Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tạng Luật (Vinayapiṭaka)
Đại Phẩm (Mahāvagga)
Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên
dịch
Chương 1. Trọng Yếu (MahākhandhakaṂ)
10. Tụng phẩm thứ mười
Mục Lục
[136] Giảng giải về sự nương nhờ
[140] Việc tu lên bậc trên của hai vị, ba vị
[141] Hai mươi tuổi tính theo thai bào
[142] Hành sự tu lên bậc trên
[143] Bốn vật nương nhờ
[144] Bốn điều không nên làm
[145] Trường hợp các vị bị án treo hoàn tục rồi tu lên bậc trên lại
[146] Bài kệ tóm lược
Nội Dung
[136] Giảng giải về sự nương
nhờ
[136] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư ban cho sự nương nhờ đến những vị không có liêm sỉ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên ban cho sự nương nhờ đến những vị
không có liêm sỉ; vị nào ban cho thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu cư trú (với pháp) nương nhờ vào những
vị không có liêm sỉ. Chẳng bao lâu sau, các vị ấy cũng trở thành các tỳ khưu ác
xấu, không có liêm sỉ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên cư trú (với pháp) nương nhờ vào những
vị không có liêm sỉ; vị nào cư trú thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn
đã quy định rằng: ‘Không nên ban cho sự nương nhờ đến những vị không có liêm sỉ
và không nên cư trú (với pháp) nương nhờ vào những vị không có liêm sỉ,’ vậy
làm thế nào chúng ta biết được (vị nào) là có liêm sỉ hoặc không có liêm sỉ?”
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép chờ đợi bốn năm ngày đến khi (xác
định được rằng): “Ta biết được bản chất (sabhāgataṃ) của vị tỳ khưu.”
[137] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ du hành đường xa trong xứ
Kosala. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng:
‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng đang du
hành đường xa, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy
lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu đang du hành đường xa
trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ.
[138] Vào lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu du hành đường xa trong xứ
Kosala. Họ đã đi đến gần trú xứ nọ. Ở đó có một vị tỳ khưu bị bệnh. Khi ấy, vị
tỳ khưu bệnh ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống
không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng bị bệnh, vậy ta nên thực
hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không
đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ.
Khi ấy, vị tỳ khưu chăm sóc vị bị bệnh ấy đã khởi ý điều này: “Đức
Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự
nương nhờ nhưng vị tỳ khưu này thì bị bệnh, vậy ta nên thực hành như thế nào?”
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu chăm sóc vị bị bệnh
trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ (khi) được
yêu cầu (bởi vị bị bệnh).
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trú ngụ ở trong rừng. Và vị ấy
có được sự thích hợp (cho việc tu tiến) ở chỗ trú ngụ ấy. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy
đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương
nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng ta trú ngụ ở trong rừng và ta có sự
thích hợp ở chỗ trú ngụ này, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình
sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ở rừng quan tâm đến việc
có chỗ cư trú thích hợp (cho việc tu tiến) trong khi không đạt được sự nương nhờ
thì được sống không nương nhờ (nghĩ rằng): “Khi nào có vị đủ pháp cho nương nhờ
phù hợp đi đến thì ta sẽ sống nương nhờ vào vị ấy.”
[139] Vào lúc bấy giờ, có người có ý muốn tu lên bậc trên với đại
đức Mahākassapa. Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã phái sứ giả đến gặp đại đức
Ānanda nhắn rằng: “Ānanda hãy đi đến và tuyên ngôn cho người này.” Đại đức
Ānanda đã nói như vầy:
- Tôi không thể đọc lên tên của ngài trưởng lão, ngài trưởng lão
là bậc trưởng thượng của tôi.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc lên bằng tên của dòng họ.
[140] Việc tu lên bậc trên của
hai vị, ba vị
[140] Vào lúc bấy giờ, có hai người có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức Mahākassapa. Họ tranh cãi rằng: “Tôi sẽ tu lên bậc trên trước, tôi sẽ tu lên bậc trên trước.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hai (người) trong một lần
tuyên ngôn.
