Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikàya)- Tập 10
Chuyện Tiền Thân Đức Phật Số 7 (Jàtaka)
Nguyên bản: Pàli
Anh dịch: H.T. Francis, E.B. Cowell & W.H. Rouse
(Pali Text Society - Hội Kinh Tạng Pali, Luân Ðôn, Anh Quốc)
Việt dịch: Nguyên Tâm Trần Phương Lan
(Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam)
Chương 22 - ĐẠI PHẨM
544. Chuyện Bậc Đại Trí
Mahanàrada-Kassapa (Tiền Thân Mahanàrada-Kassapa)
Một vì vua xứ Vi-đề-ha… ,
Câu chuyện này do bậc Đạo Sư kể, khi Ngài
trú ngụ tại Lạc Viên Latthivanna (Rừng Mía), về việc quy y của Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa-Ca-diếp
(Uruvela-Kassapa).
Lúc bấy giờ uy danh của bậc Đạo Sư về việc
hoằng dương Chánh pháp đã bắt đầu lừng lẫy. Sau khi Ngài giáo hóa các vị tu khổ
hạnh khác cùng Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa, Ngài liền đi đến Lạc Viên Latthivana, với
cả ngàn Tỷ kheo
vây quanh, các vị này trước đây là những đạo sĩ khổ hạnh. Ngài muốn thuyết phục
vua Magadha (Ma-kiệt-đà) giữ lời hứa cúng dường Tinh xá Veluvana (Trúc Lâm) và
lúc ấy vua Ma-kiệt-đà cùng đến với đám triều thần đông cả mười hai vạn người.
Sau khi đảnh lễ đức Phật xong, vua ngồi xuống,
rồi một vấn đề được đưa ra tranh luận giữa các Bà-la-môn và các gia chủ trong
đám tùy tùng của vua: Phải chăng Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp phục tùng sự
giáo hóa của bậc Đại Sa Môn, hay là bậc Đại Sa Môn phục tùng sự hướng đạo tu
hành của Ưu-lâu-tần-loa Ca- diếp
Lúc ấy đức Thế Tôn nghĩ thầm: "Ta sẽ
cho hội chúng thấy rằng Ca-diếp đã phục tùng sự giáo hóa của Ta.”
Rồi Ngài ngâm kệ này:
Thấy gì Hiền giả Kas-sa-pa,
Người ở rừng U-ru-ve-la,
Lừng lẫy tiếng tăm về khổ hạnh,
Sao ông từ bỏ lửa thiêng xưa,
Này Ca-diếp hỡi, nghe ta hỏi:
Sao bỏ tế đàn với lửa kia?
Lúc ấy vị trưởng lão đã hiểu rõ ý nghĩa câu
hỏi của đức Phật, liền đáp kệ này:
Tế lễ nói lên ngũ dục trần:
Sắc, thanh, hương, vị với giai nhân,
Và khi biết những điều như thế,
Chỉ thấy trong đời sống thế gian,
Đều bất tịnh, con không thích thú,
Tế đàn dâng lễ cúng Thiên thần.
Rồi để tỏ ra mình là đệ tử Phật, vị Tỷ-kheo này đặt đầu lên chân đức Phật và nói:
- Đức Thế Tôn là Đạo Sư của con, con là đệ tử
của Ngài.
Nói xong ông bay lên không bảy lần đến ngọn
một cây cọ dừa (tala), hai cây tala cho đến bảy cây tala, rồi trở xuống đảnh lễ
đức Thế Tôn và ngồi qua một bên. Hội chúng trông thấy việc hy hữu như thế, liền
tán thán uy danh củc bậc Đạo Sư, đồng nói to:
- Cao cả thay thần lực của đức Phật, nên mặc
dù đã tin tưởng vững chắc vào uy lực mình, mặc dù tự cho mình là Thánh nhân,
Tôn giả Ưu-lâu-tần-loa cũng đã phá bỏ mọi vọng chấp sai lầm và xin quy y với đức
Như Lai.
Bậc Đạo Sư đáp:
- Việc ấy cũng không kỳ diệu gì, khi ngày
nay Ta đã đạt Thắng trí viên mãn và giáo hóa vị này; vì ngày xưa khi ta còn là
một Bà-la-môn tên gọi Narada và còn tham đắm dục lạc, ta cũng phá tan mọi vọng
chấp sai lạc của ông và khiến ông phải quy phục.
Rồi theo lời thỉnh cầu của thính chúng. Ngài
kể câu chuyện sau đây:
Ngày xưa ở thành Mithilà trong quốc độ
Videha có một vị minh quân trị vì rất đúng pháp, tên là Angàti. Lúc bấy giờ
chánh hậu của ngài đang mang thai một công chúa xinh đẹp đầy ân phúc, tên gọi
Rujà, có công hạnh rất lớn và là người đã phát đại nguyện suốt một trăm ngàn kiếp.
Mười sáu ngàn phi tần kia của ngài đều không có con. Vì thế công chúa này rất
được yêu quý nâng niu.
Hằng ngày ngài thường ra lệnh ban cho nàng
hai mươi lăm giỏ hoa muôn màu và xiêm y lộng lẫy để nàng trang sức, lại ban cho
nàng một ngàn đồng tiền để nàng bố thí các thức ăn uống tràn trề mỗi tháng hai
lần.
Lúc bấy giờ ngài có ba vị cận thần tên gọi
Vijaya, Sunàma và Alàta. Vào một ngày rằm tháng tư kia, cả kinh thành và cả
cung điện được trang hoàng lộng lẫy như cảnh thiên giới, sau khi đức vua đã tắm
gội, xức dầu thơm và trang sức đủ ngọc ngà trân bảo, ngài cùng các cận thần ngự
lên thượng lầu mở cửa sổ nhìn mặt trăng tròn đang lên cao dần trên bầu trời
quang đãng, ngài bảo các cận thần:
- Đêm trăng này thật thú vị quá, các khanh
muốn cùng ta hưởng lạc thú gì chăng?
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:
1. Một vì vua xứ Vi-đề-ha,
Tên gọi An-ga-ti, thuở xưa,
Có lắm cỗ xe, tài sản quý,
Binh hùng tướng mạnh kể sao vừa.
2. Một đêm trăng sáng ngày mười lăm,
Canh một sắp qua, ánh nguyệt rằm,
Vào tháng tư mùa mưa mới đến,
Vua liền tụ họp đám quần thần.
3. Vi-ja-ya, Đại tướng A-là,
Cùng với Đại thần Su-ma-na,
Là các trí nhân, tươi nét mặt,
Đông con kinh nghiệm đủ phò vua.
4. Vua Vi-đề hỏi chúng triều đình:
Hãy nói ý mình muốn, mỗi khanh,
Nay đúng tháng tư, đêm mãn nguyệt,
Mây mờ không phủ ánh trăng thanh,
Đêm nay ta có gì vui thú,
Tiêu khiển thời giờ ấy thật nhanh?
Cứ thế khi được vua hỏi đến, mỗi vị cận thần
nói lên nguyện ước lòng của mình.
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:
Lúc ấy Đại tướng Alàtaka tâu với vua:
- Tâu Đại vương, ta hãy tập hợp binh hùng tướng
mạnh lại, rồi đi chinh chiến cùng với muôn vạn dân chúng, cho phép chúng thần
đem đặt dưới quyền Đại vương những vị vua trước đây đã tự trị, đó là thiển ý của
thần, xin Đại vương cho phép chúng thần đi chinh phục những vùng đất chưa từng
bị chinh phục.
