Tạng Luật - Đại Phẩm - Chương 10. KOSAMBĪ - Tụng Phẩm 1

Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu

Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tạng Luật (Vinayapiṭaka)

Đại Phẩm (Mahāvagga)

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Chương 10. Kosambī (Kosambikkhandhaka)

1. Tụng phẩm thứ nhất

Mục Lục

[238] Câu chuyện về vị tỳ khưu bị treo tội, khởi đầu về sự tranh cãi của các tỳ khưu ở Kosambī

[239] Không nên ban án treo nếu có quan tâm về sự chia rẽ

[240] Hai nền tảng của việc không đồng cộng trú và đồng cộng trú

[242] Sự tranh cãi đưa đến ẩu đả

[243] Câu chuyện về hoàng tử Dīghāvu

[244] Bài học của đức vua Dīghīti dạy hoàng tử Dīghāvu

Nội Dung

[238] Câu chuyện về vị tỳ khưu bị treo tội, khởi đầu về sự tranh cãi của các tỳ khưu ở Kosambī

[238] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Kosambī, tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ phạm tội. Vị ấy có quan điểm về tội ấy là có tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là vô tội. Vào một lúc khác, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không?

- Này các đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy.

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã đạt được sự hợp nhất và phạt án treo vị tỳ khưu ấy trong việc không nhìn nhận tội. Và vị tỳ khưu ấy là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm và đã nói điều này:

- Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi.

Rồi vị tỳ khưu ấy đã có được các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm về cùng phe. Vị ấy cũng đã phái sứ giả đến gặp các vị tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm trong cả nước (nói rằng): “Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi.” Rồi vị tỳ khưu ấy đã có được các vị tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm trong cả nước về cùng phe.

Sau đó, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu đã ban án treo, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu đã ban án treo điều này:

- Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Vị tỳ khưu ấy là không phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy là không bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là bị án treo, vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì.

Khi được nói như thế, các tỳ khưu đã ban án treo đã nói với các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo điều này:

- Điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Vị tỳ khưu ấy là phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là không phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy đã bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là không bị án treo, vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các đại đức, chớ có ủng hộ, chớ có theo phe vị tỳ khưu đã bị án treo ấy.

Trong khi các tỳ khưu đã ban án treo nói như thế, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy cũng đã ủng hộ và đã theo phe vị tỳ khưu đã bị án treo ấy y như trước đây.

[239] Không nên ban án treo nếu có quan tâm về sự chia rẽ

[239] Sau đó, có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, trường hợp có vị tỳ khưu nọ đã phạm tội, vị ấy đã có quan điểm về tội ấy là có tội còn các vị tỳ khưu khác đã có quan điểm về tội ấy là vô tội. Vào một lúc khác, vị ấy đã có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các vị tỳ khưu khác đã có quan điểm về tội ấy là có tội. Bạch ngài, khi ấy các vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không?” “Này các đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy.” Bạch ngài, sau đó các vị tỳ khưu ấy đã đạt được sự hợp nhất và đã phạt án treo vị tỳ khưu ấy trong việc không nhìn nhận tội. Và bạch ngài, vị tỳ khưu ấy là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Bạch ngài, khi ấy vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm và đã nói điều này: “Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi.” Bạch ngài, rồi vị tỳ khưu ấy đã có được các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm về cùng phe. Vị ấy cũng đã phái sứ giả đến gặp trực tiếp các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm trong cả nước (nói rằng): “Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi.” Bạch ngài, rồi vị tỳ khưu ấy đã có được các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm trong cả nước về cùng phe. Bạch ngài, sau đó các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu đã ban án treo, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu đã ban án treo điều này: “Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Vị tỳ khưu ấy là không phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy là không bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là bị án treo, vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì.” Bạch ngài, khi được nói như thế các tỳ khưu đã ban án treo đã nói với các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo điều này: “Điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Vị tỳ khưu ấy là phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là không phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy đã bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là không bị án treo, vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các đại đức, chớ có ủng hộ, chớ có theo phe vị tỳ khưu đã bị án treo ấy.” Bạch ngài, trong khi các tỳ khưu đã ban án treo nói như thế, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy cũng đã ủng hộ và đã theo phe vị tỳ khưu đã bị án treo y như trước đây.

Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Hội chúng tỳ khưu đã bị chia rẽ! Hội chúng tỳ khưu đã bị chia rẽ!” rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến gặp các vị tỳ khưu đã ban án treo, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu đã ban án treo điều này:

- Này các tỳ khưu, các ngươi chớ có nghĩ rằng vị tỳ khưu nên được ban án treo trong mọi trường hợp (lập luận rằng): “Đối với chúng tôi, điều ấy là rõ ràng! Đối với chúng tôi, điều ấy là rõ ràng!” Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy nghĩ về vị tỳ khưu ấy như vầy: “Vị đại đức này là vị nghe nhiều, ...(như trên)..., là vị ưa thích sự học tập. Nếu chúng ta sẽ ban án treo trong việc không nhìn nhận tội cho vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không thực hành lễ Uposatha (Bố Tát) với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ thực hành lễ Uposatha không có vị tỳ khưu này; từ nguyên nhân ấy, hội chúng sẽ có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng.” Này các tỳ khưu, các tỳ khưu có quan tâm về sự chia rẽ không nên ban án treo trong việc không nhìn nhận tội đến vị tỳ khưu ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy nghĩ về vị tỳ khưu ấy như vầy: “Vị đại đức này là vị nghe nhiều, ...(như trên)..., là vị ưa thích sự học tập. Nếu chúng ta sẽ ban án treo trong việc không nhìn nhận tội cho vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không thực hành lễ Pavāraā (Tự Tứ) với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ thực hành lễ Pavāraā không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không làm hành sự của hội chúng với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ làm hành sự của hội chúng không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không ngồi chung chỗ ngồi với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ ngồi ở chỗ ngồi không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không ngồi ăn cháo với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ ngồi ăn cháo không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không ngồi trong nhà ăn với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ ngồi trong nhà ăn không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không trú trong một mái che với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ trú trong một mái che không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, hành động thích hợp theo sự thâm niên với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, hành động thích hợp theo sự thâm niên không với vị tỳ khưu này; từ nguyên nhân ấy, hội chúng sẽ có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng.” Này các tỳ khưu, các tỳ khưu có quan tâm về sự chia rẽ không nên ban án treo trong việc không nhìn nhận tội đến vị tỳ khưu ấy.

Sau đó, khi đã giảng giải sự việc ấy cho các tỳ khưu đã ban án treo, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến gặp các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo điều này:

- Này các tỳ khưu, các ngươi sau khi phạm tội chớ có nghĩ rằng không nên sửa chữa lỗi (cho rằng): “Chúng tôi không phạm! Chúng tôi không phạm!” Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy nghĩ về các tỳ khưu kia như vầy: “Các vị đại đức này là các vị nghe nhiều, ...(như trên)..., là các vị ưa thích sự học tập, không thể nào vì nguyên nhân là ta hay vì nguyên nhân là vị khác (mà các vị ấy) bị chi phối bởi sự ưa thích, bởi sự sân hận, bởi sự si mê, bởi sự sợ hãi. Nếu các vị tỳ khưu này ban án treo trong việc không nhìn nhận tội đến ta, các vị sẽ không thực hành lễ Uposatha với ta, các vị sẽ thực hành lễ Uposatha không có ta; từ nguyên nhân ấy, hội chúng sẽ có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng.” Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có quan tâm về sự chia rẽ nên sám hối tội ấy vì niềm tin của các vị khác.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội. Vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy nghĩ về các tỳ khưu kia như vầy: “Các vị đại đức này là các vị nghe nhiều, ...(như trên)..., là các vị ưa thích sự học tập, không thể nào vì nguyên nhân là ta hay vì nguyên nhân là vị khác (mà các vị ấy) bị chi phối bởi sự ưa thích, bởi sự sân hận, bởi sự si mê, bởi sự sợ hãi. Nếu các vị tỳ khưu này ban án treo trong việc không nhìn nhận tội đến ta, các vị sẽ không thực hành lễ Pavāraā với ta, các vị sẽ thực hành lễ Pavāraā không có ta, các vị sẽ không làm hành sự của hội chúng với ta, các vị sẽ làm hành sự của hội chúng không có ta, các vị sẽ không ngồi chung chỗ ngồi với ta, các vị sẽ ngồi ở chỗ ngồi không có ta, các vị sẽ không ngồi ăn cháo với ta, các vị sẽ ngồi ăn cháo không có ta, các vị sẽ không ngồi trong nhà ăn với ta, các vị sẽ ngồi trong nhà ăn không có ta, các vị sẽ không trú trong một mái che với ta, các vị sẽ trú trong một mái che không có ta, các vị sẽ không thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, hành động thích hợp theo sự thâm niên với ta, các vị sẽ thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, hành động thích hợp theo sự thâm niên không với ta; từ nguyên nhân ấy, hội chúng sẽ có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng.” Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có quan tâm về sự chia rẽ nên sám hối tội ấy vì niềm tin của các vị khác.

