quên nên không thông báo thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt lời thỉnh cầu không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi nhập định nên không thông báo thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt lời thỉnh cầu không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi lơ đễnh nên không thông báo thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt lời thỉnh cầu không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi cố ý không thông báo thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt và vị chuyển đạt lời thỉnh cầu bị phạm tội dukkaa (tác ác).

Này các tỳ khưu, ta cho phép vào ngày lễ Pavāraā vị bày tỏ lời thỉnh cầu (đồng thời) bày tỏ sự tùy thuận (phòng khi) hội chúng có hành sự cần được thực hiện.

[230] Gìn giữ sự hợp nhất của hội chúng khi hành lễ Pavāraā

 [230] Vào lúc bấy giờ, vào ngày lễ Pavāraā các thân quyến đã cầm giữ lại vị tỳ khưu nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraā các thân quyến cầm giữ vị tỳ khưu lại. Các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy trả tự do cho vị tỳ khưu này trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này thực hiện lễ Pavāraā xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy tránh sang một bên trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này bày tỏ lời thỉnh cầu xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy dẫn vị tỳ khưu này ra khỏi ranh giới trong chốc lát đến khi nào hội chúng thực hiện lễ Pavāraā xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), vẫn không nên thực hiện lễ Pavāraā bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraā các đức vua cầm giữ vị tỳ khưu lại. ...(như trên)... Các kẻ trộm cướp cầm giữ ...(như trên)... Những kẻ bất lương cầm giữ ...(như trên)... Những kẻ đối nghịch tỳ khưu cầm giữ vị tỳ khưu lại. Những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy trả tự do cho vị tỳ khưu này trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này thực hiện lễ Pavāraā xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy tránh sang một bên trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này bày tỏ lời thỉnh cầu xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các đạo hữu, các người hãy dẫn vị tỳ khưu này ra khỏi ranh giới trong chốc lát đến khi nào hội chúng thực hiện lễ Pavāraā xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không thể đạt được (như thế), vẫn không nên thực hiện lễ Pavāraā bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaa (tác ác).

[231] Sự thực hiện lễ Pavāraā bởi năm, bốn, ba, hai, một vị

 [231] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā có năm vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraā’ và chúng ta là năm người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Pavāraā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị).

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā có bốn vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị) và chúng ta là bốn người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Pavāraā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu lẫn nhau đối với bốn (vị). Và này các tỳ khưu, nên thỉnh cầu như vầy:

Các vị tỳ khưu ấy nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Xin các đại đức hãy lắng nghe tôi, hôm nay là ngày lễ Pavāraā vào ngày mười lăm. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, chúng ta nên thỉnh cầu lẫn nhau.”

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy:

“Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị các tỳ khưu ấy như vầy:

“Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā có ba vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với bốn (vị) và chúng ta là ba người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Pavāraā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu lẫn nhau đối với ba (vị). Và này các tỳ khưu, nên thỉnh cầu như vầy:

Các vị tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Xin các đại đức hãy lắng nghe tôi, hôm nay là ngày lễ Pavāraā vào ngày mười lăm. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, chúng ta nên thỉnh cầu lẫn nhau.”

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị các tỳ khưu ấy như vầy:

“Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy:

“Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā có hai vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với bốn (vị),thỉnh cầu lẫn nhau đối với ba (vị) và chúng ta là hai người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Pavāraā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu lẫn nhau đối với hai (vị). Và này các tỳ khưu, nên thỉnh cầu như vầy:

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị tỳ khưu mới tu như vầy:

“Này sư đệ, tôi xin thỉnh cầu đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này sư đệ, tôi xin thỉnh cầu đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này sư đệ, tôi xin thỉnh cầu đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị tỳ khưu trưởng lão như vầy:

