Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tạng Luật (Vinayapiṭaka)
Tiểu Phẩm (Cullavagga)
Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên
dịch
Tiểu Phẩm (Cullavagga)
Tập 2
09. Chương Đình Chỉ Giới Bổn Pātimokkha (Pātimokkhaṭṭhapanakkhandhakaṃ)
[499] Các câu hỏi của Upāli: Áp dụng sự hành xử
[500] Nên quán xét bản thân bao nhiêu pháp trước khi khiển trách
vị khác?
[506] Sự ân hận của vị khiển trách không đúng Pháp
[507] Sự không ân hận của vị bị khiển trách không đúng Pháp
[508] Sự không ân hận của vị khiển trách đúng Pháp
[509] Sự ân hận của vị bị khiển trách đúng Pháp
[510] Nên tác ý nội tâm bao nhiêu pháp trước khi khiển trách vị
khác?
[511] Vị tỳ khưu bị khiển trách nên an trú bao nhiêu pháp?
[512] Bài kệ tóm lược
[499] Khi ấy, đại đức Upāli đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Upāli đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng sự hành xử (attādānaṃ
ādātukāmena bhikkhunā) nên áp dụng sự hành xử khi được hội đủ bao nhiêu điều kiện?
- Này Upāli, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng sự hành xử nên áp dụng
sự hành xử khi hội đủ năm điều kiện:
Này Upāli, vị tỳ khưu có ý muốn áp dụng sự hành xử nên quán xét
như sau: “Việc ta có ý muốn áp dụng sự hành xử này là đúng thời điểm để áp dụng
sự hành xử này hay không đúng (thời điểm)?” Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc
quán xét biết rõ như vầy: “Sái thời điểm để áp dụng sự hành xử này, không phải
đúng thời điểm.” Này Upāli, không nên áp dụng sự hành xử ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét biết rõ như vầy:
“Đúng thời điểm để áp dụng sự hành xử này, không phải sái thời điểm;” này
Upāli, vị tỳ khưu ấy nên quán xét thêm rằng: “Việc ta có ý muốn áp dụng sự hành
xử này, nhưng sự hành xử này là hợp lý hay không (hợp lý)?” Này Upāli, nếu vị tỳ
khưu trong lúc quán xét biết rõ như vầy: “Sự hành xử này là vô lý, không hợp
lý;” này Upāli, không nên áp dụng sự hành xử ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét biết rõ như vầy: “Sự
hành xử này là hợp lý, không phải không hợp lý;” này Upāli, vị tỳ khưu ấy nên
quán xét thêm rằng: “Việc ta có ý muốn áp dụng sự hành xử này, nhưng sự hành xử
này có đem lại sự lợi ích hay không (đem lại sự lợi ích)?” Này Upāli, nếu vị tỳ
khưu trong lúc quán xét biết rõ như vầy: “Sự hành xử này đem lại sự vô ích,
không đem lại sự lợi ích;” này Upāli, không nên áp dụng sự hành xử ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét biết rõ như vầy: “Sự
hành xử này đem lại sự lợi ích, không phải đem lại sự vô ích;” này Upāli, vị tỳ
khưu ấy nên quán xét thêm rằng: “Trong khi áp dụng sự hành xử này, ta sẽ đạt được
các tỳ khưu cùng tri kiến cùng quan điểm ở trong nhóm theo đúng Pháp theo đúng
Luật hay sẽ không (đạt được)?” Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét biết
rõ như vầy: “Trong khi áp dụng sự hành xử này, ta sẽ không đạt được các tỳ khưu
cùng tri kiến cùng quan điểm ở trong nhóm theo đúng Pháp theo đúng Luật;” này
Upāli, không nên áp dụng sự hành xử ấy.
Này Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét biết rõ như vầy:
“Trong khi áp dụng sự hành xử này, ta sẽ đạt được các tỳ khưu cùng tri kiến
cùng quan điểm ở trong nhóm theo đúng Pháp, theo đúng Luật;” này Upāli, vị tỳ
khưu ấy nên quán xét thêm rằng: “Khi sự hành xử này của ta được thừa nhận, do
nguyên nhân ấy sẽ xảy ra sự tranh cãi, cãi cọ, xung đột, tranh luận cho hội
chúng, (sẽ xảy ra) sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân
loại trong hội chúng, sự đa dạng trong hội chúng hay sẽ không xảy ra?” Này
Upāli, nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét biết rõ như vầy: “Khi sự hành xử này của
ta được thừa nhận, do nguyên nhân ấy sẽ xảy ra sự tranh cãi, cãi cọ, xung đột,
tranh luận cho hội chúng, (sẽ xảy ra) sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội
chúng, sự phân loại trong hội chúng, sự đa dạng trong hội chúng;” này Upāli,
không nên áp dụng sự hành xử ấy.
