Hành Trình Vô Ngã by Vô Ngã Vô Ưu
Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikàya)- Tập 10
Chuyện Tiền Thân Đức Phật Số 7 (Jàtaka)
Nguyên bản: Pàli
Anh dịch: H.T. Francis, E.B. Cowell & W.H. Rouse
(Pali Text Society - Hội Kinh Tạng Pali, Luân Ðôn, Anh Quốc)
Việt dịch: Nguyên Tâm Trần Phương Lan
(Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam)
Chương 22 - ĐẠI PHẨM
540. CHUYỆN HIẾU TỬ SÀMA (Tiền thân Sàma)
Ai đó đang mai phục bắn mình…
Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể tại Kỳ Viên về
một Tỷ- kheo phụng dưỡng mẹ.
Chuyện kể rằng có một thương nhân giàu có tại
thành Xá-vệ, của cải lên đến một trăm tám mươi triệu, người này có một cậu con
trai rất được yêu quý. Một ngày nọ, cậu trai đi lên lầu, mở cửa nhìn xuống đường,
khi thấy đám đông dân chúng đang đi đến Kỳ Viên, tay cầm hương hoa cúng dường để
nghe thuyết Pháp, cậu bảo rằng cậu cũng muốn đi. Cậu truyền đem hương hoa lại,
rồi cậu đi đến tịnh xá cúng dường y phục, dược phẩm, cùng các thức ăn uống cho
chúng Tỷ-kheo ở đó và đảnh lễ đức Thế Tôn với hương
hoa, rồi ngồi xuống một bên…
Sau khi nghe thuyết Pháp, cậu nhận thức được
các quả ác do tham dục gây ra và những quả phúc do đời sống tu hành mang lại. Rồi
khi hội chúng ra về, cậu xin đức Thế Tôn cho cậu thọ giới. Nhưng đức Như Lai bảo
cậu rằng ngài không truyền giới cho ai chưa xin phép cha mẹ. Vì thế cậu ra về,
nhịn ăn một tuần, cuối cùng được cha mẹ chấp thuận, cậu trở lại và xin thọ giới.
Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho cậu.
Sau đó vị Tỷ-kheo mới này được tán thán và đạt nhiều
công hạnh, được sự ái mộ của các vị sư trưởng và giáo thọ và khi đã thọ đại giới,
ông tinh thông Giáo pháp trong vòng năm năm. Rồi vị Tỷ-kheo này nghĩ: "Ta sống viễn ly ở chốn
này thật không hợp với ta". Và ông nóng lòng đạt cứu cánh của Thiền định.
Thế là sau khi nghe lời dạy của vị giáo sư về Thiền định, ông đi đến một làng ở
biên giới, sống trong rừng sâu hành trì phép Thiền định, nhưng không đạt được ý
niệm nào đặc biệt, dù ông đã tinh cần tu tập trong mười hai năm liền mà tâm
không được định tĩnh.
Cũng trong thời gian này, cha mẹ của Tỷ-kheo này trở nên nghèo túng vì những người
thuê đất hay bán hàng cho nhà này thấy trong nhà không có con em gì đến buộc họ
trả nợ, cho nên đã đoạt hết của cải nào rơi vào tay họ và tha hồ chạy trốn; gia
nhân tôi tớ trong nhà lại trộm vàng bạc trốn đi. Vì thế cuối cùng hai người lâm
vào cảnh khốn cùng, không còn đến cái bình đựng nước nữa, phải bán nhà đi lang
thang hết sức cùng cực, phải đi ăn xin, mặc áo rách rưới và mang chiếc bình mẻ
trong tay.
Lúc bấy giờ có một trưởng lão Tỷ-kheo từ Kỳ Viên đến nơi cư trú của người
con trai ấy, ông tiếp đón ân cần vị khách kia xong, ngồi yên lặng hỏi thăm
khách từ đâu đến. Khi được biết từ Kỳ Viên, ông hỏi thăm sức khỏe của bậc Đạo
Sư cùng các đại đệ tử của ngài, xong rồi hỏi thăm tin tức cha mẹ mình.
- Thưa Tôn giả, xin Tôn giả cho biết tình cảnh
của một gia đình thương nhân ở Xá-vệ.
- Này hiền hữu, đừng hỏi thăm tin tức gia
đình ấy nữa.
- Tại sao thế, thưa Tôn giả?
- Người ta nói gia đình ấy có một cậu con
trai, nhưng cậu ta đã đi tu theo đạo pháp, và từ khi cậu ấy xuất gia thì gia
đình cậu bị sạt nghiệp, lúc này cả hai ông bà lão đang lâm vào tình cảnh rất
thê thảm và phải đi ăn xin.
Khi ông nghe khách nói xong, không thể nào cầm
lòng được, nước mắt cứ ràn rụa và khi khách hỏi tại sao lại khóc, ông đáp:
- Thưa Tôn giả, đó chính là cha mẹ tôi, tôi
là con của các vị ấy.
- Này Hiền hữu, cha mẹ bạn đã sạt nghiệp vì
bạn,vậy hãy về phụng dưỡng các vị.
Ông liền nghĩ: "Trong mười hai năm liền
ta tinh cần tu tập mà không thể nào đạt đạo hay đắc quả, có lẽ ta vô tài trí. Vậy
ta có làm gì được với đời sống Phạm hạnh này? Chi bằng ta trở về làm một gia chủ
phụng dưỡng cha mẹ già và bố thí của cải. Như vậy cuối cùng ta cũng được sinh
lên thiên giới". Quyết định xong ông nhường chỗ cư trú của mình trong rừng
cho vị Trưởng lão kia.
Hôm sau ông ra đi, qua nhiều chặng đường thì
tới tinh xá phía sau Kỳ Viên không xa thành Xá-vệ mấy. Tại đó ông thấy hai con
đường, một đường dẫn đến Kỳ Viên, một đường dẫn đến Xá-vệ. Khi đứng đó, vị Tỷ-kheo này suy nghĩ: "Ta đến viếng cha mẹ
ta trước hay đức Phật trước? Rồi ông tự nhủ: "Ngày xưa ta gặp cha mẹ ta
luôn, từ đây ta sẽ ít có dịp yết kiến đức Phật; vậy ta hãy yết kiến bậc Chánh Đẳng
Giác ngày hôm nay và nghe thuyết Pháp, rồi ngày mai ta sẽ đi thăm cha mẹ".
Thế là ông bỏ con đường đi Xá-vệ và đi đến Kỳ
Viên lúc chiều tối. Vào ngày đó, lúc tảng sáng, bậc Đạo Sư nhìn xuống trần
gian, đã thấy được tiềm lực ngộ đạo của vị này, nên khi ông đến yết kiến Thế
Tôn, ngài tán thán công đức của cha mẹ theo kinh Màtiposaka (voi hiếu dưỡng mẹ-Tiền
thân số 455). Trong khi đứng cuối hội chúng Tỷ-kheo và nghe thuyết Pháp, ông nghĩ: "Nếu
ta trở thành người gia chủ, ta có thể phụng dưỡng cha mẹ ta", nhưng bậc Đạo
Sư cũng dạy: "Một người con đi xuất gia vẫn có thể giúp đỡ cha mẹ
mình". Trước kia ta rời thế tục mà không đến yết kiến đức Thế Tôn, và ta
đã thất bại trong sự thọ giới không trọn vẹn như vậy. Bây giờ ta muốn phụng dưỡng
cha mẹ ta mà vẫn duy trì đời sống tu hành chứ không làm một người gia chủ".
Vì vậy ông cầm lấy thẻ cùng các vật thực phát theo thẻ và cháo của mình và cảm
thấy như thể mình đã phạm trọng tội đáng bị khai trừ sau mười hai năm độc cư
trong rừng.
