Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Ðại Tạng Kinh Việt Nam
Tạng Luật (Vinayapiṭaka)
Tiểu Phẩm (Cullavagga)
Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch
Tiểu Phẩm (Cullavagga)
Tập 1
04. Chương Dàn Xếp (Samathakkhandhakaṃ)
9. Chỉ định cách dàn xếp sự tranh tụng
[672] Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được lắng dịu bởi hai
cách dàn xếp
[675] Chỉ định vị tỳ khưu hội đủ mười điều kiện làm đại biểu
[681] Ba cách phân phát thẻ
[682] Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được lắng dịu bởi bốn
cách dàn xếp
[683] Hành xử Luật bằng sự ghi nhớ
[685] Hành xử Luật khi không điên cuồng
[687] Hành xử theo tội của vị ấy
[689] Sự tranh tụng liên quan đến tội được lắng dịu bởi ba cách
dàn xếp
[691] Hành xử bằng cách dùng cỏ che lấp
[694] Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được lắng dịu bởi một
cách dàn xếp
[672] Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được lắng dịu bởi bao nhiêu cách dàn xếp?
- Sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi được lắng dịu bởi hai
cách dàn xếp: bằng cách hành xử Luật với sự hiện diện và bằng cách thuận theo số
đông.
Nếu sự tranh tụng liên quan đến tranh cãi không áp dụng được một
cách dàn xếp là thuận theo số đông, thì có thể được lắng dịu bằng một cách dàn
xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện hay không?
- Nên trả lời rằng: “Có thể.”
Như vậy là thế nào?
- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu tranh cãi: “Đây là
Pháp,” hoặc “Đây không phải là Pháp,” hoặc “Đây là Luật,” hoặc “Đây không phải
là Luật,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,” hoặc
“Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ thuyết giảng và nói đến,” hoặc “Điều ấy
đã được đấng Thiện Thệ thực hành,” hoặc “Điều ấy đã không được đấng Thiện Thệ
thực hành,” hoặc “Điều ấy đã được đấng Thiện Thệ quy định,” hoặc “Điều ấy đã
không được đấng Thiện Thệ quy định,” hoặc “Điều ấy là phạm tội,” hoặc “Điều ấy
là không phạm tội,” hoặc “Điều ấy là tội nhẹ,” hoặc “Điều ấy là tội nặng,” hoặc
“Tội còn dư sót,” hoặc “Tội không còn dư sót,” hoặc “Tội xấu xa,” hoặc “Tội
không xấu xa.” Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy có thể giải quyết sự tranh tụng
ấy, này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.
Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện
của Luật, sự hiện diện của nhân sự.
Và ở đây, sự hiện diện của hội chúng là gì?
- Các tỳ khưu theo số lượng cần thiết cho hành sự đã đi đến, sự
tùy thuận của các vị xứng đáng gởi sự tùy thuận đã được đem lại, trong khi hiện
diện các vị không phản đối; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của hội chúng.
Và ở đây, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật là gì?
- Với Pháp nào, với Luật nào, với lời giảng dạy nào của bậc Đạo
Sư, sự tranh tụng ấy được giải quyết; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của Pháp,
là sự hiện diện của Luật.
Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì?
- Vị tranh cãi, vị tranh cãi với vị ấy, cả hai phe đối địch của sự
kiện đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[673] Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy không thể giải quyết sự
tranh tụng ấy tại trú xứ ấy, này các tỳ khưu, các tỳ khưu ấy nên đi đến trú xứ
có nhiều tỳ khưu hơn. Này các tỳ khưu, trong lúc đang đi trên đường đến trú xứ
kia, nếu các tỳ khưu ấy có thể giải quyết sự tranh tụng ấy; này các tỳ khưu, điều
ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.
Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện
của Luật, sự hiện diện của nhân sự.
Và ở đây, sự hiện diện của hội chúng là gì?
- Các tỳ khưu theo số lượng cần thiết cho hành sự đã đi đến, sự
tùy thuận của các vị xứng đáng gởi sự tùy thuận đã được đem lại, trong khi hiện
diện các vị không phản đối; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của hội chúng.
Và ở đây, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật là gì?
- Với Pháp nào, với Luật nào, với lời giảng dạy nào của bậc Đạo
Sư sự tranh tụng ấy được giải quyết; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của Pháp,
là sự hiện diện của Luật.
Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì?
- Vị tranh cãi, vị tranh cãi với vị ấy, cả hai phe đối địch của sự
kiện đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[674] Này các tỳ khưu, trong lúc đang đi trên đường đến trú xứ
kia, nếu các tỳ khưu ấy không thể giải quyết sự tranh tụng ấy; này các tỳ khưu,
sau khi đi đến trú xứ kia, các tỳ khưu ấy nên nói các tỳ khưu thường trú như vầy:
“Này các đại đức, sự tranh tụng này đã sanh khởi như vầy, đã diễn tiến như vầy,
lành thay xin các đại đức hãy giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp theo Luật
theo lời dạy của bậc Đạo sư; như thế sự tranh tụng này có thể được giải quyết tốt
đẹp.” Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu thường trú thâm niên hơn và các tỳ khưu
đi đến là kém thâm niên, này các tỳ khưu, các tỳ khưu thường trú nên nói với
các tỳ khưu đi đến như vầy: “Này các đại đức, các vị hãy sang một bên trong chốc
lát để chúng tôi còn hội ý.” Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu thường trú kém
thâm niên và các tỳ khưu đi đến là thâm niên hơn, này các tỳ khưu, các tỳ khưu
thường trú nên nói với các tỳ khưu đi đến như vầy: “Này các đại đức, như vậy
thì xin các vị hãy chờ tại đây trong chốc lát để chúng tôi còn hội ý.”
Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu thường trú trong lúc hội ý khởi
lên như vầy: “Chúng ta không thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp theo Luật
theo lời dạy của bậc Đạo sư được,” các tỳ khưu thường trú không nên nhận lãnh sự
tranh tụng ấy.
Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu thường trú trong lúc hội ý khởi
lên như vầy: “Chúng ta có thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp theo Luật
theo lời dạy của bậc Đạo sư;” này các tỳ khưu, các tỳ khưu thường trú ấy nên
nói với các tỳ khưu đi đến như vầy: “Này các đại đức, nếu các vị trình bày cho
chúng tôi sự tranh tụng này đã sanh khởi như thế nào đã diễn tiến như thế nào,
chúng tôi sẽ giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của
bậc Đạo sư theo cách sẽ được giải quyết tốt đẹp; như vậy chúng tôi sẽ nhận lãnh
sự tranh tụng này. Này các đại đức, nếu các vị không trình bày cho chúng tôi sự
tranh tụng này đã sanh khởi như thế nào đã diễn tiến như thế nào, chúng tôi sẽ
giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư
theo cách sẽ không được giải quyết tốt đẹp; như vậy chúng tôi sẽ không nhận lãnh
sự tranh tụng này.” Này các tỳ khưu, sau khi xem xét kỷ lưỡng như vậy, các tỳ
khưu thường trú nên nhận lãnh sự tranh tụng ấy.
Này các tỳ khưu, các tỳ khưu đi đến ấy nên nói với các tỳ khưu
thường trú như vầy: “Chúng tôi sẽ trình bày cho các đại đức sự tranh tụng này
đã sanh khởi như thế nào đã diễn tiến như thế nào. Nếu các đại đức có thể giải
quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư trong
giới hạn chừng ấy hoặc chừng ấy (ettakena vā ettakena vā antarena), như thế (sự
tranh tụng) sẽ được giải quyết tốt đẹp; như vậy, chúng tôi sẽ giao phó sự tranh
tụng này cho các đại đức. Nếu các đại đức không thể giải quyết sự tranh tụng
này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư trong giới hạn chừng ấy
hoặc chừng ấy, như thế (sự tranh tụng) sẽ không được giải quyết tốt đẹp; như vậy,
chúng tôi sẽ không giao phó sự tranh tụng này cho các đại đức, chính chúng tôi
sẽ là người chủ trì sự tranh tụng này.” Này các tỳ khưu, sau khi xem xét kỷ lưỡng
như vậy, các tỳ khưu đi đến nên giao phó sự tranh tụng ấy cho các tỳ khưu thường
trú.
Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy có thể giải quyết sự tranh tụng
ấy, này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải quyết.
Được giải quyết nhờ vào điều gì? - Nhờ vào cách hành xử Luật với
sự hiện diện. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự
hiện diện của nhân sự. …(như trên)…
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[675] Này các tỳ khưu, trong khi các tỳ khưu ấy phán xét sự tranh
tụng ấy, nếu các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không lời phát biểu
nào có ý nghĩa; này các tỳ khưu, ta cho phép giải quyết sự tranh tụng như thế ấy
theo lối đại biểu (ubbāhikāya).
Theo lối đại biểu, cần chỉ định vị tỳ khưu hội đủ mười điều kiện:
Là vị có giới hạnh, sống thu thúc theo sự thu thúc của giới bổn Pātimokkha,
thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ (ācāragocara), thấy được sự nguy hiểm trong
những tội lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành theo các điều học; là vị nghe nhiều,
nắm giữ và tích lũy các điều đã được nghe, các pháp nào là tốt đẹp phần đầu, tốt
đẹp phần giữa, tốt đẹp phần cuối, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng
giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, các pháp có hình thức
như thế được (vị ấy) nghe nhiều, ghi nhớ, ôn đọc ra lời, dùng trí quán sát,
dùng tri kiến phân tích; cả hai bộ giới bổn Pātimokkha đã khéo được truyền thừa
với chi tiết đến vị ấy, khéo được phân tích, khéo được ứng dụng, khéo được xác
định theo từng điều học, theo từng từ ngữ; là vị tinh xảo về Luật không có bối
rối; là vị có năng lực làm cho cả hai phe đối địch của sự kiện phải tin tưởng,
phải suy nghĩ lại, làm cho hiểu được, làm cho thấy được, và làm cho hoan hỷ;
khéo léo giải quyết sự tranh tụng đã được diễn tiến; vị hiểu biết sự tranh tụng;
hiểu biết nguyên cớ của sự tranh tụng; hiểu biết sự chấm dứt của sự tranh tụng;
hiểu biết đường lối thực hành để chấm dứt sự tranh tụng. Này các tỳ khưu, ta
cho phép chỉ định theo lối đại biểu vị tỳ khưu hội đủ mười điều kiện này.
[676] Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ
khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ
khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng
ta phán xét sự tranh tụng này, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng
không lời phát biểu nào có ý nghĩa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội
chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) để giải quyết sự
tranh tụng này theo lối đại biểu. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng
ta phán xét sự tranh tụng này, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng
không lời phát biểu nào có ý nghĩa. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy)
và tên (như vầy) để giải quyết sự tranh tụng này theo lối đại biểu. Đại đức nào
đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) để giải quyết sự
tranh tụng này theo lối đại biểu xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói
lên.