Này Upāli nếu vị tỳ khưu trong lúc quán xét biết rõ như vầy: “Khi
sự hành xử này của ta được thừa nhận, do nguyên nhân ấy sẽ không xảy ra sự
tranh cãi, cãi cọ, xung đột, tranh luận cho hội chúng, (sẽ không xảy ra) sự
chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự phân loại trong hội chúng, sự
đa dạng trong hội chúng;” này Upāli, nên áp dụng sự hành xử ấy.
Này Upāli, sự hành xử hội đủ năm điều kiện như thế được áp dụng sẽ
không đem lại sự ân hận sau này.
[500] - Bạch ngài, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị
khác nên quán xét bản thân (ajjhattaṃ) bao nhiêu pháp rồi mới nên khiển trách vị
khác?
- Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị khác
nên quán xét bản thân năm pháp rồi mới nên khiển trách vị khác.
Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị khác
nên quán xét như vầy: “Ta có sở hành về thân trong sạch không? Ta có hội đủ sở
hành về thân trong sạch, không sai sót, không lỗi lầm không? Pháp ấy được tìm
thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?” Này Upāli, nếu vị tỳ khưu không có sở
hành về thân trong sạch, không hội đủ sở hành về thân trong sạch, không sai
sót, không lỗi lầm, có những người nói với vị ấy rằng: “Này, đến lúc đại đức
nên rèn luyện điều liên quan đến thân;” như thế là những người nói về vị ấy.
[501] Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý
muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: “Ta có sở hành về khẩu trong sạch
không? Ta có hội đủ sở hành về khẩu trong sạch, không sai sót, không lỗi lầm
không? Pháp ấy được tìm thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?” Này Upāli, nếu vị
tỳ khưu không có sở hành về khẩu trong sạch, không hội đủ sở hành về khẩu trong
sạch, không sai sót, không lỗi lầm, có những người nói với vị ấy rằng: “Này, đến
lúc đại đức nên rèn luyện điều liên quan đến khẩu;” như thế là những người nói
về vị ấy.
[502] Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý
muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: “Tâm từ của ta tức là tâm không
ác cảm đối với các vị đồng Phạm hạnh có hiện khởi không?Pháp ấy được tìm thấy ở
ta hay không (được tìm thấy)?” Này Upāli, nếu tâm từ của vị tỳ khưu là tâm
không ác cảm đối với các vị đồng Phạm hạnh không có hiện khởi, có những người
nói với vị ấy rằng: “Này, đến lúc đại đức nên thể hiện tâm từ đến các vị đồng
Phạm hạnh;” như thế là những người nói về vị ấy.
[503] Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý
muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: “Ta có phải là vị nghe nhiều, là
vị ghi nhớ được điều đã nghe, có sự tích lũy điều đã nghe không? Những Pháp nào
có sự tốt đẹp ở phần đầu, tốt đẹp ở phần giữa, tốt đẹp ở phần cuối, tuyên thuyết
về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, có sự thành tựu về ý
nghĩa, thành tựu về văn tự, các Pháp có hình thức tương tợ như thế có được ta
nghe nhiều, có được ghi nhớ, có được tích lũy bằng cách đọc lại, có được dụng
tâm quán xét, có được thâm nhập bằng tri kiến không?Pháp ấy được tìm thấy ở ta
hay không (được tìm thấy)?” Này Upāli, nếu vị tỳ khưu không phải là vị nghe nhiều,
không phải là vị ghi nhớ được điều đã nghe, không có tích lũy điều đã nghe. Những
Pháp nào có sự tốt đẹp ở phần đầu, tốt đẹp ở phần giữa, tốt đẹp ở phần cuối,
tuyên thuyết về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, có sự thành tựu
về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, các Pháp có hình thức tương tợ như thế không
được vị ấy nghe nhiều, không được ghi nhớ, không được tích lũy bằng cách đọc lại,
không được dụng tâm quán xét, không được thâm nhập bằng tri kiến, có những người
nói với vị ấy rằng: “Này, đến lúc đại đức nên học tập kinh điển;” như thế là những
người nói về vị ấy.