“Bạch ngài, tôi xin thỉnh cầu đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch ngài, tôi xin thỉnh cầu đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch ngài, tôi xin thỉnh cầu đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā có một vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với bốn (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với ba (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với hai (vị) và ta chỉ có một mình, vậy ta nên thực hiện lễ Pavāraā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā có một vị tỳ khưu cư ngụ. Này các tỳ khưu, chỗ nào các vị tỳ khưu thường quay trở về là ở giảng đường, hoặc ở mái che, hoặc ở gốc cây, vị tỳ khưu ấy nên quét khu vực ấy, nên đem lại nước uống nước rửa, nên sắp đặt chỗ ngồi, nên thắp sáng đèn, rồi nên ngồi xuống. Nếu có các tỳ khưu khác đi đến thì nên thực hiện lễ Pavāraā với các vị ấy; nếu không có ai đi đến thì nên chú nguyện rằng: “Hôm nay là lễ Pavāraā của tôi.” Nếu không chú nguyện thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có năm vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt lời thỉnh cầu của một vị rồi thỉnh cầu hội chúng bởi bốn vị. Nếu các vị thỉnh cầu thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có bốn vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt lời thỉnh cầu của một vị rồi thỉnh cầu lẫn nhau bởi ba (vị). Nếu các vị thỉnh cầu thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có ba vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt lời thỉnh cầu của một vị rồi thỉnh cầu lẫn nhau bởi hai (vị). Nếu các vị thỉnh cầu thì phạm tội dukkaa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có hai vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt lời thỉnh cầu của một vị rồi chú nguyện bởi một (vị). Nếu chú nguyện thì phạm tội dukkaa (tác ác).

[232] Giảng giải về sự sám hối vào ngày lễ Pavāraā

 [232] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị phạm tội vào ngày lễ Pavāraā. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị bị phạm tội không nên tiến hành lễ Pavāraā’ và ta thì bị phạm tội; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị phạm tội vào ngày lễ Pavāraā. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, nên chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin sám hối tội ấy.

Vị kia nên nói rằng:

- (Đại đức) có thấy (tội ấy) không?

- Thưa có, tôi thấy.

- (Đại đức) hãy thu thúc trong tương lai.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có nghi ngờ về sự phạm tội vào ngày lễ Pavāraā. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, nên chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch đại đức, tôi có nghi ngờ về sự phạm (một) tội tên (như vầy), khi nào tôi dứt khỏi hoài nghi khi ấy tôi sẽ sửa chữa tội ấy.

Nói xong thì lễ Pavāraā nên được tiến hành, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Pavāraā chỉ vì nguyên nhân ấy.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trong lúc đang được thỉnh cầu thì nhớ ra tội. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị bị phạm tội không nên thỉnh cầu’ và ta thì bị phạm tội; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu trong lúc đang được thỉnh cầu thì nhớ ra tội. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên nói với vị tỳ khưu bên cạnh như vầy: “Bạch đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), sau khi đứng dậy khỏi đây tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong thì nên thỉnh cầu, nhưng không nên làm chướng ngại cho việc thỉnh cầu chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu trong lúc đang được thỉnh cầu thì có nghi ngờ về sự phạm tội. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên nói với vị tỳ khưu bên cạnh như vầy: “Bạch đại đức, tôi có nghi ngờ về sự phạm (một) tội tên (như vầy), khi nào tôi dứt khỏi hoài nghi khi ấy tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong thì nên thỉnh cầu, nhưng không nên làm chướng ngại cho việc thỉnh cầu chỉ vì nguyên nhân ấy.

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sám hối tội (đã phạm) giống nhau, không nên ghi nhận tội (đã phạm) giống nhau’ và toàn bộ hội chúng này đã phạm tội giống nhau, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Này các tỳ khưu, ngay trong hôm ấy các vị tỳ khưu ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và sau khi sửa chữa tội ấy hãy quay trở về, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tội ấy trong sự hiện diện của đại đức.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Toàn bộ hội chúng này đã phạm tội giống nhau, khi nào (hội chúng) nhìn thấy vị tỳ khưu khác trong sạch không phạm tội khi ấy (hội chúng) sẽ sửa chữa tội ấy trong sự hiện diện của vị ấy.” Nói xong, thì lễ Pavāraā nên được tiến hành, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Pavāraā chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraā toàn bộ hội chúng có nghi ngờ về sự phạm tội giống nhau. Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Toàn bộ hội chúng này có nghi ngờ về sự phạm tội giống nhau, khi nào (hội chúng) dứt khỏi hoài nghi khi ấy (hội chúng) sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong, thì lễ Pavāraā nên được tiến hành, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Pavāraā chỉ vì nguyên nhân ấy.

Hết tụng phẩm 1

Xem Tụng Phẩm 2 - Quay Về Mục Lục Chương 4

Xem Chương 5 - Quay Về Mục Lục Đại Phẩm

Quay về Mục Lục Tạng Luật


0 Comments