Vào lúc bấy giờ, có những người có ý muốn tu lên bậc trên với nhiều
vị trưởng lão. Họ tranh cãi rằng: “Tôi sẽ tu lên bậc trên trước tiên, tôi sẽ tu
lên bậc trên trước tiên.” Các vị trưởng lão đã nói như vầy:
- Này các đại đức, chúng ta hãy thực hiện hết thảy tất cả trong một
lần tuyên ngôn đi.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hai hoặc ba (người)
trong một lần tuyên ngôn. Và điều ấy là với cùng một thầy tế độ chứ không phải
với thầy tế độ khác nhau.
[141] Hai mươi tuổi tính theo
thai bào
[141] Vào lúc bấy giờ, đại đức Kumārakassapa là hai mươi tính theo thai bào đã được tu lên bậc trên. Sau đó, đại đức Kumārakassapa đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên cho tu lên bậc trên người chưa đủ hai mươi tuổi,’ và ta là hai mươi tính theo thai bào đã được tu lên bậc trên, vậy thì ta đã được tu lên bậc trên hay là chưa được tu lên bậc trên?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, khi tâm đầu tiên sanh khởi trong bụng của người
mẹ thì thức đầu tiên đã xuất hiện; do điều ấy nên chính thời điểm đó là sự sanh
ra của người ấy. Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên người là hai
mươi tính theo thai bào.
[142] Hành sự tu lên bậc trên
[142] Vào lúc bấy giờ, các vị đã tu lên bậc trên được phát hiện là có (liên quan đến) bệnh cùi, bệnh mụt nhọt, bệnh chàm, bệnh lao phổi, bệnh động kinh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đang ban phép tu lên bậc trên
được hỏi về mười ba pháp chướng ngại. Và này các tỳ khưu, nên hỏi như vầy:
“Ngươi có các bệnh như vầy không: Bệnh cùi (kuṭṭhaṃ)? Bệnh mụt nhọt (gaṇḍo)? Bệnh chàm (kilāso)? Bệnh lao phổi
(soso)? Bệnh động kinh (apamāro)? Ngươi là loài người? Ngươi là người nam?
Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không bị thiếu nợ? Ngươi
không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép? Ngươi đã tròn
hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy tế độ của
ngươi tên gì?”
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu hỏi các pháp chướng ngại đến các người
có ý muốn tu lên bậc trên chưa được giảng giải trước. Các người có ý muốn tu
lên bậc trên đã bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã
trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải trước rồi hỏi các pháp
chướng ngại sau.
Các vị đã giảng giải ngay tại chỗ ấy, ở giữa hội chúng. Như thế ấy,
các người có ý muốn tu lên bậc trên đã bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể
trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải ở một góc rồi hỏi các
pháp chướng ngại ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên giảng giải như vầy:
Trước tiên, nên bảo chọn vị thầy tế độ. Sau khi đã bảo chọn vị thầy
tế độ rồi nên chỉ y bát: “Đây là bình bát của ngươi, đây là y hai lớp (saṅghāṭi) của ngươi, đây là thượng y của ngươi, đây
là y nội của ngươi. Hãy đi đến đứng ở chỗ trống đàng kia.”
Các vị (tỳ khưu) ngu dốt, thiếu kinh nghiệm đã giảng giải. Những
người có ý muốn tu lên bậc trên do được giảng giải tồi nên đã bị bối rối, trở
nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, vị (tỳ khưu) ngu dốt thiếu kinh nghiệm không
nên giảng giải; vị nào giảng giải thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị
tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ khả năng được giảng giải.
Những vị (tỳ khưu) không được chỉ định đã giảng giải. Các vị đã
trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, vị không được chỉ định không nên giảng giải; vị
nào giảng giải thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng
giải đối với vị đã được chỉ định. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự
mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.
Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình?
Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ
năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người tên (như vầy)
có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp
cho hội chúng, tôi sẽ giảng giải cho người tên (như vầy).”
Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.
Thế nào là người khác chỉ định cho người khác?
Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ
năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người tên (như vầy)
có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp
cho hội chúng, vị tên (như vầy) sẽ giảng giải cho người tên (như vầy).”
Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.
Vị tỳ khưu đã được chỉ định ấy nên đi đến gần người có ý muốn tu
lên bậc trên và nên nói với như vầy:
“Này người tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với ngươi, bây giờ
là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa
hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Đúng;’ nếu
không đúng, nên nói: ‘Không đúng.’ Không nên bối rối, không nên mắc cở. Các vị
sẽ hỏi ngươi như vầy: ‘Ngươi có các bệnh như thế này không: Bệnh cùi? Bệnh mụt
nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Ngươi là loài người? Ngươi là
người nam? Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không bị thiếu nợ?
Ngươi không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép? Ngươi đã
tròn hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy tế độ của
ngươi tên gì?”
Họ đi đến cùng một lúc.
- Này các tỳ khưu, không nên đi đến cùng một lúc. Vị giảng giải
nên đi đến trước và thông báo cho hội chúng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy
lắng nghe tôi. Người tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên
(như vầy). Tôi đã giảng giải cho ngưòi ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội
chúng, nên cho người tên (như vầy) đi đến.” và nên nói rằng: “Hãy đi đến.”
Nên bảo (người ấy) đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân
các tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và bảo (người ấy) cầu xin sự
tu lên bậc trên:
“Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch
các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.
Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên lần thứ
nhì. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.
Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên lần thứ
ba. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.”
Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ
năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên
(như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm
thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi các pháp chướng ngại đến người tên (như vầy).”
“Này người tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với ngươi, bây giờ
là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa
hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Đúng;’ nếu
không đúng, nên nói: ‘Không đúng.’ Ngươi có các bệnh như thế này không: Bệnh
cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Ngươi là loài người?
Ngươi là người nam? Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không bị
thiếu nợ? Ngươi không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép?
Ngươi đã tròn hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy
tế độ của ngươi tên gì?”
Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ
năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên
(như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là người trong sạch
về các pháp chướng ngại. Người này có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin
hội chúng sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Nếu là thời
điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho người tên (như vầy) tu lên bậc
trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên
(như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là người trong sạch
về các pháp chướng ngại. Người này có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin
hội chúng sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng
cho ngưòi tên (như vầy) sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế
độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của người tên (như vầy) với đại đức
tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: Bạch các ngài, xin hội
chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với
đại đức tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Người này có
đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với đại
đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho ngưòi tên (như vầy) sự tu lên bậc
trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc
trên của người tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng;
vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch các ngài, xin hội
chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với
đại đức tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Người này có
đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với đại
đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho ngưòi tên (như vầy) sự tu lên bậc
trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc
trên của người tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng;
vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Người tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với đại
đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng.
Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Hết hành sự tu lên bậc trên
[143] Bốn vật nương nhờ
[143] Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, bốn vật nương nhờ nên được chỉ dạy:
“Việc xuất gia nương vào thức ăn do khất thực, trong trường hợp ấy
ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là bữa ăn
dâng hội chúng, bữa ăn được chỉ định, sự mời thỉnh, bữa ăn theo thẻ, vào mỗi nửa
tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng.
Việc xuất gia nương vào y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ; trong trường
hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là
(y làm bằng) sợi lanh (khomaṃ), bông vải (kappāsikaṃ), tơ lụa (koseyyaṃ), sợi len (kambalaṃ), gai thô (sāṇam), chỉ bố (bhaṅgaṃ).
Việc xuất gia nương vào chỗ trú ngụ là gốc cây; trong trường hợp ấy
ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là trú xá
(vihāraṃ), nhà một mái (aḍḍhayogaṃ), tòa nhà dài (pāsādaṃ), khu nhà lớn (hammiyaṃ), hang động (guhaṃ).
Việc xuất gia nương vào dược phẩm là nước tiểu gia súc, trong trường
hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là
bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật (madhu), đường mía (phānitaṃ).”
