Tạng Luật - Phân Tích Giới Tì Khưu Tập 2 - Chương 7 - Phần 2. Tơ Tằm

Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu

Ðại Tạng Kinh Việt Nam

Tạng Luật (Vinayapiṭaka)

Phân Tích Giới Tỳ Khưu (Bhikkhuvibhanga)

Tập 2

Chương 7. Ưng Xả Đối Trị (Nissaggiyakaṇḍaṃ)

Phần 2. Tơ Tằm


Mục Lục

11. Điều học thứ nhất (Ngọa cụ có trộn lẫn tơ tằm)

[74] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

12. Điều học thứ nhì (Ngọa cụ bằng lông cừu thuần màu đen)

[78] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

13. Điều học thứ ba: (Ngọa cụ bằng lông cừu màu đen, trắng, nâu đỏ)

[82] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

14. Điều học thứ tư (Ngọa cụ dùng sáu năm)

[86] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu. Sự quy định lần thứ nhất

[87] Câu chuyện về vị tỳ-khưu bị bệnh. Tuyên ngôn ban cho sự đồng ý về ngọa cụ. Sự quy định thêm

15. Điều học thứ năm (Làm tọa cụ)

[91] Câu chuyện về tỳ-khưu Upasena. Sự quy định

16. Điều học thứ sáu (Mang lông cừu đi)

[97] Câu chuyện về vị tỳ-khưu nọ. Sự quy định

17. Điều học thứ bảy (Bảo tỳ-khưu ni giặt lông cừu)

[101] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

18. Điều học thứ tám (Thọ lãnh vàng bạc)

[105] Câu chuyện về tỳ-khưu Upananda. Sự quy định

[106] Chỉ định vị tỳ-khưu là vị quăng bỏ vàng bạc

19. Điều học thứ chín (Trao đổi bằng vàng bạc)

[109] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

[110] Chỉ định vị tỳ-khưu là vị quăng bỏ vàng bạc

20. Điều học thứ mười (Mua bán, trao đổi bằng vật dụng)

[113] Câu chuyện về tỳ-khưu Upananda. Sự quy định

[116] Bài kệ tóm lược phần Tơ Tằm

Nội Dung

11. Điều học thứ nhất (Ngọa cụ có trộn lẫn tơ tằm)

[74] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

[74] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Āḷavī, nơi tháp thờ Aggāḷava. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi đến gặp những người làm tơ tằm rồi nói như vầy:

- Này các đạo hữu, hãy nấu nhiều kén tằm rồi bố thí đến chúng tôi; chúng tôi cũng muốn làm tấm trải nằm (ngọa cụ) có trộn lẫn tơ tằm.

Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử này sau khi đi đến gặp chúng tôi lại nói như vầy: “Này các đạo hữu, hãy nấu nhiều kén tằm rồi bố thí đến chúng tôi; chúng tôi cũng muốn làm tấm trải nằm có trộn lẫn tơ tằm.” Chúng tôi không có lợi nhuận, chúng tôi thu nhập khó khăn, chúng tôi vì lý do nuôi mạng, vì nguyên nhân vợ con mà gây nên việc giết chóc nhiều sinh vật nhỏ bé.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi đi đến gặp những người làm tơ tằm lại nói như vầy: “Này các đạo hữu, hãy nấu nhiều kén tằm rồi bố thí đến chúng tôi; chúng tôi cũng muốn làm tấm trải nằm có trộn lẫn tơ tằm”?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi đi đến gặp những người làm tơ tằm rồi nói như vầy: “Này các đạo hữu, hãy nấu nhiều kén tằm rồi bố thí đến chúng tôi; chúng tôi cũng muốn làm tấm trải nằm có trộn lẫn tơ tằm,” có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi sau khi đi đến gặp những người làm tơ tằm lại nói như vầy: “Này các đạo hữu, hãy nấu nhiều kén tằm rồi bố thí đến chúng tôi; chúng tôi cũng muốn làm tấm trải nằm có trộn lẫn tơ tằm”? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào bảo làm tấm trải nằm có trộn lẫn tơ tằm thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[75] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Tấm trải nằm nghĩa là sau khi trải ra, sự không cuộn lại đã được thực hiện.

Bảo làm: vị (tự) làm hoặc bảo làm sau khi đã trộn lẫn vào cho dầu chỉ một sợi tơ tằm. Trong khi tiến hành thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (vật ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, tấm trải nằm có trộn lẫn tơ tằm này của tôi đã được bảo làm, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[76] Vị tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Vị bảo những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị bảo những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị (tự) làm hoặc bảo làm vì nhu cầu của vị khác thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Sau khi thọ lãnh vật đã được làm bởi người khác, vị thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[77] Vị làm tấm màn che, hoặc tấm thảm trải nền đất, hoặc màn che quanh làm tường, hoặc nệm, hoặc gối, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ nhất

12. Điều học thứ nhì (Ngọa cụ bằng lông cừu thuần màu đen)

[78] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

 [78] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen. Dân chúng trong khi đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử này lại bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen giống như những kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[79] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Màu đen nghĩa là có hai loại màu đen: màu đen do tự nhiên hoặc là màu đen nhuộm.

Tấm trải nằm nghĩa là sau khi trải ra, sự không cuộn lại đã được thực hiện.