Sáng hôm sau ông đi đến Xá-vệ và nghĩ thầm:
"Ta nên đi lấy cháo trước hay thăm cha mẹ ta trước đây?". Ông nghĩ lại
và thấy rằng đi thăm cha mẹ trong lúc cha mẹ nghèo khổ mà không có gì trong tay
để biếu thì thật là không phải đạo. Vì thế ông đi lấy cháo trước rồi đến cửa
nhà cũ. Vừa thấy cha mẹ ngồi cạnh bức tường đối diện, sau khi đã đi một vòng khất
thực được cháo lòng, ông đứng không cách xa họ mấy và bỗng thấy nỗi sầu thương
nổi lên, mắt đẫm lệ. Còn họ thấy ông nhưng không nhận ra, rồi bà mẹ tưởng rằng
đó là một kẻ đang chờ của bố thí, liền nói:
- Chúng ta không có gì để bố thí cho người cả,
người chịu khó đi nơi khác.
Nghe bà mẹ nói vậy, ông cố nén nỗi buồn đang
tràn đầy trong lòng, đứng yên mắt đẫm lệ, và khi được bảo lần thứ hai, thứ ba,
ông vẫn đứng yên. Cuối cùng ông cha bảo bà mẹ:
- Bà đến xem thử có phải con trai bà đó
không?.
Bà vùng dậy chạy đến nhìn ra con, gục xuống chân
mà than khóc, ông cha cũng khóc theo, bao nỗi sầu khổ đều tuôn ra hết. Thấy lại
cha mẹ, ông không thể nén được lòng mình, cũng bật khóc. Sau cơn xúc động, ông
nói:
- Đừng buồn nữa cha mẹ ôi, con sẽ phụng dưỡng
cha mẹ.
Thế là sau khi an ủi cha mẹ và cho họ húp nước
cháo rồi ngồi xuống bên đường, ông lại ra đi khất thực đem về cho cha mẹ dùng,
sau đó mới đi khất thực cho chính mình. Xong bữa ăn, ông liền đi tìm nơi trú
chân không xa đó mấy. "Từ ngày ấy về sau ông chăm sóc cha mẹ bằng cách
này; ông đem cho cha mẹ đồ khất thực dành cho mình, luôn cả những vật dụng bố
thí hằng nửa tháng một lần, và ông đi khất thực nhiều lần để thọ dụng. Còn những
vật thực dành cho mùa mưa cũng đều đem cho cha mẹ dùng, trong khi ông đem áo quần
rách của cha mẹ về đóng cửa kín mà nhuộm lại để mặc. Nhưng rất ít ngày ông đi
khất thực được đồ dùng, phần nhiều là chẳng được gì cả, nên y trong cũng như y
ngoài đều tả tơi cả. Trong thời gian chăm sóc cha mẹ như thế, ông dần dần trở
nên xanh xao gầy ốm, bạn hữu thấy vậy bảo:
- Da dẻ bạn trước đây tươi sáng, nhưng nay bạn
xanh xao quá, hẳn có bệnh gì?
Ông đáp:
- Ta không có bệnh gì cả, nhưng ta đang gặp
một chướng ngại.
Rồi ông kể cho họ nghe câu chuyện nhà. Họ
đáp:
- Thưa hiền giả, bậc Đạo Sư không cho phép
ta phí phạm lễ vật cúng dường của các thí chủ, bạn đã làm việc trái phép khi
đem lễ vật cúng dường của thí chủ cho người thế tục.
Nghe nói vậy, ông hổ thẹn cúi gầm mặt xuống,
nhưng vẫn chưa thỏa dạ, họ đem chuyện kể với bậc Đạo Sư:
- Bạch Thế Tôn, người này đã phí phạm lễ vật
cúng dường và đem cho người thế tục.
Bậc Đạo Sư cho gọi vị Tỷ-kheo trẻ ấy đến và hỏi:
- Có phải ông đã xuất gia mà còn lấy vật
cúng dường của thí chủ đem cho người thế tục không?
Ông thú nhận là có. Rồi bậc Đạo Sư muốn ngợi
khen việc làm của ông và nói về một việc cũ của Ngài, liền hỏi:
- Thế ông phụng dưỡng người thế tục nào đó?
- Bạch Thế Tôn, chính cha mẹ của con.- Ông
đáp.
Lúc đó Thế Tôn muốn khuyến khích việc làm của
ông hơn nữa, Ngài bảo ba lần:
- Tốt lành thay! Tốt lành thay! Ông đang đi
con đường ngày xưa Ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực Ta cũng phụng dưỡng
cha mẹ Ta.
Như thế vị Tỷ-kheo được Ngài khích lệ vì việc đó. Rồi
theo lời thỉnh cầu của chúng Tỷ-kheo, bậc Đạo Sư kể chuyện quá khứ để cho biết các nghiệp đời
trước của Ngài.
Ngày xưa, không xa thành Ba-la-nại, ở phía
bên này sông, có một làng thợ săn và một làng nữa ở bên kia sông, mỗi làng có
chừng năm trăm gia đình cư trú. Lúc bấy giờ có hai nhà thiện xạ trong hai làng
đó là đôi bạn thân thích, họ giao ước với nhau từ trẻ rằng nếu đôi bên sinh con
trai và con gái thì sẽ gả con cho nhau. Theo thời gian trôi, một cậu trai được
hạ sinh trong nhà thiện xạ bên này sông và một cô gái sinh vào nhà thiện xạ
kia. Cậu bé được đạt tên Dukùlaka vì khi sinh ra đời cậu được quấn trong lớp tã
lót thật đẹp, còn cô gái được đặt tên là Parikà, vì cô sinh ra bên kia sông. Cả
hai đều xinh đẹp với làn da óng ả như vàng và mặc dù được sinh ra trong làng
săn bắn, chúng không hề sát sinh hại mạng. Khi cậu bé lên mười sáu tuổi, cha mẹ
cậu bảo:
- Này con, cha mẹ sẽ cưới vợ cho con.
Nhưng cậu là một người thanh tịnh từ Phạm
thiên giới mới xuống đây, cho nên cậu bịt tai lại bảo:
- Con không muốn ở trong nhà, đừng nói chuyện
ấy với con.
Rồi mặc dù cha mẹ cậu nói chuyện đó ba lần,
cậu không tỏ ý ham thích chút nào. Còn nàng Parikà cũng vậy, khi cha mẹ nàng bảo:
- Con trai của ông bạn nhà ta thật khôi ngô
với làn da óng ả như vàng, cha mẹ định gả con cho cậu ấy đấy.
Nàng cũng bịt tai lại và trả lời như chàng
trai kia.Vì chính nàng cũng xuống đây từ Phạm thiên giới. Cậu Dukùlaka bí mật gửi
cho cô gái một lời nhắn nhủ: "Nếu nàng muốn sống đời vợ chồng thì hãy tìm
đến một gia đình khác, vì ta không muốn như vậy". Và nàng cũng gửi cậu một
lời nhắn nhủ tương tự như thế. Nhưng dù họ không đồng ý, cha mẹ họ vẫn cử hành
hôn lễ. Thế là cả hai người sống riêng lẻ như các vị Phạm thiên, không hề sa
vào bể ái dục. Dakùlaka không hề giết cá hay nai hươu, cũng không hề bán các thứ
cá mà người khác mang đến cho cậu. Cuối cùng cha mẹ cậu bảo:
- Con sinh ra trong gia đình săn bắn mà con
lại không thích sống trong nhà, cũng không sát sinh hại vật, vậy con muốn gì?.
Cậu đáp:
- Nếu cha mẹ cho phép, con xin làm ẩn sĩ
ngay ngày hôm nay.