[504] Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý
muốn khiển trách vị khác nên quán xét như vầy: “Hai bộ giới bổn Pātimokkha có
được truyền lại đến ta một cách chi tiết, khéo được phân tích, khéo được áp dụng,
khéo được xác định theo từng điều học hoặc từng từ ngữ không?Pháp ấy được tìm
thấy ở ta hay không (được tìm thấy)?” Này Upāli, nếu hai bộ giới bổn Pātimokkha
không được truyền lại đến vị tỳ khưu một cách chi tiết, không khéo được phân
tích, không khéo được áp dụng, không khéo được xác định theo từng điều học hoặc
từng từ ngữ, khi được hỏi như vầy: “Này đại đức, điều này đã được đức Thế Tôn
nói ở đâu?” mà không đáp được, có những người nói với vị ấy rằng: “Này, đến lúc
đại đức nên học tập về Luật;” như thế là những người nói về vị ấy.
Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị khác
nên quán xét bản thân năm pháp này rồi mới nên khiển trách vị khác.
[505] - Bạch ngài, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị
khác nên chuẩn bị bản thân (ajjhattaṃ upaṭṭhāpetvā) bao nhiêu pháp rồi mới nên
khiển trách vị khác?
- Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị khác
nên chuẩn bị bản thân năm pháp rồi mới nên khiển trách vị khác: “Ta sẽ nói hợp
thời, không phải sái thời; ta sẽ nói với sự thật, không phải với sự sai trái;
ta sẽ nói với sự mềm mỏng, không phải bằng cách thô lỗ; ta sẽ nói có liên hệ đến
lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích; ta sẽ nói với tâm từ, không phải
với nội tâm có sân hận.”
Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị khác
nên chuẩn bị bản thân năm pháp này rồi mới nên khiển trách vị khác.
[506] - Bạch ngài, sự ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển
trách không đúng Pháp với bao nhiêu hình thức?
- Này Upāli, sự ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển trách
không đúng Pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): “Đại đức khiển
trách sái thời, không hợp thời, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức
khiển trách với sự sai trái, không phải với sự thật, thế là đủ để đưa đến sự ân
hận cho ngài. Đại đức khiển trách bằng cách thô lỗ, không phải với sự mềm mỏng,
thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách không liên hệ đến
lợi ích, không phải có liên hệ đến lợi ích, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho
ngài. Đại đức khiển trách với nội tâm có sân hận, không phải với tâm từ, thế là
đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài.”
Này Upāli, sự ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển trách
không đúng Pháp với năm hình thức này. Lý do của điều ấy là gì? Là vì không có
vị tỳ khưu nào khác có thể nghĩ đến là nên khiển trách với việc sai trái như thế.
[507] - Bạch ngài, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ
khưu bị khiển trách không đúng Pháp với bao nhiêu hình thức?
- Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị
khiển trách không đúng Pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): “Đại đức
bị khiển trách sái thời, không hợp thời, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận
cho ngài. Đại đức bị khiển trách với sự sai trái, không phải với sự thật, thế
là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách bằng cách thô
lỗ, không phải với sự mềm mỏng, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài.
Đại đức bị khiển trách không liên hệ đến lợi ích, không phải có liên hệ đến lợi
ích, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách bởi
nội tâm có sân hận, không phải bởi tâm từ, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận
cho ngài.”
Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị
khiển trách không đúng Pháp với năm hình thức này.
[508] - Bạch ngài, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ
khưu khiển trách đúng Pháp với bao nhiêu hình thức?
- Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu
khiển trách đúng Pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): “Đại đức khiển
trách hợp thời, không sái thời, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài.
Đại đức khiển trách với sự thật, không phải với sự sai trái, thế là đủ để không
đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách với sự mềm mỏng, không phải bằng
cách thô lỗ, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách
có liên hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích, thế là đủ để
không đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức khiển trách với tâm từ, không phải với
nội tâm có sân hận, thế là đủ để không đưa đến sự ân hận cho ngài.”
Này Upāli, sự không có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu khiển
trách đúng Pháp với năm hình thức này. Lý do của điều ấy là gì? Là vì cũng có vị
tỳ khưu khác sẽ nghĩ đến nên khiển trách với sự thật như thế.
[509] - Bạch ngài, sự có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị
khiển trách đúng Pháp với bao nhiêu hình thức?
- Này Upāli, sự có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị khiển
trách đúng Pháp với năm hình thức. (Ai đó có thể nói rằng): “Đại đức bị khiển
trách hợp thời, không sái thời, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức
bị khiển trách với sự thật, không phải với sự sai trái, thế là đủ để đưa đến sự
ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách với sự mềm mỏng, không phải bằng cách
thô lỗ, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách có liên
hệ đến lợi ích, không phải không liên hệ đến lợi ích, thế là đủ để đưa đến sự
ân hận cho ngài. Đại đức bị khiển trách bởi từ tâm, không phải bởi nội tâm có
sân hận, thế là đủ để đưa đến sự ân hận cho ngài.”