Khi nghe lời của Alàta tâu, Sumàna liền nói:
- Tâu Đại vương, các quốc thù của ngài đều
đã được tập hợp về đây, họ đã buông khí giới qua một bên và quy hàng Đại vương
rồi. Hôm nay là ngày đại lễ hội, thần không thích việc chiến chinh, xin Đại
vương ra lệnh mang rượu thịt cùng các loại sơn hào hải vị lên đây ta cùng vui
hưởng đờn ca xướng hát.
Nghe lời Sunàma tâu như vậy, Vijaya liền
nói:
- Tâu Đại vương, tất cả thú vui dục lạc lúc
nào cũng sẵn sàng dâng lên Đại vương, không phải là khó kiếm để làm thỏa lòng Đại
vương, nên dù có được những lạc thú ấy, thần cũng không tán đồng. Xin Đại vương
ngự xa giá đến hầu thăm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn tinh thông Thánh điển am tường
kinh nghĩa, có thể phá tan mọi hoài nghi của chúng thần hôm nay về tâm nguyện của
chúng thần.
Khi nghe lời của Vijàya, vua Angati bảo:
- Lời tâu của Vijàya rất hợp ý trẫm, ta hãy
cùng đi hầu thăm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào tinh thông Thánh điển, am tường
mọi kinh nghĩa để có thể phá tan mối hoài nghi của ta về tâm nguyện hôm nay.
Các khanh hãy mau mau thi hành quyết định này, vậy ta hãy đi hầu thăm vị Sư trưởng
nào đây?Hôm nay vị nào tinh thông kinh kệ cùng thâm nghĩa của Thánh điển có thể
phá tan lưới nghi của ta về các điều tâm nguyện.
Khi nghe vua nói vậy, Alàta liền tâu:
- Có một vị khổ hạnh lõa thể trú trong vườn
Lộc Uyển đằng kia, được mọi người tán thán là bậc hiền nhân, tên gọi Guna dòng
Ca-diếp, một bậc thuyết giáo đã lừng danh, có rất đông đệ tử theo học. Vậy ta
hãy đến hầu thăm ngài, ngài sẽ phá tan lưới nghi của ta.
Nghe lời tâu của Alàta, vua ra lệnh cho quan
thủ xa:
- Trẫm muốn du hành đến vườn Lộc Uyển, hãy
mang xa giá đầy đủ yên cương lại đây.
Khi xa giá đã được chuẩn bị yên cương, trang
hoàng đầy đủ ngọc ngà, vàng bạc, cỗ xe vương mã sáng ngời màu bạch ngọc, vẻ
tinh khiết như bầu trời đêm quang đãng. Bốn tuấn mã giống Sindh trắng như hoa
súng đã chầu sẵn, có sức phi nhanh như gió, lại rất thuần thục, mang vòng vàng
lục lạc cùng lộng trắng, xe trắng, ngựa trắng và quạt trắng. Đức vua khởi hành
cùng đám cận thần, rực rỡ như mặt trăng bạc. Nhiều bậc trí giả và dũng sĩ nai nịt
cung kiếm lên ngựa theo hầu đức vua anh hùng. Sau một đoạn đường dài, trong chốc
lát, vua Videha cùng đám cận thần xuống xe, đi bộ đến gần chòi ẩn sĩ Guna; ngay
lúc ấy các Bà-la-môn và các phú gia đã tề tựu đông đúc tại đó. Nhà vua cũng
không ra lệnh bảo họ lui ra, mặc dù chẳng có chỗ nào dành cho ngài. Ngài ngồi
qua một bên, được vây quanh bởi thính chúng gồm đủ hạng người như vậy, rồi ngài
làm lễ yết kiến vị ẩn sĩ kia.
Bậc Đạo Sư giải thích vấn đề này như sau:
Lúc ấy vua ngồi qua một bên trên một tấm nệm
êm ái, bọc bằng da lông sóc mượt mà đủ loại cùng với một chiếc gối dựa mềm mại
đặt ngang. Khi vừa an tọa, vua chào hỏi vị ẩn sĩ bằng những lời tán thán đầy
tình thân hữu và cung kính:
- Thưa Tôn giả, các nhu cầu về vật thực, y
phục của ngài có được đầy đủ chăng? Sinh lực của ngài không bị tiêu hao nhiều
chứ? Nếp sống của ngài có dễ chịu chăng? Ngài có được cúng dường đúng thời
chăng? Việc đi lại của ngài có gì cản trở chăng? Nhãn quang của ngài vẫn được
tinh tường chứ?
Ẩn sĩ Gunà từ tốn đáp lại vua Videha đang hết
sức quan tâm đến phận sự của ngài:
- Tâu Đại vương, mọi nhu cầu vật dụng của bần
đạo đều được đầy đủ, hai vấn đề ngài nêu sau cùng cũng được như ý. Còn phần Đại
vương, các vị quốc vương lân cận không quá hùng mạnh đối với Đại vương chứ? Đại
vương có được ngọc thể khang an chăng? Vương xa của Đại vương thượng lộ bình an
chứ? Đại vương không bị bệnh tật gì não hại chứ?
Vua mong cầu pháp lành nên sau khi được vấn
an xong, ngài liền hỏi vị ẩn sĩ ý nghĩa và giáo pháp cùng giới luật công hạnh:
- Thưa Tôn giả Ca-diếp, một thế nhân phải cư
xử như thế nào gọi là đúng pháp đối với cha mẹ, đối với sư trưởng, đối với vợ
con? Còn phải cư xử ra sao đối với các bậc trưởng lão, các Sa-môn, Bà-la-môn, với
binh sĩ cùng dân chúng trong quốc độ mình? Làm thế nào để hành trì đúng pháp rồi
chung cuộc được lên Thiên giới? Và một số thế nhân vì theo tà pháp đã đọa địa
ngục như thế nào?
Vì lúc ấy không có một vị Phật Chánh đẳng
Giác xuất hiện, cũng không có một vị Độc Giác Phật, một vị Thánh đệ tử của chư
Phật hay một bậc trí nhân nào, nên vua hỏi liên tiếp các vấn đề đáng được nêu
ra của một vị quốc vương cho một khất sĩ lõa thể không hiểu biết gì và lại mù
quáng tựa trẻ thơ. Vừa khi được hỏi như vậy, ông đã không trả lời phù hợp câu hỏi,
mà nhân cơ hội tâu ngay:
- Tâu Đại vương, xin Đại vương nghe đây.
Rồi ông tuyên thuyết tà pháp của mình như kẻ
đánh con bò trong khi nó đang đi hay làm rớt phân vào máng ăn của con bò khác.
Bậc Đạo Sư giải thích vấn đề như sau:
Khi nghe vua Videha hỏi, Kassapa trả lời:
- Tâu Đại vương, đây là chân lý không sai lạc:
Không có quả báo thiện hay ác nào khi ta tuân giới luật, không có đời sau, tâu
Đại vương còn ai trở lại đời này sau khi mạng chung nữa? Không có tổ tiên cha mẹ,
làm sao có cha hay mẹ được? Không có sư trưởng, vì ai có khả năng giáo hóa những
pháp không thể được giáo hóa? Mọi thế nhân đều bình đẳng và giống nhau, không
có kẻ nào đáng được kính lễ cũng không có kẻ nào phải kính lễ người khác, không
có các đức tính như dũng mãnh hoặc can trường vì ở đời làm sao có được tinh tấn
lực hay tính anh hùng?