Cha mẹ họ đều cho phép họ ngay lập tức. Thế
là họ từ giã cha mẹ, ra đi dọc theo bờ sông Hằng, rồi rời bỏ sông Hằng, họ đi
lên núi dọc theo sông Migasammatà. Lúc bấy giờ cung của Sakka Thiên chủ bỗng
nóng rực lên. Thiên chủ Sakka, sau khi xác định duyên cớ, liền bảo thần Vissakamma:
- Này Vissakamma, có hai bậc Đại nhân đã xuất
thế và đang đi vào núi Himavat, chúng ta phải tìm nơi trú ẩn cho họ, vậy hãy đi
dựng am lá và cung cấp mọi vật dụng cần thiết cho cuộc đời tu hành của họ ở một
nơi cách sông Migasammatà chừng một phần tư dặm đường, xong rồi trở lại đây.
Thế là vị này đi chuẩn bị đủ mọi vật dụng giống
như được mô tả trong Tiền thân Mùgapakkha, rồi trở về nhà; sau khi đã xua hết mọi
súc vật có thể gây ồn ào khó chịu trong rừng và mở một con đường mòn gần đó.
Hai vị ẩn sĩ thấy có đường mòn liền theo đó đến am. Khi Dukùlaka bước vào trong
am, thấy đủ mọi vật dụng cần thiết liền kêu lên:
- Đây chính là lễ vật của Thiên chủ Sakka
cúng dường ta.
Thế rồi Dukùlaka cởi áo ngoài ra, mặc vào
chiếc y màu vỏ dà, đắp tấm da hươu qua một bên vai, cột túm tóc lại ra dáng một
vị khổ hạnh, rồi cũng làm lễ truyền giới cho Parikà như vậy, xong rồi họ sống ở
đó, tu tập lòng Từ thuộc về cõi Dục. Nhờ ảnh hưởng lòng Từ của họ đối với mọi vật,
chim muông và thú rừng cũng khởi lên lòng từ ái đối với nhau, chứ không hề làm
hại lẫn nhau.
Parikà lo kiếm nước và thức ăn, quét dọn am,
làm đủ mọi việc cần thiết, rồi cả hai người đi kiếm đủ loại trái cây về ăn. Sau
đó họ ở vào trong thảo am riêng của mình hành trì đủ mọi giới luật của đời Phạm
hạnh. Thiên chủ Sakka cung cấp đủ mọi nhu cầu của họ.
Một ngày kia, ngài tiên tri được một hiểm họa
sắp xảy ra cho họ: "Họ sẽ mất thị giác". Vì thế ngài tìm đến
Dukùlaka, đảnh lễ xong, ngồi xuống một bên, ngài bảo:
- Thưa Tôn giả, ta thấy trước một hiểm họa sắp
đe dọa các Tôn giả, vậy các Tôn giả phải sinh một đứa con trai để phụng dưỡng
các vị sau này, hãy đi theo đường lối của thế gian.
- Thưa Thiên chủ, tại sao ngài lại bảo vậy?
Ngay cả khi chúng con còn ở chung một nhà trước kia, chúng con cũng đã chán
ghét ái dục, giờ đây làm sao chúng con thực hiện điều ấy được khi chúng con đã
vào rừng sống đời Phạm hạnh của kẻ xuất gia.
- Được rồi, nếu Tôn giả không muốn làm như
ta nói, thì đợi đến lúc thuận tiện hãy lấy tay sờ rốn của Parikà.
Dukùlaka ưng thuận làm theo. Thiên chủ Sakka
từ giã ra về. Bậc Đại Sĩ kể chuyện ấy với Parikà và đến lúc thời cơ thuận lợi,
lấy tay sờ vào rốn Parikà. Ngay lúc ấy Bồ-tát từ Thiên giới xuống nhập vào bụng
bà và bà mang thai từ đó. Sau mười tháng, bà hạ sinh một hài nhi da vàng óng,
vì thế nên họ đặt tên là Suvannasàma (Hoàng Kim).
Lúc bấy giờ các nữ thần Kinnara (Khẩn-na-la:
Ca thần của Sakka) ở núi bên kia đến chăm sóc Parikà lúc bà lâm bồn. Đôi cha mẹ
này tắm rửa hài nhi xong đặt vào chòi lá và đi kiếm đủ loại trái cây. Trong khi
họ ra ngoài, các nữ thần Kinnara đem hài nhi vào động của họ tắm rửa và đem lên
đỉnh núi trang hoàng cho hài nhi đủ loại hoa, lấy chất sơn vàng đỏ xanh làm dấu
đặc biệt trên thân thể, rồi đem về để lại trên giường trong chòi lá, sau đó
Parikà về chòi cho con bú.
Họ yêu quý con, nâng niu chăm sóc con cho đến
năm mười sáu tuổi, họ thường để con ở trong chòi rồi đi vào rừng kiếm củ và
trái cây. Bồ-tát suy nghĩ: "Mối hiểm họa một ngày kia sẽ xảy ra".
Ngài thường canh chừng con đường cha mẹ ngài đi ra.
Một ngày kia họ trở về lúc chiều tối sau khi
đã nhặt củ và trái cây. Vừa đến gần chòi thì một đám mây lớn kéo tới. Họ vội ẩn
mình dưới gốc cây trên một ổ kiến. Trong ổ kiến này có một con rắn độc. Lúc bấy
giờ nước trên thân họ nhỏ giọt xuống mang theo mùi mồ hôi đến mũi con rắn làm
nó tức giận, thổi phà hơi độc lúc họ đứng đó để tấn công họ, khiến cho cả hai đều
bị mù không nhìn thấy nhau được nữa. Dukùlaka gọi lớn Parikà:
- Mắt ta mù rồi, ta không thấy nàng nữa.
Họ bảo nhau trong khi quờ quạng đi quanh,
khóc lóc và không sao tìm được lối về." Đời trước ta đã phạm tội gì?"
Họ nhủ thầm như vậy. Thuở tiền kiếp, họ sinh vào gia đình một y sĩ. Vị y sĩ đó
chữa bệnh mắt cho một người giàu có, nhưng người này không chịu trả y phí, vị y
sĩ tức giận nói với vợ:
- Ta phải làm sao đây?
Bà vợ cũng tức giận bảo:
- Ta không cần tiền của nó, cứ chế ra một thứ
thuốc rồi bảo đó là thuốc chữa bệnh và ta làm mù mắt nó đi.
Vị y sĩ đồng ý làm theo lời vợ và chính vì tội
này mà giờ đây cả hai đều bị mù lòa.
Lúc ấy bậc Đại Sĩ suy nghĩ: "Trước đây
cha mẹ ta thường về vào giờ này, ta chẳng biết chuyện gì xảy ra cho cha mẹ ta,
ta phải đi tìm mới được". Vì thế ngài ra đi tìm họ và gây nên một tiếng động.
Họ nhận ra tiếng động ấy nên cũng làm một tiếng động đáp lại và vì lòng thương
con, họ bảo con:
- Sàma ơi, ở đây nguy hiểm lắm, đừng tới gần.
Vì thế ngài đưa cho cha mẹ một cây dài, bảo họ cầm lấy đầu cây gậy rồi đi lần về
phía ngài. Ngài bảo với họ:
- Cha mẹ bị mù mắt vì duyên cớ gì?
- Khi trời mưa ta núp dưới gốc cây trên một
tổ kiến, thế là ta bị mù mắt.
Nghe thế ngài biết ngay sự việc đã xảy ra.
"Có lẽ ở đó có rắn độc, đang lúc nổi giận, nó phun nọc độc ra đấy".