Bảo làm: vị (tự) làm hoặc bảo làm. Trong khi tiến hành thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (vật ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen của tôi đã được bảo làm, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[80] Vị tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Vị bảo những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị bảo những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị (tự) làm hoặc bảo làm vì nhu cầu của vị khác thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Sau khi thọ lãnh vật đã được làm bởi người khác, vị thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[81] Vị làm tấm màn che, hoặc tấm thảm trải nền đất, hoặc màn che quanh làm tường, hoặc nệm, hoặc gối, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ nhì

13. Điều học thứ ba: (Ngọa cụ bằng lông cừu màu đen, trắng, nâu đỏ)

[82] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

 [82] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm không được bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen” nên để vào chỉ chút ít màu trắng ở viền rồi bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen y như thế. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại để vào một chút ít màu trắng ở viền rồi bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen y như thế?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi để vào một chút ít màu trắng ở viền rồi bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen y như thế, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại để vào một chút ít màu trắng ở viền rồi bảo làm tấm trải nằm bằng lông cừu thuần màu đen y như thế vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trong khi bảo làm tấm trải nằm mới, vị tỳ khưu nên lấy hai phần lông cừu thuần màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu nâu đỏ. Nếu vị tỳ khưu không lấy hai phần lông cừu thuần màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu nâu đỏ rồi bảo làm tấm trải nằm mới thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[83] Mới nghĩa là có liên quan việc làm (tấm thảm nằm) được đề cập đến.

Tấm trải nằm nghĩa là sau khi trải ra, sự không cuộn lại đã được thực hiện.

Trong khi bảo làm: trong khi (tự) làm hoặc trong khi bảo làm.

Nên lấy hai phần lông cừu thuần màu đen: sau khi đã được mang lại, thì nên lấy hai cân (tulā) [1] lông cừu thuần màu đen.

Phần thứ ba màu trắng: một cân của màu trắng.

Phần thứ tư màu nâu đỏ: một cân của màu nâu đỏ.

Nếu vị tỳ khưu không lấy hai phần lông cừu thuần màu đen, phần thứ ba màu trắng, phần thứ tư màu nâu đỏ: sau khi không để vào một cân màu trắng, một cân màu nâu đỏ rồi (tự) làm hoặc bảo làm tấm trải nằm mới. Trong khi tiến hành thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (vật ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, tấm trải nằm của tôi đã được bảo làm sau khi đã không để vào một cân màu trắng và một cân màu nâu đỏ, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[84] Vị tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Vị bảo những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị bảo những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị (tự) làm hoặc bảo làm vì nhu cầu của vị khác thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Sau khi thọ lãnh vật đã được làm bởi người khác, vị thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[85] Sau khi để vào một cân màu trắng và một cân màu nâu đỏ rồi làm, sau khi để vào màu trắng nhiều hơn (hoặc) màu nâu đỏ nhiều hơn rồi làm, sau khi lấy thuần màu trắng (hoặc) thuần màu nâu đỏ rồi làm, vị làm tấm màn che, hoặc tấm thảm trải nền đất, hoặc màn che quanh làm tường, hoặc nệm, hoặc gối, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ ba

14. Điều học thứ tư (Ngọa cụ dùng sáu năm)

[86] Câu chuyện về nhiều vị tỳ-khưu. Sự quy định lần thứ nhất

 [86] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu bảo làm tấm trải nằm hàng năm. Các vị ấy sống có nhiều sự van xin, có nhiều sự yêu cầu: “Các người hãy bố thí các lông cừu. Có nhu cầu với các lông cừu.”

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại bảo làm tấm trải nằm hàng năm rồi sống có nhiều sự van xin, có nhiều sự yêu cầu: “Các người hãy bố thí các lông cừu. Có nhu cầu với các lông cừu”? Các tấm trải nằm của chúng tôi bị con cái của chúng tôi tiêu tiểu và bị các con chuột gặm nhấm còn được làm năm sáu năm một lần. Thế mà các sa-môn Thích tử này lại bảo làm tấm trải nằm hàng năm rồi sống có nhiều sự van xin, có nhiều sự yêu cầu: “Các người hãy bố thí các lông cừu. Có nhu cầu với các lông cừu.”

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu lại bảo làm tấm trải nằm hàng năm rồi sống có nhiều sự van xin, có nhiều sự yêu cầu: “Các người hãy bố thí các lông cừu. Có nhu cầu với các lông cừu.”?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu bảo làm tấm trải nằm hàng năm rồi sống có nhiều sự van xin, có nhiều sự yêu cầu: “Các người hãy bố thí các lông cừu. Có nhu cầu với các lông cừu,” có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại bảo làm tấm trải nằm hàng năm rồi sống có nhiều sự van xin, có nhiều sự yêu cầu: “Các người hãy bố thí các lông cừu. Có nhu cầu với các lông cừu” vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Sau khi bảo làm tấm trải nằm mới, vị tỳ khưu nên sử dụng sáu năm. Nếu chưa đủ sáu năm mà cho đi hoặc không cho đi tấm trải nằm ấy rồi bảo làm tấm trải nằm mới khác thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[87] Câu chuyện về vị tỳ-khưu bị bệnh. Tuyên ngôn ban cho sự đồng ý về ngọa cụ. Sự quy định thêm

 [87] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ ở thành Kosambī bị bệnh. Các thân quyến đã phái người đưa tin đến gặp vị tỳ khưu ấy nói rằng: “Ngài đại đức hãy đi đến. Chúng tôi sẽ hộ độ.” Các tỳ khưu cũng đã nói như vầy:

- Này đại đức, hãy đi. Các thân quyến sẽ hộ độ đại đức.

Vị ấy đã nói như vầy:

- Này các đại đức, điều học đã được đức Thế Tôn quy định rằng: “Sau khi bảo làm tấm trải nằm mới, vị tỳ khưu nên sử dụng sáu năm.” Và tôi thì bị bệnh nên không thể mang theo tấm trải nằm mà ra đi được. Tôi không được thoải mái khi không có tấm trải nằm. Tôi sẽ không đi.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho sự đồng ý về tấm trải nằm đối với vị tỳ khưu bị bệnh. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Vị tỳ khưu bị bệnh ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch các ngài, tôi bị bệnh không thể mang theo tấm trải nằm mà ra đi được. Bạch các ngài, tôi đây thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về tấm trải nằm.

Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba.