Hết bốn vật nương nhờ
[144] Bốn điều không nên làm
[144] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi cho tu lên bậc trên vị tỳ khưu nọ đã bỏ lại mỗi một mình rồi ra đi. Sau đó trong khi đang đi chỉ mỗi một mình, giữa đường vị ấy đã gặp lại người vợ cũ. Cô ta đã nói như vầy:
- Nay chàng đã xuất gia rồi sao?
- Đúng vậy, tôi đã xuất gia.
- Việc đôi lứa đối với các vị xuất gia là khó đạt được. Hãy đến
và thực hiện việc đôi lứa đi.
Vị ấy sau khi thực hiện việc đôi lứa với nàng ta đã đi về trễ sau
cùng. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:
- Này sư đệ, vì sao sư đệ đã đi về trễ như vậy?
Khi ấy, vị ấy đã kể lại sự việc ấy cho các vị tỳ khưu. Các vị tỳ
khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy
nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho người cộng sự và chỉ dạy bốn
điều không nên làm ngay sau khi cho tu lên bậc trên:
“Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên thực hành
việc đôi lứa, thậm chí với loài thú cái. Vị tỳ khưu nào thực hành việc đôi lứa
không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Giống như người đàn ông đã bị chặt
đầu không thể sống với cái đầu ấy được gắn lại vào thân; tương tợ như thế, vị tỳ
khưu sau khi thực hiện việc đôi lứa không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa.
Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời.
Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên lấy vật
không được cho như là kẻ trộm, thậm chí có liên quan đến cọng cỏ. Vị tỳ khưu
nào lấy vật không được cho là một pāda hoặc tương đương một pāda hoặc hơn một
pāda được xem là kẻ trộm không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Giống
như chiếc lá vàng đã lìa cành không thể trở lại màu xanh; tương tợ như thế, vị
tỳ khưu sau khi lấy vật không được cho là một pāda hoặc tương đương một pāda hoặc
hơn một pāda được xem là kẻ trộm không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa.
Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời.
Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên tước đoạt
lấy mạng sống của chúng sanh một cách cố tình thậm chí có liên quan đến loài kiến.
Vị tỳ khưu nào tước đoạt lấy mạng sống khỏi cơ thể con người một cách cố tình
thậm chí có liên quan đến việc phá thai không còn là sa-môn không còn là Thích
tử nữa. Giống như tảng đá lớn đã bị vỡ làm hai mảnh không gắn liền lại được;
tương tợ như thế, vị tỳ khưu sau khi tước đoạt lấy mạng sống khỏi cơ thể con
người một cách cố tình không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi
không nên làm điều ấy cho đến hết đời.
Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên khẳng định
về pháp của bậc thượng nhân thậm chí (nói rằng): ‘Tôi thỏa thích trong ngôi nhà
trống vắng.’ Vị tỳ khưu nào có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn đó, rồi
khẳng định về pháp của bậc thượng nhân (mà bản thân) không có, không thực chứng,
là pháp thiền, hoặc là pháp giải thoát (vimokkhaṃ), hoặc là sự nhập định, hoặc là sự chứng đắc,
hoặc là Đạo, hoặc là Quả không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Giống
như cây thốt nốt (tāla) bị chặt ngọn không thể đâm chồi lại được nữa; tương tợ
như thế, vị tỳ khưu có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn đó, sau khi khẳng
định về pháp của bậc thượng nhân (mà bản thân) không có, không thực chứng không
còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết
đời.”
Hết bốn điều không nên làm
[145] Trường hợp các vị bị án
treo hoàn tục rồi tu lên bậc trên lại
[145] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là người bị án treo trong việc không nhìn nhận tội đã hoàn tục. Vị ấy đã quay trở lại và cầu xin các vị tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo
trong việc không nhìn nhận tội lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin các
vị tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy về điều ấy: “Ngươi sẽ
nhìn nhận tội ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên cho xuất
gia. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không nhìn nhận” thì không nên cho xuất gia.