Khi ngài nhìn cha mẹ, ngài bật khóc rồi lại bật cười. Cha mẹ ngài hỏi tại sao,
ngài đáp:
- Con khóc vì cha mẹ bị mù lúc còn trẻ,
nhưng con lại cười vì từ đây con sẽ phụng dưỡng cha mẹ, cha mẹ đừng buồn, con sẽ
chăm nom cha mẹ chu đáo.
Thế rồi ngài dẫn họ về chòi, buộc dây thừng
tứ phía phân chia các gian để ở ban ngày và ban đêm, các trai phòng và các phòng
khác nữa. Từ ngày ấy ngài bảo cha mẹ ở nhà, còn ngài đi kiếm củ và trái rừng.
Buổi sáng dọn dẹp nhà cửa, đi lấy nước sông Migasammatà về, nấu thức ăn và nước,
rồi lấy nước rửa mặt đánh răng cho cha mẹ, đem đến cho cha mẹ đủ trái cây ngon
ngọt. Khi cha mẹ súc miệng xong, ngài mới dùng. Ăn xong ngài chào cha mẹ, rồi
được một đàn nai hộ tống, ngài vào rừng hái quả.
Sau khi hái quả cùng với đám nữ thần Kinnara
trên núi, ngài trở về lúc chiều tối, nấu nước nóng tắm rửa chân tay cho cha mẹ
rồi mang lại một mẻ chậu than hồng hơ ấm tay chân cha mẹ. Ngài đem đủ loại trái
cây cho cha mẹ dùng. Cuối cùng ngài mới ăn phần mình và cất dọn các thứ còn lại.
Cứ thế ngài chăm sóc cha mẹ mỗi ngày.
Lúc ấy có một vị vua tên Pilliyakkha trị vì
tại Ba-la-nại. Vị này rất thích thịt thú rừng nên đã giao việc triều chính cho
mẹ rồi nai nịt năm loại vũ khí đi vào núi Himavat săn bắn hươu nai để ăn thịt,
tiến lần đến con sông Migasammatà và cuối cùng tới nơi Sàma thường xuống múc nước.
Thấy có vết chân hươu nai, vua dựng chỗ trú ẩn dưới các bụi cây màu ngọc bích,
lấy tên tẩm thuốc độc vào, sẵn sàng giương lên và nằm mai phục.
Buổi chiều bậc Đại Sĩ đã hái trái cây xong,
đem về lều, chào hỏi cha mẹ rồi nói:
- Con sẽ đi tắm và múc ít nước.
Ngài cầm bình, cả một đoàn nai vây quanh,
ngài chỉ chọn ra hai con, buộc bình vào lưng chúng, rồi dẫn chúng đến nơi tắm
sông. Nhà vua thấy ngài đến gần tự nhủ: "Suốt thời gian ta đi quanh quẩn
nơi đây, ta chưa hề thấy bóng người nào cả, vậy đó là Thiên thần hay rắn thần?
Bây giờ nếu ta đến gần hỏi nó ắt nó sẽ bay lên trời nếu đó là Thiên thần, hoặc
sẽ độn thổ nếu đó là rắn thần. Nhưng ta có ở núi Himavat này mãi đâu, một ngày
kia ta sẽ trở về Ba-la-nại. Lúc đó các quan đại thần sẽ hỏi ta có thấy được việc
gì kỳ lạ trong thời gian ta lang bạt ở đây không. Nếu ta bảo họ ta có thấy một
người như vầy như vầy, họ sẽ gạn hỏi ta tên nó là gì, nếu ta trả lời không biết
thì họ sẽ chê trách ta; vậy thì ta cứ bắn nó cho bị thương, rồi hỏi nó
sau".
Vừa lúc ấy, bầy nai đi xuống trước để uống
nước rồi bước lên khỏi chỗ tắm. Sau đó Bồ-tát chầm chậm bước xuống nước như thể
một vị đại Trưởng lão đầy đủ giới luật uy nghi đang chuyên tâm đạt đại định,
khoác bộ áo bằng vỏ cây và đắp tấm y bằng da nai qua một bên vai, nhấc bình lên
múc đầy nước, rồi đặt trên vai trái. Ngay lúc này, vua thấy rằng đã đến thời,
liền bắn mũi tên tẩm thuốc độc, làm bậc Đại Sĩ bị thương ở sườn bên phải, rồi
mũi tên xuyên qua sườn bên trái.
Bầy nai thấy ngài bị thương kinh hoàng chạy
trốn, nhưng Suvannasàma, mặc dù bị thương nặng, vẫn hết sức giữ bình nước cho vững
và cố định thần, ngài chầm chậm bước ra khỏi nước. Ngài đào cát chất lên một ụ
cao, kê đầu lên hướng về phía chòi của cha mẹ, và ngài nằm xuống chẳng khác nào
một bức tượng vàng trên bãi cát màu sáng bạc. Rồi hồi tưởng lại, ngài suy xét mọi
việc đã xảy ra: "Ta không có kẻ thù nào trong vùng núi Himavat này, ta
cũng không thù oán ai cả". Khi ngài nói như vậy, máu từ miệng ngài tuôn ra
và vì không nhìn thấy vua, ngài liền ngâm kệ:
1. Ai đó đang mai phục bắn mình,
Khi ta đã múc nước đầy bình,
Bà-la-môn, quý tộc, nô lệ,
Ai ám hại ta chẳng biết danh?
Rồi ngài ngâm thêm một vần kệ cho biết thịt
của ngài vô dụng, không làm thức ăn được:
2. Người chẳng thể nào ăn thịt ta,
Cũng không thể sử dụng bao da,
Sao người nghĩ lấy ta làm đích,
Người đã tưởng đâu thắng lợi mà?
Ngài lại ngâm thêm một vần kệ khác hỏi họ
tên của vua:
3. Người là ai, hãy nói con ai,
Là gì ta sẽ gọi tên người,
Tại sao người lại nằm mai phục?
Thành thật xin người hãy trả lời.
Khi nghe vậy, vua tự nhủ: "Mặc dù kẻ
này đã bị ta bắn trọng thương bằng tên độc, vẫn không mạ lỵ ta, oán trách ta, lại
còn nói năng dịu dàng như thể ru lòng ta vậy. Thôi ta đến xem sao". Thế là
vua đến gần bên ngài và ngâm kệ:
4. Chúa tể Kà-si quốc chính ta,
Đại vương danh hiệu Pi-yak-kha,
Ta rời ngôi báu vì thèm thịt,
Thơ thẩn tìm nai rừng núi xa.
5. Tài thiện xạ ta thật khéo thay,
Tâm ta can đảm chẳng lung lay,
Chẳng rồng rắn thoát tên ta được
Khi nó đã vào tầm bắn đây.
Sau khi tự khen ngợi tài năng mình như vậy,
vua hỏi gia thế của ngài:
6. Ngươi là ai đó vậy, con ai,
Là gì ta sẽ gọi tên ngươi?
Và tên thân phụ cùng gia tộc,
Tên của nhà ngươi, hãy trả lời.
Bậc Đại Sĩ suy nghĩ: "Nếu ta bảo rằng
ta là Thiên thần hay dòng dõi các nữ thần Kinnara (Khẩn-la-na), hoặc bảo ta là
một Sát-đế-lỵ hay thuộc một quý tộc tương tự, vị này sẽ tin ngay, nhưng ta phải
nói sự thật". Vì thế ngài nói:
7. Lúc ta sinh được gọi Sà-ma,
Con thợ săn cùng khổ chính ta,
Nay ở đây nằm trên đất lạnh,
Người nhìn ta đã gặp nguy cơ.