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) bị bệnh không thể mang theo tấm trải nằm mà ra đi được. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về tấm trải nằm. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự đồng ý về tấm trải nằm đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) bị bệnh không thể mang theo tấm trải nằm mà ra đi được. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về tấm trải nằm. Hội chúng ban cho sự đồng ý về tấm trải nằm đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc ban cho sự đồng ý về tấm trải nằm đến vị tỳ khưu tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự đồng ý về tấm trải nằm đã được hội chúng ban cho đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Sau khi bảo làm tấm trải nằm mới, vị tỳ khưu nên sử dụng sáu năm. Nếu chưa đủ sáu năm mà cho đi hoặc không cho đi tấm trải nằm ấy rồi bảo làm tấm trải nằm mới khác thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị), ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.”

[88] Mới nghĩa là có liên quan việc làm (tấm thảm nằm) được đề cập đến.

Tấm trải nằm nghĩa là sau khi trải ra, sự không cuộn lại đã được thực hiện.

Sau khi bảo làm: sau khi (tự) làm hoặc sau khi bảo (người khác) làm.

Nên sử dụng sáu năm: nên sử dụng hơn sáu năm.

Nếu chưa đủ sáu năm: còn ít hơn sáu năm.

Cho đi tấm trải nằm ấy: sau khi cho đến những người khác.

Hoặc không cho đi: sau khi không cho đến bất cứ ai.

Ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu: Trừ ra có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Vị (tự) làm hoặc bảo làm tấm trải nằm mới khác. Trong khi tiến hành thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (vật ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, tấm trải nằm của tôi đã được bảo làm chưa đủ sáu năm giờ cần được xả bỏ, ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[89] Vị tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Vị bảo những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị bảo những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

[90] Vị làm khi được sáu năm, vị làm khi đã quá sáu năm, vị làm hoặc bảo làm vì nhu cầu của vị khác, vị nhận được (tấm trải nằm) đã được làm bởi người khác rồi sử dụng, vị làm tấm màn che, hoặc tấm thảm trải nền đất, hoặc màn che quanh làm tường, hoặc nệm, hoặc gối, với sự đồng ý của các tỳ khưu, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ tư

15. Điều học thứ năm (Làm tọa cụ)

[91] Câu chuyện về tỳ-khưu Upasena. Sự quy định

 [91] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta muốn thiền tịnh trong ba tháng. Không ai đi đến gặp ta ngoại trừ một vị mang lại vật thực.

- Bạch ngài, xin vâng. Các vị tỳ khưu ấy đã trả lời đức Thế Tôn.

Và quả thật không có vị nào đi đến gặp đức Thế Tôn ngoại trừ một vị mang lại vật thực. Vào lúc bấy giờ, hội chúng ở thành Sāvatthi đã thực hiện quy định là: “Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn thiền tịnh trong ba tháng. Không ai được đi đến gặp đức Thế Tôn ngoại trừ một vị mang lại vật thực. Vị nào đi đến gặp đức Thế Tôn nên bị buộc sám hối tội pācittiya (ưng đối trị).”

[92] Khi ấy, đại đức Upasena con trai của Vaṅganta cùng tập thể đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ của chư Phật Thế Tôn là niềm nở đối với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Upasena con trai của Vaṅganta điều này:

- Này Upasena, sức khỏe có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi đi đường xa có được ít mệt nhọc không?

- Bạch Thế Tôn, sức khỏe khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc tốt đẹp. Bạch ngài, chúng con đi đường xa được ít mệt nhọc.

Vào lúc bấy giờ, vị tỳ khưu đệ tử của đại đức Upasena con trai của Vaṅganta ngồi xuống không xa đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này tỳ khưu, đối với ngươi các y paṃsukūla có dễ chịu không?

- Bạch ngài, đối với con các y paṃsukūla không có dễ chịu.

- Này tỳ khưu, vậy tại sao ngươi lại là vị hành pháp sử dụng y paṃsukūla?

- Bạch ngài, thầy tế độ của con là vị hành pháp sử dụng y paṃsukūla; như thế con cũng là vị hành pháp sử dụng y paṃsukūla.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Upasena con trai của Vaṅganta điều này:

- Này Upasena, quả thật tập thể này có niềm tin đối với ngươi. Này Upasena, ngươi hướng dẫn tập thể bằng cách nào?

- Bạch ngài, ai cầu xin con sự tu lên bậc trên thì con nói với người ấy như vầy: “Này đạo hữu, ta là vị hành pháp ở rừng, hành pháp đi khất thực, hành pháp sử dụng y paṃsukūla, nếu ngươi cũng sẽ là vị hành pháp ở rừng, hành pháp đi khất thực, hành pháp sử dụng y paṃsukūla như thế thì ta sẽ cho ngươi tu lên bậc trên.” Nếu (người ấy) đồng ý với con thì con cho tu lên bậc trên, nếu không đồng ý với con thì con không cho tu lên bậc trên. Vị nào cầu xin con pháp nương nhờ thì con nói với vị ấy như vầy: “Này đại đức, ta là vị hành pháp ở rừng, hành pháp đi khất thực, hành pháp sử dụng y paṃsukūla, nếu ngươi cũng sẽ là vị hành pháp ở rừng, hành pháp đi khất thực, hành pháp sử dụng y paṃsukūla như thế thì ta sẽ ban cho ngươi pháp nương nhờ.” Nếu (vị ấy) đồng ý với con thì con ban cho pháp nương nhờ, nếu không đồng ý với con thì con không ban cho pháp nương nhờ. Bạch ngài, con hướng dẫn tập thể như thế.

- Này Upasena, tốt lắm, tốt lắm! Này Upasena, ngươi hướng dẫn tập thể tốt lắm. Này Upasena, ngươi có biết về quy định của hội chúng ở thành Sāvatthi không?

- Bạch ngài, con quả thật không biết về quy định của hội chúng ở thành Sāvatthi.