Sau đó, khi đã giảng giải sự việc ấy cho các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[240] Hai nền tảng của việc không đồng cộng trú và đồng cộng trú

[240] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo đã tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng ngay tại nơi ấy bên trong ranh giới. Còn các tỳ khưu đã ban án treo đi ra khỏi ranh giới rồi mới tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng. Sau đó, có vị tỳ khưu nọ (thuộc phe) đã ban án treo đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng ngay tại nơi ấy bên trong ranh giới. Bạch ngài, còn chúng con là các tỳ khưu đã ban án treo phải đi ra khỏi ranh giới rồi mới tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng.

- Này tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng ngay tại nơi ấy bên trong ranh giới, các hành sự ấy của các vị ấy sẽ là đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì theo như lời đề nghị và các lời khẳng định đã được ta quy định. Này tỳ khưu, nếu các tỳ khưu đã ban án treo các ngươi tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng ngay tại nơi ấy bên trong ranh giới, các hành sự ấy của các ngươi sẽ là đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì theo như lời đề nghị và các lời khẳng định đã được ta quy định. Nguyên nhân của việc ấy là gì? Này tỳ khưu, các vị ấy là không đồng cộng trú với các ngươi và các ngươi là không đồng cộng trú với các vị ấy.

Này tỳ khưu, có hai nền tảng của việc không đồng cộng trú: Tự bản thân thực hiện việc không đồng cộng trú cho bản thân hoặc là hội chúng hợp nhất ban án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận (tội), hoặc trong việc không sửa chữa (lỗi), hoặc trong việc không từ bỏ (tà kiến ác). Này tỳ khưu, đây là hai nền tảng của việc không đồng cộng trú.

Này tỳ khưu, có hai nền tảng của việc đồng cộng trú: Tự bản thân thực hiện việc đồng cộng trú cho bản thân hoặc là hội chúng hợp nhất phục hồi cho vị đã bị án treo trong việc không nhìn nhận (tội), hoặc trong việc không sửa chữa (lỗi), hoặc trong việc không từ bỏ (tà kiến ác). Này tỳ khưu, đây là hai nền tảng của việc đồng cộng trú.

[241] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu gây ra xung đột, gây ra cãi cọ, đưa đến tranh luận lẫn nhau ở trong nhà ăn, nơi xóm nhà thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp rồi đánh nhau. [1] Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử gây ra xung đột, gây ra cãi cọ, đưa đến tranh luận lẫn nhau ở trong nhà ăn, nơi xóm nhà lại thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp rồi lại đánh nhau nữa?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu gây ra xung đột, ...(như trên)... ở trong nhà ăn, nơi xóm nhà lại thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp rồi lại đánh nhau nữa?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu gây ra xung đột, ...(như trên)... ở trong nhà ăn, nơi xóm nhà thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp rồi đánh nhau nữa, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, khi hội chúng bị chia rẽ, trong khi hành xử sai Pháp đưa đến việc không hài hòa thì nên ngồi xuống chỗ ngồi (nghĩ rằng): “Ít ra chúng ta sẽ không thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp với nhau, chúng ta sẽ không đánh nhau.” Này các tỳ khưu, khi hội chúng bị chia rẽ, trong khi hành xử đúng Pháp đưa đến việc hài hòa, thì nên ngồi xuống chỗ ngồi kế cận nhau.

[242] Sự tranh cãi đưa đến ẩu đả

[242] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu gây ra xung đột, gây ra cãi cọ, đưa đến tranh luận giữa hội chúng sống châm chích lẫn nhau bằng sức mạnh của mồm miệng. Các vị ấy không thể giải quyết được sự tranh tụng ấy. Khi ấy, có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, ở đây các tỳ khưu gây ra xung đột, gây ra cãi cọ, đưa đến tranh luận giữa hội chúng sống châm chích lẫn nhau bằng sức mạnh của mồm miệng. Các vị ấy không thể giải quyết được sự tranh tụng ấy. Bạch ngài, tốt thay xin đức Thế Tôn vì lòng thương xót hãy đi đến gặp các tỳ khưu ấy.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến gặp các tỳ khưu ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, thôi đủ rồi. Chớ có (gây ra) sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận nữa.

Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ là vị nói sai Pháp đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn là bậc Pháp Chủ hãy chờ đợi. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn bớt lo nghĩ, hãy sống gắn bó với việc trú vào an lạc trong đời hiện tại; chúng con sẽ làm cho rõ ràng bằng sự xung đột, bằng sự cãi cọ, bằng sự lý luận, và bằng sự tranh luận này.

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, thôi đủ rồi. Chớ có (gây ra) sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận nữa.

Đến lần thứ nhì, vị tỳ khưu là vị nói sai Pháp ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn là bậc Pháp Chủ hãy chờ đợi. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn bớt lo nghĩ, hãy sống gắn bó với việc trú vào an lạc trong đời hiện tại; chúng con sẽ làm cho rõ ràng bằng sự xung đột, bằng sự cãi cọ, bằng sự lý luận, và bằng sự tranh luận này.

[243] Câu chuyện về hoàng tử Dīghāvu

[243] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trong thời quá khứ ở thành Bārāasī (Ba La Nại) đức vua của xứ Kāsī tên Brahmadatta là giàu sang, có nhiều tài sản, nhiều của cải, có binh lực vĩ đại, nhiều xe cộ, lãnh thổ rộng lớn, có các kho hàng và vựa lúa đầy ắp. Còn đức vua xứ Kosala tên Dīghīti thì nghèo, có ít tài sản, ít của cải, có binh lực kém, ít xe cộ, lãnh thổ bé, có các kho hàng và vựa lúa không đầy. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã dàn trận đội quân gồm bốn loại binh chủng và đối đầu với đức vua Dīghīti xứ Kosala. Này các tỳ khưu, đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nghe rằng: “Nghe nói đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã dàn trận đội quân gồm bốn loại binh chủng và đối đầu với ta.” Khi ấy, đức vua Dīghīti xứ Kosala đã khởi ý điều này: “Đức vua Brahmadatta xứ Kāsī là giàu sang, có nhiều tài sản, nhiều của cải, có binh lực vĩ đại, nhiều xe cộ, lãnh thổ rộng lớn, có các kho hàng và vựa lúa đầy ắp, còn ta thì nghèo, có ít tài sản, ít của cải, có binh lực kém, ít xe cộ, lãnh thổ bé, có các kho hàng và vựa lúa không đầy. Ta không có khả năng để chịu đựng chỉ một cuộc tấn công của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī, hay là ta nên bỏ chạy khỏi thành phố trước?” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala đã đem theo hoàng hậu và bỏ chạy khỏi thành phố trước. Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã chiến thắng và làm chủ binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của đức vua Dīghīti xứ Kosala.

Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng người vợ đã ra đi về phía thành Bārāasī, tuần tự đã đến sống ở thành Bārāasī. Này các tỳ khưu, tại đó ở khu vực ngoại ô nọ nơi thành Bārāasī, đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ ngụ trong nhà của người làm đồ gốm dưới hình thức khác là cải trang thành du sĩ. Này các tỳ khưu, sau đó chẳng bao lâu hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã mang thai. Nàng khởi lên niềm khao khát có hình thức như vầy: Nàng mong muốn vào lúc mặt trời mọc nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm. Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nói với đức vua Dīghīti xứ Kosala điều này: “Tâu bệ hạ, thiếp đang mang thai. Thiếp đây khởi lên niềm khao khát có hình thức như vầy: Thiếp mong muốn vào lúc mặt trời mọc nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm.” “Này ái hậu, trong lúc chúng ta đang lâm cảnh khốn cùng thì lấy đâu ra đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và nước rửa đao kiếm.” “Tâu bệ hạ, nếu không đạt được thì thiếp sẽ chết mất.”

Này các tỳ khưu, vào lúc bấy giờ vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī là bạn của đức vua Dīghīti xứ Kosala. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala đã đi đến gặp vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī, sau khi đến đã nói với vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Này bạn, (hoàng hậu) người bạn gái của bạn đang mang thai. Nàng khởi lên niềm khao khát có hình thức như vầy: Nàng mong muốn vào lúc mặt trời mọc nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm.” “Tâu bệ hạ, như thế thì chúng ta hãy gặp hoàng hậu.” Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã đi đến gặp vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī. Này các tỳ khưu, rồi vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nhìn thấy hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay cúi chào hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala và đã ba lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Quả đúng là vua xứ Kosala đã nhập thai! Quả đúng là vua xứ Kosala đã nhập thai!” (rồi nói rằng): “Tâu hoàng hậu, xin chớ lo âu, vào lúc mặt trời mọc hoàng hậu sẽ được nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm.”