Sau khi cho xuất gia rồi, nên nói rằng: “Ngươi sẽ nhìn nhận tội ấy?” Nếu (vị ấy
trả lời): “Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên cho tu lên bậc trên. Nếu (vị ấy trả lời):
“Tôi sẽ không nhìn nhận” thì không nên cho tu lên bậc trên. Sau khi đã cho tu
lên bậc trên, nên nói rằng: “Ngươi sẽ nhìn nhận tội ấy?” Nếu (vị ấy trả lời):
“Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên phục hồi (osāretabbo). Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ
không nhìn nhận” thì không nên phục hồi. Sau khi đã phục hồi nên nói rằng:
“Ngươi nhìn nhận tội ấy?” Nếu vị ấy nhìn nhận thì việc ấy được tốt đẹp, nhưng nếu
vị ấy không nhìn nhận thì trong khi đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) nên phạt
án treo lại. Nếu không đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) thì không phạm tội
trong việc ăn chung, cư ngụ chung (với vị ấy).
Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo trong
việc không sửa chữa lỗi lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin các vị tỳ
khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy về điều ấy: “Ngươi sẽ sửa
chữa lỗi ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ sửa chữa” thì nên cho xuất gia. Nếu
(vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không sửa chữa” thì không nên cho xuất gia. Sau khi
cho xuất gia rồi, nên nói rằng: “Ngươi sẽ sửa chữa lỗi ấy?” Nếu (vị ấy trả lời):
“Tôi sẽ sửa chữa” thì nên cho tu lên bậc trên. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ
không sửa chữa” thì không nên cho tu lên bậc trên. Sau khi đã cho tu lên bậc trên,
nên nói rằng: “Ngươi sẽ sửa chữa lỗi ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ sửa chữa”
thì nên phục hồi. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không sửa chữa,” thì không nên
phục hồi. Sau khi đã phục hồi nên nói rằng: “Ngươi sửa chữa lỗi ấy?” Nếu vị ấy
sửa chữa thì việc ấy được tốt đẹp, nhưng nếu vị ấy không sửa chữa thì trong khi
đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) nên phạt án treo lại. Nếu không đạt được sự
hợp nhất (của hội chúng) thì không phạm tội trong việc ăn chung, cư ngụ chung
(với vị ấy).
Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo trong
việc không chịu từ bỏ tà kiến ác lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin
các vị tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy về điều ấy:
“Ngươi sẽ chịu từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ chịu từ bỏ”
thì nên cho xuất gia. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không chịu từ bỏ” thì không
nên cho xuất gia. Sau khi cho xuất gia rồi, nên nói rằng: “Ngươi sẽ chịu từ bỏ
tà kiến ác ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ chịu từ bỏ” thì nên cho tu lên bậc
trên. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không chịu từ bỏ” thì không nên cho tu lên bậc
trên. Sau khi đã cho tu lên bậc trên, nên nói rằng: “Ngươi sẽ chịu từ bỏ tà kiến
ác ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ chịu từ bỏ” thì nên phục hồi. Nếu (vị ấy
trả lời): “Tôi sẽ không chịu từ bỏ” thì không nên phục hồi. Sau khi đã phục hồi
nên nói rằng: “Ngươi chịu từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu vị ấy chịu từ bỏ thì việc ấy
được tốt đẹp, nhưng nếu vị ấy không chịu từ bỏ thì trong khi đạt được sự hợp nhất
(của hội chúng) nên phạt án treo lại. Nếu không đạt được sự hợp nhất (của hội
chúng) thì không phạm tội trong việc ăn chung, cư ngụ chung (với vị ấy).
Hết Chương 1 Trọng Yếu
Tóm lược chương này:
[146] Bài kệ tóm lược
[146]
Các điều chính trong Luật
là nguồn đem an lạc
cho các thiện tỳ khưu
là các vị khiêm nhường
thoát khỏi điều ác xấu,
trong những việc nắm giữ
và duy trì Giáo Pháp,
hành xứ bậc Chiến Thắng
là của đấng Toàn Tri,
trong đối tượng quen thuộc
an toàn, khéo quy định,
không có điều nghi hoặc.
