Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tạng Luật (Vinayapiṭaka)
Đại Phẩm (Mahāvagga)
Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên
dịch
Chương 4. Lễ PavāraṆā (PavāraṆākkhandhakaṂ)
3. Tụng phẩm thứ ba
Mục Lục
[244] Các trường hợp tiến hành lễ Pavāraṇā khi có sự bận rộn và nguy hiểm
[245] Đình chỉ lễ Pavāraṇā
[246] Lễ Pavāraṇā đã không bị đình chỉ, đã bị đình chỉ
[247] Giảng giải về sự đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu
[248] Các trường hợp sám hối tội trong ngày lễ Pavāraṇā
[250] Câu chuyện về các vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ...
[251] Sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā (Pavāranāsaṅgaha)
[252] Bài kệ tóm lược
Nội Dung
[244] Các trường hợp tiến hành
lễ Pavāraṇā khi có sự bận rộn và nguy hiểm
[244] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong xứ Kosala vào ngày lễ Pavāraṇā đã có sự sợ hãi vì bọn người hung tợn. Các vị tỳ khưu đã không thể thỉnh cầu ba lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu hai lần đọc.
Đã có sự sợ hãi dữ dội hơn vì bọn người hung tợn. Các vị tỳ khưu
đã không thể thỉnh cầu hai lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu một lần đọc.
Đã có sự sợ hãi dữ dội hơn vì bọn người hung tợn. Các vị tỳ khưu
đã không thể thỉnh cầu một lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu (cùng một lượt) theo sự
đồng năm tu (samānavassikaṃ).
Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā trong khi dân chúng còn đang cúng dường vật
thí thì đêm đã gần tàn. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Trong khi những
người này còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh
cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng
sáng, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức
Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā trong khi dân chúng còn đang cúng dường vật
thí thì đêm đã gần tàn. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Trong khi những
người này còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh
cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng
sáng.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, trong khi dân chúng còn đang
cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc
thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng. Nếu là thời
điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc, (hoặc) một lần
đọc, (hoặc) theo sự đồng năm tu.”
Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, trong khi các vị tỳ khưu đang giảng Pháp,
trong khi các vị chuyên về Kinh đang trùng tụng về Kinh, trong khi các vị
chuyên về Luật đang hỏi về Luật, trong khi các vị Pháp sư đang thảo luận về
Pháp, trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần tàn, nếu các vị tỳ
khưu ở đó khởi ý như vầy: “Trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần
tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu
xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ
khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe
tôi. Trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng
sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay
sẽ hừng sáng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu
hai lần đọc, (hoặc) một lần đọc, (hoặc) theo sự đồng năm tu.”
Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong xứ Kosala vào ngày lễ Pavāraṇā, có hội chúng tỳ khưu đông đảo đã tụ hội lại.
Chỗ trú mưa thì ít oi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy
đã khởi ý điều này: “Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa
thì ít oi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc
thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa, vậy chúng
ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, có hội chúng tỳ khưu đông đảo tụ hội lại.
Chỗ trú mưa thì ít oi và đám mây đen lớn kéo đến. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi
ý như vầy: “Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít oi
và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội
chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa.” Hội chúng cần được
thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội
chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú
mưa thì ít oi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần
đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa. Nếu là
thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc, (hoặc)
một lần đọc, (hoặc) theo sự đồng năm tu.”
Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, có sự nguy hiểm từ đức vua. ...(như
trên)... có sự nguy hiểm vì trộm cướp, có sự nguy hiểm vì hỏa hoạn, có sự nguy
hiểm vì nước ngập, có sự nguy hiểm vì loài người, có sự nguy hiểm vì phi nhân,
có sự nguy hiểm vì thú dữ, có sự nguy hiểm vì rắn, có sự nguy hiểm cho mạng sống,
có sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Đây là
sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng
sẽ không thỉnh cầu xong và điều này sẽ là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh.” Hội
chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các
ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Đây là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu hội
chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và điều này
sẽ là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội
chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc, (hoặc) một lần đọc, (hoặc) theo sự đồng năm
tu.”
