Tạng Luật - Phân Tích Giới Tì Khưu Tập 2 - Chương 11. Các Pháp Dàn Xếp Tranh Tụng

Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu

Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tạng Luật (Vinayapiṭaka)

Phân Tích Giới Tỳ Khưu (Bhikkhuvibhanga)

Tập 2

Chương 11. Các Pháp Dàn Xếp Tranh Tụng (Adhikaraṇasamathā dhammā)


[880] Giới thiệu bảy pháp dàn xếp bốn loại tranh tụng

 [880] Nhằm đưa đến sự dàn xếp, nhằm đưa đến sự giải quyết các sự tranh tụng đã sanh khởi hoặc chưa sanh khởi, nên áp dụng cách hành xử Luật với sự hiện diện (sammukhāvinayo), nên áp dụng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ (sativinayo), nên áp dụng cách hành xử Luật khi không điên cuồng (amūḷhavinayo), nên phán xử theo sự thừa nhận (paṭiññāya), thuận theo số đông (yebhuyyasikā), theo tội của vị ấy (tassapāpiyasikā), cách dùng cỏ che lấp (tiṇavatthārako).

Bạch chư đại đức, bảy pháp dàn xếp tranh tụng đã được đọc tụng xong. Trong các điều ấy, tôi hỏi các đại đức rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Đến lần thứ nhì, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Đến lần thứ ba, tôi hỏi rằng: Chắc hẳn các vị được thanh tịnh trong vấn đề này?

Các đại đức được thanh tịnh nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Hết các Pháp Dàn Xếp Tranh Tụng

[881] Tổng kết Bộ Phân Tích Giới Tỳ-khưu

 [881] Bạch chư đại đức, phần mở đầu (nidāna) đã được đọc tụng, bốn điều pārājika (bất cộng trụ) đã được đọc tụng, mười ba điều saṅghādisesa (tăng tàng) đã được đọc tụng, hai điều aniyata (bất định) đã được đọc tụng, ba mươi điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) đã được đọc tụng, chín mươi hai điều pācittiya (ưng đối trị) đã được đọc tụng, bốn điều pāṭidesanīya (ưng phát lộ) đã được đọc tụng, các sekhiyā dhammā (ưng học pháp) đã được đọc tụng, bảy adhikaraṇasamathā dhammā (pháp dàn xếp tranh tụng) đã được đọc tụng.

Bấy nhiêu của đức Thế Tôn ấy đã được truyền lại trong giới bổn, đã được đầy đủ trong giới bổn, được đưa ra đọc tụng vào mỗi nửa tháng. Chính tất cả (chư đại đức) nên học tập các điều học ấy với sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ.

Phân Tích Giới Tỳ Khưu được chấm dứt

[1] Sekhiya: (phân từ vị lai thể thụ động, từ ngữ căn √sikkh) dịch là cần được học tập, nên được rèn luyện.

[2] Động từ nivāseti áp dụng cho antaravāsaka (y nội) nên được dịch là “quấn y (nội).”

[3] Động từ pārupati áp dụng cho uttarāsaṅga (thượng y, y vai trái) nên được dịch là “trùm y (vai trái).”

[4] Theo ngài Buddhaghosa thì nhìn phía trước ở mặt đất khoảng cách 4 hattha (tương đương 2 mét).

[5] Appasaddo: dịch sát nghĩa là “ít tiếng động, tiếng động nhỏ.” Chú Giải cho ví dụ về tiếng động nhỏ như sau: “Trong căn nhà dài 6 mét có ba vị trưởng lão ngồi, một vị ngồi đầu này, một vị ngồi giữa, một vị ngồi đàng cuối (như vậy vị ngồi giữa cách đều hai vị kia một khoảng cách là 3 mét). Khi vị thứ nhất nói nhỏ nhẹ thì vị ngồi ở giữa nghe và biết được nội dung, còn vị kia ngồi cách 6 mét nghe tiếng nói nhưng không biết được nội dung.”

[6] Ngài Buddhaghosa giải thích “sakkaccanti satiṃ upaṭṭhapetvā” là “sau khi đã an trú niệm.”

[7] Cụm từ “piṇḍukkhepakaṃ” được dịch sát nghĩa là “sự thảy lên cục (cơm).” Tuy nhiên, khi xem đến phần không phạm tội với các vật thực cứng và các thứ trái cây, chúng tôi hiểu lời giải thích “piṇḍukkhepakanti piṇḍaṃ ukkhipitvā ukkhipitvā” của ngài Buddhaghosa theo cách được ghi lại như trên.

[8] Cụm từ “kabaḷāvacchedaka” được dịch sát nghĩa là “sự cắn vắt cơm làm hai.” Cũng như điều trên, khi xem đến phần không phạm tội với các vật thực cứng, các thứ trái cây, các món ăn đặc biệt, chúng tôi hiểu lời giải thích “kabaḷāvacchedakanti kabaḷaṃ avacchinditvā avacchindivā” của ngài Buddhaghosa theo cách được ghi lại như trên, nói nôm na là “ăn theo lối nhâm nhi.”

[9] Từ “nillehakaṃ” nghĩa là sự liếm, vét trong ba cụm từ “hattha-nillehakaṃ, patta-nillehakaṃ, oṭṭha-nillehakaṃ” liên quan đến tay, bình bát, và môi. Sở dĩ chúng tôi không dịch là “liếm bình bát” vì điều ấy không thể thực hiện được nên ghi là “nạo vét.” Nếu vị tỳ khưu thọ thực trong đĩa thì từ “liếm” có thể áp dụng.

[10] Phần chi tiết được ghi lại ở Tiểu Phẩm - Cullavagga, chương IV.

Hết Chương 11 Quay về Mục Lục Phân Tích Giới Tì Khưu 2



0 Comments