- Này Upasena, hội chúng ở thành Sāvatthi đã thực hiện quy định là: “Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn thiền tịnh trong ba tháng. Không ai được đi đến gặp đức Thế Tôn ngoại trừ một vị mang lại vật thực. Vị nào đi đến gặp đức Thế Tôn nên bị buộc sám hối tội pācittiya (ưng đối trị).”

- Bạch ngài, hội chúng ở thành Sāvatthi sẽ được biết tiếng bởi quy định của chính họ. Chúng con sẽ không quy định điều không được quy định hoặc sẽ không hủy bỏ điều đã được quy định. Chúng con sẽ thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định.

- Này Upasena, tốt lắm, tốt lắm! Không nên quy định điều không được quy định hoặc không nên hủy bỏ điều đã được quy định. Nên thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định. Này Upasena, ta cho phép: “Các vị tỳ khưu nào là những vị hành pháp ở rừng, hành pháp đi khất thực, hành pháp sử dụng y paṃsukūla, hãy để các vị ấy đi đến diện kiến ta một cách thoải mái.”

Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu đứng ở bên ngoài cổng ra vào (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ buộc đại đức Upasena con trai của Vaṅganta sám hối tội pācittiya.” Sau đó, đại đức Upasena con trai của Vaṅganta cùng tập thể đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đại đức Upasena con trai của Vaṅganta điều này:

- Này đại đức Upasena, đại đức có biết quy định của hội chúng ở thành Sāvatthi không?

- Này các đại đức, đức Thế Tôn đã nói với tôi như vầy: “Này Upasena, ngươi có biết về quy định của hội chúng ở thành Sāvatthi không?” “Bạch ngài, con quả thật không biết về quy định của hội chúng ở thành Sāvatthi.” “Này Upasena, hội chúng ở thành Sāvatthi đã thực hiện quy định là: ‘Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn thiền tịnh trong ba tháng. Không ai được đi đến gặp đức Thế Tôn ngoại trừ một vị mang lại vật thực. Vị nào đi đến gặp đức Thế Tôn nên bị buộc sám hối tội pācittiya.’” “Bạch ngài, hội chúng ở thành Sāvatthi sẽ được biết tiếng bởi quy định của chính họ. Chúng con sẽ không quy định điều không được quy định hoặc sẽ không hủy bỏ điều đã được quy định. Chúng con sẽ thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định.” Này các đại đức, đức Thế Tôn đã cho phép rằng: “Các vị tỳ khưu nào là những vị hành pháp ở rừng, hành pháp đi khất thực, hành pháp sử dụng y paṃsukūla, hãy để các vị ấy đi đến diện kiến ta một cách thoải mái.”

Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy (bàn bạc rằng): “Đại đức Upasena con trai của Vaṅganta đã nói rằng: ‘Không nên quy định điều không được quy định hoặc không nên hủy bỏ điều đã được quy định. Nên thọ trì và thực hành các điều học theo như đã được quy định’ có phải là sự thật không vậy?”

[93] Các tỳ khưu đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã cho phép rằng: ‘Các vị tỳ khưu nào là những vị hành pháp ở rừng, hành pháp đi khất thực, hành pháp sử dụng y paṃsukūla, hãy để các vị ấy đi đến diện kiến ta một cách thoải mái.’” Các vị ấy ao ước được diện kiến đức Thế Tôn nên đã quăng bỏ các tấm trải nằm và thọ trì pháp của vị ở trong rừng, pháp của vị đi khất thực, pháp của vị sử dụng y paṃsukūla.

Sau đó, đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ cùng với nhiều vị tỳ khưu đã nhìn thấy các tấm trải nằm bị quăng bỏ chỗ này chỗ nọ, sau khi nhìn thấy đã hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, những tấm trải nằm bị quăng bỏ chỗ này chỗ nọ là của vị nào vậy?

Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định điều học cho các tỳ khưu vì mười điều lợi ích: Nhằm đem lại sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm đem lại sự an lạc cho hội chúng, nhằm việc trấn áp những nhân vật ác xấu, nhằm sự lạc trú của các tỳ khưu hiền thiện, nhằm ngăn ngừa các lậu hoặc trong hiện tại, nhằm sự trừ diệt các lậu hoặc trong tương lai, nhằm đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, nhằm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin, nhằm sự tồn tại của Chánh Pháp, nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trong khi bảo thực hiện tấm lót ngồi (tọa cụ), vị tỳ khưu nên lấy một gang tay của đức Thiện Thệ[2] ở phần xung quanh của tấm lót cũ để hoại vẻ đẹp. Nếu vị tỳ khưu không lấy một gang tay của đức Thiện Thệ ở phần xung quanh của tấm lót cũ mà bảo làm tấm lót ngồi mới thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[94] Tấm lót ngồi nghĩa là có đường viền quanh được nói đến.

Tấm trải nằm nghĩa là sau khi trải ra, sự không cuộn lại đã được thực hiện.

Sau khi bảo làm: sau khi (tự) làm hoặc sau khi bảo (người khác) làm.

Tấm lót cũ nghĩa là đã được ngồi dầu chỉ một lần, đã được nằm dầu chỉ một lần.

Nên lấy một gang tay của đức Thiện Thệ ở phần xung quanh để hoại vẻ đẹp: để có được trạng thái bền chắc, sau khi cắt vòng tròn hoặc vuông vức rồi nên trải ra ở một góc, hoặc sau khi tháo rời rồi nên trải ra.