[245] Đình chỉ lễ Pavāraṇā
[245] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư là những vị có phạm tội tiến hành lễ Pavāraṇā. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, vị có phạm tội không nên thỉnh cầu; vị nào thỉnh
cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, vị nào có phạm tội mà thỉnh cầu thì
ta cho phép buộc tội vị ấy sau khi đã thỉnh ý trước.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư trong khi được thỉnh ý
trước đã không ưng thuận để cho thỉnh ý (okāsaṃ kātuṃ). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế
Tôn.
- Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ lễ Pavāraṇā đối với vị không để cho thỉnh ý. Và này
các tỳ khưu, nên đình chỉ như vầy: Vào ngày lễ Pavāraṇā là ngày mười bốn hoặc mười lăm, trong khi
nhân vật ấy có hiện diện ở giữa hội chúng, nên trình lên rằng: “Bạch các ngài,
xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nhân vật tên (như vầy) có phạm tội vẫn thỉnh cầu.
Tôi đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā)[5] của vị ấy. Không nên thỉnh cầu (tiến
hành lễ Pavāraṇā)
trong sự hiện diện của vị ấy.” Sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) đã được đình chỉ.
Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Trước hết,
các vị tỳ khưu hiền thiện sẽ đình chỉ lễ Pavāraṇā của chúng ta” nên ra tay trước đình chỉ lễ
Pavāraṇā của các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội
không có cơ sở không có nguyên nhân, (đồng thời) đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ
Pavāraṇā) của các vị đã thỉnh cầu xong (đã hành
xong lễ Pavāraṇā). Các
vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên đình chỉ lễ Pavāraṇā của các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội
khi không có cơ sở không có nguyên nhân; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Và này các tỳ khưu, không nên
đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của các vị đã thỉnh cầu xong (đã hành
xong lễ Pavāraṇā); vị
nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[246] Lễ Pavāraṇā đã không bị đình chỉ, đã bị đình chỉ
[246] Này các tỳ khưu, như vầy là lễ Pavāraṇā bị đình chỉ, như vầy là không bị đình chỉ.
Này các tỳ khưu, thế nào là lễ Pavāraṇā không bị đình chỉ?
Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā ba lần đọc, nếu đình chỉ lễ Pavāraṇā vào lúc đã đọc, đã nói, đã hoàn tất thì lễ
Pavāraṇā không bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, trong
lễ Pavāraṇā hai lần
đọc, nếu ... Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā một lần đọc, nếu ... Này các tỳ khưu,
trong lễ Pavāraṇā (đọc một lượt) theo sự đồng năm tu, nếu đình chỉ lễ Pavāraṇā vào lúc đã đọc, đã nói, đã hoàn tất thì lễ
Pavāraṇā không bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, như thế
là lễ Pavāraṇā không
bị đình chỉ.
Này các tỳ khưu, thế nào là lễ Pavāraṇā bị đình chỉ?
Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā ba lần đọc, nếu đình chỉ lễ Pavāraṇā trong lúc được đọc, được nói, (nhưng) chưa
được hoàn tất thì lễ Pavāraṇā bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā hai lần đọc, nếu ... Này các tỳ khưu,
trong lễ Pavāraṇā một lần đọc, nếu ... Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā (đọc một lượt) theo sự đồng năm tu, nếu
đình chỉ lễ Pavāraṇā trong lúc được đọc, được nói, (nhưng) chưa được hoàn tất thì lễ
Pavāraṇā bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, như thế là lễ
Pavāraṇā bị đình chỉ.
[247] Giảng giải về sự đình chỉ
lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu
[247] Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân không được trong sạch, có sở hành về khẩu không được trong sạch, có sự nuôi mạng không được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.
Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ
Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác
biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được
trong sạch, có sở hành về khẩu không được trong sạch, có sự nuôi mạng không được
trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại
khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung
đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội
chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.
Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ
Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác
biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được
trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng không được
trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại
khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung
đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội
chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.
Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ
Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác
biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được
trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng được trong sạch,
(là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.”
Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự
cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến
hành lễ Pavāraṇā.
Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ
Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác
biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được
trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng được trong sạch,
(là vị) thông thái, có kinh nghiệm, thông minh, có năng lực đối đáp lại khi bị
tra hỏi.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức
đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này, đại đức đình chỉ vị này do điều gì? Đại đức
đình chỉ do sự hư hỏng về giới? Đại đức đình chỉ do sự hư hỏng về hạnh kiểm? Đại
đức đình chỉ do sự hư hỏng về tri kiến?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đình chỉ do sự hư hỏng về giới. Tôi
đình chỉ do sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tôi đình chỉ do sự hư hỏng về tri kiến.” Vị
(đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Đại đức có biết sự hư hỏng về giới không?
Đại đức có biết sự hư hỏng về hạnh kiểm không? Đại đức có biết sự hư hỏng về
tri kiến không?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi biết sự hư hỏng về
giới. Tôi biết sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tôi biết sự hư hỏng về tri kiến.” Vị
(đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, điều gì là sự hư hỏng về giới?
Điều gì là sự hư hỏng về hạnh kiểm? Điều gì là sự hư hỏng về tri kiến?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Bốn pārājika (bất cộng trụ), mười ba saṅghādisesa (tăng tàng), đó là sự hư hỏng về
giới. Tội thullaccaya (trọng tội), pācittiya (ưng đối trị), pāṭidesanīya (ưng phát lộ), dukkaṭa (tác ác), dubbhāsita (ác khẩu), đó là sự
hư hỏng về hạnh kiểm. Tà kiến, tri kiến cực đoan, đó là sự hư hỏng về tri kiến.”
Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ lễ
Pavāraṇā của vị tỳ khưu này, có phải đại đức đình
chỉ do đã được thấy,? Có phải đại đức đình chỉ do đã được nghe? Có phải đại đức
đình chỉ do sự nghi ngờ?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đình chỉ do đã được thấy,. Hoặc là
tôi đình chỉ do đã được nghe. Hoặc là tôi đình chỉ do sự nghi ngờ.” Vị (đình chỉ)
ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được thấy, đại đức
đã thấy gì? Đại đức đã thấy thế nào? Đại đức đã thấy khi nào? Đại đức đã thấy ở
đâu? Có phải đại đức đã thấy vị này đang phạm pārājika? Đã thấy (vị này) đang
phạm saṅghādisesa? Đã thấy (vị này) đang phạm
thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita? Và đại đức đã ở đâu? Và vị tỳ khưu này đã ở đâu?
Và đại đức đã làm gì? Và vị tỳ khưu này đã làm gì?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ lễ
Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được thấy, tuy
nhiên tôi đình chỉ lễ Pavāraṇā do đã được nghe.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại
đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được nghe, đại đức
đã nghe gì? Đại đức đã nghe thế nào? Đại đức đã nghe khi nào? Đại đức đã nghe ở
đâu? (Có phải đại đức) đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm pārājika’? (Có phải đại đức)
đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm saṅghādisesa’? (Có phải đại đức) đã nghe rằng:
‘Vị này đã phạm thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita’? Có phải đại đức đã nghe từ vị
tỳ khưu? Đã nghe từ vị tỳ khưu ni? Đã nghe từ cô ni tu tập sự? Đã nghe từ vị sa
di? Đã nghe từ vị sa di ni? Đã nghe từ nam cư sĩ? Đã nghe từ nữ cư sĩ? Đã nghe
từ các đức vua? Đã nghe từ các quan đại thần của đức vua? Đã nghe từ các ngoại
đạo? Đã nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ lễ
Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được nghe, tuy
nhiên tôi đình chỉ lễ Pavāraṇā do sự nghi ngờ.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại
đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do sự nghi ngờ, đại đức
nghi ngờ gì? Đại đức nghi ngờ như thế nào? Đại đức nghi ngờ khi nào? Đại đức
nghi ngờ ở đâu? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm pārājika’? Có phải
đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm saṅghādisesa’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng:
‘Vị này đã phạm thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita’? Có phải đại đức nghi ngờ sau
khi nghe từ vị tỳ khưu? Nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu ni? Nghi ngờ sau
khi nghe từ cô ni tu tập sự? Nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di? Nghi ngờ sau
khi nghe từ vị sa di ni? Nghi ngờ sau khi nghe từ nam cư sĩ? Nghi ngờ sau khi
nghe từ nữ cư sĩ? Nghi ngờ sau khi nghe từ các đức vua? Nghi ngờ sau khi nghe từ
các quan đại thần của đức vua? Nghi ngờ sau khi nghe từ các ngoại đạo? Nghi ngờ
sau khi nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?”
Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ lễ
Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do sự nghi ngờ, tuy
nhiên tôi cũng không biết do điều gì tôi đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này.” Này các tỳ khưu, nếu
vị tỳ khưu buộc tội không làm thỏa mãn tâm của các vị đồng Phạm hạnh thông minh
bằng lời đối đáp thì vừa đủ cho lời nói rằng: “Vị bị buộc tội là không có tội.”
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội làm thỏa mãn tâm của các vị đồng Phạm
hạnh thông minh bằng lời đối đáp thì vừa đủ cho lời nói rằng: “Vị bị buộc tội
là có tội.”
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội thú nhận là (vị kia) đã
bị bôi nhọ với tội pārājika không có căn cứ, sau khi khép (vị buộc tội) vào tội
saṅghādisesa rồi hội chúng nên tiến hành lễ
Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội
thú nhận là (vị kia) đã bị bôi nhọ với tội saṅghādisesa không có căn cứ, sau khi cho hành
xử (vị buộc tội) theo Pháp[6] rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội
thú nhận là (vị kia) đã bị bôi nhọ với tội thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita không có căn cứ, sau khi cho
hành xử (vị buộc tội) theo Pháp rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội thú nhận rằng: “Đã phạm
tội pārājika,” sau khi trục xuất rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội
thú nhận rằng: “Đã phạm tội saṅghādisesa,” sau khi khép vào tội saṅghādisesa rồi hội chúng nên tiến hành lễ
Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội
thú nhận rằng: “Đã phạm tội thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita,” sau khi cho hành xử (vị ấy)
theo Pháp rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.
[248] Các trường hợp sám hối tội
trong ngày lễ Pavāraṇā
[248] Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu phạm tội thullaccaya (trọng tội). Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội saṅghādisesa (tăng tàng). Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội thullaccaya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”
Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu phạm tội thullaccaya (trọng
tội). Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm
là tội pācittiya (ưng đối trị), ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là
tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ). ...(như trên)... Một
số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội
dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... Một số tỳ khưu
có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita
(ác khẩu). Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội thullaccaya,
này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy)
hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức,
vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là
thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”
Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm pācittiya (ưng đối
trị), đã phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ), đã phạm tội dukkaṭa (tác ác), đã phạm tội dubbhāsita (ác khẩu).
Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội
saṅghādisesa. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu
nào có quan điểm là tội dubbhāsita (ác khẩu), này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn
vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội
chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy
đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng,
hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”
Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tội dubbhāsita (ác
khẩu). Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm
là tội thullaccaya (trọng tội). ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là
tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya (ưng đối trị).
...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu
có quan điểm là tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ). ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan
điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu
nào có quan điểm là tội dubbhāsita, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi
ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và
nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa
chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng
nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”
[249] Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Sự việc này được biết và nhân
sự thì không (biết). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên loại
trừ sự việc rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức,
đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các vị trong sạch. Nếu sự việc này
được biết và nhân vật thì không (biết). Ngay bây giờ, đại đức hãy nói về việc ấy.”
Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nhân vật này được biết và sự
việc thì không (biết). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên
loại trừ nhân vật rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức,
đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các sự hợp nhất. Nếu nhân vật này
được biết và sự việc thì không (biết). Ngay bây giờ, đại đức hãy nói về việc ấy.”
Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Sự việc này và nhân vật được
biết. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên loại trừ sự việc
và nhân vật rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức,
đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các vị trong sạch và của các sự hợp
nhất. Nếu sự việc và nhân vật được biết. Ngay bây giờ, đại đức hãy nói về việc ấy.”
Này các tỳ khưu, nếu sự việc được biết trước ngày lễ Pavāraṇā, còn nhân vật (được biết) sau đó thì thích
hợp cho lời nói. Này các tỳ khưu, nếu nhân vật được biết trước ngày lễ Pavāraṇā, còn sự việc (được biết) sau đó thì thích
hợp cho lời nói. Này các tỳ khưu, nếu sự việc và nhân vật được biết trước ngày
lễ Pavāraṇā và
khi lễ Pavāraṇā đã được
thực hiện, nếu khơi lại việc ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về việc
bươi móc.