Vị tỳ khưu tên (như vầy) và tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định
để giải quyết sự tranh tụng này theo lối đại biểu. Sự việc được hội chúng đồng
ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
[677] Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy có thể giải quyết sự
tranh tụng ấy theo lối đại biểu, này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh
tụng đã được giải quyết.
Được giải quyết nhờ vào điều gì? - Nhờ vào cách hành xử Luật với
sự hiện diện. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như
trên)…
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[678] Này các tỳ khưu, trong khi các tỳ khưu ấy đang phán xét sự
tranh tụng ấy, nếu ở đó, có vị tỳ khưu là Pháp sư nhưng kiến thức của chính vị ấy
không được truyền thừa, không biết sự phân tích về giới bổn, vị ấy trong khi
không xem xét ý nghĩa lại phủ nhận ý nghĩa ẩn sau các văn tự. Các tỳ khưu ấy cần
được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy)
là Pháp sư nhưng kiến thức của chính vị ấy không được truyền thừa, không biết sự
phân tích về giới bổn, vị ấy trong khi không xem xét ý nghĩa lại phủ nhận ý
nghĩa ẩn sau các văn tự. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, chúng ta
nên loại ra vị tỳ khưu tên (như vầy) và những người còn lại (chúng ta) sẽ giải
quyết sự tranh tụng này.”
Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy sau khi loại vị tỳ khưu ấy ra
có thể giải quyết sự tranh tụng ấy; này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự
tranh tụng đã được giải quyết.
Được giải quyết nhờ vào điều gì? - Nhờ vào cách hành xử Luật với
sự hiện diện. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như
trên)…
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[679] Này các tỳ khưu, trong khi các vị tỳ khưu ấy đang phán xét
sự tranh tụng ấy, nếu ở đó, có vị tỳ khưu là Pháp sư bởi vì kiến thức của vị ấy
được truyền thừa (nhưng) không biết sự phân tích về giới bổn, vị ấy trong khi
không xem xét ý nghĩa lại phủ nhận ý nghĩa ẩn sau các văn tự. Các tỳ khưu ấy cần
được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy)
là Pháp sư bởi vì kiến thức của vị ấy được truyền thừa (nhưng) không biết sự
phân tích về giới bổn, vị ấy trong khi không xem xét ý nghĩa lại phủ nhận ý
nghĩa ẩn sau các văn tự. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, chúng ta
nên loại ra vị tỳ khưu tên (như vầy) và những người còn lại (chúng ta) sẽ giải
quyết sự tranh tụng này.”
Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy sau khi loại vị tỳ khưu ấy ra
có thể giải quyết sự tranh tụng ấy; này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự
tranh tụng đã được giải quyết.
Được giải quyết nhờ vào điều gì? - Nhờ vào cách hành xử Luật với
sự hiện diện. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như
trên)…
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
[680] Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy không thể giải quyết sự
tranh tụng ấy theo lối đại biểu, này các tỳ khưu, các tỳ khưu ấy nên giao lại sự
tranh tụng ấy cho hội chúng:
- Bạch các ngài, chúng tôi không thể giải quyết sự tranh tụng này
theo lối đại biểu, chính hội chúng hãy giải quyết sự tranh tụng này.
Này các tỳ khưu, ta cho phép giải quyết thuận theo số đông sự
tranh tụng có hình thức như thế. Cần chỉ định vị phân phát thẻ
(salākaggāhāpako) là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: Vị không thể bị chi phối
bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi
sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, và vị biết (thẻ) đã được nhận
hay không được nhận.
…(như trên)…
Tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân phát
thẻ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là
như vậy.
Vị tỳ khưu phân phát thẻ ấy
nên phân phát các thẻ. (Trường hợp) các tỳ khưu là các vị nói đúng Pháp có (số
lượng) nhiều hơn phát biểu (nên giải quyết) như thế nào thì sự tranh tụng ấy
nên được giải quyết như thế ấy. Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng
đã được giải quyết.
Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và thuận theo số
đông.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện
của Luật, sự hiện diện của nhân sự.
Và ở đây, sự hiện diện của hội chúng là gì? - Các tỳ khưu theo số
lượng cần thiết cho hành sự đã đi đến, sự tùy thuận của các vị xứng đáng gởi sự
tùy thuận đã được đem lại, trong khi hiện diện các vị không phản đối; ở đây, điều
ấy là sự hiện diện của hội chúng. Và ở đây, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện
của Luật là gì? - Với Pháp nào, với Luật nào, với lời giảng dạy nào của bậc Đạo
Sư sự tranh tụng ấy được giải quyết; ở đây điều ấy là sự hiện diện của Pháp, là
sự hiện diện của Luật. Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì? - Vị tranh
cãi, vị tranh cãi với vị ấy, cả hai phe đối địch của sự kiện đều hiện diện; ở
đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.
Và ở đây, điều gì là liên quan đến thuận theo số đông?
- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận,
sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự thuận theo số đông; ở đây điều
ấy là liên quan đến thuận theo số đông.
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[681] Vào lúc bấy giờ, ở Sāvatthi có sự tranh tụng đã sanh khởi
như vầy, đã diễn tiến như vầy. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy không hài lòng với lối
giải quyết tranh tụng của hội chúng ở Sāvatthi và đã nghe rằng: “Nghe nói ở trú
xứ kia có nhiều trưởng lão cư ngụ là các vị nghe nhiều, kinh điển được truyền
thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là các bậc trí
tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Nếu
các trưởng lão ấy có thể giải quyết sự tranh tụng này theo Pháp, theo Luật,
theo lời dạy của bậc Đạo sư, như vậy sự tranh tụng này sẽ được giải quyết tốt đẹp.”