Số phận các thế nhân đã được tiền định, cũng
như đuôi con tàu phải đi theo dấu con tàu vậy. Mỗi thế nhân được thọ hưởng phần
mình phải thọ hưởng, thế thì bố thí để làm gì? Tâu Đại vương, việc bố thí không
ích lợi gì cả. Người bố thí là kẻ yếu hèn, chẳng ai giúp đỡ, lễ vật bố thí được
kẻ ngu ngốc đưa ra và được kẻ không nhận lấy. Những kẻ vô trí, yếu hèn lại tưởng
mình khôn ngoan khi bố thí cho kẻ có trí.
Sau khi diễn giảng sự vô ích của bố thí, ông
lại tiếp tục diễn tả tội chướng không có công năng tạo nghiệp quả đời sau:
- Có bảy uẩn không bị hủy diệt cũng không
não hại, đó là hỏa, địa, thủy, không, lạc, khổ và tâm. Trong bảy uẩn này chẳng
có uẩn nào đủ công năng tiêu hủy hay phân tán. Chúng cũng không hề bị phân hủy,
gươm giáo đều vô hại đối với các uẩn này. Kẻ nào cắt đầu kẻ khác bằng thanh kiếm
sắc bén cũng không thể phân tán các uẩn này, thế thì làm sao lại có thể hưởng
được nghiệp quả vì làm ác nghiệp? Mọi chúng sanh đều được sạch tội lỗi khi đã sống
qua tám mươi bốn đại kiếp, trước thời kỳ đó chẳng có một người Phạm hạnh nào được
rửa sạch tội lỗi cả. Trước khi thời kỳ đó đến, dù họ thực hành giới hạnh bao
nhiêu đi nữa, họ cũng không thể rửa sạch tội lỗi, và dù họ phạm bao nhiêu tội
chướng đi nữa, họ cũng không thể vượt quá giới hạn đó. Lần lượt con người sẽ được
rửa sạch tội qua tám mươi bốn kiếp; ta không thể vượt quá số phận ta, cũng như
biển không thể vượt bờ.
- Cứ thế kẻ biện luận cho thuyết hư vô ấy đã
củng cố lý lẽ mình bằng giọng hăng say không cần đến một thuyết nào trước đây cả.
Khi nghe Kassapa nói vậy, Alàta đáp lời:
- Những điều Tôn giả nói rất hợp ý ta, ta
cũng nhớ lại đã trải qua một tiền kiếp: Ta là một thợ săn bò tên là Pingala ở một
tỉnh thành kia. Ta đã phạm bao nhiêu tội lỗi ở thành Ba-la-nại giàu có ấy. Ta
đã giết biết bao nhiêu sinh mạng bò, heo, trâu, dê. Hết kiếp đó, ta lại sinh
vào gia đình phồn thịnh của một viên đại tướng; như thế không hề có quả ác vì
hành nghiệp ác nên ta đã không đọa vào địa ngục.
Lúc ấy có một tên nô lệ ăn mặc rách rưới tên
là Bìjaka đang hành trì trai giới cũng đến đây nghe Guna thuyết pháp. Khi nghe
Kassapa và Alàta đối đáp như vậy, gã thở dài não nuột và bật khóc. Vua hỏi:
- Tại sao người khóc? Ngươi đã nghe thấy gì
chăng? Tại sao ngươi lộ vẻ đau khổ với ta như vậy?
Bìjaka trả lời:
- Tâu Đại vương, tiểu nô chẳng có gì làm khổ
đâu, xin Đại vương hãy nghe tiểu nô giải bày. Tiểu nô cũng nhớ lại tiền kiếp rất
được sung sướng, tiểu nô là một Bhavasetthi (phú thương) trong thành Sàketa,
chuyên trì công đức, giữ thân trong sạch hay bố thí, được các Bà-la-môn và các
phú gia rất quý trọng. Tiểu nô nhớ lại mình chẳng hề phạm tội ác bao giờ. Nhưng
khi hết kiếp ấy, tiểu nô lại đầu thai vào bụng một gái giang hồ nghèo khó và ra
đời chịu rất nhiều cực khổ. Tuy nhiên dù khổ cực như hiện nay, tiểu nô vẫn giữ
tâm trí thanh tịnh, tiểu nô nhường phân nửa thức ăn cho kẻ nào cần thực phẩm.
Tiểu nô giữ trai giới các ngày mười bốn và rằm, chẳng hề sát sanh trộm cắp.
Nhưng tất cả những điều lành đó không đem lại quả tốt nào như Alàta vừa nói, tiểu
nô cho rằng công đức thật chẳng ích gì. Tiểu nô thua cuộc trong đời như kẻ chơi
súc sắc bất tài, còn Alàta thắng cuộc như một kẻ đánh súc sắc khéo tay. Tiểu nô
không có cách nào lên thiên giới cả, vì thế tiểu nô rơi lệ khi nghe ngài Ca-diếp
nói pháp.
Sau khi nghe Bìjaka nói vậy, vua Angati đáp:
- Không có lối lên thiên đàng, chỉ đợi chờ số
phận. Số người sướng hay khổ là do số phận định đoạt. Chung cuộc mọi chúng sinh
sẽ được giải thoát khỏi luân hồi, vậy đừng nóng lòng vì tương lai. Trong các đời
trước của ta, ta cũng đã được nhiều phước phần và chuyên tâm phụng sự các
Bà-la-môn cùng các phú gia, nhưng lúc ta bận chấp chánh trị dân, ta lại không
được hưởng lạc gì cả.
Nói xong, vua tạ từ ẩn sĩ:
- Thưa Tôn giả Kassapa, từ lâu nay trẫm thật
là vô tâm xao lãng, nhưng cuối cùng bây giờ trẫm đã tìm ra được một vị sư trưởng,
vậy từ nay trẫm sẽ tuân theo lời dạy của Tôn giả, trẫm sẽ an hưởng thú dục lạc
mà thôi, dù có nghe thuyết giảng về công đức cũng không ngăn cản được trẫm đâu.
Xin Tôn giả ở lại, trẫm xin từ tạ Tôn giả, ta sẽ còn dịp hội ngộ ngày sau.
Nói xong vua Videha trở về cung. Thoạt tiên
khi vua đến viếng Guna, ngài chào vị này rất cung kính rồi nêu câu hỏi ra,
nhưng khi ngài giả từ, ngài chẳng chào hỏi gì nữa. Vì Guna không đúng như danh
truyền, vì bất xứng nên chẳng được đảnh lễ, vả lại càng ít được cúng dường. Qua
đêm đó, rạng ngày hôm sau, vua triệu tập quần thần lại và bảo:
- Các khanh hãy chuẩn bị đủ mọi thứ dục lạc,
từ nay trẫm sẽ chỉ theo đuổi dục lạc, các khanh đừng nói việc gì khác trước mặt
trẫm, hãy để những vị này vị kia ra chấp chánh trị dân.