8. Tên độc của người bắn trọng thương,
Ta nằm đơn độc tựa linh dương,
Nạn nhân người giết nhờ tài nghệ,
Lăn lóc ta nay nhuộm máu hường.
9. Tên của người xuyên suốt thịt da,
Theo từng hơi thở máu trào ra,
Ngất ngư, ta vẫn còn than hỏi:
Sao muốn giết người mai phục ta?
10. Ngươi chẳng thể nào ăn thịt ta,
Cũng không thể sử dụng bao da,
Sao người nghĩ lấy ta làm đích,
Người đã tưởng đâu thắng lợi mà?
Khi vua nghe vậy, biết rằng không thể nói thật
được, liền bịa một câu chuyện như sau:
11. Một nai đã đến đúng vừa tầm,
Ta nghĩ rằng ta sắp hưởng phần,
Nhưng thấy ngươi, nai kinh hoảng chạy,
Với ngươi, ta chẳng có lòng sân.
Bậc Đại Sĩ đáp:
- Tại sao Đại vương nói vậy được? Cả vùng
núi Himavat này không có nai nào thấy ta mà bỏ chạy:
12. Từ khi ta mới biết suy tư,
Nhớ lại thời xưa mãi đến giờ,
Không thú mồi hay nai chạy trốn,
Kinh hoàng khi gặp bước ta qua.
13. Từ lúc ta mang áo vỏ cây,
Bỏ đằng sau chuỗi ngày thơ ngây,
Không nai hay thú mồi đào tẩu,
Khi thấy ta qua các lối này.
14. Các thú hoang kia chính bạn mình,
Cùng ta phiêu bạt khắp rừng xanh,
Nai này sao lại, như người nói,
Khi thấy ta liền chạy hãi kinh?
Khi vua nghe nói, liền nghĩ thầm: "Ta
đã làm trọng thương con người vô tội này và lại còn nói dối, thôi ta phải thú tội
mới được". Nghĩ vậy, vua nói:
15. Chẳng có nai nào thấy Sà-ma,
Sao ta nói dối quá dư thừa?
Lòng ta tràn ngập niềm tham, hận,
Và bắn đầu tên đó ấy, chính ta.
Rồi vua nghĩ: "Suvanna không thể sống một
mình trong rừng được, chắc phải có thân thích ở đây, để ta thử hỏi xem".
Vì thế vua ngâm kệ:
16. Sáng sớm từ đâu đến, bạn lành,
Ai người bảo bạn phải cầm bình,
Đổ đầy nước múc bờ sông ấy,
Mang gánh nặng lui bước lộ trình?
Nghe vậy, bậc Đại Sĩ cảm thấy một nỗi đau đớn
vô cùng và ngâm vần kệ trong khi máu trào ra từ miệng:
17. Cha mẹ sống rừng vắng phía xa,
Mù lòa chỉ lệ thuộc con thơ,
Vì hai thân, đến bên bờ nước,
Ta đổ đầy bình nước của ta.
Rồi ngài tiếp tục than khóc số phận của cha
mẹ:
18. Đời sống chỉ như lửa chập chờn,
Một tuần thực phẩm trữ không hơn
Nếu không có nước ta đem lại,
Yếu đuối, mù lòa chết thảm thương.
19. Ta chẳng sợ đau khổ tử vong,
Ấy là số phận mọi loài chung,
Sống không còn được nhìn thân phụ,
Điều ấy khiến tâm trí hãi hùng.
20. Thời khắc lê thê nặng khổ buồn,
Mẹ ta ấp ủ nỗi sầu thương,
Nửa đêm và cả khi trời sáng,
Dòng lệ chảy như suối nước tuôn.
21. Thời khắc lê thê nặng khổ buồn.
Cha ta ấp ủ nỗi sầu thương,
Nửa đêm và cả khi trời sáng.
Dòng lệ chảy như suối nước tuôn.
22. Họ lang thang khắp chốn rừng hoang,
Than vãn con đi quá muộn màng,
Chờ đợi hoài công nghe tiếng bước,
Hay chờ ta vuốt tấm thân tàn.
23. Ý tưởng này, tên độc thứ hai,
Đâm sâu hơn trước nữa, than ôi!
Vì ta nằm tại đây chờ chết
Không thể nhìn cha mẹ nữa rồi!
Nhà vua nghe ngài than khóc, nghĩ thầm:
"Người này phụng dưỡng cha mẹ hết lòng hiếu thảo tận tụy, ngay bây giờ
đang lúc đau đớn mà cũng chỉ nghĩ đến cha mẹ, thật ta đã gây tội ác với một
thánh nhân như vậy, làm sao ta an ủi được người đây? Khi ta đọa xuống địa ngục
rồi thì ngai vàng có ích gì cho ta? Thôi ta nguyện phụng dưỡng cha mẹ người như
người đã phụng dưỡng họ. Như thế cái chết của người không ảnh hưởng mấy đến họ".
Liền sau đó vua nói lên quyết tâm của mình qua các vần kệ sau:
24. Này hỡi Sà-ma dáng cát tường,
Chớ nên tuyệt vọng ngập tâm hồn,
Vì ta phụng dưỡng hai thân lão
Trong cảnh cô đơn nặng khổ buồn.
25. Ta nay thành thạo với cây cung,
Lời hứa ta cương quyết thủy chung,
Ta sẽ thay người và phụng dưỡng
Mẹ cha người sống ở trong rừng.
26. Ta sẽ đi tìm miếng thịt nai,
Đủ dùng củ rễ, trái cây tươi,
Rồi ta hầu hạ hai thân lão,
Ta chính gia nô của các ngài.
27. Hiện nay hai vị ở rừng nào?
Này hởi Sa-ma, hãy nói mau,
Ta thề bảo vệ, nuôi hai vị
Như chính người làm tự bấy lâu.
Bậc Đại Sĩ đáp:
- Thế thì tốt quá, xin Đại vương nuôi nấng
cha mẹ ta dùm.
Rồi ngài chỉ đường cho vua:
28. Nơi chốn đầu ta đặt ở đây,
Hai trăm tầm chạy giữa rừng cây,
Con đường dẫn đến lều cha mẹ,
Xin đến, làm ơn phụng dưỡng thay.
Sau khi chỉ đường và kiên nhẫn chịu đựng đau
đớn khủng khiếp vì lòng thương yêu cha mẹ, ngài kính cẩn chấp tay lại, thỉnh cầu
vua một lần cuối hãy nuôi dưỡng cha mẹ thay mình:
29. Cung kính lễ ngài, bậc Đại vương,
Ngài đi như vậy đúng con đường,
Mù lòa, cha mẹ ta đơn độc,
Xin bảo vệ, nuôi dưỡng, đoái thương.
30. Kính lễ Kà-si Chúa thượng ôi,
Hai tay ta chắp khẩn cầu ngài,
Nhân danh ta gửi về cha mẹ
Lời nhắn nhủ ta đã nói rồi.
Vua nhận lời ủy thác và bậc Đại Sĩ, sau khi
nói xong lời nhắn nhủ cuối cùng, liền bất tỉnh.
Bậc Đạo Sư giải thích việc này như sau:
31. Sà-ma với vẻ mặt hiền lương,
Đã nói lời này với Đại vương,
Rồi ngất lịm dần vì thuốc độc,
Nằm mê man tựa bỏ thân tàn.
Từ trước đến giờ ngài cố gắng thốt ra những
lời lẽ trên như thể người bị hụt hơi, nhưng đến đây tiếng nói đã đứt quãng vì
toàn thân, tim óc, sinh lực của ngài đều lần lượt chịu tác động dữ dội của thuốc
độc, nên miệng và mắt ngài khép lại, tay chân cứng đờ, toàn thân đẫm máu. Vua
kêu lên:
- Người này đang nói với ta cho đến giờ phút
này, bỗng dưng tại sao lại hết thở vô ra rồi kìa? Các cơ quan đã ngưng hoạt động,
thân thể đã cứng đờ, chắc chắn Sà-ma đã chết rồi,
Và không thể nào ngăn được sầu thương, vua đấm
vào đầu than khóc thảm thiết.