Nếu vị tỳ khưu không lấy một gang tay của đức Thiện Thệ ở phần xung quanh của tấm lót cũ: sau khi không lấy một gang tay của đức Thiện Thệ ở phần xung quanh của tấm lót cũ rồi (tự) làm hoặc bảo làm tấm lót ngồi mới, trong khi tiến hành thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (vật ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, tấm lót ngồi này của tôi đã được bảo làm sau khi không lấy một gang tay của đức Thiện Thệ ở phần xung quanh của tấm lót cũ, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[95] Vị tự mình hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Vị bảo những người khác hoàn tất phần vị ấy chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị tự mình hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị bảo những người khác hoàn tất phần những người khác chưa làm xong thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vị (tự làm) hoặc bảo làm vì nhu cầu của vị khác thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[96] Sau khi đã lấy một gang tay của đức Thiện Thệ ở phần xung quanh của tấm lót cũ rồi làm; trong khi không có, đã lấy ít hơn rồi làm; trong khi không có, đã không lấy rồi làm; vị nhận được (tấm lót ngồi) đã được làm bởi người khác rồi sử dụng; vị làm tấm màn che, hoặc tấm thảm trải nền đất, hoặc màn che quanh làm tường, hoặc nệm, hoặc gối; vị bị điên; vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ năm

16. Điều học thứ sáu (Mang lông cừu đi)

[97] Câu chuyện về vị tỳ-khưu nọ. Sự quy định

 [97] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ khi đang đi đến thành Sāvatthi trong xứ Kosala, ở giữa đường có các lông cừu đã được phát sanh. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã dùng thượng y gói các lông cừu ấy lại thành gói rồi đi. Dân chúng sau khi nhìn thấy vị tỳ khưu ấy đã chế giễu rằng:

- Thưa ngài, chúng được mua bao nhiêu? Lợi nhuận sẽ là bao nhiêu?

Trong khi bị những người ấy chế giễu, vị tỳ khưu ấy đã trở nên xấu hổ. Sau đó, khi đến thành Sāvatthi vị tỳ khưu ấy đã đứng thẳng người ném các lông cừu ấy xuống. Các tỳ khưu đã nói với vị tỳ khưu ấy như vầy:

- Này đại đức, vì sao đại đức lại đứng thẳng người ném các lông cừu này xuống vậy?

- Này các đại đức, như thế là vì nguyên nhân các lông cừu này mà tôi đã bị dân chúng chế giễu.

- Này đại đức, thế đại đức đã mang những lông cừu này khoảng bao xa vậy?

- Này các đại đức, hơn ba do tuần.[3]

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị tỳ khưu lại mang các lông cừu hơn ba do tuần?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này tỳ khưu, nghe nói ngươi mang các lông cừu hơn ba do tuần, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại mang các lông cừu hơn ba do tuần vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu trong khi đi đường xa có các lông cừu được phát sanh, vị tỳ khưu mong muốn thì nên thọ lãnh. Sau khi thọ lãnh, nên dùng tay mang tối đa ba do tuần khi không có người mang. Nếu mang vượt quá khoảng cách ấy cho dầu không có người mang vác thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[98] Vị tỳ khưu trong khi đi đường xa: là vị đang đi đường.

Các lông cừu được phát sanh: là được phát sanh từ hội chúng, hoặc từ nhóm, hoặc từ thân quyến, hoặc từ bạn bè, hoặc từ vật quăng bỏ (paṃsukūla), hoặc từ vật sở hữu của bản thân.

Mong muốn: vị đang ước muốn thì nên thọ lãnh.

Sau khi thọ lãnh thì nên dùng tay mang tối đa ba do tuần: Nên dùng tay mang nhiều nhất ba do tuần.

Khi không có người mang vác: không có người nào khác khuân vác: hoặc là người nữ, hoặc là người nam, hoặc là người tại gia, hoặc là vị xuất gia.

Nếu mang vượt quá khoảng cách ấy cho dầu không có người mang vác: Vượt quá ba do tuần bước thứ nhất thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vượt quá ba do tuần bước thứ nhì thì (các lông cừu ấy) phạm vào nissaggiya. Đứng trong khoảng ba do tuần và làm rơi ngoài ba do tuần thì (các lông cừu ấy) phạm vào nissaggiya. Sau khi để ở trên xe hoặc trong gói đồ của người khác mà họ không hay biết, vị vượt quá ba do tuần thì (các lông cừu ấy) phạm vào nissaggiya, cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, các lông cừu này của tôi đã vượt quá ba do tuần, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ các vật này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[99] Hơn ba do tuần, nhận biết là đã hơn, vị vượt qua ba do tuần thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Hơn ba do tuần, có sự hoài nghi, vị vượt qua ba do tuần thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Hơn ba do tuần, (lầm) tưởng là chưa hơn, vị vượt qua ba do tuần thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi chưa hơn ba do tuần, (lầm) tưởng là đã hơn, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi chưa hơn ba do tuần, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa.

Khi chưa hơn ba do tuần, nhận biết là chưa hơn thì vô tội.

[100] Vị mang đi ba do tuần, vị mang đi chưa hơn ba do tuần, vị mang đi ba do tuần rồi mang lui lại, sau khi đi ba do tuần vị có ý định tìm trú xứ rồi mang hơn khoảng cách đó, vị nhận lại vật bị cướp rồi mang đi, vị nhận lại vật bị trộm rồi mang đi, vị bảo người khác mang, vị mang vật đã là thành phẩm (katabhaṇḍaṃ), vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ sáu

17. Điều học thứ bảy (Bảo tỳ-khưu ni giặt lông cừu)

[101] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

 [101] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự giữa dân chúng dòng Sākya (Thích ca), trong thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), tu viện Nigrodha. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư bảo các tỳ khưu ni giặt, bảo nhuộm, và bảo chải các lông cừu. Trong khi giặt, trong khi nhuộm, và trong khi chải các lông cừu, các tỳ khưu ni xao lãng việc đọc tụng, việc vấn hỏi, (việc tu tập) tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ.[4]

Khi ấy, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi đứng ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với bà Mahāpajāpati Gotamī đang đứng một bên điều này:

- Này Gotamī, chắc hẳn các tỳ khưu ni sống không có dễ duôi, tinh cần, và bản thân có nỗ lực?