Và từ đó vua chìm đắm trong việc hưởng lạc.
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:
Qua đêm đó, rạng ngày mai, vua Angàti triệu
tập các vị đại thần lại và phán:
- Các khanh cho bày đủ mọi thứ dục lạc trong
điện Candaka để trẫm an hưởng, không ai được dâng sớ về việc công tư gì nữa.
Các khanhVijaya, Sunàma và đại tướng Alàtaka đều tinh thông luật pháp, hãy ngồi
xét xử mọi vấn đề thay trẫm.
Vua nói thế xong, chẳng còn bận tâm điều gì
nữa ngoài dục lạc và ngài cũng chẳng còn thân cận với các Bà-la-môn cùng các
phú gia nữa.
Thế rồi vào đêm mười bốn, ái nữ của vua,
công chúa Rujà, nói với bà nhũ mẫu:
- Xin nhũ mẫu trang sức ngọc vàng cho con thật
nhanh, bảo các thị nữ đến hầu con ngày mai là ngày lễ rằm, con sẽ đi yết kiến
phụ vương.
Họ liền đem cho nàng một tràng hoa cùng gỗ
đàn hương, ngọc ngà châu báu đủ loại và xiêm y lộng lẫy muôn màu, nhiều thị nữ
vây quanh nàng lúc nàng ngồi trên chiếc kim đôn, trang sức cho nàng cực kỳ rực
rỡ tôn vẻ kiều diễm của nàng.
Sau đó được đoàn thị nữ tháp tùng chung
quanh, sáng ngời trong các món trang sức trân bảo, công chúa Rujà bước vào cung
Candaka như tia chớp lóe giữa vầng mây. Sau khi đến gần phụ vương đảnh lễ hết sức
cung kính xong, nàng ngồi xuồng một bên trên chiếc bảo tọa chạm vàng.
Khi vua thấy nàng được đám cung nữ theo hầu
như một bầy tiên nữ, liền phán bảo:
- Này công chúa, con có vui chơi thỏa thích
trong hồ nước nội cung chăng? Chúng có thường dâng con đủ loại cao lương mỹ vị
chăng? Con cùng các thị nữ có thường kết đủ loại tràng hoa và xây nhà mát để
chúng con nghỉ ngơi, vui đùa giải trí chăng? Bảo chúng đem lại đây ngay, con
hãy thỉnh cầu phụ vương mọi điều con ưa thích, những điều gay go nhất, dù có
khó như tìm mặt trăng đi nữa.
Nghe vua cha nói như vậy, công chúa thưa:
- Tâu phụ vương, trước long nhan, mọi nguyện
vọng của tiện nữ đều được thỏa mãn. Ngày mai là ngày lễ rằm, xin phụ vương ban
cho con một ngàn đồng tiền để con bố thí cho các kẻ hành khất.
Nghe Rujà nói, vua liền đáp:
- Con đã phung phí nhiều của cải mà chẳng có
kết quả gì, con giữ gìn trai giới, kiêng cử ăn uống, nhưng quan niệm về phận sự
giữ gìn trai giới này đều do tiền định, cho nên con có giữ gìn trai giới cũng
không đạt công hạnh gì. Trong lúc con còn sống đây với phụ vương, con đừng bố
thí vật thực nữa, không hề có đời sau nào ngoài đời này nữa, tại sao con phải bận
tâm vì việc không đâu?
Lúc ấy Rujà với nhan sắc cực kỳ lộng lẫy,
nghe vua cha nói vậy liền đáp như sau, vì biết rằng nàng hiểu Pháp lành ở đời
quá khứ cùng vị lai:
- Tâu phụ vương, tiện nữ đã được nghe trong
thuở quá khứ cũng như chính mắt tiện nữ được thấy rằng kẻ nào bầu bạn với trẻ
thơ rồi cũng trở thành trẻ thơ mà thôi. Kẻ ngu thân cận với kẻ ngu lại càng
chìm đắm trong sự ngu muội. Alàtaka và Bìjaka bị lừa phỉnh là phải lắm, chứ còn
phụ vương là một vị vua hiền trí, rất có tài trong việc trị dân; làm sao phụ
vương lại rơi vào một lý thuyết thấp hèn như vậy, chỉ xứng hợp với trẻ thơ. Nếu
con người được rửa sạch mọi tội chướng chỉ do dòng sinh tử thì việc tu khổ hạnh
của Guna thật là hoài công, như con thiêu thân lao vào đèn sáng, kẻ ngu ngốc
kia đã chịu đựng đời hành khất lõa thể. Sau khi đã chấp nhận lý thuyết cho rằng
kết cuộc mọi chúng sinh sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi qua luân hồi sinh tử, nhiều
kẻ đã hành động sai lầm vì vô minh chồng chất, nên lại càng bị vây chặt hơn
trong các nghiệp quả đời trước, khó thoát ra được, như con cá mắc lưỡi câu.
Tiện nữ xin kể hầu phụ vương một chuyện ngụ
ngôn cho trường hợp này của phụ vương, vì bậc trí giả đôi khi tìm được chân lý
qua câu chuyện ngụ ngôn. Như một con tàu của thương nhân, chở quá nhiều hành lý
nặng nề, phải chìm trong biển cả, một con người chồng chất dần tội lỗi mãi cũng
sẽ đọa vào địa ngục. Tâu phụ vương, hành lý hiện tại của Alàta không phải là những
thứ lão ta đang hưởng đâu, chính vì những thứ lão ta đang mang đi chất lên tàu
mà lão sẽ đọa vào địa ngục kiếp sau. Đời trước Alàtaka thành chánh nghiệp, nên
kết quả là ngày nay lão ta hưởng thụ phú quý vinh hoa. Công đức ấy của lão đang
bị tiêu tan vì lão chỉ chuyên tâm làm ác nghiệp, sau khi bỏ chánh đạo, lão ta lại
đang theo đuổi tà đạo, như chiếc cân được treo đúng đắn trong kho hàng sẽ làm
cán cân nhấc lên cao khi có trọng lượng của một vật đặt lên nó. Con người chung
cuộc cũng làm cho số phận mình thăng hoa nếu biết tu tập công đức dần dần, như
gã nô lệ Bìjaka kia đang chuyên tâm làm công hạnh và đang mơ tưởng thiết tha tới
đến thiên giới. Nỗi khổ đau mà nô lệ Bìjaka phải chịu đựng là do nghiệp quả tội
chướng gã đã phạm đời trước. Tội chướng ấy sẽ tiêu trừ vì hiện gã đang chuyên
tâm làm công đức, tuy nhiên đừng để gã lọt vào tà đạo của lão Ca-diếp kia.
Rồi nàng lại tiếp tục phô bày tội chướng của
việc gây ác nghiệp cùng thiện quả của việc thân cận bạn lành:
5. Khi vua quý trọng một thân bằng,
Dù đức hạnh hay kẻ ác gian,
Chuyên tạo ác hành hay thiện nghiệp,
Vua đều chịu ảnh hưởng quyền năng.
6-7. Bạn nào, vua muốn chọn cho mình,
Như bạn ấy, vua sẽ trở thành,
Uy lực này do tình mật thiết;
Kẻ luôn thân cận, bạn đồng hành,
Thường gây ảnh hưởng lên bằng hữu,
Như mũi tên đầu độc đáng kinh,
Làm bẩn vỏ bao trong sạch ấy,
Trí nhân, ác hữu chớ giao tình.