Sau đó, các tỳ khưu ấy đã đi đến trú xứ ấy và đã nói với các trưởng lão ấy điều
này:
- Thưa các ngài, sự tranh tụng này đã sanh khởi như vầy, đã diễn
tiến như vầy. Thưa các ngài, lành thay các trưởng lão hãy giải quyết sự tranh tụng
này theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư, như vậy sự tranh tụng
này sẽ được giải quyết tốt đẹp.
Khi ấy, các trưởng lão ấy (nghĩ rằng): “Sự tranh tụng đã được hội
chúng ở Sāvatthi giải quyết như thế ấy là đã được giải quyết tốt đẹp” rồi đã giải
quyết sự tranh tụng ấy y như thế.
Sau đó, các tỳ khưu ấy không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng
của hội chúng ở Sāvatthi, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của nhiều
vị trưởng lão và đã nghe rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia có ba vị trưởng lão cư ngụ…(như
trên)…có hai vị trưởng lão cư ngụ…(như trên)… có một vị trưởng lão cư ngụ là vị
nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành
rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối
hận, ưa thích sự học tập. Nếu trưởng lão ấy có thể giải quyết sự tranh tụng này
theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư, như vậy sự tranh tụng này sẽ
được giải quyết tốt đẹp.” Sau đó, các tỳ khưu ấy đã đi đến trú xứ ấy và đã nói
với vị trưởng lão ấy điều này:
- Thưa ngài, sự tranh tụng này đã sanh khởi như vầy, đã diễn tiến
như vầy. Thưa ngài, lành thay ngài trưởng lão hãy giải quyết sự tranh tụng này
theo Pháp, theo Luật, theo lời dạy của bậc Đạo sư, như thế sự tranh tụng này sẽ
được giải quyết tốt đẹp.
Khi ấy, vị trưởng lão ấy (nghĩ rằng): “Sự tranh tụng đã được hội
chúng ở Sāvatthi giải quyết như thế ấy, sự tranh tụng đã được nhiều vị trưởng
lão giải quyết như thế ấy, sự tranh tụng đã được ba vị trưởng lão giải quyết
như thế ấy, sự tranh tụng đã được hai vị trưởng lão giải quyết như thế ấy là đã
được giải quyết tốt đẹp” rồi đã giải quyết sự tranh tụng ấy y như thế.
Sau đó, các tỳ khưu ấy không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng
của hội chúng ở Sāvatthi, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của nhiều
vị trưởng lão, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của ba vị trưởng
lão, không hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của hai vị trưởng lão, không
hài lòng với lối giải quyết tranh tụng của một vị trưởng lão nên đã đi đến gặp
đức Thế Tôn, sau khi đến đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, sự tranh tụng này đã được dứt điểm, đã được
yên lặng, đã được giải quyết, đã được giải quyết tốt đẹp. Này các tỳ khưu, vì sự
nhận thức rõ ràng của các tỳ khưu ấy, ta cho phép ba cách phân phát thẻ: lối
kín đáo (gūḷhakaṃ), sự nói nhỏ vào tai (sakaṇṇajappakaṃ), lối công khai (vivaṭakaṃ).
Và này các tỳ khưu, thế nào là cách phân phát thẻ theo lối kín
đáo?
- Vị tỳ khưu phân phát thẻ nên làm các thẻ khác nhau rồi đi đến gặp
từng vị tỳ khưu một và nên nói như vầy: “Thẻ này là cho vị nói như vầy, thẻ này
là cho vị nói như kia. Đại đức thích cái nào thì nhận cái ấy.” Khi giao nên nói
rằng: “Và chớ cho bất cứ ai thấy.” Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói sai Pháp là
nhiều hơn,” nên thâu hồi lại (nói rằng): “(Các thẻ) bị lấy lầm lẫn.” Nếu vị ấy
biết rằng: “Các vị nói đúng Pháp là nhiều hơn,” nên công bố rằng: “(Các thẻ) được
nhận lấy tốt đẹp.” Này các tỳ khưu, như vậy là cách phân phát thẻ theo lối kín
đáo.
Và này các tỳ khưu, thế nào là cách phân phát thẻ với sự nói nhỏ
vào tai?
- Vị tỳ khưu phân phát thẻ nên nói vào tai của từng vị tỳ khưu một
rằng: “Thẻ này là cho vị nói như vầy, thẻ này là cho vị nói như kia. Đại đức
thích cái nào thì nhận cái ấy.” Khi giao nên nói rằng: “Và chớ nói cho bất cứ
ai.” Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói sai Pháp là nhiều hơn,” nên thâu hồi lại
(nói rằng): “(Các thẻ) bị lấy lầm lẫn.” Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói đúng
Pháp là nhiều hơn,” nên công bố rằng: “(Các thẻ) được nhận lấy tốt đẹp.” Này
các tỳ khưu, như vậy là cách phân phát thẻ với sự nói nhỏ vào tai.
Và này các tỳ khưu, thế nào là cách phân phát thẻ theo lối công khai?
- Nếu vị ấy biết rằng: “Các vị nói đúng Pháp là nhiều hơn,” chính
nhờ vào sự quả quyết nên phân phát (thẻ) bằng cách phân phát thẻ theo lối công
khai. Này các tỳ khưu, như vậy là cách phân phát thẻ theo lối công khai.