Đến đây bậc Đạo Sư ngâm kệ để làm sáng tỏ vấn
đề này:
32. Đau đớn nhà vua đã khóc than:
- Trước kia chưa xảy đến tai nạn,
Ta không hề biết già rồi chết,
Trời hỡi, giờ ta biết rõ ràng!
33. Nay thấy mọi người phải chết thôi,
Chính Sà-ma cũng chết, than ôi!
Chàng vừa khuyên nhủ, lời trăn trối,
Khi hấp hối từ giã cõi đời.
34. Địa ngục đày, ta đọa hiển nhiên,
Thánh nhân bị giết đó, nằm yên,
Mọi người thôn xóm nào ta gặp,
Sẽ nói đồng thanh tội lỗi trên.
35. Sống ở rừng hoang vắng vẻ này,
Họ tên ta có kẻ nào hay?
Đây miền hiu quạnh không người ở,
Ai sẽ nhắc ta mối nhục này?
Lúc bấy giờ có một nữ thần tên gọi
Bahusodarì ở tại núi Gandhamàdana (Hương Sơn) đã là mẹ của Bồ-tát cách đây bảy
đời trước của ngài, vẫn thường tưởng nhớ đến ngài với tình mẹ thương con; nhưng
ngày hôm đó vì ham tưởng lạc thú thiên giới nên bà không nhớ đến ngài như thường
lệ. Các bằng hữu của bà lại bảo bà đã đi dự hội họp trên thiên giới cho nên đã
im hơi lặng tiếng.
Bỗng nhiên bà nghĩ đến ngài đúng lúc ngài
đang bất tỉnh. Bà tự nhủ: "Việc gì đã xảy ra cho con ta?" và bà nhìn
thấy vua Piliyakkha đã giết ngài bằng mũi tên tẩm thuốc độc bên bờ sông
Migasammatà, ngài đang nằm trên bờ cát, còn nhà vua đang than khóc thảm thiết.
"Nếu ta không đến đó thì con ta sẽ chết, vua sẽ đau đớn lắm, còn cha mẹ
Sà-ma sẽ chết đói, chết khát. Nhưng nếu ta đến, thì vua sẽ mang bình nước lại
cho cha mẹ của con ta. Sau khi nghe họ nói, vua sẽ dẫn họ đến gặp con, rồi ta
và họ sẽ cùng thành tâm thực hiện lời nguyền trang nghiêm để đánh tan chất độc
trong thân thể Sàma cho con ta sống lại. Cha mẹ của con ta lại được sáng mắt ra
và sau đó khi đã nghe Sàma thuyết giảng, vua sẽ làm bố thí lớn và được tái sinh
lên cõi trời, vậy ta phải đi liền". Thế rồi bà đến bờ sông Migasammatà, và
tàng hình đứng trên không, thuyết Pháp cho vua nghe.
Đến đây bậc Đạo Sư ngâm kệ để làm sáng tỏ vấn
đề này:
36. Thần nữ ẩn mình giữa cõi không,
Ở trên thượng đỉnh của Hương Sơn,
Rót vài câu kệ vào tai nọ,
Vì bởi xót thương vị chúa công:
37.- Ngài đã tạo ra một ác hành,
Tội kia đè nặng ở trên mình,
Mẹ, cha, con thảy đều vô tội,
Mũi tên ngài giết cả gia đình.
38. Đến đây ta bảo với ngài nào:
Tìm chỗ trú an nương tựa vào,
Cấp dưỡng người mù rừng vắng nọ,
Tâm ngài sẽ hạnh phúc dường bao!
Nghe nữ thần dạy bảo, vua tin lời bà ngay rằng
nếu đi phụng dưỡng hai kẻ mù lòa đó, vua sẽ được lên thiên giới. Vì thế vua quyết
định: "Ta còn cần gì ngai vàng nữa, ta sẽ bỏ đi và hết lòng phụng dưỡng họ".
Sau một hồi tuôn trào lời than khóc, vua cố nén nỗi sầu bi vì cho rằng Sàma đã
chết thật rồi, vua làm lễ cung kính thi thể ngài với đủ loại hoa thơm, vẩy nước
lên thi thể ngài, đi diễu quanh ba vòng, thân phía bên hữu hướng về thi thể và
lễ bái khắp bốn phương. Rồi vua cầm bình nước đã được giao và đi về hướng nam,
lòng nặng trĩu u sầu.
Đến đây, bậc Đạo Sư giải thích thêm qua vần
kệ:
39. Sau một hồi tuôn lệ khóc than,
Thương chàng xấu số nửa chừng xuân,
Vua liền tiến lại cầm bình nước,
Và hướng mặt đi đến phía nam.
Nhà vua vốn là người mạnh khỏe, nên cầm bình
nước cương quyết băng rừng đến am ẩn sĩ và cuối cùng cũng đến trước cửa am hiền
giả. Hiền giả đang ngồi trong am, nghe tiếng chân người đến gần, phân vân không
biết là ai, liền thốt lên lời kệ:
40. Ta đang nghe các bước chân này,
Một kẻ nào đi đến lối đây,
Không phải tiếng chân Sàma bước,
Xin nói, thưa ngài, cho lão hay.
Vua nghe nói liền suy nghĩ: "Nếu ta bảo
thật cho ông lão biết ta đã giết con ông và không nói rõ ta là vua thì họ sẽ phẫn
nộ và mắng chửi ta, và lòng sân hận của ta sẽ nổi lên khiến ta xúc phạm đến họ,
lại càng gây thêm tội ác; nhưng thường tình ai gặp vua mà lại không kinh sợ, vậy
ta phải nói cho họ biết". Vì thế vua đặt bình vào đúng chỗ, rồi đứng trước
cửa am nói to:
41. Kà-si Chúa tể chính là ta,
Tên được gọi là Pi-yak-kha,
Từ giã ngôi vì thèm món thịt,
Săn nai, phiêu bạt chốn rừng già.
42. Có tài thiện xạ chính ta đây,
Cương quyết lòng ta chẳng chuyển lay,
Chẳng rắn thần nào hòng thoát khỏi,
Một khi đã đến trong tầm tay!
Lão hiền nhân chào mừng vua với tình thân hữu,
và đáp lời:
43. Kính mừng vạn tuế Đấng Quân vương!
Hạnh ngộ ngài đi lạc bước đường,
Chúa thượng vinh quang và vĩ đại,
Sứ mạng gì xin được tỏ tường?
44. Tin-dook, pi-yal, các lá cây,
Kà-su-mà trái ngọt ngào thay,
Dù còn chỉ ít oi đôi chút,
Chọn thứ thiệt ngon có sẵn đây.
45. Nước mát này từ dưới động sâu,
Ẩn mình trên một ngọn đồi cao,
Kính mời Chúa thượng, xin ngài ngự,
Cầm lấy, uống vào thỏa ước ao.
Vua nghe lời tung hô nọ liền nghĩ: "Nếu
ta nói ngay với ông lão rằng ta vừa giết chết con lão thì thật là thất sách. Vậy
ta phải khởi đầu câu chuyện như ta chẳng biết gì cả, rồi sẽ nói sau". Vì
thế vua hỏi:
46. Sao ngươi mù lẩn quẩn rừng hoang,
Các trái này đây ai đã mang?
Người ấy phải là người sáng mắt,
Hái nhiều loại tích trữ kho hàng.