[250] Câu chuyện về các vị thường
gây nên các sự xung đột, cãi cọ...
[250] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala. Ở khu vực lân cận của các vị ấy, có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng) đã vào mùa (an cư) mưa (nói rằng):
- Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an cư) mưa, chúng tôi sẽ
đình chỉ sự thỉnh cầu (của các vị ấy) vào ngày lễ Pavāraṇā.
Các vị tỳ khưu ấy đã nghe được rằng: “Nghe nói ở khu vực lân cận
của chúng ta, có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột,
cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng)
đã vào mùa (an cư) mưa (nói rằng): ‘Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an
cư) mưa, chúng tôi sẽ đình chỉ sự thỉnh cầu (của các vị ấy) vào ngày lễ Pavāraṇā,’ vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?”
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng
quan điểm vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ. Ở khu vực lân cận của các vị ấy,
có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh
luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng) vào mùa (an cư)
mưa (nói rằng): “Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an cư) mưa, chúng tôi sẽ
đình chỉ sự thỉnh cầu (của các vị ấy) vào ngày lễ Pavāraṇā.” Này các tỳ khưu, ta cho phép các vị tỳ
khưu ấy thực hiện hai hay ba lễ Uposatha vào ngày mười bốn (nghĩ rằng): “Làm thế
nào chúng ta có thể tiến hành lễ Pavāraṇā sớm hơn các vị tỳ khưu ấy?”
Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên
các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội
chúng đi đến chỗ trú xứ ấy, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu thường trú ấy nên tụ
hội lại thật nhanh chóng và tiến hành lễ Pavāraṇā. Sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā nên nói rằng: “Này các đại đức, chúng tôi
đã thực hiện lễ Pavāraṇā, các đại đức hãy làm theo như điều mà các vị suy nghĩ.”
Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên
các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội
chúng đi đến trú xứ ấy không báo trước, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu thường
trú ấy nên sắp đặt chỗ ngồi, nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà
chân, rồi đi ra đón, nên rước y và bình bát, và nên dâng nước uống. Sau khi xem
chừng các vị ấy rồi nên đi ra khỏi ranh giới và nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā nên nói rằng: “Này các đại đức, chúng tôi
đã thực hiện lễ Pavāraṇā, các đại đức hãy làm theo như điều mà các vị suy nghĩ.”
Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu
không đạt được (như thế), các vị tỳ khưu thường trú ấy cần được thông báo bởi vị
tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Xin các đại đức thường trú hãy lắng nghe
tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, giờ đây chúng ta nên tiến hành
lễ Uposatha, chúng ta nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha, chúng ta nên tiến hành
lễ Pavāraṇā vào kỳ
tới.” Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự
xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội
chúng nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy: “Này các đại đức, tốt thôi! Ngay chính
hôm nay các vị hãy tiến hành lễ Pavāraṇā với chúng tôi.” Các vị tỳ khưu ấy nên nói
như vầy: “Này các đại đức, các vị không phải là những người ra lệnh, chưa đến
ngày lễ Pavāraṇā của
chúng tôi chúng tôi sẽ không thỉnh cầu.”
Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên
các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội
chúng cư ngụ cho đến thời gian ấy, các vị tỳ khưu thường trú ấy cần được thông
báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Xin các đại đức thường trú hãy
lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, giờ đây chúng ta nên
tiến hành lễ Uposatha, chúng ta nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha, chúng ta nên
tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tới.” Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu
là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm
nhí, và tranh tụng trong hội chúng nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy: “Này các
đại đức, tốt thôi! Ngay chính hôm nay các vị hãy tiến hành lễ Pavāraṇā với chúng tôi.” Các vị tỳ khưu ấy nên nói
như vầy: “Này các đại đức, các vị không phải là những người ra lệnh, chưa đến
ngày lễ Pavāraṇā của
chúng tôi chúng tôi sẽ không thỉnh cầu.”
Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên
các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội
chúng cư ngụ cho đến ngày trăng tròn ấy, này các tỳ khưu, tất cả các vị tỳ khưu
nên tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội
Cātumāsinī cho dầu không muốn.
Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ
Pavāraṇā, vị bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị
không bệnh. Vị ấy nên được nói như vầy: “Đại đức đang bị bệnh. Và đức Thế Tôn
đã nói rằng vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại đức, hãy chờ đến
khi đại đức hết bệnh. Khi hết bệnh thì đại đức sẽ buộc tội nếu mong muốn.” Và
khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) trong
việc không tôn trọng.[7]
Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ
Pavāraṇā, vị không bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của
vị bị bệnh. Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, vị tỳ khưu này bị bệnh.
Và đức Thế Tôn đã nói rằng vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại
đức, hãy chờ cho đến khi vị tỳ khưu này hết bệnh. Rồi đại đức sẽ buộc tội vị
không bệnh nếu mong muốn.” Và khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tội
pācittiya (ưng đối trị) trong việc không tôn trọng.
Này các tỳ khưu, nếu trong
khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, vị bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị bị
bệnh. Vị ấy nên được nói như vầy: “Các đại đức đang bị bệnh. Và đức Thế Tôn đã
nói rằng vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại đức, hãy chờ đến
khi (các đại đức) hết bệnh. Rồi vị không bệnh sẽ buộc tội vị không bệnh nếu
mong muốn.” Và khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tội pācittiya (ưng
đối trị) trong việc không tôn trọng.
Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ
Pavāraṇā, vị không bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị
không bệnh. Cả hai nên được hội chúng thẩm vấn, tra hỏi cặn kẽ, cho hành xử
theo Pháp, rồi hội chúng nên thỉnh cầu.
[251] Sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā (Pavāranāsaṅgaha)
[251] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala. Trong khi các vị ấy sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā và trường hợp sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu có thể ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này; vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, trường hợp có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng
quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ. Trong khi các vị ấy sống có sự
hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã
được đạt đến. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Trong khi chúng ta sống
có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào
đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā và trường hợp sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu có thể ra đi du hành, như
thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này.” Này các tỳ khưu, ta
cho phép các vị tỳ khưu ấy thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā (Pavāraṇāsaṅgahaṃ). Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy:
Toàn bộ tất cả (các vị ấy) nên tụ hội lại một chỗ. Sau khi đã tụ
hội lại, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng
ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc
nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā và trường hợp sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu có thể ra đi du hành, như
thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này. Nếu là thời điểm thích
hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ chúng ta nên tiến hành lễ
Uposatha, nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và nên tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến
tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng
ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc
nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā và trường hợp sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu có thể ra đi du hành, như
thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này. Hội chúng thực hiện sự
đồng thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới bổn
Pātimokkha, và sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến
tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Đại đức nào đồng ý việc thực hiện thực hiện sự đồng
thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ (hội chúng) sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới
bổn Pātimokkha, và sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến
tức là ngày lễ hội Cātumāsinī xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā đã được hội chúng thực hiện, bây giờ (hội
chúng) sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và sẽ tiến
hành lễ Pavāraṇā vào
ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Sự việc được
hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Này các tỳ khưu, khi sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā đã được hội chúng thực hiện, có vị tỳ khưu
nọ nói như vầy: “Này các đại đức, tôi muốn ra đi du hành ở trong xứ sở. Tôi có
công việc cần làm ở trong xứ sở.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, tốt
lắm! Hãy thực hiện sự thỉnh cầu rồi hãy đi.” Này các tỳ khưu, nếu trong khi
đang thỉnh cầu vị tỳ khưu ấy đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu khác. Vị ấy nên được nói
như vầy: “Này đại đức, đại đức không phải là người ra lệnh, chưa đến ngày lễ
Pavāraṇā của tôi, tôi sẽ không thỉnh cầu.” Này các
tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy trong khi đang thỉnh cầu, có vị tỳ khưu khác đình chỉ
lễ Pavāraṇā của vị
tỳ khưu ấy. Cả hai nên được hội chúng thẩm vấn, tra hỏi cặn kẽ, rồi cho hành xử
theo Pháp.