- Bạch ngài, sự không dễ duôi của các tỳ khưu ni từ đâu có được khi các ngài đại đức nhóm Lục Sư bảo các tỳ khưu ni giặt, bảo nhuộm, và bảo chải các lông cừu? Trong khi giặt, trong khi nhuộm, và trong khi chải các lông cừu, các tỳ khưu ni xao lãng việc đọc tụng, việc vấn hỏi, (việc tu tập) tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Mahāpajāpati Gotamī bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Mahāpajāpati Gotamī đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi bảo các tỳ khưu ni giặt, bảo nhuộm, và bảo chải các lông cừu, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này các tỳ khưu, là các nữ thân quyến của các ngươi hay không phải là các nữ thân quyến?

- Bạch Thế Tôn, không phải là các nữ thân quyến.

- Này những kẻ rồ dại, những người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng những người nữ không phải là thân quyến. Này những kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao các ngươi lại bảo các tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt, bảo nhuộm, và bảo chải các lông cừu vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào bảo tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt, hoặc bảo nhuộm, hoặc bảo chải các lông cừu thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[102] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

(Người nữ) Không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Bảo giặt: vị chỉ thị rằng: “Hãy giặt” thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). (Các lông cừu) đã được giặt thì phạm vào nissaggiya.

Bảo nhuộm: vị chỉ thị rằng: “Hãy nhuộm” thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). (Các lông cừu) đã được nhuộm thì phạm vào nissaggiya.

Bảo chải: vị chỉ thị rằng: “Hãy chải” thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). (Các lông cừu) đã được chải thì phạm vào nissaggiya, nên được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, các lông cừu này của tôi đã được bảo tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ (các lông cừu) này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[103] Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo nhuộm các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo chải các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo nhuộm, bảo chải các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và hai tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm, bảo chải các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm, bảo giặt các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm, bảo chải, bảo giặt các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và hai tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo chải các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo chải, bảo giặt các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo chải, bảo nhuộm các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo chải, bảo giặt, bảo nhuộm các lông cừu thì phạm tội nissaggiya pācittiya và hai tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, ...(như trên)...

Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, ...(như trên)...

Vị bảo giặt các lông cừu của vị khác thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị bảo cô ni tu lên bậc trên từ một hội chúng giặt thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.

[104] Khi vị (tỳ khưu ni) là thân quyến đang giặt có vị (tỳ khưu ni) thứ nhì không phải là thân quyến (phụ giúp), vị (tỳ khưu ni) giặt khi chưa được nói, vị bảo giặt vật đã là thành phẩm chưa được sử dụng, (vị bảo) cô ni tu tập sự, (vị bảo) sa di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ bảy

18. Điều học thứ tám (Thọ lãnh vàng bạc)

[105] Câu chuyện về tỳ-khưu Upananda. Sự quy định

 [105] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya là vị thường tới lui với gia đình nọ và là vị nhận bữa ăn thường kỳ. Khi nào gia đình ấy có được vật thực loại cứng hoặc loại mềm, phần chia trong số đó được để dành cho đại đức Upananda con trai dòng Sākya. Vào lúc bấy giờ, gia đình ấy có được miếng thịt nhằm lúc chiều tối. Trong số đó, phần chia của đại đức Upananda con trai dòng Sākya được để dành lại. Đến canh cuối của đêm, đứa bé trai của gia đình ấy thức dậy khóc lóc rằng:

- Hãy cho con thịt.

Khi ấy, người đàn ông ấy đã nói với người vợ điều này:

- Hãy cho đứa bé phần chia của ngài đại đức. Sau khi mua phần khác tôi sẽ dâng ngài.

Sau đó vào buổi sáng, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã mặc y, cầm y bát, đi đến gia đình ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, người đàn ông ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Upananda con trai dòng Sākya rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, người đàn ông ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Thưa ngài, hôm qua lúc chiều tối có được miếng thịt. Trong số đó, phần chia của ngài đại đức đã được để dành. Thưa ngài, vào canh cuối của đêm, đứa bé trai này đã thức dậy khóc lóc rằng: “Hãy cho con thịt.” Phần chia của ngài đại đức đã được cho đến đứa bé. Thưa ngài, hãy để vật gì đó được mang lại với một đồng  tiền (kahāpaṇa)?[5]

- Này đạo hữu, đồng tiền đã được ta từ bỏ.

- Thưa ngài, đúng vậy. Đã được từ bỏ.

- Này đạo hữu, hãy trao cho ta chính đồng tiền ấy.

Khi ấy, người đàn ông ấy đã trao đồng tiền cho đại đức Upananda con trai dòng Sākya rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Chúng tôi nhận lãnh tiền bạc như thế nào thì các sa-môn Thích tử này thọ lãnh tiền bạc y như thế.

Các tỳ khưu đã nghe được người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya lại thọ lãnh tiền bạc?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi thọ lãnh tiền bạc, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại thọ lãnh tiền bạc vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào nhận lấy hoặc bảo nhận lấy vàng bạc hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[106] Chỉ định vị tỳ-khưu là vị quăng bỏ vàng bạc

[106] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Vàng nghĩa là màu da của bậc Đạo Sư được nói đến.

Bạc nghĩa là đồng tiền kahāpaṇa, tiền māsaka bằng đồng, tiền māsaka bằng gỗ, tiền māsaka bằng nhựa cánh kiến, những vật nào dùng trong việc buôn bán.

Nhận lấy: bản thân cầm lấy thì phạm vào nissaggiya.

Bảo nhận lấy: bảo người khác cầm lấy thì phạm vào nissaggiya.

Hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến: hoặc ưng thuận (vàng bạc) đã được mang đến (nói rằng): “Vật này hãy là của ngài” thì phạm vào nissaggiya, nên được xả bỏ ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: Vị tỳ khưu ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, tôi đã thọ lãnh vàng bạc, vật này nên được tôi xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.”

Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực. Nếu có người phụ việc chùa hoặc nam cư sĩ đi đến nơi ấy thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy nhận biết vật này.” Nếu người ấy nói rằng: “Với vật này, hãy để cho vật gì được mang lại?” Không nên nói rằng: “Hãy mang lại vật này hoặc vật này.” Nên đề cập đến vật được phép là bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc mật ong, hoặc đường mía. Nếu người ấy sau khi dùng (vàng bạc) ấy trao đổi và đem lại vật được phép thì tất cả nên thọ dụng trừ ra vị đã thọ lãnh vàng bạc. Nếu điều ấy có thể đạt được như vậy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không thể đạt được thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy quăng bỏ vật này.” Nếu người ấy quăng bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu (người ấy) không quăng bỏ thì nên chỉ định vị quăng bỏ vàng bạc là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: là vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, là vị biết vật đã được quăng bỏ hoặc chưa được quăng bỏ.

Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu nên được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị quăng bỏ vàng bạc. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vị tỳ khưu đã được chỉ định ấy sau khi đã không làm dấu hiệu rồi nên ném đi. Nếu sau khi đã làm dấu hiệu rồi ném đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[107] Vàng bạc, nhận biết là vàng bạc, vị thọ lãnh vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Vàng bạc, có sự hoài nghi, vị thọ lãnh vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vàng bạc, (lầm) tưởng không phải là vàng bạc, vị thọ lãnh vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là vàng bạc, (lầm) tưởng là vàng bạc, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là vàng bạc, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là vàng bạc, nhận biết không phải là vàng bạc thì vô tội.

[108] Sau khi nhặt lấy hoặc bảo nhặt lấy ở trong khuôn viên tu viện hoặc ở trong chỗ ngụ, vị giữ lại (nghĩ rằng): “Là của ai, người ấy sẽ mang đi,” vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ tám 

19. Điều học thứ chín (Trao đổi bằng vàng bạc)

[109] Câu chuyện về các tỳ-khưu nhóm Lục Sư. Sự quy định

 [109] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các sa-môn Thích tử lại tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức, giống như những kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[110] Chỉ định vị tỳ-khưu là vị quăng bỏ vàng bạc

 [110] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Dưới nhiều hình thức nghĩa là đã được chế biến, chưa được chế biến, đã được chế biến và chưa được chế biến. Đã được chế biến nghĩa là làm thành vật (trang sức) ở đầu, làm thành vật (trang sức) ở cổ, làm thành vật (trang sức) ở tay, làm thành vật (trang sức) ở bàn chân, làm thành vật (trang sức) ở hông. Chưa được chế biến nghĩa là việc làm thành khối được nói đến. Đã được chế biến và chưa được chế biến nghĩa là cả hai điều ấy.

Vàng bạc nghĩa là có màu sắc của bậc Đạo Sư, là đồng tiền kahāpaṇa, tiền māsaka bằng đồng, tiền māsaka bằng gỗ, tiền māsaka bằng nhựa cánh kiến, những vật nào dùng trong việc buôn bán.

Tiến hành: vị trao đổi vật đã được chế biến bằng vật đã được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Vị trao đổi vật chưa được chế biến bằng vật đã được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Vị trao đổi vật đã được chế biến và chưa được chế biến bằng vật đã được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Vị trao đổi vật đã được chế biến bằng vật chưa được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Vị trao đổi vật chưa được chế biến bằng vật chưa được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Vị trao đổi vật đã được chế biến và chưa được chế biến bằng vật chưa được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Vị trao đổi vật đã được chế biến bằng vật đã được chế biến và chưa được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Vị trao đổi vật chưa được chế biến bằng vật đã được chế biến và chưa được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Vị trao đổi vật đã được chế biến và chưa được chế biến bằng vật đã được chế biến và chưa được chế biến thì phạm vào nissaggiya. Nên được xả bỏ ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy:

Vị tỳ khưu ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, tôi đã tiến hành việc trao đổi bằng vàng bạc dưới nhiều hình thức, vật này nên được tôi xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.”

Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực. Nếu có người phụ việc chùa hoặc nam cư sĩ đi đến nơi ấy thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy nhận biết vật này.” Nếu người ấy nói rằng: “Với vật này, hãy để cho vật gì được mang lại?” Không nên nói rằng: “Hãy mang lại vật này hoặc vật này.” Nên đề cập đến vật được phép là bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc mật ong, hoặc đường mía. Nếu người ấy sau khi dùng (vàng bạc) ấy trao đổi và đem lại vật được phép thì tất cả nên thọ dụng trừ ra vị đã thọ lãnh vàng bạc. Nếu điều ấy có thể đạt được như vậy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không thể đạt được thì nên nói với người ấy rằng: “Này đạo hữu, hãy quăng bỏ vật này.” Nếu người ấy quăng bỏ, như thế việc này là tốt đẹp; nếu (người ấy) không quăng bỏ thì nên chỉ định vị quăng bỏ vàng bạc là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: là vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, là vị biết vật đã được quăng bỏ hoặc chưa được quăng bỏ.

Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu nên được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quăng bỏ vàng bạc xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị quăng bỏ vàng bạc. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vị tỳ khưu đã được chỉ định ấy sau khi đã không làm dấu hiệu rồi nên ném đi. Nếu sau khi đã làm dấu hiệu rồi ném đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[111] Vàng bạc, nhận biết là vàng bạc, vị trao đổi vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Vàng bạc, có sự hoài nghi, vị trao đổi vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Vàng bạc, (lầm) tưởng không phải là vàng bạc, vị trao đổi vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là vàng bạc, (lầm) tưởng là vàng bạc, vị trao đổi vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là vàng bạc, có sự hoài nghi, vị trao đổi vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là vàng bạc, nhận biết không phải là vàng bạc, vị trao đổi vàng bạc thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là vàng bạc, (lầm) tưởng là vàng bạc, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là vàng bạc, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là vàng bạc, nhận biết không phải là vàng bạc thì vô tội.