Lão hiền nhân ngâm hai vần kệ sau cho biết
hai vợ chồng lão không đi hái trái mà con trai đã mang về:
47. Sà-ma, con trẻ tuổi hoa niên,
Tầm thước, đẹp sao mắt ngắm xem,
Tóc dài, đen nhánh quanh đầu nọ,
Cứ cuộn tròn trông thật tự nhiên.
48. Đem trái cây rồi lại bước ra,
Vội đi đổ nước đầy bình ta,
Sẽ quay trở lại tức thì đó,
Đường đến bờ sông cũng chẳng xa.
Vua đáp lời:
49. Sà-ma hiếu tử của hai người,
Người tả đẹp sao, tốt tuyệt vời,
Ta đã giết chàng nằm ở đó,
Tóc đen kia nhuộm máu hồng rồi!
Chòi lá của Parikà gần đó, trong lúc bà ngồi
nghe giọng nói của vua, bà lo ngại không biết việc gì đã xảy ra và khi đi đến gần
men theo sợi dây thừng, bà kêu lên:
50. Cho biết là ai, Du-kù-la,
Nói rằng con bị giết, Sà-ma,
"Sà-ma đã chết", đây tin dữ,
Như xẻ làm đôi tim của ta!
51. Như thể chồi cây sung trẻ non,
Bị cơn gió mạnh xé lìa tan,
"Sà-ma đã chết", nghe tin ấy,
Đau khổ làm ta nát ruột gan.
Lão nhân khuyên nhủ bà:
52. Đây là Chúa tể nước Kà-si,
Cung ác của ngài đã giết đi,
Con của chúng ta bên bến nước,
Song ta đừng có rủa nguyền gì.
Parikà đáp lại:
53. Chỗ dựa, con yêu, độc nhất đời,
Trông mong, chờ đợi mãi không thôi,
Sao tâm chứa đủ niềm căm hận,
Với kẻ ra tay giết hại người?
Lão nhân nói lớn:
54. Chỗ dựa, con yêu độc nhất đời,
Trông mong, chờ đợi mãi không thôi,
Nhưng hiền nhân cấm ta căm hận,
Với kẻ ra tay giết hại người!
Rồi cả hai ông bà đều lớn tiếng khóc than đấm
ngực tán thán công đức của Bồ-tát. Lúc đó vua cố hết sức an ủi hai vị:
55. Thôi đừng khóc nữa, ta van người,
Vì trẻ Sà-ma bạc phận rồi,
Ta sẽ phụng thờ hai vị mãi,
Đừng buồn như thể quá đơn côi.
56. Ta đây thành thạo với cây cung,
Lời hứa ta cương quyết thủy chung,
Ta sẽ hầu bên hai vị mãi.
Và nuôi hai vị ở trong rừng.
57. Ta sẽ đi tìm miếng thịt nai,
Đủ dùng củ, rễ, trái cây tươi,
Rồi ta hầu hạ bên hai vị,
Ta chính gia nô của các người,
Hai ông bà lão liền phản đối vua:
58. Chuyện này chẳng phải đạo, Quân vương,
Chẳng thích hợp đâu, trái lẽ thường,
Ngài chính là Quân vương hợp pháp,
Chúng thần xin đảnh lễ đôi chân.
Khi nghe vậy vua rất hoan hỷ nghĩ thầm: "Thật kỳ diệu thay! Họ đã
không mở lời hung hăng trách mắng ta là kẻ gây tội lỗi, lại còn tiếp đón ta thật
ân cần". Rồi vua ngâm kệ:
58. Sơn nhân tuyên bố lẽ công bằng,
Tiếp đón như vầy thật chí thân,
Ngài chính từ đây cha của trẫm,
Và bà là mẹ của thần dân.
Cả hai ông bà đều cung kính giơ tay lên trời
thỉnh cầu vua.
- Chúng tôi không dám nhờ Đại vương phụng dưỡng,
chỉ mong Đại vương cầm đầu cây gậy dẫn chúng tôi đến chỗ Sà-ma nằm.
Rồi họ ngâm hai vần kệ:
59. Kà-si Chúa tể thật huy hoàng!
Ngài sẽ làm dân tộc phú cường,
Xin hãy đưa ta đi đến chỗ,
Sà-ma yêu quý của ta nằm.
60. Tại đó, ta quỳ xuống dưới chân,
Chúng ta sờ mắt, mũi, toàn thân,
Chúng ta quyết đợi chờ thần chết,
Kiên nhẫn bên con mãi đến cùng.
Trong lúc họ đang nói chuyện thì mặt trời lặn.
Vua nghĩ thầm: "Bây giờ nếu ta đưa họ đến đó, họ sẽ tan nát cõi lòng trước
cảnh đau thương và nếu ba mạng người chết vì ta, thì chắc chắn ta sẽ đọa vào địa
ngục. Thôi ta đừng dẫn họ đến đó nữa". Thế rồi vua ngâm ba vần kệ này:
61. Một vùng đầy dã thú săn mồi.
Như tận cùng biên giới cõi đời,
Chính chỗ Sà-ma nằm hiện tại,
Như vầng trăng rụng xuống trần rồi.
62. Một vùng đầy dã thú săn mồi.
Như tận cùng biên giới cõi đời,
Chính chỗ Sà-ma nằm hiện tại,
Như vầng duong rụng xuống trần rồi.
62. Ở chốn tận cùng của thế gian,
Chàng nằm, bụi, máu, phủ lên chàng,
Vậy nên ở lại trong am thất,
Đừng mạo hiểm trong chốn núi ngàn.
Hai ông bà đáp lời chứng tỏ lòng gan dạ của
họ:
64. Mặc loài dã thú phá tan hoang,
Hàng vạn triệu con cứ ngập tràn,
Ta chẳng sợ đâu bầy dã thú,
Chúng không thể hại đến thân tàn.
Như thế vua không thể ngăn cản họ được, đành
phải cầm tay dắt họ đến đó.
Khi đến nơi, vua bảo:
- Con trai của hai vị nằm đây rồi.
Ông lão liền ấp đầu vào lòng con và bà mẹ gục
đầu xuống chân con khóc lóc thảm thiết.
Bậc Đạo Sư ngâm kệ này để làm sáng tỏ vấn đề;
65. Lấm bụi và tan nát ruột gan,
Vừa nhìn cảnh tượng Sà-ma nằm,
Họ quỳ xuống giống như nhìn thấy,
Vầng nhật nguyệt rơi rụng xuống trần;
Cha mẹ giơ cao đôi tay họ,
Khóc than thật thống thiết muôn phần.
66. -Phải chăng con ngủ hỡi Sà-ma,
Con giận hờn, quên cả mẹ cha?
Hãy nói việc gì làm mệt trí,
Khiến con nằm chẳng trả lời ta?
67. Ai sẽ, bây giờ, kết tóc ta,
Rồi ai sẽ phủi bụi trong nhà,
Khi Sà-ma chẳng còn đây nữa,
Ở lại chỉ hai kẻ mắt lòa?
68. Ai sẽ quét sàn cho chúng ta,
Ai đem nước nóng, lạnh bây giờ,
Ai tìm củ, quả rừng về nữa,
Cô độc, già, mù cả mẹ cha?
Bà mẹ than khóc đấm ngực hồi lâu, rồi suy
xét kỹ nỗi sầu thương của mình, bà tự nhủ: "Tất cả chuyện đau thương này
là do con ta bị hôn mê vì chất độc quá mạnh, vậy ta phải thành khẩn thề nguyền
để giải độc cho con". Vì thế bà thực hiện một lời thề Chân lý qua các vần
kệ sau:
70. Nếu quả thật là thuở trước đây,
Sà-ma luôn sống chánh chân đầy,
Cầu mong thuốc độc trong dòng máu,
Mất hết hiệu năng, vô hại ngay.