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy sau khi hoàn tất công việc cần
làm ở trong xứ sở trở về lại trú xứ ấy trước ngày trăng tròn tháng Kattika sắp
đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ
khưu ấy đang thỉnh cầu, có vị tỳ khưu nọ đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu ấy. Vị nọ nên được nói như
vầy: “Này đại đức, đại đức không phải là người ra lệnh cho tôi. Tôi đã thỉnh cầu
trong ngày lễ Pavāraṇā rồi.” Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang thỉnh
cầu, vị tỳ khưu ấy đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu khác. Cả hai nên được hội
chúng thẩm vấn, tra hỏi cặn kẽ, cho hành xử theo Pháp, rồi hội chúng nên thỉnh
cầu.
Hết chương 4 Lễ Pavāraṇā
Trong chương này có 46 sự việc.
[252] Bài kệ tóm lược
Đã sống qua mùa mưa
trong xứ Kosala
đi diện kiến Đạo Sư
sống chung như loài thú
không chút nào thoải mái,
thích hợp đối với nhau.
Trong khi đang cầu thỉnh
(ngồi yên) trên chỗ ngồi,
và có hai (ngày lễ),
hành sự, người bị bệnh,
thân quyến, rồi đức vua,
bọn cướp, lũ bất lương,
các kẻ nghịch tỳ khưu,
cũng giống y như thế.
Năm, bốn, ba, hai, một,
phạm tội, có nghi ngờ,
và vị đã nhớ lại.
Cả hội chúng nghi ngờ,
nhiều hơn, bằng, hoặc kém,
thường trú, ngày mười bốn,
dấu hiệu, đồng cộng trú,
cả hai, nên đi đến,
hạng người ngồi không thỉnh,
khi bày tỏ tùy thuận
lễ Pavāraṇā.
Bởi bọn người hung tợn,
đêm hết, đám mây đen,
và các điều chướng ngại
trong những sự thỉnh cầu.
Không làm, trước chúng ta,
đã không bị đình chỉ,
và của vị tỳ khưu.
Điều gì? Và thế nào?
bởi thấy, nghe, nghi ngờ,
vị (nguyên cáo) kết tội,
và vị bị kết tội,
câu chuyện về trọng tội,
và vấn đề xung đột,
ngày thỉnh cầu đồng thuận
không phải người ra lệnh,
vị có thể thỉnh cầu.
[1] Pavāraṇā: nghĩa là “sự thỉnh cầu” đồng thời là tên của buổi lễ dành cho
các tỳ khưu đã hoàn tất mùa (an cư) mưa thời điểm trước (Lễ này đã được dịch là
Tự Tứ, chúng tôi mạn phép giữ nguyên từ Pāli). Pavāreti là động từ. Với động từ
này, chúng tôi sẽ dịch theo hai lối là “thỉnh cầu” hoặc “tiến hành lễ Pavāraṇā” tùy theo ngữ cảnh.
[2] Ở CD của trường đại học
Mahidol không có câu này. Được thêm vào từ CD Chaṭṭhasaṅgāyana.
[3] Ba trường hợp này liên
quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 69.
[4] Nghĩa là tập thể này không
phải là các vị đang chịu hành phạt parivāsa. Chúng tôi chọn nghĩa như trên dựa
vào lời giải thích của nhóm từ “vuṭṭhitāya parisāya = với tập thể
đã bị cách ly” là “với việc ban cho sự thỏa thuận từ các vị (tỳ khưu) đang chịu
hành phạt parivāsa” được tìm thấy ở bộ Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni
(Bhikkhunīvibhaṅga [436]). Từ
“avut,t,hitāya" còn có nghĩa là “chưa đứng lên, chưa được thoát tội.” Việc
này tương tợ như ở chương Lễ Uposatha [202].
[5] Với từ “Pavāraṇā,” chúng tôi dịch là “Sự thỉnh cầu” hoặc “Lễ Pavāraṇā.” Trường hợp nào quý vị thấy ý nghĩa không được rõ ràng thì
dùng từ còn lại thay thế vào. Áp dụng tương tợ với động từ “Pavāreti” như đã giải
thích ở trên.
[6] Liên quan đến tội
pācittiya (ưng đối trị) 76.
[7] Liên quan đến tội
pācittiya (ưng đối trị) 54.
Hết Chương 4 - Quay Về Mục Lục Chương 4
Xem Chương 5 - Quay Về Mục Lục Đại Phẩm
Quay về Mục Lục Tạng Luật
0 Comments