Này các tỳ khưu, đây là ba cách phân phát thẻ.
[682] Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được lắng dịu bởi
bao nhiêu cách dàn xếp?
- Sự tranh tụng liên quan đến khiển trách được lắng dịu bởi bốn
cách dàn xếp: bằng cách hành xử Luật với sự hiện diện, bằng cách hành xử Luật bằng
sự ghi nhớ, bằng cách hành xử Luật khi không điên cuồng, và theo tội của vị ấy.
[683] Nếu sự tranh tụng liên quan đến khiển trách không áp dụng
được hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật khi không điên cuồng và theo tội của
vị ấy thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự
hiện diện và cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ hay không?
- Nên trả lời rằng: “Có thể.”
Như vậy là thế nào?
- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu bôi nhọ vị tỳ khưu với
sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu được
thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ nên được ban
cho.
Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Này các tỳ khưu, vị tỳ
khưu ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai, …(như trên)…, và nên
nói như vầy:
“Bạch các ngài, các tỳ khưu bôi nhọ tôi với sự hư hỏng về giới
không có nguyên cớ. Bạch các ngài, là người được thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ,
tôi đây cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ.”
Nên cầu xin đến lần thứ nhì. Nên cầu xin đến lần thứ ba:
[684] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm,
đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu bôi
nhọ vị tỳ khưu tên (như vầy) với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Là người
được thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, vị ấy cầu xin hội chúng cách hành xử Luật
bằng sự ghi nhớ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban
cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị tỳ khưu tên (như vầy), là người
thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các tỳ khưu bôi
nhọ vị tỳ khưu tên (như vầy) với sự hư hỏng về giới không có nguyên cớ. Là người
thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ, vị ấy cầu xin hội chúng cách hành xử Luật bằng
sự ghi nhớ. Hội chúng ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị tỳ khưu
tên (như vầy) là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Đại đức nào đồng ý việc
ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị tỳ khưu tên (như vầy) là người
thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: …(như trên)…
Cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đã được hội chúng ban cho vị tỳ
khưu tên (như vầy) là người thành tựu đầy đủ về sự ghi nhớ. Sự việc được hội
chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải
quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách hành xử Luật
bằng sự ghi nhớ.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự
hiện diện của nhân sự. …(như trên)… Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì? -
Vị khiển trách và vị bị vị ấy khiển trách, cả hai phe đều hiện diện; ở đây, điều
ấy là sự hiện diện của nhân sự.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ?
- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận,
sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự hành xử Luật bằng sự ghi nhớ; ở
đây điều ấy là ở trong cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ.
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[685] Nếu sự tranh tụng liên quan đến khiển trách không áp dụng
được hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ và theo tội của vị ấy
thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự hiện
diện và cách hành xử Luật khi không điên cuồng hay không?
- Nên trả lời rằng: “Có thể.”
Như vậy là thế nào?
- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị điên, bị thay đổi tâm
tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện
bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu buộc tội vị ấy với tội
đã được thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: “Này đại đức, hãy nhớ là
có phạm tội như thế này không?” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi đã bị
điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và
hành động đã được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi
không nhớ được điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.” Mặc dầu được
vị ấy nói như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: “Này đại đức, hãy nhớ là có phạm
tội như thế này không?”
Này các tỳ khưu, nên ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng
đến vị tỳ khưu ấy khi không điên cuồng. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy:
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến hội chúng, đắp thượng y một bên vai,
…(như trên)… và nên nói như vầy:
“Bạch các ngài, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc
không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi tôi đây
khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu khiển trách tôi với tội đã được
thực hiện khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội
như thế này không?’ Tôi nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị
thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã
được thực hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được
điều ấy. Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được vị ấy nói
như vậy, các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như
thế này không?’ Bạch các ngài, giờ không điên cuồng tôi đây cầu xin hội chúng
cách hành xử Luật khi không điên cuồng.”
Nên cầu xin đến lần thứ nhì. Nên cầu xin đến lần thứ ba:
[686] Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm,
đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên
(như vầy) đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn
bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị thay đổi
tâm tính. Các tỳ khưu đã khiển trách vị ấy với tội đã được thực hiện khi bị
điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này
không?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi tâm
tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện
bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy. Điều
ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được vị ấy nói như vậy, các vị
vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này không?’
Giờ không điên cuồng, vị ấy cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi không điên
cuồng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho cách
hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị tỳ khưu tên (như vầy) khi không điên
cuồng. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này
tên (như vầy) đã bị điên, đã bị thay đổi tâm tính. Nhiều việc không xứng là
sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện bởi vị ấy khi bị điên, bị
thay đổi tâm tính. Các tỳ khưu đã khiển trách vị ấy với tội đã được thực hiện
khi bị điên, bị thay đổi tâm tính: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế
này không?’ Vị ấy nói như vầy: ‘Này các đại đức, tôi đã bị điên, đã bị thay đổi
tâm tính. Nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực
hiện bởi tôi đây khi bị điên, bị thay đổi tâm tính. Tôi không nhớ được điều ấy.