8. Nếu người buộc xác cá hôi ươn,
Với dãi Ku-sa, cỏ cát tường,
Cỏ sẽ có mùi hôi thúi ấy,
Cũng vậy, kết giao kẻ dại cuồng.
9. Nhưng nếu người ta buộc cỏ hương,
Vào trong một ngọn lá thông thường,
Lá thơm mùi nhẹ nhàng êm dịu,
Cũng vậy, kết giao bậc trí nhân.
10. Do biết nghiệp ta sẽ thực thành,
Như là giỏ trái chín muồi nhanh,
Trí nhân chẳng bước theo người ác,
Nhưng chỉ bước theo bậc thiện hành.
Kẻ ác đưa ta vào địa ngục,
Người hiền đem bạn đến thiên đình.
Sau khi thuyết pháp trong sáu bài kệ ấy
xong, công chúa bày tỏ nỗi khổ đau mà nàng phải chịu đựng trong các tiền thân
xa xưa:
- Tiện nữ cũng nhớ lại bảy đời trước mà tiện
nữ đã trải qua và khi hết đời này tiện nữ lại sẽ trải qua bảy đời khác nữa.
Trong đời thứ bảy, trước kia, tâu phụ vương, tiện nữ là con trai của một thợ
rèn trong thành Ràjagaha (Vương Xá) ở xứ Magadha (Ma-kiệt-đà). Tiện nữ đã kết
giao với bạn ác và đã gây nhiều ác nghiệp. Chúng con cứ mải mê rong chơi, lôi
cuốn vợ người khác vào đường tội lỗi như thể chúng con được trường sanh bất tử
vậy.
Những hành nghiệp ấy cứ âm ỉ như lửa được
vùi tro. Nhờ những nghiệp quả tốt khác, con đầu thai vào xứ Vamsa trong gia
đình một phú thương ở Kosambi, rất thế lực và giàu có, phát đạt: Con lại là con
trai duy nhất của gia đình, được cưng chiều quý trọng vô cùng.
Lúc ấy con kết bạn với một người chuyên làm
thiện pháp. Con hành trì trai giới suốt các ngày mười bốn và rằm và các hành
nghiệp ấy được tồn trữ lại như một kho tàng dưới nước. Nhưng những nghiệp quả
ác mà con đã tạo ở xứ Ma-kiệt-đà rốt cuộc lại đến với con như một thứ thuốc độc
khốc liệt. Tâu phụ vương, từ đó con phải trải qua một thời gian dài ở địa ngục
Roruva, con phải chịu đựng các nghiệp quả ác ấy, ngày nay nhớ lại con còn thấy
thật đau khổ. Sau khi chịu khổ sở tại đó không biết bao nhiêu năm trường, con
đã hóa sinh thành con dê bị thiến ở thành Bhennàkata. Con phải chuyên chở các
thanh niên nhà giàu trên lưng hoặc kéo xe, đó là nghiệp quả của việc con đã quyến
rủ vợ người.
Sau đó con đầu thai vào bụng một con khỉ rừng,
ngày con sinh ra đời, họ đem con đến cho người chăn thú, người này bảo: Mang
con trai ta đến đây. Rồi gã cắn mạnh hạ căn của con cho đứt lìa dù con kêu thét
lên.
Nàng diễn tả sự việc này qua vần kệ sau:
11. Khi hết đời kia con được sinh,
Đầu thai làm khỉ chốn rừng xanh,
Hạ căn đứt bởi người gian ác,
Hậu quả do săn đuổi bạn tình.
Kế đó nàng thuật tiếp các tiền thân khác:
- Tâu phụ vương, sau đó con đã đầu thai làm
con bò đực ở xứ dân Dasannas, lại bị hoạn nhưng cũng nhanh nhẹn và xinh đẹp,
con kéo xe một thời gian thật lâu, đó là nghiệp quả của việc săn đuổi theo vợ
người của con trước kia. Khi mạng chung, con đầu thai vào một gia đình xứ Vajji
(Bạt-kỳ, ở phía bắc sông Hằng, đối diện xứ Ma-kiệt-đà), song con lại bán nam
bán nữ vì thật khó đầu thai làm nam nhân, đó là nghiệp quả của việc con theo đuổi
vợ người. Tâu phụ vương, sau đó con đã sinh vào rừng Nandana làm một tiên nữ rất
xinh đẹp ở cõi Tam thập tam thiên (trời ba mươi ba) xiêm y rực rỡ muôn màu,
mang nữ trang ngọc vàng, vòng hoa tay bằng châu báu đủ loại thiện xảo múa ca
nên được làm thị nữ ở cung Đế-Thích. Khi con ở đó, con đã nhớ lại các đời trước
và luôn cả bảy đời tương lai mà con sẽ trải qua, sau khi từ giã thiên giới.
Các thiện pháp mà con tạo được ở Kosambì đã
đến hồi kết quả, nên khi con hết đời này con sẽ được sinh cùng với chư Thiên hoặc
loài người. Tâu phụ vương, trong bảy đời liền, con sẽ được cung kính phụng thờ,
nhưng con sẽ không được thoát thân nữ nhân cho đến hết đời thứ sáu. Tâu phụ
vương, như vậy trong đời thứ bảy, con sẽ là một Đại nam tử của chư thiên, sau
cùng con sẽ được sinh làm một thiên tử với thân tướng nam nhi. Hiện nay, chư
Thiên đang kết tràng hoa hái từ cây hoa trời ở vườn Thiên lạc Nandana và có một
vị Thiên tử tên gọi Java, hiện đang kết tràng hoa cho con. Mười sáu năm con sống
ở đời thế gian này chỉ là một khoảnh khắc của thiên giới. Một trăm mùa thu ở hạ
giới chỉ bằng một ngày một đêm ở trên trời. Như vậy các hành nghiệp của ta cứ
theo ta hoài qua vô số đời sống và mang theo thiện quả hay ác quả, không sót một
nghiệp nào.
Rồi kế đó nàng tuyên Pháp tối thượng:
- Kẻ nào muốn thăng hoa đời đời kiếp kiếp,
xin hãy tránh xa vợ người như người có đôi bàn chân rửa sạch phải tránh xa vũng
bùn. Kẻ nào muốn lên cõi trên đời đời kiếp kiếp, xin hãy tôn thờ đức Thế Tôn
như chư Thiên phụng thờ Thiên chủ Indra. Kẻ nào muốn hưởng thiên lạc, hưởng cuộc
sống nơi thiên giới với đầy đủ vinh quang hạnh phúc, xin hãy tránh xa tội ác và
hành trì Tam Pháp:
- Phải hộ phòng và minh triết trong thân, khẩu,
ý, tu tập thiện pháp tối cao, dù là nam nhân hay nữ nhân cũng vậy.
- Kẻ nào được vinh quang trong đời này và được
hưởng đủ mọi dục lạc, chắc chắn kẻ ấy đã sống cuộc đời đạo hạnh ở kiếp trước; mọi
chúng sanh đều phải đi theo nghiệp thiện ác của mình. Tâu phụ vương, phụ vương
có bao giờ suy nghĩ hạnh nghiệp gì đã khiến phụ vương thọ hưởng đám cung phi đẹp
như tiên trên trời lại trang sức xiêm y ngọc vàng rực rỡ thế kia chăng?