[112] Vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ chín

20. Điều học thứ mười (Mua bán, trao đổi bằng vật dụng)

[113] Câu chuyện về tỳ-khưu Upananda. Sự quy định

 [113] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya là rành rẽ về việc may y. Vị ấy đã làm y hai lớp (saṅghāṭi) được nhuộm khéo léo và được sửa soạn khéo léo từ các loại vải cũ, sau khi làm xong đã khoác vào. Khi ấy, có vị du sĩ ngoại đạo nọ mặc tấm choàng trị giá cao đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Này đại đức, y hai lớp này của ngài đẹp thật. Hãy đổi cho tôi với tấm choàng này.

- Này đạo hữu, hãy biết lấy.

- Này đại đức, được rồi. Tôi biết mà.

- Này đạo hữu, tốt thôi. Rồi đã trao đổi.

Sau đó, vị du sĩ ngoại đạo ấy đã khoác lên y hai lớp ấy rồi đi đến tu viện của các du sĩ ngoại đạo. Các du sĩ ngoại đạo đã nói với vị du sĩ ngoại đạo ấy điều này:

- Này huynh đệ, y hai lớp này của ngươi đẹp thật. Ngươi nhận được từ đâu vậy?

- Này các huynh đệ, đã được trao đổi bằng tấm choàng kia của tôi.

- Này huynh đệ, y hai lớp này của ngươi sẽ được bao nhiêu ngày? Chính tấm choàng kia của ngươi mới giá trị.

Khi ấy, vị du sĩ ngoại đạo ấy (nghĩ rằng): “Các du sĩ ngoại đạo đã nói sự thật. Y hai lớp này của ta sẽ được bao nhiêu ngày? Chính tấm choàng kia của ta mới giá trị” rồi đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Này đại đức, đây là y hai lớp của đại đức. Hãy cho lại tôi tấm choàng.

- Này đạo hữu, không phải ta đã nói với đạo hữu rằng: “Này đạo hữu, hãy biết lấy.” Ta sẽ không cho lại.

Khi ấy, vị du sĩ ngoại đạo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Ngay cả người tại gia còn cho lại vật ấy đến người tại gia có sự luyến tiếc. Sao vị xuất gia lại không cho lại vị xuất gia?

Các tỳ khưu đã nghe được vị du sĩ ngoại đạo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya lại tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại tiến hành việc mua bán với du sĩ ngoại đạo vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào tiến hành việc mua bán dưới nhiều hình thức thì (vật ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[114] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Dưới nhiều hình thức nghĩa là các vật dụng như là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, thuốc men chữa bệnh, thậm chí cục bột tắm, gỗ chà răng, nắm chỉ rời.

Tiến hành việc mua bán: (Nói rằng): “Hãy cho vật này với vật này, hãy mang lại vật này với vật này, hãy trao đổi vật này với vật này, hãy mua vật này với vật này,” vị tiến hành thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Khi nào có vật được mua và vật được bán, (tức là) vật của bản thân được đến tay người kia và vật của người kia được đến tay của bản thân thì phạm vào nissaggiya, nên được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, tôi đã tiến hành việc mua bán dưới nhiều hình thức, vật này nên được tôi xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[115] Việc mua bán, nhận biết là việc mua bán, phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Việc mua bán, có sự hoài nghi, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Việc mua bán, (lầm) tưởng không phải là việc mua bán, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là việc mua bán, (lầm) tưởng là việc mua bán, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là việc mua bán, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là việc mua bán, nhận biết không phải là việc mua bán thì vô tội.

[116] Bài kệ tóm lược phần Tơ Tằm

 [116] Vị hỏi trị giá (của vật), vị chỉ bảo người làm cho đúng phép (kappiyakāraka), vị nói rằng: “Chúng ta có vật này, chúng ta cần vật này và vật này,” vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Hết điều học thứ mười

Phần Tơ Tằm là phần thứ nhì

Tóm lược phần này:

Tơ tằm, thuần, hai phần,

sáu năm, tấm lót ngồi,

hai lông cừu, nhận lấy,

cả hai nhiều hình thức.

[1] Tulā là đơn vị đo trọng lượng. Theo cách tính của ngài Mahāsamaṇa Chao ở trong Vinayamukha thì 1 tulā có trọng lượng của 160.000 hạt gạo (?).

[2] Khoảng chừng 25 cm. Xin xem điều saṅghādisesa (tăng tàng) thứ sáu ở Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 1, [502].

[3] Từ điển của Childers nói rằng 1 yojana là khoảng 12 miles, từ điển của Pali Text Society nói là khoảng 7 miles. The Buddhist Monastic Code của Thanissaro bhikkhu cho biết là 1 yojana = 10 miles = 16 km.

[4] Adhisīla: tăng thượng giới là giới bổn Pātimokkha. Adhicitta: tăng thượng tâm là sự tu tập các loại định hợp thế. Adhipaññā: tăng thượng tuệ là sự tu tập (các tâm) Đạo Siêu Thế (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).

[5] Nếu dựa vào câu chuyện này thì giá trị của 1 pāda hoặc 5 māsaka (= ¼ kahāpaṇa) vào thời bấy giờ không cao lắm. Nên nhớ lại rằng: Vị tỳ khưu lấy vật chưa được cho theo lối trộm cướp trị giá 1 pāda hoặc 5 māsaka thì phạm tội cực nặng pārājika (bất cộng trụ).

Xem Phần 3 Bình Bát - Xem tiếp Chương 8

Quay về Mục Lục Phân Tích Giới Tì Khưu 2



0 Comments