Và chính trong Tạng Luật
thuộc Đại Phẩm Tiểu Phẩm
ở nơi bộ Tập Yếu
và trong các tiêu đề,
như người tìm lợi ích
thiện xảo hành đúng đắn.
Không hiểu được loài bò
không chăn giữ đàn bò;
cũng vậy không biết giới,
trì giữ, thu thúc gì?
Khi Tạng Kinh quên lãng
và luôn Tạng Diệu Pháp,
còn Tạng Luật chưa hoại
Giáo Pháp vẫn tồn tại.
Do đó, tôi sẽ nói
nguyên nhân sự hình thành,
mở đầu theo thứ tự
theo như sự hiểu biết,
hãy lắng nghe tôi giảng.
Câu chuyện, nguồn gốc tội,
phương thức, phần tóm lược,
hãy hiểu rõ điều ấy
theo đúng như phương pháp,
vì thực hiện đầy đủ
việc ấy thật khó làm.
Ở cội cây Bồ Đề,
Rājayatana,
cội cây người chăn dê
vị Sahampati
Phạm thiên, Aḷāra,
và vị Uddaka,
đạo sĩ Upaka,
tỳ khưu Koṇḍañña,
Bhaddiya, Vappa,
rồi Mahānāma,
và vị Assaji,
Yasa, bốn, năm mươi,
ngài phái đi tất cả
về khắp các phương trời.
Câu chuyện với Ma Vương,
và ba mươi vương tử.
Ở Uruvelā
ba đạo sĩ bện tóc
ở trong nhà thờ lửa,
vị đại vương Sakka,
Phạm thiên và toàn bộ.
Y paṃsukūla
hồ nước, và tảng đá,
cành cây Kakudha,
và khối đá (phơi y).
Trái Jambu, trái xoài,
trái Āmalakī,
và bông hoa san hô
vị ấy đã mang lại.
Hỡi này Kassapa,
hãy chẻ, hãy đốt lên,
và hãy dập tắt đi.
Các vị hụp (xuống nước)
chảo lửa, đám mây đen.
Gayā, đi Laṭṭhi,
vua xứ Magadha.
Rồi Upatissa
và chàng Kolita
danh tiếng đã xuất gia.
Các y mặc luộm thuộm,
(cho phép) việc đuổi đi,
và vị bà-la-môn
bị ốm o cằn cỗi,
kẻ thực hành tồi bại,
bao tử, chàng trai trẻ,
hội chúng (là mười vị).
Rồi mùa an cư mưa,
với bọn ngu, bỏ đi,
mười năm sống nương nhờ.
Không thực hành, đuổi đi,
các vị dốt, đình chỉ,
năm điều kiện hoặc sáu.
Người đã theo ngoại đạo,
lõa thể, tóc chưa cắt,
vị bện tóc, Thích Ca.
Trong thành Magadha,
năm thứ bệnh, binh sĩ,
kẻ trộm, cướp đeo ngón,
và vua Magadha
đã ban điều cho phép.
Phá ngục, và án ghi,
phạt roi, bị đóng dấu,
kẻ nợ, và nô tỳ,
đầu sói, Upāli,
và cơn bệnh dịch hạch,
gia đình có đức tin,
sa di Kaṇṭaka,
và chuyện nghẽn hướng đi.
Về việc sống nương nhờ,
đứa trẻ, các điều học,
chúng sống, và gì nữa?
Cấm toàn bộ, vào miệng,
các vị thầy tế độ,
dụ dỗ, Kaṇṭaka.
Vô căn, trộm, bỏ đi,
con rồng, và kẻ giết
mẹ, cha, A-la-hán,
làm dơ tỳ khưu ni,
kẻ chia rẽ, đổ máu
và thêm kẻ lưỡng căn.
Thầy tế độ không có ,
với hội chúng, hoặc nhóm,
kẻ vô căn, không bát,
không y, hoặc cả hai,
với đồ mượn là ba.