Nàng khuyên bảo vua cha như vậy.
Bậc Đạo Sư giải thích sự việc như sau:
Công chúa Rujà đã làm đẹp lòng vua cha như
thế, nàng tuyên thuyết chánh đạo cho kẻ mê mờ ấy và thành tâm giảng pháp lành
cho vua cha.
Sau khi đã giảng Pháp cho vua cha nghe suốt
đêm đến rạng ngày hôm sau, nàng bảo:
- Tâu phụ vương, xin đừng nghe lời kẻ tà
thuyết lõa thể kia, mà hãy theo lời bạn lành như con đây đang tâu với phụ vương
rằng có đời này và đời sau, có nghiệp quả thiện, ác. Xin phụ vương đừng lạc vào
tà đạo.
Tuy nhiên nàng vẫn chưa đủ khả năng giải thoát
vua cha khỏi tà thuyết của ngài: Ngài chỉ đẹp ý khi nghe những lời lẽ êm dịu của
con, vì các bậc cha mẹ tự nhiên yêu thích lời lẽ con cái họ, nhưng họ lại không
chịu từ bỏ những ý kiến riêng của mình.
Thế là trong kinh thành vang lên lời đồn
đãi: Công chúa Rujà đang cố đánh tan các tà kiến bằng cách giảng Chánh pháp. Và
dân chúng rất hoan hỷ: Công chúa hiền đức sẽ giải thoát vua cha khỏi tà thuyết và sẽ
đem lại phồn vinh cho dân chúng.
Tuy nhiên dù công chúa chưa đủ khả năng làm
vua cha tỉnh ngộ, nàng vẫn không ngã lòng thoái chí, mà nàng vẫn quyết tâm tìm
phương tiện đem lại chân hạnh phúc cho vua cha. Nàng chắp tay lên đỉnh đầu lễ
bái khắp mười phương, nàng nguyện cầu:
- Trong thế gian này có vị Sa-môn và
Bà-la-môn chân chính phủ hộ người đời, có chư thiên ngự trị khắp nơi, lại có
các vị Đại Phạm Thiên, kính xin các vị đến giúp cho vua cha của tiện nữ từ bỏ
tà kiến hoặc nếu quý vị không có đủ tự lực, xin quý vị đến đây theo uy lực và
công đức của tiện nữ để xua tan tà thuyết này và đem lại hạnh phúc cho toàn thể
thế gian.
- Lúc bấy giờ vị Đại Phạm Thiên của thuở đó
là Bồ-tát tên gọi Nàrada và các vị Bồ tát vì từ bi, lân mẫn và vì quyền uy tối
thượng của các ngài, thỉnh thoảng vẫn phóng nhãn quang nhìn các kẻ thiện người
ác trên thế gian. Ngày hôm ấy ngài nhìn xuống thế gian thấy công chúa đang cầu
nguyện chư Thiên ngự trị khắp nơi đến giải thoát vua cha khỏi tà thuyết, ngài
nghĩ thầm: "Trừ ta ra không ai có thể xua tan tà thuyết được, ta phải đến
ngay hôm nay tỏ lòng từ ái với công chúa và mang lại hạnh phúc cho vua cha cùng
dân chúng. Ta sẽ khoác bộ áo nào đây? Các ẩn sĩ tu hành thường được người đời
yêu kính, lời lẽ của các vị ấy thường được xem là đáng tín thọ, vậy ta sẽ khoác
áo ẩn sĩ.”
Thế là ngài hóa ra hình tướng thế nhân rất
khả ái, với làn da như vàng ròng, mái tóc bện lại được ghim bằng cây kim vàng,
sau khi mặc chiếc áo được kết bằng nhiều tấm, màu vỏ dà, từ bên ngoài vào
trong, ngài lại khoác lên vai tấm da nai đen làm bằng bạc lấm tấm điểm sao vàng
ánh, tay cầm bình bát khất thực bằng vàng đeo lủng lẳng bằng một chuỗi ngọc,
trên vai ngài đặt chiếc đòn gánh bằng vàng có ba mấu, cầm bình nước bằng san hô
buộc bằng chuỗi ngọc trai. Với bộ trang phục ấy, ngài liền phi thân qua bầu trời
chẳng khác nào vầng trăng sáng rực giữa không gian, rồi bước vào thượng lầu của
cung Canda, đứng sừng sững trước mặt vua.
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:
Lúc ấy Nàrada từ cõi Phạm thiên xuống hạ giới,
khi quan sát cõi Jambudìpa (Diêm-phù-đề: Ấn Độ), ngài nhìn thấy vua Angati. Rồi
ngài đến trước cung vua, nàng Rujà vừa trông thấy ngài, vội đảnh lễ bậc hiền
trí từ thiên giới giáng trần.
Vua choáng váng trước vẻ huy hoàng của vị Phạm
thiên, nên không thể ngồi yên trên ngai vàng mà vội bước xuống đất, hỏi lý do
ngài giáng lâm cùng danh hiệu gia tộc của ngài.
Bậc Đạo Sư giải thích sự việc như sau:
Lúc ấy vua hoang mang trong trí, vội bước xuống
ngai vàng, nói với Tôn giả Narada những lời hỏi thăm:
12. Ngài đến từ đâu, dáng thánh thần,
Như vầng trăng chiếu sáng đêm trường,
Nói cho ta biết tên, gia tộc,
Người gọi là gì giữa thế nhân?
Nàrada nghĩ thầm: "Vị vua này không tin
tưởng có đời sau, vậy ta phải nói cho vua biết về đời sau.”
Rồi ngài ngâm kệ:
13. Ta đến đây từ hội chúng Thiên,
Như vầng trăng chiếu sáng đêm đen,
Ta nêu danh tánh cùng gia tộc:
Ca-diếp, Nà-ra-da, họ tên.
Vua nghĩ thầm: "Lát nữa ta sẽ hỏi ngài
về đời sau, bây giờ ta hãy hỏi ngài về mục đích việc giáng trần vi diệu này.”
14. Cách ngài đi đứng diệu kỳ thay,
Ta hỏi ngài: Đâu ý nghĩa đây,
Vì lý do gì ngài thị hiện,
Nà-ra-da hỡi, thần thông này?
Bậc trí Nàrada đáp:
15. Chân thật, công bằng, chế ngự mình,
Rộng lòng bố thí đã lừng danh,
Nhờ công đức thực hành tinh tấn,
Như ý nguyện mình, ta lướt nhanh.
Ngay cả lúc ngài nói như vậy, vua cũng không
thể tin vào đời sau bởi vì tà thuyết đã đâm sâu cội rễ vào trí ngài, ngài liền
hỏi:
- Có phần thưởng nào dành cho các thiện pháp
chăng?
Rồi vua ngâm kệ:
16. Ngài đã nói điều kỳ diệu thay,
Khi nêu công lực thiện hành vầy;
Nếu điều này đúng như ngài nói,
Xin trả lời cho trẫm thẳng ngay.
Nàrada đáp:
17. Đây việc của ngài, hỡi Đại vương,
Hỏi ta điều cảm thấy nghi nan,
Hiển nhiên ta đáp cho ngài rõ,
Nhờ lý luận, bằng chứng rõ ràng.