Này Upāli, sự có ân hận sẽ được xảy đến cho vị tỳ khưu bị khiển
trách đúng Pháp với năm hình thức này.
[510] - Bạch ngài, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị
khác nên tác ý nội tâm bao nhiêu pháp rồi mới nên khiển trách vị khác?
- Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị khác
nên tác ý nội tâm năm pháp rồi mới nên khiển trách vị khác: lòng bi mẫn, sự tầm
cầu lợi ích, lòng thương xót, sự thoát khỏi tội, sự tôn trọng Luật.
Này Upāli, vị tỳ khưu nguyên cáo có ý muốn khiển trách vị khác
nên tác ý nội tâm năm pháp này rồi mới nên khiển trách vị khác.
[511] - Bạch ngài, vị tỳ khưu bị khiển trách nên an trú trong bao
nhiêu pháp?
- Này Upāli, vị tỳ khưu bị khiển trách nên an trú trong hai pháp:
chân thật và không nổi giận.
Dứt tụng phẩm thứ nhì
Dứt Chương Đình Chỉ Giới Bổn
Pātimokkha là chương thứ chín
Trong chương này có ba mươi sự việc,
hai tụng phẩm.
Tóm lược chương này:
[512]
Trong ngày lễ Bố Tát,
cho đến lần thứ ba
ác tỳ khưu không ra
cũng đã bị kéo ra
bởi Moggallāna.
Diệu kỳ trong Pháp Phật:
điều học theo thứ lớp
ổn định, không vượt qua,
hội chúng chê xác thối,
các sông bỏ (tên gọi)
và trôi chảy, Niết Bàn
chỉ một vị giải thoát,
Pháp và Luật có nhiều
thú lớn, tám Thánh Nhân,
Ngài đã dùng ví dụ
biển cả để phô bày
tính chất của Giáo Pháp.
Giới bổn ngày Bố Tát,
“Không ai biết chúng ta!”
vì sửa chữa, chúng hủy
một, hai, ba, bốn, năm,
sáu, bảy, tám, chín, mười:
Giới, hạnh kiểm, tri kiến,
nuôi mạng là bốn phần,
bất cộng trụ, tăng tàng
ưng đối trị, phát lộ,
tác ác thuộc năm phần.
Hư hỏng giới, hạnh kiểm,
chưa làm và đã làm,
theo cách này sáu phần.
Bất cộng trụ, tăng tàng,
trọng tội, ưng đối trị,
ưng phát lộ, tác ác,
và lời nói sái quấy.
Hư hỏng giới, hạnh kiểm,
tri kiến, nuôi mạng sai.
tám điều làm, chưa làm.
Giới, hạnh kiểm, tri kiến,
chưa làm, và đã làm,
đã làm và chưa làm,
như vậy là chín cách
đã được đề cập đến,
theo phương pháp như thật.
Kẻ bị bất cộng trụ,
các chuyện còn chưa quyết,
vị hoàn tục giống y,
vị phục tùng, bác bỏ,
thảo luận sự bác bỏ.
Sự hư hỏng về giới
và hạnh kiểm, cũng vậy
sự hư hỏng tri kiến.
được thấy, nghe, nghi ngờ,
hãy biết rõ điều ấy,
cả thảy có mười cách.
Tỳ khưu thấy tỳ khưu,
vị khác nói điều ấy,
trong sạch, vị ấy khai
và đình chỉ giới bổn
Pātimokkha lại.
Giải tán vì nguy hiểm:
vua, cướp, lửa, và nước,
người, phi nhân, thú, rắn,
mạng sống và Phạm hạnh,
chỉ một điều của mười,
hoặc trong các điều khác.
Đúng Pháp và phi Pháp,
biết đường lối như vầy:
về thời gian, sự thật,
có liên hệ lợi ích,
ta sẽ đạt hoặc có,
thuộc thân, khẩu, từ tâm,
học nhiều, hai bộ phái,
đúng thời, theo sự thật,
lời mềm mỏng, lợi ích,
tâm từ, vị khiển trách
ân hận bởi phi Pháp
như thế sẽ xóa đi.
Với vị khi khiển trách
và vị bị khiển trách,
theo Pháp không ân hận,
vì bi mẫn, lợi ích,
thương xót, sự thoát tội,
vì tôn vinh (Giới Luật).
Hành động vị khiển trách
đấng Toàn Giác đã giảng,
còn vị bị khiển trách
chân thật, không sân hận.
[1] Tức là nữ cư sĩ Visākhā.
Hết Chương 9 - Xem tiếp Chương 10
Quay về Mục Lục Tiểu Phẩm
Quay về Mục Lục Tạng Luật
0 Comments