Này các tỳ khưu, sau đó vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã đi đến gặp đức vua Brahmadatta xứ Kāsī, sau khi đến đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, theo như các điềm báo hiệu cho thấy: Ngày mai vào lúc mặt trời mọc, đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận hãy đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và các đao kiếm hãy được rửa.” Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã ra lệnh cho mọi người rằng: “Này các khanh, vị bà-la-môn giữ chức tế tự nói như thế nào thì các khanh hãy làm theo như thế ấy.”

Này các tỳ khưu, rồi vào lúc mặt trời mọc hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã được nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm. Này các tỳ khưu, sau đó khi bào thai ấy đã được phát triển đầy đủ, hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã sanh ra người con trai. Đứa bé đã được đặt tên là Dīghāvu. Này các tỳ khưu, sau đó chẳng bao lâu hoàng tử Dīghāvu đã đạt được sự hiểu biết. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala đã khởi ý điều này: “Đức vua Brahmadatta xứ Kāsī này là người đã làm nhiều việc thất lợi cho chúng ta. Binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của chúng ta đã bị người này chiếm đoạt. Nếu người này biết được chúng ta thì sẽ ra lệnh giết chết luôn cả ba. Hay là ta nên cho hoàng tử Dīghāvu sống ở bên ngoài thành phố?” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala đã cho hoàng tử Dīghāvu sống ở bên ngoài thành phố. Này các tỳ khưu, sau đó chẳng bao lâu hoàng tử Dīghāvu trong khi sống ở bên ngoài thành phố đã học được tất cả các tài nghệ.

[244] Bài học của đức vua Dīghīti dạy hoàng tử Dīghāvu

[244] Này các tỳ khưu, vào lúc bấy giờ người thợ hớt tóc của đức vua Dīghīti xứ Kosala sống (dưới quyền hạn) của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī. Này các tỳ khưu, người thợ hớt tóc của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nhìn thấy đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đang sống ở khu vực ngoại ô nọ nơi thành Bārāasī, trong nhà của người làm đồ gốm dưới hình thức khác là cải trang thành du sĩ, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đức vua Brahmadatta xứ Kāsī, sau khi đến đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đang sống ở khu vực ngoại ô nọ nơi thành Bārāasī, trong nhà của người làm đồ gốm dưới hình thức khác là cải trang thành du sĩ.” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã ra lệnh cho mọi người rằng: “Này các khanh, như thế thì hãy dẫn đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đến.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi những người ấy nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã dẫn đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đến.

Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã ra lệnh cho mọi người rằng: “Này các khanh, như thế thì hãy trói chặt đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ ở hai tay vào phía sau bằng dây thừng chắc chắn, cạo trọc đầu, rồi dẫn đi quanh từ đường phố này sang đường phố khác, từ giao lộ này sang giao lộ khác với tiếng trống có âm thanh inh ỏi, sau khi đưa đi ra bằng cổng thành phía nam, hãy chặt thành bốn khúc ngay tại cổng thành phía nam, rồi quăng bỏ các phần ấy ở bốn hướng.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi những người ấy nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã trói chặt đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ bằng dây thừng chắc chắn, cạo trọc đầu, rồi dẫn đi quanh từ đường phố này sang đường phố khác, từ giao lộ này sang giao lộ khác với tiếng trống có âm thanh inh ỏi.

Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Đã lâu, ta không được nhìn thấy mẹ và cha, hay là ta nên gặp mẹ và cha?” Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã đi vào thành Bārāasī và nhìn thấy mẹ và cha bị trói chặt ở hai tay vào phía sau bằng dây thừng chắc chắn, bị cạo trọc đầu, và đang bị dẫn đi quanh từ đường phố này sang đường phố khác, từ giao lộ này sang giao lộ khác với tiếng trống có âm thanh inh ỏi, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp mẹ và cha.