Vua liền hỏi:
18. Nà-ra-da, trẫm hỏi điều này,
Đừng trả lời sai câu hỏi đây:
Thật có chư Thiên hay tổ phụ,
Đời sau như bọn chúng đồn vầy?
Nàrada đáp:
19. Thật có Thiên thần với tổ tiên,
Đời sau, như chúng vẫn nêu lên,
Nhưng người tham dục và mê đắm,
Không biết đời sau bởi đảo điên.
Khi nghe điều này, vua cười to và ngâm kệ:
20. Nà-ra-da, nếu đã tin rằng:
Có cõi cho người chết trú thân,
Đưa trẫm năm trăm đồng bạc gấp,
Đời sau trẫm sẽ trả ngàn đồng !
Thế rồi bậc Đại Sĩ đáp lời, khiển trách vua
ngay giữa hội chúng:
21. Ta đưa ngài đủ số năm trăm,
Nếu biết ngài hiền đức, rộng lòng,
Nhưng nếu ngài là người độc ác,
Đọa vào trong địa ngục đày thân,
Còn ai đòi được ngài đem trả,
Đời kế, ngàn đồng ấy được không?
22. Khi một người thù ghét thiện lương,
Chỉ yêu tội lỗi lại hung tàn,
Trí nhân chẳng muốn cho vay mượn,
Kẻ nợ ấy không thể đáo hoàn.
23. Khi người ta biết kẻ tài năng,
Đức hạnh, tinh chuyên, lại rộng lòng,
Họ sẽ mời người kia mượn của,
Bằng nhiều lợi lạc họ đem dâng;
Khi người kia đã làm xong việc,
Người sẽ bồi hoàn nợ đã mang.
Vua bị quở trách như vậy vẫn chưa chuẩn bị sẵn
câu trả lời nào cả.
Hội chúng rất hoan hỷ reo to:
- Tâu công chúa, công chúa có thần lực vi diệu
thay, công chúa sẽ giải thoát Đại vương khỏi tà thuyết ngay hôm nay.
Và cả kinh thành chấn động lên. Rồi nhờ thần
lực của bậc Đại Sĩ, không một ai ở trong phạm vi bảy dặm đường quanh thành
Mithilà không được nghe ngài thuyết Pháp. Lúc ấy bậc Đại Sĩ suy nghĩ: "Nhà
vua đã quá chấp thủ tà thuyết, ta sẽ làm cho vua hiểu nỗi kinh hoàng của địa ngục
mà bỏ tà thuyết đi, sau đó ta sẽ trấn an vua bằng cõi chư Thiên.” Rồi ngài bảo
vua:
- Tâu Đại vương, nếu Đại vương không bỏ tà
thuyết ấy đi, Đại vương sẽ bị đọa vào địa ngục chịu thống khổ không ngừng.
Và ngài bắt đầu kể đến các loại địa ngục
khác nhau:
24. Đại vương, khi giã biệt đời này,
Ngài sẽ thấy diều quạ cả bầy,
Vồ xé xác ngài trong địa ngục,
Và kên kên nữa máu me đầy,
Còn ai bắt được ngài đời kế,
Đem trả ngàn đồng ấy đã vay?
Sau khi tả địa ngục diều quạ xong, ngài nói
tiếp:
Nếu Đại vương không đọa vào đó, Đại vương phải
ở trong địa ngục nằm giữa ba cõi (Àvici: vô gián địa ngục).
Rồi ngài ngâm kệ miêu tả địa ngục ấy:
25. Ở đó tối tăm thật mịt mùng,
Và không vầng nhật hoặc vầng trăng,
Ngục này hỗn độn và kinh khủng,
Chẳng biết ngày đêm, chẳng tháng năm,
Còn kẻ nào mong đòi món nợ,
Ở nơi như vậy nữa hay chăng?
Sau khi tả địa ngục ở giữa ba cõi ấy thật đầy
đủ chi tiết, ngài bảo:
- Tâu Đại vương, nếu Đại vương không chịu bỏ
tà thuyết ấy, không những Đại ương chịu khổ hình này mà còn nhiều khổ hình khác
nữa.
Rồi ngài ngâm kệ:
26. Con chó Sa-ba dáng khổng lồ,
Cùng Sà-ma lực lưỡng nhào vô,
Dùng răng cắn xé người tan xác,
Kẻ đọa từ đây đến ngục tù.
Các địa ngục kể tiếp cũng có cùng một quy luật
như vậy; vì thế các địa ngục này và các cai ngục được ngài mô tả qua các bài kệ
thật súc tích những ngôn từ tượng hình như trong các đoạn trên:
27. Vậy khi ở ngục bị tan thân,
Vì thú dữ hành hạ bạo hung,
Thân xác tả tơi, dòng máu chảy,
Còn ai đòi trả nợ ngàn đồng?
28. Với cung tên, nhọn hoắc giáo gươm,
Quỷ sứ Kà-lù tựa địch nhân,
Đâm chém trọng thương người phải đọa,
Trước kia phạm tội ở nhân gian.
29. Trong khi kẻ ấy chạy lang thang,
Trong ngục, bị đâm ở bụng, sườn,
Gan ruột nát tan dòng máu chảy,
Ai mong đòi nó một ngàn đồng?
30. Trời mưa xuống các loại tên, đao,
Các khí cụ hành tội: cọc, lao,
Đám lửa rơi như than cháy bỏng,
Trời mưa đá tảng trút ào ào.
31. Luồng gió nóng ran thật hãi hùng,
Thổi vào trong ngục tối không cùng.
Không vì vui thú dù giây lát,
Nó chạy quanh, không chốn trú thân.
Còn ai muốn bắt người kia trả,
Đời kế ngàn đồng ấy được không?
32. Bị buộc vào xe, vội chạy nhanh,
Trên nền đất rực lửa hoành hành,
Biết bao gậy ngắn, dài kiềm thúc,
Ai muốn đòi ngàn bạc cho đành?
33. Khi trèo leo lên ngọn núi kinh hoàng,
Lởm chởm lưỡi dao, xé nát thân,
Máu chảy đầm đìa, ai sẽ muốn,
Đời sau đòi nó một ngàn chăng?
34. Khi nó trèo lên một đống than,
Đỏ hừng như núi lửa kinh hoàng,
Toàn thân cháy, thét gào, đau khổ,
Ai muốn đòi ngàn bạc ấy chăng?
35. Lớp gai dày đặc tựa tầng mây,
Có cọc nhọn đâm hút máu ngay,
Những bọn đuổi săn vợ kẻ khác,
Phải trèo lên đó, bị từng bầy,
Quỷ Diêm- la chúa luôn xua đuổi
Mang các giáo dài ở dưới tay.
36. Khi nó trèo lên cây vải bông,
Toàn thân đầy máu chảy ròng ròng,
Tả tơi thống khổ luôn xâu xé,
Hổn hển thở than thật nực nồng,
Để đền tội ác xưa như vậy;
Ai muốn đòi tiền nợ cũ không?
37. Có những rừng cao tựa đám mây,
Lá rừng là kiếm sắt tràn đầy,
Thiết đao uống máu người đày đọa;
Khi nó trèo lên đám lá cây,
Thân nó bị cưa bằng kiếm sắt,
Nát tan, máu chảy hãi hùng thay!