Điều ấy đã được làm bởi tôi khi điên cuồng.’ Mặc dầu được vị ấy nói như vậy,
các vị vẫn khiển trách rằng: ‘Này đại đức, hãy nhớ là có phạm tội như thế này
không?’ Giờ không điên cuồng, vị ấy cầu xin hội chúng cách hành xử Luật khi
không điên cuồng. Hội chúng ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến
tỳ khưu tên (như vầy) khi không điên cuồng. Đại đức nào đồng ý việc ban cho
cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến tỳ khưu tên (như vầy) khi không điên
cuồng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: …(như trên)…
Cách hành xử Luật khi không điên cuồng đã được hội chúng ban cho
tỳ khưu tên (như vầy) khi không điên cuồng. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới
im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải
quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách hành xử Luật
khi không điên cuồng.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự
hiện diện của nhân sự. …(như trên)…
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật khi không điên cuồng?
- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận,
sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự hành xử Luật khi không điên cuồng;
ở đây điều ấy là ở trong cách hành xử Luật khi không điên cuồng.
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[687] Nếu sự tranh tụng liên quan đến khiển trách không áp dụng
được hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ và cách hành xử Luật
khi không điên cuồng thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn xếp là cách
hành xử Luật với sự hiện diện và theo tội của vị ấy hay không?
- Nên trả lời rằng: “Có thể.”
Như vậy là thế nào?
- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu buộc tội vị tỳ khưu
(khác) giữa hội chúng với tội nặng: “Đại đức có nhớ là đã phạm tội nặng như thế
này, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika không?” Vị ấy nói như vầy: “Này
đại đức, tôi không nhớ là đã phạm tội nặng như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần
với tội pārājika.” Trong khi vị ấy chối từ, vị kia lại già lý lẽ hơn nữa: “Này
đại đức hãy suy xét thật kỹ lưỡng xem thử có nhớ lại là đã phạm tội nặng như thế
này, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika không?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại
đức, tôi không nhớ là đã phạm tội như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội
pārājika, tôi chỉ nhớ là đã phạm tội nhỏ nhoi như thế ấy.” Trong khi vị ấy chối
từ, vị kia lại già lý lẽ hơn nữa: “Này đại đức, hãy suy xét thật kỹ lưỡng xem
thử có nhớ lại là đã phạm tội nặng như thế này, là tội pārājika hoặc gần với tội
pārājika không?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, bởi vì khi đã phạm tội ấy,
cho dầu là nhỏ nhoi tôi sẽ thú nhận dầu không được hỏi đến. Khi đã phạm tội nặng
như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội pārājika, không lẽ tôi lại không
thú nhận khi được hỏi đến hay sao?” Vị kia nói như vầy: “Này đại đức, bởi vì
khi đã phạm tội ấy, mặc dù là nhỏ nhoi đại đức sẽ không thú nhận khi không được
hỏi đến. Thì khi đã phạm tội nặng như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội
pārājika, không lẽ đại đức lại thú nhận khi không được hỏi đến? Này đại đức,
hãy suy xét thật kỹ lưỡng xem thử có nhớ lại là đã phạm tội nặng như thế này là
tội pārājika hoặc gần với tội pārājika không?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức,
tôi nhớ ra là đã phạm tội như thế ấy, là tội pārājika hoặc gần với tội
pārājika. Điều tôi nói rằng: ‘Tôi không nhớ là đã phạm tội như thế ấy, là tội
pārājika hoặc gần với tội pārājika’ là nói đùa, là nói cho có nói.”
Này các tỳ khưu, hành sự theo tội của vị ấy nên được ban cho tỳ
khưu ấy.
[688] Và này các tỳ khưu, nên thực thi như vầy: Hội chúng cần được
thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này
tên (như vầy) trong khi được tra hỏi tội nặng giữa hội chúng đã phủ nhận rồi thừa
nhận, đã thừa nhận rồi phủ nhận, tránh né tội ấy bằng một tội khác, cố tình nói
lời dối trá. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực thi
hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này
tên (như vầy) trong khi được tra hỏi tội nặng giữa hội chúng đã phủ nhận rồi thừa
nhận, đã thừa nhận rồi phủ nhận, tránh né tội ấy bằng một tội khác, cố tình nói
lời dối trá. Hội chúng thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu tên (như
vầy). Đại đức nào đồng ý việc thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến tỳ khưu
tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: …(như trên)…
Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: …(như trên)…
Hành sự theo tội của vị ấy đã được hội chúng thực thi đến tỳ khưu
tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự
việc này là như vậy.”
Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải
quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và theo tội của vị ấy.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự
hiện diện của nhân sự. …(như trên)…
Và ở đây, điều gì là ở trong (cách giải quyết) theo tội của vị ấy?
- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận,
sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự theo tội của vị ấy; ở đây điều
ấy là ở trong (cách giải quyết) theo tội của vị ấy.
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[689] Sự tranh tụng liên quan đến tội được lắng dịu bởi bao nhiêu
cách cách dàn xếp?
- Sự tranh tụng liên quan đến tội được lắng dịu bởi ba cách dàn xếp:
bằng cách hành xử Luật với sự hiện diện, bằng việc phán xử theo tội đã được thừa
nhận, và bằng cách dùng cỏ che lấp.
[690] Nếu sự tranh tụng liên quan đến tội không áp dụng được một
cách dàn xếp là cách dùng cỏ che lấp thì có thể được lắng dịu bằng hai cách dàn
xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo tội đã được thừa
nhận hay không?
- Nên trả lời rằng: “Có thể.”
Như vậy là thế nào?
- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội nhẹ. Này các tỳ
khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu (khác), đắp thượng y một bên
vai, rồi ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy:
- Thưa đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin trình tội ấy.
Vị kia nên nói rằng:
- Đại đức thấy được (tội) không?