Này các tỳ khưu, đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nhìn thấy hoàng tử Dīghāvu từ đàng xa đang đi lại, sau khi thấy đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.” Này các tỳ khưu, khi được nói như thế những người ấy đã nói với đức vua Dīghīti xứ Kosala điều này: “Đức vua Dīghīti xứ Kosala này là người điên nên nói nhảm. Ai là Dīghāvu của ông ta? Ông ta đã nói với ai như vầy: ‘Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu’?” “Này các khanh, ta không là người điên mà nói nhảm. Tuy nhiên, người nào thông minh thì người ấy sẽ hiểu được rõ ràng.” Này các tỳ khưu, đến lần thứ nhì ...(như trên)... Này các tỳ khưu, đến lần thứ ba đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.” Này các tỳ khưu, đến lần thứ ba những người ấy đã nói với đức vua Dīghīti xứ Kosala điều này: “Đức vua Dīghīti xứ Kosala này là người điên nên nói nhảm. Ai là Dīghāvu của ông ta? Ông ta đã nói với ai như vầy: ‘Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu’?” “Này các khanh, ta không là người điên mà nói nhảm. Tuy nhiên, người nào thông minh thì người ấy sẽ hiểu được rõ ràng.” Này các tỳ khưu, sau đó những người ấy khi đã dẫn đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đi quanh từ đường phố này sang đường phố khác, từ giao lộ này sang giao lộ khác với tiếng trống có âm thanh inh ỏi rồi đã đưa đi ra bằng cổng thành phía nam, chặt thành bốn khúc ngay tại cổng thành phía nam, quăng bỏ các phần ấy ở bốn hướng, ổn định lại hàng ngũ, rồi đã bỏ đi.

Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã đi vào thành Bārāasī đem lại rượu và cho các người lính gác uống. Đến khi những người lính đã bị say và té xuống, hoàng tử Dīghāvu đã tự mình gom góp các thanh củi, đặt thi thể của mẹ và cha lên giàn hỏa thiêu, châm lửa, chắp tay lên, và hướng vai phải nhiễu quanh giàn hỏa thiêu ba vòng. Này các tỳ khưu, vào lúc bấy giờ đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đang đi ở nơi sân thượng của tòa lâu đài sang trọng. Này các tỳ khưu, đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nhìn thấy hoàng tử Dīghāvu chắp tay lên và đang hướng vai phải nhiễu quanh giàn hỏa thiêu ba vòng, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn rằng người đàn ông này là thân quyến hoặc là có cùng huyết thống với đức vua Dīghīti xứ Kosala. Hừ, chẳng có ích lợi gì cho ta vì không ai sẽ nói cho ta hay!”

Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã đi vào rừng và than van khóc lóc cho đến nguôi ngoai, rồi đã lau khô nước mắt, trở vào thành Bārāasī, đi đến chuồng voi ở cạnh hoàng cung, và đã nói với người thầy huấn luyện voi điều này: “Thưa thầy, tôi muốn học nghề.” “Này chàng trai trẻ mến, như thế thì cứ việc học.” Này các tỳ khưu, sau đó hoàng tử Dīghāvu, khi đã thức dậy vào canh cuối của đêm ở nơi chuồng voi, đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương. Này các tỳ khưu, rồi đức vua Brahmadatta xứ Kāsī sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm đã nghe tiếng đánh đàn và tiếng ca hát với giọng du dương ở nơi chuồng voi nên đã hỏi mọi người rằng: “Này các khanh, người nào sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm ở nơi chuồng voi đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương?” “Tâu bệ hạ, chàng trai trẻ học trò của người thầy huấn luyện voi kia, sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm ở nơi chuồng voi, đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương.” “Này các khanh, như thế thì hãy dẫn chàng trai trẻ ấy đến.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi các người ấy nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã đưa hoàng tử Dīghāvu lại. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này khanh chàng trai trẻ, có phải khanh sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm ở nơi chuồng voi đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương?” “Tâu bệ hạ, thưa phải.” “Này khanh chàng trai trẻ, như thế thì khanh hãy ca hát và đánh đàn đi.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi hoàng tử Dīghāvu nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī và có ý định làm (đức vua) hài lòng nên đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này khanh chàng trai trẻ, khanh hãy hầu hạ ta.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, hoàng tử Dīghāvu đã đáp lời đức vua Brahmadatta xứ Kāsī.

Này các tỳ khưu, sau đó hoàng tử Dīghāvu đã trở thành người thức dậy trước và đi ngủ sau, là người sẵn sàng làm mọi việc, có hành động chiều chuộng, có nói lời êm dịu đối với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī. Này các tỳ khưu, sau đó chẳng bao lâu đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã bổ nhiệm hoàng tử Dīghāvu vào vai trò cận thần được tín nhiệm.

Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này khanh chàng trai trẻ, như vậy thì khanh hãy thắng (ngựa) vào xe, chúng ta sẽ đi săn thú.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi hoàng tử Dīghāvu nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã thắng (ngựa) vào xe rồi đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, xe đã được thắng (ngựa) vào, xin bệ hạ hãy suy nghĩ bây giờ là thời điểm của việc gì.” Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã bước lên xe và hoàng tử Dīghāvu đã điều khiển xe và đã điều khiển xe như thế nào đó để đội quân lính đã đi theo hướng khác còn chiếc xe theo hướng khác.

Này các tỳ khưu, sau đó khi đã đi xa, đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này khanh chàng trai trẻ, hãy dừng xe lại. Trẫm đã mệt và sẽ nằm xuống.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi hoàng tử Dīghāvu nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã dừng xe lại và ngồi xuống với thế kiết già ở trên mặt đất. Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã kê đầu lên bắp vế của hoàng tử Dīghāvu và nằm xuống. Trong khi mệt mỏi, chỉ trong chốc lát đức vua đã rơi vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Đức vua Brahmadatta xứ Kāsī này là người đã làm nhiều việc thất lợi cho chúng ta. Binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của chúng ta đã bị người này chiếm đoạt. Mẹ và cha ta đã bị người này giết. Đây có thể là thời điểm để ta có thể thanh toán mối thù hận” rồi đã rút gươm ra khỏi vỏ. Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Vào lúc chết, cha đã nói với ta rằng: ‘Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.’ Đối với ta việc này không thích hợp là việc ta có thể làm trái lời dạy của cha” nên đã tra gươm vào vỏ. Này các tỳ khưu, đến lần thứ nhì ...(như trên)... Này các tỳ khưu, đến lần thứ ba hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Đức vua Brahmadatta xứ Kāsī này là người đã làm nhiều việc thất lợi cho chúng ta. Binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của chúng ta đã bị người này chiếm đoạt. Mẹ và cha ta đã bị người này giết. Đây có thể là thời điểm để ta có thể thanh toán mối thù hận” rồi đã rút gươm ra khỏi vỏ. Này các tỳ khưu, đến lần thứ ba hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Vào lúc chết, cha đã nói với ta rằng: ‘Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.’ Đối với ta việc này không thích hợp là việc ta có thể làm trái lời dạy của cha” nên lại tra gươm vào vỏ.

Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī trở nên hoảng sợ, kinh hoàng, hốt hoảng, dáo dác, đã tức thời chồm dậy. Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, vì sao bệ hạ lại trở nên hoảng sợ, kinh hoàng, hốt hoảng, dáo dác, và tức thời chồm dậy?” “Này khanh chàng trai trẻ, ở đây con trai của đức vua Dīghīti xứ Kosala là hoàng tử Dīghāvu đã dùng gươm tấn công ta trong giấc ngủ mơ, vì thế trẫm trở nên hoảng sợ, kinh hoàng, hốt hoảng, dáo dác, và đã tức thời chồm dậy.” Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã dùng bàn tay trái mân mê đầu của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī và dùng bàn tay phải rút gươm ra rồi nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, thần chính là hoàng tử Dīghāvu con trai của đức vua Dīghīti xứ Kosala. Bệ hạ là người đã làm nhiều việc thất lợi cho chúng tôi. Binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của chúng tôi đã bị bệ hạ chiếm đoạt. Mẹ và cha tôi đã bị bệ hạ giết. Đây có thể là thời điểm để thần có thể thanh toán mối thù hận.” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã quỳ mọp xuống đê đầu ở hai bàn chân của hoàng tử Dīghāvu và đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều nầy: “Này Dīghāvu yêu quý, hãy ban cho trẫm mạng sống. Này Dīghāvu yêu quý, hãy ban cho trẫm mạng sống.” “Sao thần lại có thể ban cho bệ hạ mạng sống được, chính bệ hạ mới có thể ban cho thần mạng sống?” “Này Dīghāvu yêu quý, như thế thì khanh hãy ban cho trẫm mạng sống, và trẫm sẽ ban mạng sống cho khanh.” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī và hoàng tử Dīghāvu đã ban cho mạng sống lẫn nhau, đã nắm lấy bàn tay, và đã thề không phản bội nhau.

Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu yêu quý, như thế thì khanh hãy thắng (ngựa) vào xe, chúng ta sẽ đi về.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi hoàng tử Dīghāvu nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã thắng (ngựa) vào xe rồi đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, xe đã được thắng (ngựa) vào, xin bệ hạ hãy suy nghĩ bây giờ là thời điểm của việc gì.” Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã bước lên xe và hoàng tử Dīghāvu đã điều khiển xe và đã điều khiển xe theo như thế nào đó để chẳng bao lâu sau gặp lại đội quân lính.

Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã đi vào thành Bārāasī, cho triệu tập các viên quan đại thần cố vấn lại, và đã nói điều này: “Này các khanh, nếu các khanh có thể nhìn thấy hoàng tử Dīghāvu con trai của đức vua Dīghīti xứ Kosala thì các khanh nên làm gì người ấy?” Một số quan đại thần đã nói như vầy: “Tâu bệ hạ, chúng ta nên chặt hai tay. Tâu bệ hạ, chúng ta nên chặt hai chân. Tâu bệ hạ, chúng ta nên chặt hai tay và hai chân. Tâu bệ hạ, chúng ta nên xẻo hai tai. Tâu bệ hạ, chúng ta nên xẻo lỗ mũi. Tâu bệ hạ, chúng ta nên xẻo hai tai và lỗ mũi. Tâu bệ hạ, chúng ta nên chặt đầu.” “Này các khanh, đây chính là hoàng tử Dīghāvu con trai của đức vua Dīghīti xứ Kosala. Không được phép làm bất cứ điều gì đối với người này. Người này đã ban cho trẫm mạng sống và trẫm đã ban mạng sống cho người này.”

Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu yêu quý, điều mà người cha vào lúc chết đã nói rằng: ‘Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu,’ người cha của khanh đã ám chỉ điều gì vậy?” “Tâu bệ hạ, điều mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Chớ có xa,’ (ý nói rằng) ‘Chớ có gây nên thù hận lâu dài.’ Tâu bệ hạ, (ám chỉ) điều này mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Chớ có xa.’ Tâu bệ hạ, điều mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Chớ có gần,’ (ý nói rằng) ‘Chớ có mau chóng gây đổ vỡ với các bạn bè.’ Tâu bệ hạ, (ám chỉ) điều này mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Chớ có gần.’ Tâu bệ hạ, điều mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu,’ (ý nói rằng) ‘Mẹ và cha của thần đã bị bệ hạ giết hại,’ như thế nếu thần có thể tước đoạt mạng sống của bệ hạ thì những người mong mỏi sự lợi ích cho bệ hạ có thể tước đoạt mạng sống của thần, rồi những người mong mỏi sự lợi ích cho thần có thể tước đoạt mạng sống của những người ấy; như vậy thù hận ấy không thể giải quyết bằng thù hận. Giờ đây, bệ hạ đã ban mạng sống cho thần và thần cũng đã ban mạng sống cho bệ hạ; như vậy thù hận ấy đã được giải quyết bằng sự không thù hận. Tâu bệ hạ, (ám chỉ) điều này mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.’”

Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã khởi ý điều này: “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Hoàng tử Dīghāvu này thật thông thái bởi vì hiểu được ý nghĩa một cách chi tiết của điều đã được người cha nói ra một cách vắn tắt” rồi đã trả lại binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của người cha, và còn ban cho người con gái (của mình) nữa. Này các tỳ khưu, ngay chính những người ấy là các vị vua đã cầm lấy gậy, đã cầm lấy gươm mà còn có sự kham nhẫn và khoan dung như thế ấy. Này các tỳ khưu, ở đây các ngươi hãy làm rạng rỡ việc các ngươi đang được xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy, các ngươi hãy nên bày tỏ sự kham nhẫn và lòng khoan dung.

[245] Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, thôi đủ rồi. Chớ có (gây ra) sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận nữa.

Đến lần thứ ba, vị tỳ khưu là vị nói sai Pháp ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn là bậc Pháp Chủ hãy chờ đợi. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn bớt lo nghĩ, hãy sống gắn bó với việc trú vào an lạc trong đời hiện tại; chúng con sẽ làm cho rõ ràng bằng sự xung đột, bằng sự cãi cọ, bằng sự lý luận, và bằng sự tranh luận này.

Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Những kẻ rồ dại này đã tới mức lộng hành, những kẻ này không dễ gì mà nhắc nhở” rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Hết Tụng phẩm 1 “Dīghāvu”

[246] Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Kosambī để khất thực. Sau khi đã đi khất thực trong thành Kosambī, trên đường khất thực trở về sau bữa ăn, đức Thế Tôn đã thu xếp chỗ trú ngụ, cầm y bát, rồi đứng giữa hội chúng tỳ khưu nói lên những lời kệ này:

Xem Tụng Phẩm 2 - Quay Về Mục Lục Chương 10

Quay Về Mục Lục Đại Phẩm

Quay về Mục Lục Tạng Luật


0 Comments