Cụt tay, chân, tay chân,
tai, mũi, hoặc cả hai,
ngón, móng, và gân chân,
tay có màng, gù, lùn,
bướu cổ, bị đóng dấu,
bị phạt roi, tầm nã,
phù chân voi, bệnh nặng,
kẻ bôi nhọ hội chúng,
người chột, bệnh co rút,
và như thế người què,
người bị liệt nửa thân,
người tướng đi khập khiễng,
già yếu, mù, câm, điếc,
mù câm đều ở đó,
mù điếc đã nói đến
và câm điếc cũng thế,
đồng thời câm mù điếc.
Cho sự nương nhờ đến
những kẻ không liêm sỉ,
và có thể sống vậy
trường hợp đi đường xa.
Với vị được yêu cầu
các người mong muốn tu,
“Hãy đến,” chúng tranh cãi
chỉ một thầy tế độ
là ngài Kassapa.
Các vị đã được tu
được thấy bị khổ sở
bởi vì các thứ bệnh,
chưa được giảng, bối rối,
giảng giải ở ngay đó.
Kẻ ngu giữa hội chúng
chưa chỉ định, cùng lúc,
tế độ lên bậc trên,
vật nương, (về) một mình,
và ba điều còn lại.
Các sự việc chương này
là một trăm bảy hai.
Hết phần tóm lược của Chương Trọng
Yếu
--------------------
[1] Coro aṅgulimālo: mới xem qua dễ lầm tưởng với kẻ cướp tên Aṅgulimāla trong bài kệ tụng về Tám Phật Lực. Dịch giả I.B. Horner
đã nêu lên điều này với lý do không có chữ “nāma = tên là” hoặc “ti” như được
thường dùng trong trường hợp danh từ riêng; hơn nữa vị này được xuất gia ở nơi
các tỳ khưu còn vị kia được xuất gia theo lối “ehi bhikkhu” với đức Phật. Thêm
nữa, sự biến đổi từ nữ tánh sang nam tánh của “mālā” trong cụm từ “aṅgulimālo” xác định đây là trường hợp bahubbīhi.
[2] Liên quan đến tội
pācittiya (ưng đối trị) 65.
[3] Nghĩa là ngọn núi ở phía
Nam. Ở phía nam của thành Rājagaha có ngọn núi tên là Dakkhiṇāgiri nên được giữ nguyên không dịch.
[4] Tên vị này đã được dịch là
Tịnh Phạn (Suddhodana), tức là cha của thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha). Thái tử
đã lìa hoàng cung ra đi sau này trở thành đức Phật Thế Tôn.
[5] Nandā là con trai của đức
vua Suddhodana và bà Mahāpajāpati Gotamī, tức em cùng cha khác mẹ với ngài.
[6] Chú giải phần này, ngài
Buddhaghosa có nêu ra và giải thích về 5 hạng paṇḍaka là “āsittapaṇḍako usūyapaṇḍako opakkamikapaṇḍako pakkhapaṇḍako napuṃsakapaṇḍakoti.”Không cần thiết nên
không chú thích rõ phần này.
[7] Theyyasaṃvāsaka nghĩa là sống chung theo lối trộm cắp. Ngài Buddhaghosa đề
cập 3 loại theyyasaṃvāsaka và giải thích như sau:
liṅgatthenaka (kẻ trộm tướng mạo) là tự mình xuất gia rồi đi đến tu
viện và không biết gì về các điều quy định, saṃvāsatthenaka (kẻ trộm trong việc
cộng trú) là sa di hoặc đã hoàn tục rồi đi đến tu viện nói dối là tỳ khưu và có
biết về các điều quy định, hạng thứ ba ubhayatthenaka (kẻ trộm theo cả hai
cách) là tự mình xuất gia rồi đi đến tu viện và có biết về các điều quy định.
[8] Vào các ngày này, các cư
sĩ thường thọ trì tám giới hoặc mười giới một ngày đêm.
Hết Chương 1 - Quay Về Mục Lục Chương 1 - Quay Về Mục Lục Đại Phẩm
Quay về Mục Lục Tạng Luật
0 Comments