- Thưa có, tôi thấy được.
- Đại đức hãy thu thúc trong tương lai.
Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải
quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo
tội đã được thừa nhận.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của
nhân sự. …(như trên)…
Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì?
- Vị khai báo (tội) và vị chứng minh vị ấy khai báo (tội), cả hai
đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.
Và ở đây, điều gì là ở trong việc phán xử theo tội đã được thừa
nhận?
- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận,
sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự phán xử theo tội đã được thừa
nhận; ở đây điều ấy là ở trong việc phán xử theo tội đã được thừa nhận.
Này các tỳ khưu, khi đã được giải quyết như thế, nếu vị ghi nhận
(tội) khơi lại sự tranh tụng, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Nếu vị ấy chấp nhận như thế, theo đó việc ấy là tốt đẹp. Nếu vị ấy
không chấp nhận như thế, này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp nhiều vị
tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, rồi
ngồi chồm hổm, chắp tay lại, và nên nói như vầy:
- Thưa các ngài, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin trình tội
ấy.
Các vị tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm,
đủ năng lực:
- Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên
(như vầy) nhớ được, bộc lộ ra, nói ra bằng lời, trình ra sự phạm tội. Nếu là thời
điểm thích hợp cho chư đại đức, tôi nên ghi nhận tội của vị tỳ khưu tên (như vầy).
Vị ấy nên nói rằng:
- Đại đức thấy được (tội) không?
- Thưa có, tôi thấy được.
- Đại đức hãy thu thúc trong tương lai.
Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải
quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo
tội đã được thừa nhận.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự hiện diện của nhân sự. …(như
trên)… Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là gì? - Vị khai báo (tội) và vị chứng
minh vị ấy khai báo (tội), cả hai đều hiện diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện
của nhân sự.
Và ở đây, điều gì là ở trong việc phán xử theo tội đã được thừa
nhận?
- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận,
sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự phán xử theo tội đã được thừa
nhận; ở đây điều ấy là ở trong việc phán xử theo tội đã được thừa nhận.
Này các tỳ khưu, khi đã được giải quyết như thế, nếu vị ghi nhận
(tội) khơi lại sự tranh tụng, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị).
Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu vị ấy
không chấp nhận như thế, này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến hội chúng, đắp
thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, rồi ngồi chồm hổm,
chắp tay lại, và nên nói như vầy:
- Bạch các ngài, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin trình tội
ấy.
Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ
năng lực:
- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này
tên (như vầy) nhớ được, bộc lộ ra, nói ra bằng lời, trình ra sự phạm tội. Nếu
là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi nên ghi nhận tội của vị tỳ khưu tên
(như vầy).
Vị ấy nên nói rằng:
- Đại đức thấy được (tội) không?
-Thưa có, tôi thấy được.
- Đại đức hãy thu thúc trong tương lai.
Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải
quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và việc phán xử theo
tội đã được thừa nhận. Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện
diện? - Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật,
sự hiện diện của nhân sự. …(như trên)…
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[691] Nếu sự tranh tụng liên quan đến tội không áp dụng được một
cách dàn xếp là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận thì có thể được lắng dịu
bằng hai cách dàn xếp là cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách dùng cỏ che
lấp hay không?
- Nên trả lời rằng: “Có thể.”
Như vậy là thế nào?
- Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu trong khi sinh hoạt có nảy
sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc không xứng
là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Này các tỳ khưu, trong
trường hợp ấy nếu các tỳ khưu (nghĩ) như vầy: “Chúng ta trong khi sinh hoạt có
nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, có nhiều việc không
xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta giải
quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng củng
nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa.” Này các tỳ khưu, ta
cho phép giải quyết sự tranh tụng có hình thức như thế bằng cách dùng cỏ che lấp.
Và này các tỳ khưu, nên giải quyết như vậy: Tất cả nên tụ họp lại
một chỗ; sau khi tụ họp lại, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có
kinh nghiệm, đủ năng lực:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong
khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi,
nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu
chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa
đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời
điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giải quyết sự tranh tụng này bằng
cách dùng cỏ che lấp, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường
hợp có liên quan đến cư sĩ.”
Một vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu
cùng thuộc về một phe nên thông báo đến phe của mình rằng:
“Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh
hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc
không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta
giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng
củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm
thích hợp cho chư đại đức, tôi sẽ sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội
chúng tội của chính chư đại đức và tội của tôi vì sự lợi ích của chính chư đại
đức và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại
trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ.”
[692] Rồi một vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực trong số các
tỳ khưu cùng thuộc về phe kia nên thông báo đến phe của mình rằng:
“Bạch chư đại đức, xin hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong khi sinh
hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi, nhiều việc
không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu chúng ta
giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa đến lủng
củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời điểm
thích hợp cho chư đại đức, tôi sẽ sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội
chúng tội của chính chư đại đức và tội của tôi vì sự lợi ích của chính chư đại
đức và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại
trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ.”
[693] Sau đó, hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh
nghiệm, đủ năng lực trong số các tỳ khưu cùng thuộc về một phe rằng:
“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong
khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi,
nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu
chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa
đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Nếu là thời
điểm thích hợp cho hội chúng, tôi xin sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa hội
chúng tội của chính các đại đức này và tội của tôi vì sự lợi ích của chính các
đại đức này và vì sự lợi ích của tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng,
ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ. Đây là lời đề nghị.
Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Chúng ta trong
khi sinh hoạt có nảy sinh các sự xung đột, các sự gây gỗ, đưa đến tranh cãi,
nhiều việc không xứng là sa-môn bằng lời nói và hành động đã được thực hiện. Nếu
chúng ta giải quyết lẫn nhau bằng các tội này, sự tranh tụng ấy còn có thể đưa
đến lủng củng nội bộ, đưa đến bất hòa nội bộ, và đưa đến chia rẽ nữa. Vì sự lợi
ích của chính các đại đức này và vì sự lợi ích của tôi, tôi xin sám hối bằng
cách dùng cỏ che lấp giữa hội chúng tội của chính các đại đức này và tội của
tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp có liên
quan đến cư sĩ. Đại đức nào đồng ý việc sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp giữa
hội chúng đối với các tội này của chúng tôi, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm
trọng, ngoại trừ trường hợp có liên quan đến cư sĩ, xin im lặng; vị nào không đồng
ý có thể nói lên.
Các tội này của chúng tôi đã được sám hối bằng cách dùng cỏ che lấp
giữa hội chúng, ngoại trừ trường hợp có lỗi nghiêm trọng, ngoại trừ trường hợp
có liên quan đến cư sĩ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi
nhận sự việc này là như vậy.”
Sau đó, hội chúng …(như trên)… thuộc về phe kia rằng:
“...(như trên)... tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”
Này các tỳ khưu, điều ấy được gọi là sự tranh tụng đã được giải
quyết. Được giải quyết nhờ vào điều gì?
- Nhờ vào cách hành xử Luật với sự hiện diện và cách dùng cỏ che
lấp.
Và ở đây, điều gì là ở trong cách hành xử Luật với sự hiện diện?
- Sự hiện diện của hội chúng, sự hiện diện của Pháp, sự hiện diện của Luật, sự
hiện diện của nhân sự. Và ở đây, sự hiện diện của hội chúng là gì? - Các tỳ
khưu theo số lượng cần thiết cho hành sự đã đi đến, sự tùy thuận của các vị xứng
đáng gởi sự tùy thuận đã được đem lại, trong khi hiện diện các vị không phản đối;
ở đây, điều ấy là sự hiện diện của hội chúng. Và ở đây, sự hiện diện của Pháp,
sự hiện diện của Luật là gì? - Với Pháp nào, với Luật nào, với lời giảng dạy
nào của bậc Đạo Sư sự tranh tụng ấy được giải quyết; ở đây điều ấy là sự hiện
diện của Pháp, là sự hiện diện của Luật. Và ở đây, sự hiện diện của nhân sự là
gì? - Vị khai báo (tội) và vị chứng minh vị ấy khai báo (tội), cả hai đều hiện
diện; ở đây, điều ấy là sự hiện diện của nhân sự.
Và ở đây, điều gì là ở trong việc dùng cỏ che lấp?
- Điều nào là sự thực hiện, sự hành động, sự đạt đến, sự thỏa thuận,
sự chấp nhận, sự không phản đối thuộc về hành sự dùng cỏ che lấp; ở đây điều ấy
là ở trong việc dùng cỏ che lấp.
Này các tỳ khưu, nếu có vị khơi lại sự tranh tụng đã được giải
quyết như thế, vị khơi lại phạm tội pācittiya (ưng đối trị); (nếu) vị gởi thỏa
thuận phê phán, vị phê phán phạm tội pācittiya.
[694] Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được lắng dịu bởi bao nhiêu
cách dàn xếp?
- Sự tranh tụng liên quan đến nhiệm vụ được lắng dịu bởi một cách
dàn xếp: bằng cách hành xử Luật với sự hiện diện.
Dứt Chương Dàn Xếp là chương thứ
tư
[1] Hai vị này là các vị đứng
đầu trong nhóm Lục Sư. Thứ tự được ngài Buddhaghosa trình bày là hai vị Paṇḍuka
và Lohitaka ở thành Sāvatthi, hai vị Mettiya và Bhummajaka ở thành Rājagaha,
hai vị Assaji và Punabbasuka ở vùng núi Kīṭā.
[2] Ngài Buddhaghosa giải
thích cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ này nên cho đến chính vị có các lậu hoặc
đã được đoạn diệt, không cho đến vị khác ngay cả vị Bất Lai (antamaso
anāgāminopi).
[3] Na gatigataṃ hoti: Ngài
Buddhaghosa giải thích rằng sự tranh tụng ấy chưa được đưa đến hai ba trú xứ,
chưa được phán xét tại nơi ấy hoặc tại chính nơi kia.
[4] Trường hợp tỳ khưu phạm tội
pārājika và saṅghādisesa (tức là bất cộng trụ và tăng tàng).
[5] Năm nhóm tội là: pārājika,
saṅghādisesa, nissaggiya pācittiya, pācittiya, và dukkaṭa (tức là bất cộng trụ,
tăng tàng, ưng xả đối trị, ưng đối trị, và tác ác).
[6] Thêm vào thullaccaya và
dubbhāsita là bảy (tức là trọng tội và ác khẩu)..
[7] Hành sự công bố hành xử
năm trường hợp: Sự phục hồi, sự đuổi đi, hành sự cạo tóc (bhaṇḍukamma), hành phạt
Brahma (Phạm Đàn), và hành sự có sự khác biệt về tướng trạng là thứ năm (xem Tập
Yếu - Parivāra, chương XIX, [1354]).
Hết Chương Dàn Xếp
Quay về Mục Lục Tiểu Phẩm
Quay về Mục Lục Tạng Luật
0 Comments