Ai mong đòi nó trong đời kế,
Trả nợ ngàn đồng nó đã vay?
38. Khi nó thoát ra khỏi ngục này,
Phủ đầy lá sắt giữa rừng cây,
Liền rơi vào giữa dòng sông nọ,
Ai muốn đòi tiền nợ cũ đây?
39. Dòng sông chảy xiết Ve-ta-ran,
Khốc liệt, nước sôi sục ngập tràn,
Bao phủ lá, hoa sen bén nhọn,
Trong khi nó bị đuổi trên sông,
Máu me bao phủ, tay chân đứt,
Dòng nước Ve-ta-ran hãi hùng,
Chẳng có một nơi nào trú ẩn,
Ai mong đòi nợ nó hay không?
Vua muốn tìm nơi an trú, liền nói với ngài:
- Thưa bậc Trí giả, trẫm run sợ như cây đang
bị đốn ngã, tâm trí hoang mang bối rối, trẫm không biết hướng về đâu, trẫm đang
bị dày vò khủng khiếp, nỗi kinh hoàng của trẫm thật gớm ghê khi trẫm nghe ngài
ngâm các bài kệ trên đây. Như một vật đang cháy được ném vào nước, như một hòn
đảo giữa đại dương đầy bão tố, như một ngọn đèn trong đêm tối, ngài chính là
nơi an trú của trẫm vậy. Xin bậc trí giả hãy dạy cho trẫm thánh kinh, cùng thâm
nghĩa của nó. Quá khứ của trẫm thật là đầy tội lỗi, xin bậc Đại Trí giả Nàrada
chỉ dạy cho trẫm con đường rửa sạch tội lỗi để cho trẫm khỏi đọa vào địa ngục.
Sau đó bậc Đại Sĩ dạy vua con đường rửa sạch
tội lỗi bằng cách nêu gương các bậc tiên vương đã hành trì chánh đạo:
- Các vị vua Dhatarattha, Vessàmitta,
Atthaka, Yàmataggi và Usinnara cùng vua Sivi và nhiều vị khác, nhờ chuyên tâm
cúng dường các Sa-môn và Bà-la-môn nên đã được lên thiên giới của Sakka thiên
chủ. Vậy Đại vương cũng phải tránh tà hạnh và theo chánh hạnh. Hãy cho người
mang thực phẩm trên tay rao lên trong cung Đại vương: "Ai đang đói khát
đây? Ai đang cần vòng hoa và dầu thơm? Kẻ nào lõa thể mong muốn mặc xiêm y
trang hoàng đầy châu báu? Kẻ nào có muốn lọng che để đi đường và giầy thanh lịch
êm chân? Đại vương hãy cho người rao như vậy khắp kinh thành từ sáng đến tối. Đừng
bắt người già hay trâu già, ngựa già phải làm việc nặng nhọc. Đối với các hạng ấy,
phải quý trọng đúng mức vì khi họ còn khỏe mạnh, họ đã hoàn thành sứ mạng được
giao phó.
Như vậy bậc Đại Sĩ, sau khi thuyết giảng cho
vua về bố thí rộng lượng và đức hạnh, thấy rằng vua sẽ hoan hỷ khi được ví với một cỗ xe, nên ngài tiếp tục
thuyết Pháp cho vua qua hình ảnh một cỗ xe như ý (ban mọi điều ước):
- Thân của Đại vương được ví như một cỗ xe,
đoạn trừ mọi ác tâm chính là trục xe, có lòng bố thí đại lượng là cái trần xe,
bước đi thận trọng là sườn xe, hộ trì dục tâm là chính danh bánh xe, hộ trì khẩu
căn chính là giữ cho bánh xe khỏi kêu cọc cạch.
Mọi bộ phận đều được giữ gìn hoàn hảo nhờ khẩu
hành chân thật, gắn liền tốt đẹp với sự từ bỏ nói hai lưỡi, cái sườn xe êm ái với
lời nói thân hữu kết hợp hài hòa với ngôn ngữ cân nhắc thật kỹ lưỡng; xây dựng
vững chắc bằng lòng tịnh tín và đoạn trừ tâm tham, với lòng cung kính đảnh lễ đầy
khiêm tốn chính là gọng xe, với càng xe nhẹ nhàng, nhu thuận, với dây cương tự
điều phục thân tâm theo Ngũ giới, cùng với chìa khóa đoạn trừ sân tâm, chiếc gọng
xe trắng của lòng công chính, xe được lái đi nhờ sự thông suốt bốn mùa khác
nhau, với ba chiếc gậy bảo vệ lòng tịnh tín bất động, lời nói khiêm tốn chính
là chiếc roi da, đoạn trừ hư danh chính là sợi dây cương, với sự hỗ trợ của tâm
niệm xả ly (không chấp thủ) đi theo chánh trí và giải thoát mọi trần cấu.
Hãy dùng trí giác làm động cơ thúc đẩy ngài,
hành trì nhất tâm để chế ngự mọi luyến ái; tâm tư theo đúng đạo lộ tự điều phục
cùng với mọi tuấn mã đã được huấn luyện thuần phục.Dục vọng và tham đắm đều là
tà đạo, tự điều phục là chánh đạo. Khi con ngựa chạy theo sắc, thanh, hương, vị,
thì trí tuệ phải dùng roi trừng phạt và tâm chính là người lái xe. Nếu ta đồng
hành với cỗ xe, nếu trí thanh tịnh và nhất tâm bền vững mãi như thế, ta sẽ đạt
mọi nguyện ước, tâu Đại vương, ta không thể nào đọa địa ngục.
Như vậy, tâu Đại vương, ta đã dùng nhiều
cách trình bày cùng Đại vương nhiều đạo lộ đưa đến hạnh phúc, an lạc mà ngài đã
yêu cầu Nàrada nói rõ để khỏi đọa địa ngục ở đời sau.
Sau khi thuyết giảng Chánh Pháp cho vua và
phá tan mọi tà kiến cùng an trú vua vào giới hạnh, ngài lại khuyên vua từ nay
xa lánh bạn ác, thân cận với bạn lành và cẩn trọng trong mọi bước tiến. Rồi
ngài tán thán mọi đức hạnh của công chúa, nói lời khích lệ cả triều đình cùng
các cung phi xong, ngài liền bay về Phạm Thiên giới với thần lực vĩ đại siêu
phàm.
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, bậc Đạo Sư bảo:
- Này các Tỷ-kheo, không những ngày nay, mà từ xưa, Ta
đã giáo hóa Uruvela Kassapa và phá tan lưới tà kiến vây chặt vị ấy.
Rồi ngài nhận diện Tiền thân qua các vần kệ
cuối cùng:
40. Đề-bà-đạt chính A-là-ta,
Bhad-da-ji chính Su-na-ma,
Vi-ja-ya là Xá-lợi-phất,
Su-na-kha, ẩn sĩ Gu-na,
Ru-jà giáo hóa quân vương ấy,
Chính là thị giả A-nan-dà.
41. Bì-ja-ka chính Mục-kiền-liên,
Ca-diếp, vua theo thuyết hão huyền,
Các ông hiểu Bổn sinh như vậy,
Bồ-tát chính là Đại Phạm thiên.
Xem tiếp Chuyện 545 – Quay về Mục lục Tiểu Bộ Kinh (Tập 10)
0 Comments