71. Nếu thuở trước con nói thật chân,
Ngày đêm lo phụng dưỡng song thân,
Cầu mong thuốc độc trong dòng máu,
Mất hết công năng, hạ xuống dần.
72. Công đức ngày xưa đã tạo ra,
Chính ta và cả lão thân gia,
Cầu mong giải độc cho tan hết,
Con trẻ quý yêu được tỉnh ra.
Sau khi bà trang nghiêm thề nguyền như vậy,
Sàma bỗng nghiêng mình và khi ông cha cũng thành khẩn thề nguyền như vậy thì
Sàma xoay người sang phía bên kia. Sau đó nữ thần cũng lập lại lời thề nguyền
trang nghiêm như vậy.
Bậc Đạo Sư giải thích thêm qua các vần kệ:
73. Thần nữ ẩn mình giữa cõi không,
Ở trên thượng đỉnh của Hương Sơn,
Thực hành lời nguyện cầu chân lý,
Vì với Sà-ma, dạ xót thương.
74. -Ở đây trên thượng đỉnh Hương Sơn
Ta đã chọn đời sống độc đơn,
Trong chốn rừng sâu thăm thẳm ấy
Mọi loài hoa tỏa ngát hương thơm.
75. Không có một ai giữa thế nhân,
Còn thân thiết đối với ta hơn,
Vì đây quả thật là chân chánh,
Mong chất độc trong máu thoát dần.
76. Trong khi thương xót họ thay phiên,
Chứng thực trang nghiêm, họ phát nguyền,
Kìa thấy Sà-ma vùng đứng dậy,
Xinh tươi, cường tráng, thật hồn nhiên.
Thế là bậc Đại Sĩ đã phục hồi khỏi vết trọng
thương, cha mẹ ngài lại phục hồi thị giác, bình minh cũng vừa xuất hiện. Các
phép lạ ấy xảy ra cùng một lúc tại chốn am tranh nhờ thần lực của tiên nữ. Đôi
cha mẹ vui mừng không sao kể xiết khi thấy mình sáng mắt ra và con trai họ đã
phục sinh . Lúc ấy Sà-ma ngâm kệ này:
77. Con chính Sà-ma được vạn an,
Nhìn con trước mặt, hãy hân hoan,
Hãy lau khô hết đôi dòng lệ,
Và đón chào con, hạnh phúc tràn.
78. Vạn tuế, cầu mong bậc Đại vương,
Phước phần phục vụ lệnh ngài luôn,
Ngài là chúa tể thần dân đó,
Ước nguyện gì xin hãy tỏ tường.
79. Tin-duk, pi-yal, ma-dhuk tươi,
Trái cây quý hiếm nhất, xin mời,
Dâng lên thượng khách, ngon như mật.
Ngài ngự dùng cho thỏa ý ngài
80. Nước mắt đây từ dưới động sâu
Ẩn mình trên một ngọn đồi cao,
Suối trong làm dịu ngay cơn khát,
Ngài ngự dùng cho thỏa khát khao.
Vua nhìn cảnh tượng kỳ dịu này liền nói to:
81. Ta lạ lùng kinh ngạc biết bao,
Ta không thể nói hướng phương nào,
Một giờ trước thấy chàng nằm chết,
Nay sống dậy đây thật nhiệm mầu!
Sà-ma nghĩ thầm: "Vua tưởng ta đã chết,
vậy ta phải giải thích rõ là ta vẫn còn sống" và ngài nói:
82. Một người đầy đủ các công năng,
Tình cảm, tâm tư chẳng thoát thân,
Vì bất tỉnh là ngưng hoạt động,
Người ngoài tưởng kẻ ấy từ trần.
Rồi muốn cho hiểu rõ ý nghĩa thật sự của
chuyện này, ngài ngâm kệ thuyết pháp:
83. Các thế nhân theo Pháp chánh chân,
Chăm nuôi cha mẹ lúc gian truân,
Chư thiên nhìn thấy lòng con hiếu,
Và đến chữa lành các bệnh luôn.
84. Các thế nhân theo Pháp chánh chân,
Chăm nuôi cha mẹ lúc gian truân,
Chư thiên thế giới này ca tụng,
Đời kế cõi thiên hưởng phước phần.
Vua nghe vậy nghĩ thầm: "Thật kỳ diệu
thay, ngay cả các thiên thần cũng xuống trần chữa lành bệnh cho người phụng thờ
cha mẹ, khi kẻ này bị bệnh hoạn, chàng Sà-ma này thật vinh quang vượt bậc".
Rồi vua ngâm kệ:
85. Ta lạ lùng kinh ngạc biết bao,
Ta không thể thấy hướng phương nào,
Sà-ma, ta đến nhờ chàng giúp,
Chàng chính là nơi ta trú vào.
Lúc ấy bậc Đại Sĩ nói:
- Tâu Đại vương, nếu Đại vương muốn lên
thiên giới và hưởng an lạc ở đó, thì Đại vương phải thực hành Mười phận sự như
sau:
Rồi ngài ngâm kệ về vấn đề này:
86. Trước tiên là đối với song thân,
Ngài phải làm tròn phận sự luôn,
Phận sự hoàn thành trên cõi đất,
Sẽ đưa ngài đến cõi Thiên nhân.
87. Đối với vương phi, với các con,
Phải làm tròn phận sự, Quân vương,
Phận sự hoàn thành trên cõi đất,
Sẽ đưa ngài đến cõi Thiên nhân.
88. Với thân bằng và các triều thần,
Binh sĩ trong tất cả đạo quân,
Với các thôn làng và thị trấn,
Giang sơn ngài với mọi tùy tùng.
89. Với người thanh tịnh, Bà-la-môn,
Ẩn sĩ, thú, chim, hỡi Chúa công,
Phận sự hoàn thành trên cõi đất,
Sẽ đưa ngài đến cõi thiên thần.
90. Phận sự tròn đem lại phước ân,
Phạm thiên, Đế Thích, các thiên thần,
Nhờ làm phận sự đầy an lạc,
Vậy phải hoàn thành phận thế nhân.
Sau khi thuyết giảng Thập vương pháp cho vua
xong, bậc Đại sĩ còn thuyết giảng thêm nhiều pháp nữa và dạy vua giữ Năm giới.
Vua cuối đầu tín thọ lời thuyết giảng và sau khi cung kính từ tạ ra về, liền trở
lại Ba-la-nại thực hành đại bố thí cùng nhiều công đức khác, rồi đi theo nghiệp
của mình cùng với triều thần gia nhập hội chúng thiên giới. Còn Bồ-tát cùng với
cha mẹ ngài đều đạt các Thắng trí và nhiều cấp độ Thiền chứng khác nhau, rồi đi
lên cõi Phạm thiên.
Sau khi thuyết giảng xong, bậc Đạo Sư bảo:
- Này các Tỷ-kheo, người hiền phụng dưỡng cha mẹ là một
phong tục tối cổ.
Rồi ngài tuyên thuyết các Sự Thật (sau đó vị
Tỷ-kheo đắc quả Dự-Lưu) và nhận diện tiền
thân:
- Vào thời ấy, vua là Ànanda (A-nan), nữ thần
là Uppalavannà (Liên Hoa Sắc), Thiên chủ Sakka là Anuruddha (A-na-luật-đà), người
cha là Kassapa (Ca-diếp), người mẹ là Bhaddakàpilàni và Sàma chính là Ta.
Xem tiếp Chuyện 541 – Quay về Mục lục Tiểu Bộ Kinh (Tập 10)
0 Comments